Mục 1: Luật luân lý (1950-1986)

195053 / 1719

Luật luân lý là công trình của đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Theo nghĩa Thánh Kinh, luật này có thể được định nghĩa như việc dạy dỗ của một người cha, như một khoa sư phạm của Thiên Chúa. Luật luân lý quy định cho con người những con đường, những quy tắc hành động dẫn đưa họ tới vinh phúc Thiên Chúa đã hứa; và ngăn cấm những con đường dẫn đến sự dữ khiến con người xa lìa Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Luật luân lý đồng thời vừa kiên định trong các mệnh lệnh của nó, vừa đáng mến trong các lời hứa của nó.

1951295 / 306 / 301

Luật là một quy tắc hành động được quyền bính có thẩm quyền công bố vì công ích. Luật luân lý giả thiết một trật tự hữu lý được thiết lập giữa các thụ tạo, vì lợi ích của chúng và nhằm vào mục đích của chúng, do quyền năng, sự khôn ngoan và sự tốt lành của Đấng Tạo Hóa. Mọi luật đều gặp được chân lý đầu tiên và tối hậu của mình trong Lề Luật vĩnh cửu. Luật được công bố và thiết lập bởi lý trí, xét như việc tham gia vào sự quan phòng của Thiên Chúa hằng sống, là Đấng Tạo hóa và Đấng Cứu Chuộc mọi người. “Luật được mệnh danh là chỉ thị của lý trí.”1

“Trong tất cả các sinh linh, chỉ con người được vinh dự, là chỉ con người xứng đáng đón nhận Lề luật từ Thiên Chúa, và như một sinh vật có lý trí, có khả năng để hiểu biết và nhận định, con người phải dùng chính sự tự do có lý trí mà suy phục Đấng đã bắt mọi sự suy phục mình.”2

1952

Có những cách diễn tả khác nhau của Luật luân lý, và thật sự, tất cả đều liên kết với nhau: Lề luật vĩnh cửu, là nguồn mạch của mọi luật trong Thiên Chúa; luật tự nhiên; Luật được mặc khải gồm Luật cũ và Luật mới hoặc Luật Tin Mừng; sau cùng là các dân luật và giáo luật.

1953578

Luật luân lý gặp được sự viên mãn và sự thống nhất của mình trong Đức Kitô. Chúa Giêsu Kitô là con đường của sự trọn hảo. Chính Người là mục đích của Lề luật, bởi vì chỉ có Người dạy dỗ và ban sự công chính của Thiên Chúa. “Cứu cánh của Lề luật là Đức Kitô, khiến bất cứ ai tin đều được nên công chính” (Rm 10,4).

I. Luật luân lý tự nhiên (1954-1960)

1954307 / 1776

Con người tham dự vào sự khôn ngoan và sự tốt lành của Đấng Tạo Hóa, Đấng đã cho họ quyền làm chủ mọi hành vi của họ và khả năng tự hướng đến chân lý và điều thiện. Luật tự nhiên diễn tả cảm thức luân lý nguyên thủy, nhờ đó con người dùng lý trí mà phân định điều gì là tốt và điều gì là xấu, điều gì là chân lý và điều gì là dối trá:

“Luật tự nhiên đã được viết và được ghi khắc trong tâm hồn mỗi người, bởi vì chính lý trí con người ra lệnh hành động một cách ngay thẳng và tránh phạm tội. Nhưng quy định này của lý trí con người không thể có giá trị là luật, nếu nó không phải tiếng nói và thông dịch viên của một lý trí cao hơn, mà tâm trí và sự tự do của chúng ta đều phải suy phục.”3

19551787 / 396 / 2070

Luật thần linh và tự nhiên4 vạch cho con người thấy con đường phải theo để thực thi điều tốt và đạt tới mục đích của mình. Luật tự nhiên nêu ra những mệnh lệnh đầu tiên và căn bản điều khiển đời sống luân lý. Luật tự nhiên có nền tảng là tâm tình khao khát và quy phục Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch và thẩm phán của mọi điều thiện hảo, và cũng có nền tảng là cảm thức về tha nhân như người bình đẳng với mình. Luật này được trình bày thành những điều răn chính trong Mười Điều Răn. Luật này được gọi là tự nhiên (naturalis), không phải vì liên quan đến những hữu thể không có lý trí, nhưng bởi vì lý trí công bố luật đó thuộc riêng về bản tính nhân linh (ad naturam humanam proprie pertinet):

