Mục 6: Bí tích Truyền Chức Thánh (1536-1600)
1536860
Truyền Chức Thánh là bí tích qua đó, sứ vụ Đức Kitô đã ủy thác cho các Tông Đồ của Người được tiếp tục thực thi trong Hội Thánh cho đến tận thế: vì vậy, đây là bí tích của thừa tác vụ Tông Đồ. Bí tích này gồm ba cấp bậc: chức Giám mục, chức linh mục và chức phó tế.
(Về việc Đức Kitô thiết lập và trao ban thừa tác vụ Tông Đồ, xem các số 874-896. Ở đây, chỉ bàn về đời sống bí tích qua đó, thừa tác vụ này được lưu truyền).
I. Tại sao gọi là “Sacramentum ordinis” (Bí tích Truyền Chức Thánh)? (1537-1538)
1537922 / 923 / 1631
Vào thời cổ Rôma, người ta dùng từ Ordo để chỉ những tập thể dân sự, nhất là tập thể của những người lãnh đạo. Ordinatio chỉ việc đón nhận vào một tập thể (ordo) nào đó. Trong Hội Thánh có những tập thể như vậy mà truyền thống, dựa trên cơ sở Thánh Kinh,4 ngay từ xưa gọi là taxeis (tiếng Hy Lạp) hay ordines (tiếng Latinh, nghĩa là hàng, bậc). Chẳng hạn, Phụng vụ nói đến hàng Giám mục (ordo episcoporum), hàng linh mục (ordo presbyterorum), hàng phó tế (ordo diaconorum). Nhiều nhóm khác cũng được gọi là ordo: các dự tòng, các trinh nữ, các đôi phối ngẫu, các bà góa...
1538875 / 699
Việc đón nhận vào một trong những tập thể đó của Hội Thánh thường được diễn ra bằng một nghi thức, gọi là ordinatio, qua một hành vi tôn giáo và phụng vụ: đó có thể là một sự thánh hiến, một sự chúc lành hay một bí tích. Ngày nay, từ ordinatio (truyền chức) dành riêng cho việc cử hành bí tích để đón nhận một người vào hàng Giám mục, linh mục và phó tế; việc truyền chức này hơn hẳn việc đơn thuần bầu cử, chỉ định, ủy nhiệm hay thiết lập bởi cộng đoàn, bởi vì việc truyền chức ban hồng ân Chúa Thánh Thần, cho phép thực thi một quyền thánh chức,5 quyền này chỉ có thể xuất phát từ chính Đức Kitô, qua Hội Thánh của Người. Việc truyền chức (ordinatio) cũng được gọi là sự thánh hiến (consecratio), bởi vì đây là một sự tách riêng ra và giao nhiệm vụ bởi chính Đức Kitô để phục vụ Hội Thánh Người. Việc đặt tay của Giám mục cùng với lời nguyện thánh hiến, làm thành dấu chỉ hữu hình của sự thánh hiến này.
II. Bí tích Truyền Chức Thánh trong Nhiệm cục cứu độ (1539-1553)
Chức tư tế của Giao Ước Cũ (1539-1543)
1539
Dân Chúa chọn được Thiên Chúa thiết lập như một “vương quốc tư tế, một dân thánh” (Xh 19,6).6 Nhưng giữa dân Ítraen, Thiên Chúa lại chọn một trong mười hai chi tộc, đó là chi tộc Lêvi, được đặt riêng ra để lo công tác phụng vụ;7 chính Thiên Chúa là phần gia nghiệp của chi tộc này.8 Một nghi thức riêng biệt đã thánh hiến các tư tế đầu tiên của Giao Ước Cũ.9 Họ “được đặt lên vì loài người trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội.”10
15402099
Chức tư tế này được thiết lập để rao giảng lời Thiên Chúa11 và tái lập sự hiệp thông với Thiên Chúa bằng các hy lễ và lời cầu nguyện, nhưng nó vẫn không có khả năng thực hiện ơn cứu độ, nên tuy lặp lại không ngừng việc dâng các hy lễ, nó vẫn không đạt được sự thánh hóa vĩnh viễn;12 điều mà chỉ có hy tế của Đức Kitô mới thực hiện được.
1541
Tuy nhiên, phụng vụ của Hội Thánh vẫn nhận ra trong chức tư tế của ông Aharon và việc phục vụ của các thầy Lêvi, cũng như việc thiết lập nhóm bảy mươi “Kỳ mục”,13 những hình ảnh báo trước cho thừa tác vụ có chức thánh của Giao Ước Mới. Trong nghi lễ Latinh, Hội Thánh cầu xin trong lời nguyện thánh hiến để truyền chức Giám mục như sau:
“Lạy Cha là Thiên Chúa và là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con,... Cha đã dùng lời ân sủng mà ban bố các quy tắc trong Hội Thánh.
Từ nguyên thủy, Cha đã tiền định cho dòng dõi những người công chính phát xuất từ tổ phụ Ápraham. Cha đã thiết lập những vị thủ lãnh và tư tế, và không để thánh điện Cha thiếu người phục vụ...”14
1542
Khi truyền chức linh mục, Hội Thánh cầu nguyện:
“Lạy Chúa là Cha chí thánh,... ngay ở thời Cựu Ước xa xưa đã phát sinh những chức vụ được thiết lập qua các nhiệm tích: vì khi Cha đặt ông Môsê và ông Aharon cai trị và thánh hóa dân chúng, Cha đã chọn những người có phẩm hàm và địa vị thấp hơn để giúp đỡ tập thể và công việc của các ông.
Vì vậy, trong hoang địa, Cha đã phân phát thần trí của ông Môsê cho bảy mươi người có trí thông minh... Cũng vậy, Cha đã thông ban sự sung mãn của ông Aharon cho con cháu ông.”15
1543
Và trong lời nguyện thánh hiến để truyền chức Phó Tế, Hội Thánh tuyên xưng:
“Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng,... Cha ban cho Thân Thể ấy (là Hội Thánh của Cha) tăng trưởng và triển nở thành Đền Thờ mới mẻ rộng lớn. Bằng các nhiệm vụ thánh, Cha thiết lập ba cấp thừa tác viên phục vụ Danh Cha, như Cha đã chọn con cháu ông Lêvi từ thuở đầu, để chu toàn thừa tác vụ nơi đền thánh cũ.”16
Chức tư tế duy nhất của Đức Kitô (1544-1545)
1544874
Tất cả hình ảnh của Giao Ước Cũ báo trước về chức tư tế đã được hoàn tất nơi Đức Kitô Giêsu, “Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người” (1 Tm 2,5). Ông Menkixêđê, “tư tế của Thiên Chúa tối cao” (St 14,18), được truyền thống Kitô Giáo xem như hình ảnh báo trước chức tư tế của Đức Kitô, Đấng duy nhất là “Thượng tế theo phẩm trật Menkixêđê” (Dt 5,10; 6,20), “thánh thiện, vẹn toàn, vô tội” (Dt 7,26), “Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hóa được nên hoàn hảo” (Dt 10,14), nghĩa là Người chỉ dâng một hy lễ thập giá.
15451367 / 662
Hy lễ cứu chuộc của Đức Kitô là duy nhất, được thực hiện một lần cho mãi mãi. Tuy nhiên, hy lễ này hiện diện trong hy lễ Thánh Thể của Hội Thánh. Cũng có thể nói y như vậy về chức tư tế duy nhất của Đức Kitô: chức tư tế của Người hiện diện nhờ chức tư tế thừa tác mà tính duy nhất của chức tư tế của Đức Kitô không bị suy giảm: “Thật vậy, Đức Kitô là vị Tư tế đích thực duy nhất, còn những người khác chỉ là thừa tác viên của Người.”17
Hai cách tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô (1546-1547)
15461268
Đức Kitô, là thượng tế và trung gian duy nhất, đã làm cho Hội Thánh thành vương quốc tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người.18 Như vậy, toàn thể cộng đoàn các tín hữu là tư tế. Các tín hữu thực thi chức tư tế do Phép Rửa qua việc họ tham dự, mỗi người theo ơn gọi riêng của mình, vào sứ vụ của Đức Kitô là Tư tế, Tiên tri và Vương đế. Nhờ các bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, các tín hữu “được thánh hiến để trở nên... một hàng tư tế thánh.”19
15471142 / 1120
Chức tư tế thừa tác hay phẩm trật của các Giám mục và linh mục và chức tư tế cộng đồng của tất cả các tín hữu, “mỗi chức theo cách của mình, tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô”;20 tuy khác nhau về bản chất, nhưng “cả hai tùy thuộc lẫn nhau.”21 Theo nghĩa nào? Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu được thực hiện qua việc làm tăng trưởng ân sủng Phép Rửa, đời sống tin cậy mến, đời sống theo Chúa Thánh Thần; còn chức tư tế thừa tác là để phục vụ chức tư tế cộng đồng, giúp làm tăng trưởng ân sủng Phép Rửa của mọi Kitô hữu. Đó là một trong những phương tiện Đức Kitô không ngừng sử dụng để xây dựng và dẫn dắt Hội Thánh Người. Vì vậy mà chức tư tế thừa tác được trao ban qua một bí tích riêng, là bí tích Truyền Chức Thánh.
Trong cương vị Đức Kitô là Đầu... (1548-1551)
1548875 / 792
Chính Đức Kitô hiện diện với Hội Thánh Người trong việc phục vụ của các thừa tác viên có chức thánh; Người hiện diện với tư cách là Đầu của thân thể Người, là Mục Tử của đoàn chiên của Người, là Thượng Tế của hy lễ cứu chuộc, là Thầy dạy chân lý. Đó là điều Hội Thánh muốn diễn tả khi xác quyết rằng vị tư tế, nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, hành động trong cương vị Đức Kitô là Đầu (in persona Christi Capitis):22
“Cùng một vị Tư Tế là chính Đức Kitô Giêsu, còn thừa tác viên của Người thật ra đảm nhận cương vị thánh thiêng của Người. Bởi vì vị này, nhờ sự thánh hiến linh mục mà ông đã lãnh nhận, ông được đồng hóa với Vị Thượng Tế, và ông được quyền hành động với quyền năng và cương vị của chính Đức Kitô (virtute ac persona ipsius Christi).”23
“Đức Kitô là nguồn mạch mọi chức tư tế: vì vị tư tế của luật cũ là hình bóng của Người; còn vị tư tế của luật mới hành động trong cương vị của Đức Kitô.”24
15491142
Nhờ thừa tác vụ thánh chức, nhất là của các Giám mục và linh mục, sự hiện diện của Đức Kitô với tư cách là Đầu Hội Thánh, trở nên hữu hình giữa cộng đoàn tín hữu.25 Theo kiểu nói rất hay của thánh Inhaxiô Antiôkhia, Giám mục là typos tou Patros, như là hình ảnh sống động của Chúa Cha.26
1550896 / 1128 / 1584
Sự hiện diện như vậy của Đức Kitô trong thừa tác viên không được hiểu là vị này đã được gìn giữ khỏi mọi yếu đuối của con người, khỏi tinh thần thống trị, khỏi sai lầm và khỏi cả tội lỗi. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần không bảo đảm cho tất cả các hành vi của thừa tác viên bằng cùng một cách thức. Khi thừa tác viên cử hành các bí tích, thì điều bảo đảm này được trao ban, nên thậm chí tội lỗi của thừa tác viên cũng không thể ngăn cản hiệu quả của ân sủng; còn trong nhiều hành vi khác, dấu ấn con người của thừa tác viên để lại những vết tích, không phải luôn luôn là dấu chỉ của sự trung thành với Tin Mừng và vì vậy, những hành vi đó có thể làm phương hại đến sự sinh hoa kết quả trong việc tông đồ của Hội Thánh.
1551876 / 1538 / 608
Chức tư tế này là chức tư tế thừa tác. “Nhiệm vụ đó, được Chúa trao phó cho các mục tử của dân Người, thật sự là một việc phục vụ.”27 Nó hoàn toàn hướng tới Đức Kitô và hướng tới con người. Chức tư tế thừa tác hoàn toàn lệ thuộc vào Đức Kitô và vào chức tư tế duy nhất của Người, và được thiết lập vì con người và cộng đoàn Hội Thánh. Bí tích Truyền Chức Thánh thông ban “quyền thánh chức”, không là gì khác hơn là quyền năng thánh thiêng của Đức Kitô. Vì vậy, việc thực thi quyền này phải rập theo mẫu gương của Đức Kitô, Đấng vì yêu thương đã trở nên người rốt hết và là tôi tớ của mọi người.28 “Chúa đã tuyên bố rõ ràng rằng việc chăm sóc đoàn chiên là bằng chứng tình yêu đối với Người.”29
... “nhân danh toàn thể Hội Thánh” (1552-1553)
1552
Chức tư tế thừa tác không những có nhiệm vụ đại diện cho Đức Kitô, Đấng là Đầu Hội Thánh, trước cộng đoàn tín hữu, mà còn hành động nhân danh toàn thể Hội Thánh, khi dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của Hội Thánh,30 và nhất là khi dâng Hy lễ Thánh Thể.31
1553795
“Nhân danh toàn thể Hội Thánh” không có nghĩa là các tư tế là những đại biểu của cộng đoàn. Lời cầu nguyện và lễ vật của Hội Thánh không thể tách rời khỏi lời cầu nguyện và lễ vật của Đức Kitô, Đấng là Đầu Hội Thánh. Đây luôn luôn là việc phụng tự của Đức Kitô trong và nhờ Hội Thánh Người. Toàn thể Hội Thánh, là Thân Thể Đức Kitô, cầu nguyện và dâng mình cho Chúa Cha, “chính nhờ Người, với Người và trong Người”, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần. Toàn thân thể, gồm Đầu và các chi thể, cầu nguyện và dâng mình; vì vậy, những ai ở trong thân thể đó, đặc biệt là các thừa tác viên của thân thể đó, được gọi là thừa tác viên không những của Đức Kitô mà còn của Hội Thánh nữa. Bởi vì chức tư tế thừa tác đại diện cho Đức Kitô, nên nó có thể đại diện cho Hội Thánh.