“Các quy luật này được ghi chép ở đâu nếu không phải là trong quyển sách của thứ ánh sáng được gọi là chân lý? Đó là nơi mọi lề luật chính đáng được viết ra; từ đó được chuyển vào trái tim con người để họ thực thi sự công chính; luật này không phải di cư vào trái tim con người, nhưng như được in vào đó, cũng như một hình ảnh từ một chiếc nhẫn ấn trên sáp mà không rời bỏ chiếc nhẫn.”5

“Luật tự nhiên không gì khác là ánh sáng trí tuệ do Thiên Chúa đặt trong ta; nhờ đó, chúng ta nhận biết điều phải làm và điều phải tránh. Thiên Chúa đã ban ánh sáng này và luật này cho con người trong công trình tạo dựng.”6

19562261

Hiện diện trong trái tim mỗi người và được thiết lập bởi lý trí, luật tự nhiên có giá trị phổ quát trong các mệnh lệnh của nó, và quyền bính của nó trải rộng đến tất cả mọi người. Luật này diễn tả phẩm giá của nhân vị và đặt nền tảng cho các quyền lợi và nghĩa vụ căn bản của nhân vị:

“Thật sự có một luật chân thật là lẽ phải, phù hợp với bản tính, được tuôn đổ trong mọi người, bền vững, vĩnh cửu, nó kêu gọi bổn phận phải thi hành, nó ngăn cản sự gian lận phải xa lánh... Thay luật này bằng một luật nghịch lại là phạm thánh, không được phép rút bỏ điều gì khỏi luật này, và cũng không thể hoàn toàn hủy bỏ luật này.”7

1957

Việc áp dụng luật tự nhiên rất đa dạng; có thể suy nghĩ để thích ứng với những điều kiện đa dạng của đời sống, tùy theo nơi chốn, thời đại và hoàn cảnh. Tuy nhiên, trong sự khác biệt của các nền văn hóa, luật tự nhiên vẫn là một quy tắc nối kết con người với nhau, ấn định những nguyên tắc chung, trừ những khác biệt không thể tránh khỏi.

19582072

Luật tự nhiên là bất biến8 và trường tồn qua mọi thay đổi của lịch sử. Nó tồn tại qua những trào lưu tư tưởng và tập tục, và nâng đỡ sự phát triển của chúng. Những quy tắc diễn tả luật tự nhiên, về bản chất vẫn luôn có hiệu lực. Mặc dầu những nguyên lý của luật tự nhiên có bị chối bỏ, thì chính nó cũng không thể bị hủy diệt và không thể bị gạt ra khỏi trái tim con người. Luật tự nhiên luôn trỗi dậy trong đời sống của các cá nhân và các xã hội:

“Lạy Chúa, chắc chắn tội trộm cắp bị trừng phạt bởi Lề luật của Chúa, và bởi luật đã được ghi trong trái tim con người, luật mà chính sự gian ác cũng không xóa bỏ được.”9

19591879

Luật tự nhiên, là công trình tốt nhất của Đấng Tạo Hóa, mang lại những nền tảng vững chắc, trên đó con người có thể xây dựng tòa nhà là các quy luật luân lý để hướng dẫn những chọn lựa của họ. Luật tự nhiên cũng đặt nền móng luân lý hết sức cần thiết để xây dựng cộng đồng nhân loại. Và sau cùng, nó cung cấp nền móng cần thiết cho luật dân sự, luật này được quy chiếu về luật tự nhiên, hoặc bằng cách suy nghĩ để rút ra những kết luận từ các nguyên tắc của luật tự nhiên, hoặc bằng những bổ sung mang tính chất thiết định và pháp lý.

19602071 / 37

Những mệnh lệnh của luật tự nhiên không được mọi người nhận thức một cách rõ ràng và trực tiếp. Trong điều kiện hiện tại, ân sủng và Mặc khải là cần thiết cho con người tội lỗi, để các chân lý tôn giáo và luân lý “có thể được nhận biết bởi mọi người một cách không chút trở ngại, một cách chắc chắn vững vàng, và không pha trộn một sai lầm nào.”10 Luật tự nhiên mang lại cho Lề luật được mặc khải và cho ân sủng một nền tảng, đã được Thiên Chúa chuẩn bị sẵn và phù hợp với công cuộc của Thần Khí.