III. Ba bậc của bí tích Truyền Chức Thánh (1554-1571)
15541536 / 1538
“Thừa tác vụ trong Hội Thánh, do Chúa thiết lập, được thực thi trong những cấp bậc khác nhau do những người, mà từ thời xa xưa, đã được gọi là Giám mục, linh mục và phó tế.”32 Giáo lý Công Giáo, được diễn tả trong phụng vụ, trong Huấn Quyền và trong cách thực hành không thay đổi của Hội Thánh, thừa nhận có hai cấp bậc tham dự theo thừa tác vụ vào chức tư tế của Đức Kitô: đó là hàng Giám mục và hàng linh mục. Hàng phó tế có nhiệm vụ giúp đỡ và phục vụ các vị trên. Vì thế, từ tư tế (sacerdos), theo cách sử dụng hiện nay, dùng để chỉ các Giám mục và các linh mục, nhưng không chỉ các phó tế. Tuy nhiên, giáo lý Công Giáo dạy rằng những cấp bậc tham dự vào chức tư tế (Giám mục và linh mục) và cấp bậc phục vụ (phó tế), cả ba đều được trao ban qua một hành vi bí tích được gọi là “ordinatio”, nghĩa là qua bí tích Truyền Chức Thánh: “Chớ gì mọi người tôn trọng các phó tế như Chúa Giêsu Kitô, tôn trọng Giám mục như hình ảnh của Chúa Cha và tôn trọng các linh mục như nghị viên của Thiên Chúa và như công hội các Tông Đồ: không có những vị này, không thể nói về Hội Thánh.”33
Truyền chức Giám mục - Sự viên mãn của bí tích Truyền Chức Thánh (1555-1561)
1555861
“Trong số các thừa tác vụ khác nhau được thực thi trong Hội Thánh từ buổi sơ khai, thì theo chứng từ của Truyền Thống, vị trí chủ yếu thuộc về phận vụ của những người, được thiết đặt trong hàng Giám mục, qua sự kế nhiệm liên tục từ ban đầu, là những người có những mầm mống hạt giống Tông Đồ.”34
1556862
Để hoàn thành sứ vụ cao cả của mình, “các Tông Đồ được Đức Kitô đổ tràn đầy Chúa Thánh Thần cách đặc biệt, và chính các Tông Đồ trao ban hồng ân thiêng liêng cho các cộng sự viên của mình qua việc đặt tay, điều đó được lưu truyền cho đến chúng ta trong việc thánh hiến Giám mục.”35
1557
Công đồng Vaticanô II dạy: “Việc thánh hiến Giám mục mang lại sự viên mãn của bí tích Truyền Chức Thánh, mà tập tục phụng vụ của Hội Thánh và các Thánh Giáo phụ gọi là chức tư tế tối cao, là tột đỉnh của thừa tác vụ thánh.”36
1558895 / 1121
“Việc thánh hiến Giám mục, cùng với nhiệm vụ thánh hóa, cũng trao ban nhiệm vụ giảng dạy và cai quản... Rõ ràng là nhờ việc đặt tay và nhờ các lời thánh hiến, ân sủng của Chúa Thánh Thần được truyền thông và ấn tín thánh thiêng được in ấn, đến độ các Giám mục, một cách trổi vượt và có thể thấy được, đảm nhận các vai trò của chính Đức Kitô là Thầy, Mục tử và Thượng tế, và hành động trong cương vị của Người (in Eius persona agant).”37 “Nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng được ban cho các Giám mục, các ngài trở thành những Thầy dạy đức tin, Thượng tế, và Mục tử thật sự và đích thực.”38
1559877 / 882
“Một vị nào đó được thiết đặt làm thành viên của Giám mục đoàn, nhờ việc thánh hiến của bí tích và nhờ sự hiệp thông phẩm trật với vị thủ lãnh và các thành viên của Giám mục đoàn.”39 Đặc tính và bản chất cộng đoàn của hàng Giám mục được biểu lộ bằng nhiều cách, trong đó có một thực hành từ xa xưa của Hội Thánh, là muốn có nhiều Giám mục tham dự việc thánh hiến một tân Giám mục.40 Để truyền chức hợp pháp một Giám mục, ngày nay phải có sự can thiệp đặc biệt của Giám mục Rôma, vì ngài là dây liên kết hữu hình tối cao của sự hiệp thông các Giáo Hội địa phương trong một Hội Thánh duy nhất, và là người bảo đảm cho sự tự do của các Giáo Hội đó.
1560833 / 886
Mỗi Giám mục, với tư cách là vị đại diện của Đức Kitô, có trách nhiệm mục vụ trong Giáo Hội địa phương đã được trao phó cho ngài, nhưng đồng thời, một cách tập đoàn với mọi anh em của ngài trong hàng Giám mục, ngài quan tâm đến tất cả các Giáo Hội: “Dù mỗi Giám mục là mục tử thánh thiêng của phần đoàn chiên được trao phó cho ngài, nhưng vì là người kế nhiệm hợp pháp của các Tông Đồ do Chúa thiết lập và truyền lệnh, nên ngài phải là người bảo đảm cho nhiệm vụ tông đồ của Hội Thánh cùng với các Giám mục khác.”41
15611369
Những điều trên đây giải thích tại sao bí tích Thánh Thể do một Giám mục cử hành lại có một ý nghĩa hết sức đặc biệt, xét như sự diễn tả một Hội Thánh quy tụ quanh bàn thờ, dưới sự chủ tọa của vị đại diện hữu hình của Đức Kitô, là Mục tử nhân lành và là Đầu của Hội Thánh Người.42
Truyền chức linh mục - cộng sự viên của Giám mục (1562-1568)
1562
“Đức Kitô, Đấng Chúa Cha đã thánh hóa và sai vào trần gian, qua các Tông Đồ của Người, đã làm cho các vị kế nhiệm các ngài, nghĩa là các Giám mục, được tham dự vào việc thánh hiến và vào sứ vụ của Người. Các Giám mục lại giao trách nhiệm thừa tác vụ của mình một cách hợp pháp cho nhiều người dưới quyền trong Hội Thánh, theo cấp bậc khác nhau.”43 “Trách nhiệm thừa tác vụ của các Giám mục được trao cho các linh mục, ở cấp bậc phụ thuộc, để một khi đã được thiết đặt vào hàng linh mục, các vị này là những cộng tác viên của hàng Giám mục hầu chu toàn cách thích đáng sứ vụ tông đồ đã được Đức Kitô trao phó.”44
15631121
“Chức vụ của các linh mục, vì được liên kết với hàng Giám mục, nên được tham dự vào quyền bính mà chính Đức Kitô đã dùng để xây dựng, thánh hóa và cai quản Thân Thể Người. Vì vậy, chức tư tế của các linh mục, tuy đòi phải có các bí tích khai tâm Kitô Giáo, nhưng còn được trao ban bằng một bí tích riêng, nhờ đó các linh mục được ghi dấu bằng một ấn tín đặc biệt, qua việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần, và như vậy, các vị này nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Tư Tế, đến nỗi có thể hành động trong cương vị của Đức Kitô là Đầu.”45
1564611
“Tuy không có quyền cao nhất của chức thượng tế và tùy thuộc các Giám mục trong khi thực thi năng quyền của mình, các linh mục vẫn được liên kết với các Giám mục trong danh dự tư tế, và nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, các linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Đức Kitô, vị Thượng Tế vĩnh cửu,46 để rao giảng Tin Mừng, hướng dẫn các tín hữu, và cử hành việc phụng tự thần linh với tư cách là những tư tế đích thực của Giao Ước Mới.”47
1565849
Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, các tư tế tham dự vào tính phổ quát của sứ vụ được Đức Kitô trao phó cho các Tông Đồ. Hồng ân thiêng liêng các ngài nhận lãnh trong việc truyền chức, chuẩn bị các ngài, không phải cho một sứ vụ giới hạn và thu hẹp, nhưng cho sứ vụ cứu độ rất rộng lớn có tính phổ quát, “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8),48 đến độ các ngài “sẵn sàng đi rao giảng Tin Mừng ở bất cứ nơi nào.”49
15661369 / 611
“Các ngài thực thi nhiệm vụ thánh thiêng của mình cách tuyệt hảo nhất trong phụng tự Thánh Thể, qua đó, khi hành động trong cương vị Đức Kitô và công bố mầu nhiệm của Người, các ngài kết hợp lễ dâng của các tín hữu với hy lễ của Đấng là Đầu của họ, và trong Hy tế Thánh lễ, cho tới khi Chúa đến, các ngài hiện tại hóa và áp dụng hy lễ duy nhất của Giao Ước Mới, là hy lễ của Đức Kitô, Đấng đã tự hiến làm lễ vật tinh tuyền dâng lên Chúa Cha một lần cho mãi mãi.”50 Toàn bộ thừa tác vụ tư tế của các ngài múc được sức mạnh từ hy lễ duy nhất này.51
15671462 / 2179
“Là cộng sự viên biết lo xa, là phụ tá và là dụng cụ của hàng Giám mục, được kêu gọi để phục vụ dân Thiên Chúa, các linh mục cùng với Giám mục của mình tạo thành linh mục đoàn (presbyterium) duy nhất, tuy đảm nhận những chức vụ khác nhau. Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, một cách nào đó các linh mục là hiện thân của Giám mục, mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại, các ngài lãnh nhận một phần các nhiệm vụ và sự quan tâm của Giám mục, và thực thi phần việc ấy bằng sự chăm sóc hằng ngày.”52 Các linh mục không thể thực thi nhiệm vụ của mình nếu không tùy thuộc vào Giám mục và hiệp thông với ngài. Lời hứa vâng phục Giám mục khi chịu chức và cái hôn bình an của Giám mục vào cuối phụng vụ truyền chức, cho thấy Giám mục nhận các linh mục như cộng sự viên, như con cái, như anh em, như bạn hữu của mình, và phần các linh mục, phải yêu mến và vâng phục Giám mục.
15681537
“Tất cả các linh mục, được thiết đặt vào hàng linh mục nhờ việc truyền chức, liên kết mật thiết với nhau bằng tình huynh đệ do bí tích; nhưng cách đặc biệt trong một giáo phận, nơi các ngài được chỉ định phục vụ dưới quyền một Giám mục riêng, các ngài hợp thành một linh mục đoàn duy nhất.”53 Tính duy nhất của linh mục đoàn được biểu lộ qua một tập tục phụng vụ, đó là trong nghi thức truyền chức linh mục, sau Giám mục, chính các linh mục cũng đặt tay [lên đầu vị tiến chức].
Truyền chức Phó tế - “để phục vụ” (1569-1571)
1569
“Ở bậc thấp hơn của phẩm trật, có các phó tế, những người được đặt tay, không phải để lãnh nhận chức tư tế, nhưng là để phục vụ.”54 Khi truyền chức phó tế, chỉ một mình Giám mục đặt tay; điều này cho thấy phó tế được liên kết đặc biệt với Giám mục trong các trách nhiệm “phục vụ”55 của ngài.
15701121
Các phó tế tham dự vào sứ vụ và ân sủng của Đức Kitô56 một cách đặc biệt. Bí tích Truyền Chức Thánh ghi cho họ một ấn tín không thể tẩy xóa, và làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng trở thành “người phục vụ”, nghĩa là tôi tớ của mọi người.57 Ngoài các nhiệm vụ khác, phần việc của các phó tế là phụ giúp Giám mục và các linh mục trong việc cử hành các mầu nhiệm thần linh, nhất là mầu nhiệm Thánh Thể, trao Mình Thánh Chúa, chứng kiến và chúc lành cho bí tích Hôn Phối, công bố và giảng Tin Mừng, chủ sự lễ nghi an táng và dấn thân vào các việc phục vụ bác ái.58
15711579
Sau Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội Latinh tái lập chức phó tế “xét như một bậc riêng và vĩnh viễn của phẩm trật”,59 trong khi các Giáo Hội Đông phương vẫn duy trì chức vụ này từ xưa. Chức phó tế vĩnh viễn này, có thể được ban cho những người nam đã lập gia đình, làm phong phú cho Hội Thánh trong vấn đề sứ vụ. Quả vậy, thật là thích hợp và hữu ích, khi có những người chu toàn thừa tác vụ phó tế trong Hội Thánh cả trong đời sống phụng vụ và mục vụ cả trong các công tác xã hội và bác ái, “nhờ việc đặt tay đã được các Tông Đồ truyền lại, họ được nên vững mạnh và được kết hợp mật thiết hơn với bàn thánh, để chu toàn thừa tác vụ của mình một cách hữu hiệu hơn nhờ ân sủng bí tích của chức phó tế.60
IV. Việc cử hành bí tích Truyền Chức Thánh (1572-1574)
1572
Việc cử hành truyền chức cho Giám mục, linh mục hay phó tế, vì tầm quan trọng của việc đó đối với đời sống Giáo Hội địa phương, nên có các tín hữu tham dự đông đảo bao nhiêu có thể. Tốt nhất là cử hành vào ngày Chúa Nhật và tại nhà thờ Chánh Tòa với sự long trọng tùy theo hoàn cảnh. Cả ba lễ truyền chức, Giám mục, linh mục và phó tế, đều theo cùng một diễn tiến. Việc truyền chức được cử hành trong Thánh lễ.