II. Luật cũ (1961-1964)

196162

Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa và Đấng Cứu Độ của chúng ta, đã chọn Ítraen như dân riêng của Ngài, và đã mặc khải cho họ Lề Luật của Ngài và như vậy, chuẩn bị cho cuộc Ngự đến của Đức Kitô. Luật Môsê diễn tả nhiều chân lý mà lý trí có thể đạt tới một cách tự nhiên. Người ta gặp được các chân lý này được công bố và được chứng thực trong Giao ước cứu độ.

19622058

Luật cũ là cấp độ đầu tiên của Lề Luật được mặc khải. Các quy định luân lý của luật cũ được tóm lại trong Mười Điều Răn. Các mệnh lệnh của Mười Điều Răn đặt nền tảng cho ơn gọi của con người, vốn được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Các điều răn đó ngăn cấm những gì nghịch lại tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người lân cận, và quy định những đòi hỏi căn bản của tình yêu đó. Mười Điều Răn là ánh sáng được ban tặng cho lương tâm của mỗi người, giúp họ nhận ra lời kêu gọi của Thiên Chúa, và những con đường Ngài biểu lộ cho họ, và bảo vệ họ khỏi điều xấu:

“Thiên Chúa đã viết trên các bảng Luật, tất cả những gì mà con người không đọc nổi trong trái tim họ.”11

19631610 / 2542 / 2515

Theo truyền thống Kitô Giáo, Lề Luật thì thánh thiện,12 thiêng liêng,13 và tốt lành,14 nhưng vẫn chưa trọn hảo. Như một nhà sư phạm,15 luật đó cho thấy điều phải làm, nhưng tự nó không ban sức mạnh, ân sủng của Thần Khí để người ta chu toàn nó. Vì không xóa được tội lỗi, nên luật cũ vẫn còn là luật của tình trạng nô lệ. Theo thánh Phaolô, luật cũ có nhiệm vụ tố cáo và vạch trần tội lỗi, vì tội lỗi tạo ra thứ “luật của dục vọng”16 trong trái tim con người. Tuy nhiên, Lề Luật vẫn là chặng đầu tiên trên con đường dẫn đến Nước Trời. Nó chuẩn bị và giúp dân Chúa chọn và mỗi Kitô hữu sẵn sàng để hối cải và tin vào Thiên Chúa Cứu Độ. Với tính cách là lời của Thiên Chúa, Luật cũ đem lại đạo lý tồn tại đến muôn đời.

1964122 / 1828

Luật cũ là một sự chuẩn bị nào đó cho Tin Mừng. “Lề Luật là môn sư phạm và lời tiên báo về các điều sẽ đến.”17 Luật cũ nói tiên tri và báo trước công trình giải phóng khỏi tội lỗi sẽ được hoàn thành với Đức Kitô, cung cấp cho Tân Ước những hình ảnh, “những tiên trưng”, những biểu tượng, để diễn tả đời sống theo Thần Khí. Cuối cùng, luật được kiện toàn bởi đạo lý của các sách khôn ngoan và các Tiên Tri, các vị này quy hướng luật cũ tới Giao ước Mới và Nước Trời.

“Dưới chế độ của Giao Ước Cũ, nhiều người đã có được đức mến và ân sủng của Chúa Thánh Thần và mong chờ những lời hứa thiêng liêng và vĩnh cửu. Và nhờ đó, họ đã được liên kết với Luật mới. Ngược lại, trong thời Giao Ước Mới, lại có những con người vẫn sống theo xác thịt, chưa đạt tới sự trọn hảo của Luật mới, vậy những người trong thời Giao Ước Mới này phải được dẫn tới các công việc nhân đức bằng sự sợ hãi các hình phạt, và bằng những lời hứa trần thế nào đó. Dù Luật cũ có dạy các điều răn của đức mến, nhưng Chúa Thánh Thần không được ban xuống nhờ luật đó, mà nhờ Chúa Thánh Thần, ‘Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta’ (Rm 5,5).”18