1573699 / 1585
Nghi thức chính yếu của bí tích Truyền Chức Thánh, cho cả ba bậc, gồm việc Giám mục đặt tay trên đầu vị thụ phong, cùng với lời nguyện thánh hiến, khẩn cầu Thiên Chúa tuôn đổ Chúa Thánh Thần và những hồng ân của Ngài, phù hợp với thừa tác vụ mà ứng viên được truyền chức.61
15741294 / 796
Cũng như trong các bí tích khác, nghi thức truyền chức có kèm theo một số nghi thức phụ. Tuy rất khác biệt trong những truyền thống phụng vụ khác nhau, nhưng cách chung, các nghi thức phụ này đều diễn tả nhiều khía cạnh của ân sủng bí tích. Trong nghi lễ Latinh, có những nghi thức khởi đầu gồm: việc giới thiệu và tuyển chọn tiến chức, huấn dụ của Giám mục, khảo hạch tiến chức, kinh cầu các Thánh; những nghi thức này xác nhận ứng viên được tuyển chọn đúng theo cách làm của Hội Thánh, và chuẩn bị cho hành vi long trọng là việc thánh hiến. Sau nghi thức truyền chức, còn có những nghi thức kèm theo để diễn tả và thực hiện cách biểu tượng mầu nhiệm vừa cử hành: đối với tân Giám mục và tân linh mục có việc xức dầu thánh, là dấu chỉ của việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần cách đặc biệt làm cho thừa tác vụ của các ngài được sinh hoa kết quả; việc trao cho tân Giám mục sách Tin Mừng, nhẫn, mũ và gậy như dấu chỉ cho sứ vụ tông đồ của ngài là rao giảng Lời Chúa, sự trung thành của ngài đối với Hội Thánh là Hiền Thê của Đức Kitô, và nhiệm vụ của ngài là mục tử của đoàn chiên của Chúa; việc trao cho tân linh mục dĩa và chén thánh, là dấu chỉ của lễ vật của dân thánh62 mà tân linh mục được kêu gọi để dâng lên Thiên Chúa; việc trao sách Tin Mừng cho tân phó tế là người đã lãnh nhận sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô.
V. Ai có thể ban bí tích này? (1575-1576)
1575857
Đức Kitô đã tuyển chọn các Tông Đồ và cho họ tham dự vào sứ vụ và quyền bính của Người. Khi lên ngự bên hữu Chúa Cha, Người không bỏ rơi đoàn chiên của Người, nhưng nhờ các Tông Đồ, Người gìn giữ đoàn chiên dưới sự bảo vệ không ngừng của Người, và vẫn đang hướng dẫn đoàn chiên đó nhờ các mục tử, những người ngày nay đang tiếp nối công trình của Người.63 Vì vậy, Đức Kitô “ban cho” người này làm Tông Đồ, người khác làm mục tử.64 Chính Người tiếp tục hành động qua các Giám mục.65
15761536
Bởi vì bí tích Truyền Chức Thánh là bí tích của thừa tác vụ Tông Đồ, nên việc truyền thông “hồng ân thiêng liêng”66 và “hạt giống Tông Đồ”67 thuộc về các Giám mục, với tư cách là những vị kế nhiệm các Tông Đồ. Các Giám mục đã được truyền chức cách thành sự, nghĩa là những vị ở trong chuỗi kế nhiệm Tông Đồ, trao ban cách thành sự cả ba cấp bậc của bí tích Truyền Chức Thánh.68
VI. Ai có thể lãnh nhận bí tích này? (1577-1580)
1577551 / 861 / 862
“Chỉ người nam (vir) đã được Rửa Tội mới lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh cách thành sự.”69 Chúa Giêsu đã tuyển chọn những người nam (viri) để thành lập nhóm Mười Hai Tông Đồ,70 và các Tông Đồ cũng làm như vậy khi tuyển chọn các cộng sự viên,71 những người kế nhiệm các ngài trong nhiệm vụ của các ngài.72 Giám mục đoàn, cùng với các linh mục được liên kết với các ngài trong chức tư tế, làm cho Nhóm Mười Hai hiện diện và tác động trong hiện tại, cho tới khi Chúa lại đến. Hội Thánh biết mình bị ràng buộc với sự chọn lựa này của Chúa. Do đó, không thể có việc truyền chức cho các người nữ.73
15782121
Không ai có quyền đòi hỏi để lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh. Thật vậy, không ai được tự nhận lấy cho mình nhiệm vụ này. Phải được Thiên Chúa kêu gọi lãnh nhiệm vụ đó.74 Ai nghĩ mình nhận ra những dấu chỉ ơn gọi của Thiên Chúa để lãnh nhận thừa tác vụ thánh, phải khiêm tốn trình bày nguyện vọng của mình lên thẩm quyền của Hội Thánh. Hội Thánh có trách nhiệm và có quyền gọi một người nào đó lãnh nhận các chức thánh. Cũng như mọi ân sủng, bí tích này chỉ được lãnh nhận với tính cách là một hồng ân nhưng không.
15791618 / 2233
Tất cả các thừa tác viên được truyền chức của Giáo hội Latinh, trừ các phó tế vĩnh viễn, thường được tuyển chọn từ những nam tín hữu, những người đang sống độc thân và muốn giữ mình độc thân “vì Nước Trời” (Mt 19,12). Được kêu gọi tận hiến cho Chúa một cách không chia sẻ, để lo các việc của Ngài,75 họ dấn thân trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho con người. Sự độc thân là dấu chỉ của đời sống mới mà thừa tác viên của Hội Thánh được thánh hiến để phục vụ. Được chấp nhận với tâm hồn vui tươi, sự độc thân loan báo Nước Thiên Chúa một cách rạng rỡ.76
1580
Trong các Giáo Hội Đông phương, đã từ nhiều thế kỷ, có một tập tục khác: các Giám mục chỉ được tuyển chọn trong số những người độc thân, còn những người đã lập gia đình có thể được truyền chức linh mục và phó tế. Thực hành này, đã từ lâu, vẫn được coi là hợp pháp; các linh mục này thực thi thừa tác vụ hữu hiệu trong các cộng đoàn của họ.77 Tuy nhiên, sự độc thân của các linh mục rất được trân trọng trong các Giáo Hội Đông phương và nhiều linh mục đã tự nguyện sống độc thân vì Nước Thiên Chúa. Ở Đông phương cũng như Tây phương, ai đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh, không còn được phép kết hôn.
VII. Những hiệu quả của bí tích Truyền Chức Thánh (1581-1589)
Ấn tín không thể tẩy xóa (1581-1584)
15811548
Bí tích này làm cho người thụ phong nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nhờ ân sủng đặc biệt của Chúa Thánh Thần, để họ trở thành dụng cụ của Đức Kitô hầu phục vụ Hội Thánh Người. Nhờ việc truyền chức, họ nhận được khả năng hành động với tư cách là người đại diện của Đức Kitô, Đấng là Đầu Hội Thánh, trong ba nhiệm vụ của Người là Tư tế, Tiên tri và Vương đế.
15821121
Cũng như trường hợp bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, việc tham dự này vào nhiệm vụ của Đức Kitô được trao ban chỉ một lần cho mãi mãi. Chính bí tích Truyền Chức Thánh cũng in một ấn tín thiêng liêng không thể tẩy xóa nên không thể ban bí tích lại, cũng như không thể ban để thi hành trong một khoảng thời gian giới hạn.78
1583
Người đã lãnh nhận chức thánh cách thành sự, vì những lý do nghiêm trọng, có thể được bãi miễn khỏi những bổn phận và nhiệm vụ gắn liền với việc truyền chức, hay có thể bị cấm thi hành các điều đó,79 nhưng không thể trở về bậc giáo dân theo nghĩa hẹp, bởi vì ấn tín được ghi do việc truyền chức vẫn còn mãi.80 Ơn gọi và sứ vụ đã lãnh nhận trong ngày người đó chịu chức thánh ghi dấu trên người đó một cách trường tồn.
15841128 / 1550
Bởi vì xét cho cùng, chính Đức Kitô là Đấng hành động và thực hiện ơn cứu độ qua thừa tác viên có chức thánh, nên sự bất xứng của vị này không ngăn cản được Đức Kitô hành động.81 Thánh Augustinô đã nói cách mạnh mẽ:
“Quả thật, thừa tác viên nào kiêu căng, thì bị liệt vào hàng ma quỷ; nhưng họ không làm ô nhiễm được hồng ân của Đức Kitô, hồng ân đó chảy qua họ vẫn tinh tuyền, hồng ân đó đi qua họ vẫn trong suốt và đi tới đất đai phì nhiêu... Sức mạnh thiêng liêng của bí tích giống như ánh sáng: những ai cần được soi sáng sẽ nhận được ánh sáng tinh tuyền, và nếu ánh sáng có đi ngang qua những gì dơ bẩn, thì ánh sáng cũng không bị dơ bẩn.”82
Ân sủng của Chúa Thánh Thần (1585-1589)
1585
Ân sủng của Chúa Thánh Thần do bí tích này trao ban là ơn được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là Tư Tế, là Thầy và là Mục Tử, mà người thụ phong được thiết đặt làm thừa tác viên của Người.
15862448 / 1558
Giám mục lãnh nhận trước tiên là ơn can đảm (“Thánh Thần Thủ Lãnh” hoặc Thánh Thần, Đấng thiết đặt các thủ lãnh: lời nguyện tấn phong Giám mục trong nghi lễ Latinh83 ): ơn này giúp ngài hướng dẫn và bảo vệ Hội Thánh của ngài một cách can đảm hơn và khôn ngoan hơn, như một người cha và một mục tử, với một tình yêu vô vị lợi đối với tất cả mọi người và một tình yêu ưu tiên đối với những người nghèo khổ, bệnh tật, và thiếu thốn.84 Ơn này thúc đẩy ngài loan báo Tin Mừng cho mọi người, trở nên mẫu mực cho đoàn chiên của mình, đi tiên phong trên đường thánh thiện khi kết hợp nên một với Đức Kitô, là Tư Tế và là Lễ Vật, trong bí tích Thánh Thể, và không sợ hiến mạng sống vì đoàn chiên của mình:
“Lạy Cha, Đấng hằng thấu suốt các tâm hồn, xin ban ơn cho tôi tớ Cha đây, mà Cha đã chọn vào hàng Giám mục, để ngài hướng dẫn đoàn chiên thánh của Cha, và trình lên Cha chức tư tế cao cả một cách không có gì đáng trách, ngày đêm phục vụ Cha, không ngừng làm nguôi lòng Cha, và hiến dâng những lễ vật của Hội Thánh Cha; nhờ chức tư tế cao cả, xin cho ngài có quyền tha thứ tội lỗi theo lệnh truyền của Cha, phân phối các chức vụ theo mệnh lệnh Cha và tháo cởi mọi ràng buộc theo quyền Cha ban cho các Tông Đồ; xin ban cho ngài làm thỏa lòng Cha bằng sự dịu dàng và tấm lòng trong sạch, dâng lên Cha hương thơm dịu ngọt, nhờ Chúa Giêsu Kitô, Con Cha...”85
15871564
Hồng ân thiêng liêng, được trao ban qua việc truyền chức linh mục, được diễn tả bằng kinh nguyện sau đây của nghi lễ Byzantin. Khi đặt tay, vị Giám mục cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban tràn đầy hồng ân của Thánh Thần Chúa cho người được Chúa thương nâng lên hàng linh mục, để họ xứng đáng đứng trước bàn thờ Chúa một cách không có gì đáng trách, để họ loan báo Tin Mừng của Nước Chúa, công bố Lời chân lý của Chúa, dâng lên Chúa lễ vật và tế phẩm thiêng liêng, và canh tân dân Chúa nhờ sự tẩy rửa tái sinh; để khi gặp Chúa Giêsu Kitô Con Một Chúa, là Thiên Chúa cao cả và là Đấng cứu độ chúng con khi Người ngự đến lần thứ hai, họ được lãnh nhận phần thưởng vì đã chu toàn các công việc do thánh chức của mình, nhờ lòng nhân hậu vô cùng của Chúa.”86
15881569
Các phó tế “được mạnh sức bởi ân sủng bí tích, phục vụ dân Thiên Chúa trong các việc phục vụ phụng vụ, lời Chúa và bác ái, trong sự hiệp thông với Giám mục và hàng linh mục của ngài.”87
1589460 / 1551
Trước sự cao cả của ân sủng và của nhiệm vụ tư tế, các Thánh Tiến sĩ đã cảm nghiệm tiếng gọi khẩn thiết phải hối cải để, trọn cả đời mình, đáp trả lại Đấng dùng bí tích thiết đặt các ngài làm thừa tác viên. Thánh Grêgôriô thành Nazien, khi còn là một linh mục trẻ, đã phát biểu như sau:
“Trước tiên phải thanh luyện mình rồi mới thanh luyện kẻ khác; phải học sự khôn ngoan, rồi mới dạy dỗ sự khôn ngoan cho người khác; phải trở nên ánh sáng, rồi mới chiếu soi người khác; phải đến gần Chúa rồi mới dẫn người khác đến gần Ngài; phải được thánh hóa, rồi mới thánh hóa (người khác); cầm tay dẫn dắt và khuyên bảo cách khôn ngoan.88 Tôi biết, chúng ta là thừa tác viên của Đấng nào, chúng ta ở đâu, và chúng ta hướng về đâu. Tôi biết, Thiên Chúa cao cả như thế nào, sự yếu đuối của con người như thế nào và nó lại được ban quyền năng ra sao.89 [Vậy linh mục là ai? Là] người bảo vệ chân lý, người sẽ đứng với các Thiên thần, sẽ tôn vinh với các Tổng lãnh Thiên thần, sẽ mang hy lễ lên bàn thờ thiên quốc, sẽ chia sẻ chức tư tế với Đức Kitô, sẽ tái tạo vạn vật, sẽ phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi thụ tạo, sẽ là công nhân cho thế giới thiên quốc; và, cho tôi nói điều cao cả hơn nữa, linh mục sẽ là một vị thần và làm cho những người khác nên những vị thần”90 . Cha sở thánh xứ Ars nói: “Linh mục tiếp nối công trình cứu chuộc ở trần gian này.”.. “Nếu ai hiểu rõ linh mục trên trần gian này, người ấy sẽ chết không phải vì sợ hãi, mà vì yêu mến.”.. “Chức linh mục là tình yêu của trái tim Chúa Giêsu.”91
Tóm lược (1590-1600)
1590
Thánh Phaolô nói với môn đệ Timôthêô của mình: “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh” (2 Tm 1,6) và “Ai mong được làm giám quản, người ấy ước muốn một nhiệm vụ cao đẹp” (1 Tm 3,1). Ngài nói với ông Titô: “Tôi đã để anh ở lại đảo Kêta, chính là để anh hoàn thành công việc tổ chức, và đặt những kỳ mục trong mỗi thành như tôi đã truyền cho anh” (Tt 1,5).
1591
Toàn thể Hội Thánh là một dân tư tế. Nhờ bí tích Rửa Tội, mọi tín hữu tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô. Sự tham dự này được gọi là “chức tư tế cộng đồng của các tín hữu.” Trên nền tảng của chức tư tế này và để phục vụ cho chức tư tế này, còn có sự tham dự khác vào sứ vụ của Đức Kitô, đó là chức tư tế thừa tác được trao ban qua bí tích Truyền Chức Thánh; nhiệm vụ của chức tư tế này là phục vụ cộng đoàn, nhân danh và trong cương vị của Đức Kitô là Đầu.
1592
Tự bản chất, chức tư tế thừa tác khác với chức tư tế cộng đồng, vì ban một quyền thánh chức để phục vụ các tín hữu. Các thừa tác viên có chức thánh thực thi sự phục vụ của mình đối với dân Thiên Chúa qua việc giảng dạy (munus docendi), cử hành phụng vụ (munus liturgicum) và hướng dẫn mục vụ (munus regendi).
1593
Từ ban đầu, thừa tác vụ có chức thánh được trao ban và thể hiện theo ba cấp bậc: Giám mục, linh mục và phó tế. Các thừa tác vụ được trao ban qua bí tích Truyền Chức Thánh là không thể thay thế trong cấu trúc hữu cơ của Hội Thánh: không thể nói về Hội Thánh nếu không có Giám mục, linh mục và phó tế.92
1594
Giám mục lãnh nhận cách viên mãn bí tích Truyền Chức Thánh: bí tích này đưa ngài vào Giám mục đoàn và trở thành thủ lãnh hữu hình của Giáo Hội địa phương được ủy thác cho ngài. Với tư cách là người kế nhiệm các Tông Đồ và là thành viên của Giám mục đoàn, các Giám mục tham dự vào trách nhiệm tông đồ và sứ vụ của toàn thể Hội Thánh dưới quyền Đức Giáo Hoàng, Đấng kế nhiệm thánh Phêrô.
1595
Các linh mục liên kết với các Giám mục trong phẩm chức tư tế và tùy thuộc các ngài trong công tác mục vụ. Các linh mục được mời gọi để trở thành cộng sự viên khôn ngoan của các Giám mục, họp thành linh mục đoàn (presbyterium) quanh Giám mục của mình, cùng chia sẻ trách nhiệm với ngài về Giáo Hội địa phương. Các linh mục được Giám mục trao trách nhiệm chăm sóc một cộng đoàn giáo xứ, hay chỉ định một công việc phục vụ Hội Thánh.
1596
Các phó tế là những thừa tác viên được phong chức để đảm nhận những trách nhiệm phục vụ Hội Thánh. Các phó tế không lãnh nhận chức tư tế thừa tác, nhưng việc phong chức trao cho họ những nhiệm vụ quan trọng trong thừa tác vụ rao giảng Lời Chúa, lo việc phụng tự, chăm sóc cộng đoàn và thực thi bác ái. Đó là những nhiệm vụ các vị ấy phải chu toàn dưới quyền mục vụ của Giám mục.
1597
Bí tích Truyền Chức Thánh được trao ban qua việc đặt tay của Giám mục tiếp theo là lời nguyện thánh hiến (truyền chức) trọng thể, cầu xin Chúa ban cho tiến chức những ân sủng của Chúa Thánh Thần, cần thiết cho thừa tác vụ. Bí tích Truyền Chức Thánh ghi dấu ấn tín không thể tẩy xóa.
1598
Hội Thánh chỉ truyền chức cho người nam đã được Rửa Tội, sau khi kiểm tra chắc chắn họ có khả năng thi hành chức vụ được giao. Chỉ có thẩm quyền của Hội Thánh có trách nhiệm và có quyền gọi một người nào đó lãnh nhận chức thánh.
1599
Trong Giáo Hội Latinh, thường chỉ truyền chức linh mục cho các ứng viên tự nguyện sống độc thân và công khai biểu lộ ý muốn này vì yêu mến Nước Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.
1600
Quyền trao ban ba cấp bậc của bí tích Truyền Chức Thánh thuộc về các Giám mục.
Chú thích
4 X. Dt 5,6; 7,11; Tv 110,4.
5 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10: AAS 57 (1965) 14.
6 X. Is 61,6.
7 X. Ds 1,48-53.
8 X. Gs 13,33.
9 X. Xh 29,1-30; Lv.8.
10 X. Dt 5,1.
11 X. Ml 2,7-9.
12 X. Dt 5,3; 7,27; 10,1-4.
13 X. Ds 11,24-25.
14 Pontificale Romanum. De Ordinatione Episcopi, presbyterorum et diaconorum, De Ordinatione Episcopi. Prex ordinationis, 47, editio typica altera (Typis Polyglottis Vaticanis 1990) 24.
15 Pontificale Romanum. De Ordinatione Episcopi, presbyterorum et diaconorum, De Ordinatione presbyterorum. Prex ordinationis, 159, editio typica altera (Typis Polyglottis Vaticanis 1990) 91-92.
16 Pontificale Romanum. De Ordinatione Episcopi, presbyterorum et diaconorum, De Ordinatione diaconorum. Prex ordinationis, 207, editio typica altera (Typis Polyglottis Vaticanis 1990) 121.
17 Thánh Tôma Aquinô, Commentarium in epistolam ad Hebraeos, c. 7, lect. 4: Opera omnia, v. 21 (Parisiis 1876) 647.
18 X. Kh 1,6; 5,9-10; 1 Pr 2,5.9.
19 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10: AAS 57 (1965) 14.
20 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10: AAS 57 (1965) 14.
21 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10: AAS 57 (1965) 14.
22 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10: AAS 57 (1965) 14; Ibid., 28: AAS 57 (1965) 34; Id., Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 33: AAS 56 (1964) 108; Id., Sắc lệnh Christus Dominus, 11: AAS 58 (1966) 677; Id., Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 2: AAS 58 (1966) 992; Ibid., 6: AAS 58 (1966) 999.
23 ĐGH Piô XII, Thông điệp Mediator Dei: AAS 14 (1947) 548.
24 Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, q. 22, a. 4, c: Ed. Leon. 11, 260.
25 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 21: AAS 57 (1965) 24.
26 X. Thánh Inhaxiô thành Antiôkhia, Epistula ad Trallianos, 3, 1; SC 10bis, 96 (Funk 1,244); Id., Epistula ad Magnesios, 6,1: SC 10bis, 84 (Funk 1,234).
27 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 24: AAS 57 (1965) 29.
28 X. Mc 10,43-45; 1 Pr 5,3.
29 Thánh Gioan Kim Khẩu, De sacerdotio, 2,4: SC 272,118 (PG 48,635); x. Ga 21,15-17.
30 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 33: AAS 56 (1964) 108.
31 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10: AAS 57 (1965) 14.
32 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 28: AAS 57 (1965) 33-34.
33 Thánh Inhaxiô thành Antiôkhia, Epistula ad Trallianos, 3,1: SC 10bis, 96 (Funk 1,244).
34 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 20: AAS 57 (1965) 23.
35 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 21: AAS 57 (1965) 24.
36 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 21: AAS 57 (1965) 25.
37 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 21: AAS 57 (1965) 25.
38 CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Christus Dominus, 2: AAS 58 (1966) 674.
39 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 22: AAS 57 (1965) 26.
40 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 22: AAS 57 (1965) 26.
41 ĐGH Piô XII, Thông điệp Fidei donum: AAS 49 (1957) 237; x. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 23: AAS 57 (1965) 27-28; Id., Sắc lệnh Christus Dominus, 4: AAS 58 (1966) 674-675; Ibid., 36: AAS 58 (1966) 692; Ibid., 37: AAS 58 (1966) 693; Id., Sắc lệnh Ad gentes, 5: AAS 58 (1966) 951-952; Ibid., 6: AAS 58 (1966) 952-953; Ibid., 38: AAS 58 (1966) 984-986.
42 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 41: AAS 56 (1964) 111 ; Id., Hiến chế tín lý Lumen gentium, 26: AAS 57 (1965) 31-32.
43 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 28: AAS 57 (1965) 33.
44 CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 2: AAS 58 (1966) 992.
45 CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 2: AAS 58 (1966) 992.
46 X. Dt 5,1-10; 7,24; 9,11-28.
47 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 28: AAS 57 (1965) 34.
48 CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 10: AAS 58 (1966) 1007.
49 CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Optatam totius, 20: AAS 58 (1966) 726.
50 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 28: AAS 57 (1965) 34.
51 X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 2: AAS 58 (1966) 993.
52 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 28: AAS 57 (1965) 35.
53 CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 8: AAS 58 (1966) 1003.
54 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 29: AAS 57 (1965) 36; x. Id., Sắc lệnh Christus Dominus, 15: AAS 58 (1966) 679.
55 X. Thánh Hippôlytô Rôma, Traditio apostolica, 8: ed. B. Botte (Mušnster i.W. 1989) 22-24.
56 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 41: AAS 57 (1965) 46; Id., Sắc lệnh Ad gentes, 16: AAS 58 (1966) 967.
57 X. Mc 10,45; Lc 22,27; Thánh Pôlycarpô, Epistula ad Philippenses, 5, 2: SC 10bis 182 (Funk 1,300).
58 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 29: AAS 57 (1965) 36; Id., Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 35, 4: AAS 56 (1964) 109; Id., Sắc lệnh Ad gentes, 16: AAS 58 (1966) 967.
59 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 29: AAS 57 (1965) 36.
60 CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad gentes, 16: AAS 58 (1966) 967.
61 X. ĐGH Piô XII, Tông hiến Sacramentum ordinis: DS 3858.
62 X. Pontificale Romanum. De Ordinatione Episcopi, presbyterorum et diaconorum, De Ordinatione presbyterorum. Traditio panis et vini, 163, editio typica altera (Typis Polyglottis Vaticanis 1990) 95.
63 X. Kinh tiền tụng lễ các Tông Đồ I: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 426.
64 X. Ep 4,11.
65 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 21: AAS 57 (1965) 24.
66 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 21: AAS 57 (1965) 24.
67 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 20: AAS 57 (1965) 23.
68 X. ĐGH Innôcentê III, Professio fidei Waldensibus praescripta: DS 794; CĐ Latêranô IV, Cap. 1, De fide catholica : DS 802; Bộ Giáo Luật, điều 1012; Bộ Giáo Luật Đông phương, các điều 744.747.
69 Bộ Giáo Luật, điều 1024.
70 X. Mc 3,14-19; Lc 6,12-16.
71 X. 1 Tm 3,1-13; 2 Tm 1-6; Tt 1,5-9.
72 X. Thánh Clêmentê Rôma, Epistula ad Corinthios, 42,4: SC 167,168-170 (Funk 1,152); Ibid., 44,3: SC 167,172 (Funk 1,156).
73 X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Mulieris dignitatem, 26-27: AAS 80 (1988) 1715-1720; Id., Tông thư Ordinatio sacerdotalis: AAS 86 (1994) 545-548; Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn Inter insigniores: AAS 69 (1977) 98-116; Id., Responsum ad dubium circa doctrinam in Epist. Ap. “Ordinatio Sacerdotalis” traditam: AAS 87 (1995) 1114.
74 X. Dt 5,4.
75 X. 1 Cr 7,32.
76 X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 16: AAS 58 (1966) 1015-1016.
77 X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 16: AAS 58 (1966) 1015.
78 X. CĐ Triđentinô, Sess. 23a, Doctrina de sacramento Ordinis, c. 4: DS 1767; CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 21: AAS 57 (1965) 25 ; Ibid., 28: AAS 57 (1965) 34; Ibid., 29: AAS 57 (1965) 36; Id., Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 2: AAS 58 (1966) 992.
79 X. Bộ Giáo Luật, các điều 290-293. 1336,1, 3 và 5. 1338,2.
80 X. CĐ Triđentinô, Sess. 23a, Canones de sacramento Ordinis, canon 4: DS 1774.
81 X. CĐ Triđentinô, Sess. 7a, Canones de sacramentis in genere, canon 12: DS 1612; CĐ Constantiensê, Errores Iohannis Wyclif, 4: DS 1154.
82 Thánh Augustinô, In Iohannis evangelium tractatus, 5, 15: CCL 36,50 (PL 35,1422).
83 Pontificale Romanum. De Ordinatione Episcopi, presbyterorum et diaconorum, De Ordinatione Episcopi. Prex ordinationis, 47, editio typica altera (Typis Polyglottis Vaticanis 1990) 24.
84 CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Christus Dominus, 13: AAS 58 (1966) 678-679; Ibid., 16: AAS 58 (1966) 680-681.
85 Thánh Hippôlytô Rôma, Traditio apostolica, 3: ed. B. Botte (Mušnster i.W. 1989) 8-10.
86 Liturgia Byzantina. 2 oratio chirotoniae presbyteralis: Eukologion to mega (Roma 1873) 136.
87 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 29: AAS 57 (1965) 36.
88 Thánh Grêgôriô thành Nazien, Oratio 2, 71: SC 247,184 (PG 35,480).
89 Thánh Grêgôriô thành Nazien, Oratio 2, 74: SC 247,186 (PG 35,481).
90 Thánh Grêgôriô thành Nazien, Oratio 2, 73: SC 247,186 (PG 35,481).
91 B. Nodet, Le Curé d’Ars, Sa pensée - son coeur (Le Puy 1966) 98.
92 X. Thánh Inhaxiô thành Antiôkhia, Epistula ad Trallianos, 3, 1: SC 10bis, 96 (Funk 1,244).