III. Luật mới hay Luật Tin Mừng (1965-1974)

1965459 / 581 / 715

Luật mới hay Luật Tin Mừng là sự trọn hảo nơi trần thế của Luật thần linh, tự nhiên và được mặc khải. Đây là công trình của Đức Kitô, được trình bày cách đặc biệt trong Bài giảng trên núi. Đây cũng là công trình của Chúa Thánh Thần, và nhờ Ngài, nó trở thành luật nội tâm của đức mến: “Ta hoàn thành một Giao Ước Mới với nhà Ítraen và nhà Giuđa... Ta sẽ ghi vào lòng trí chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng còn chúng sẽ là Dân của Ta” (Dt 8,8.10).19

19661999

Luật mới là ân sủng của Chúa Thánh Thần được ban cho các tín hữu nhờ tin vào Đức Kitô. Luật này hoạt động nhờ đức mến, và dùng Bài giảng trên núi của Chúa để dạy chúng ta điều phải làm, và dùng các bí tích để truyền thông ân sủng giúp chúng ta thực hiện điều đó:

“Nếu ai sốt sắng và bình tâm suy niệm bài giảng được Chúa chúng ta là Chúa Giêsu Kitô công bố trên núi, như chúng ta đọc trong sách Tin Mừng theo thánh Mátthêu, tôi nghĩ rằng người đó sẽ gặp được ở đó, vì là những lời răn dạy tốt nhất, một quy luật trọn hảo của đời sống Kitô hữu. Bài giảng này chứa đựng tất cả những mệnh lệnh mà nhờ đó đời sống Kitô hữu được nặn đúc nên.”20

1967577

Luật Tin Mừng hoàn thành,21 tinh luyện, vượt qua và kiện toàn Luật cũ. Trong các mối phúc, Luật mới hoàn thành các lời hứa thần linh khi nâng cao chúng lên và quy hướng chúng về “Nước Trời.” Luật Tin Mừng dành cho những ai sẵn sàng đón nhận niềm hy vọng mới này với lòng tin: những người nghèo, người khiêm tốn, người đau khổ, người có trái tim trong sạch, người bị bách hại vì Đức Kitô, như vậy Luật Tin Mừng phác họa những con đường chưa từng thấy của Nước Trời.

1968129 / 582

Luật Tin Mừng hoàn thành các mệnh lệnh của Lề Luật. Bài giảng của Chúa không hủy bỏ hay làm giảm giá trị các quy định luân lý của Luật cũ, nhưng rút ra những sức mạnh còn ẩn kín của chúng, và làm cho từ nơi chúng phát sinh ra những đòi hỏi mới: Luật Tin Mừng mặc khải toàn bộ chân lý thần linh và nhân linh của Luật cũ. Luật mới không thêm những mệnh lệnh mới từ bên ngoài, nhưng đi đến chỗ biến đổi gốc rễ của các hành vi, là trái tim, nơi con người chọn lựa giữa thanh sạch và ô uế,22 nơi hình thành đức tin, đức cậy, đức mến, và cùng với chúng, các nhân đức khác. Như vậy, Tin Mừng đưa Lề Luật tới sự viên mãn của nó nhờ bắt chước sự trọn hảo của Cha trên trời,23 nhờ việc tha thứ cho kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại, giống như lòng quảng đại của Thiên Chúa.24

19691434

Luật mới thực thi các hành vi tôn giáo: bố thí, cầu nguyện và chay tịnh, khi quy hướng các việc đó về “Chúa Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo”, khác với những người muốn “được người ta thấy.”25 Lời cầu nguyện của Luật mới là kinh “Lạy Cha.”26

19701696 / 1789 / 1823

Luật Tin Mừng bao hàm sự chọn lựa dứt khoát giữa “hai con đường”,27 và thực hiện các lời dạy của Chúa;28 Luật Tin Mừng được tóm lược trong khuôn vàng thước ngọc: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12).29

Toàn bộ Luật Tin Mừng được chứa đựng trong điều răn mới của Chúa Giêsu,30 là chúng ta hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta.31

19711789

Phải thêm vào bài giảng của Chúa giáo lý luân lý trong giáo huấn của các Tông Đồ, như các đoạn Rm 12-15; 1 Cr 12-13; Cl 3-4; Ep 4-5; v.v... Giáo huấn này lưu truyền đạo lý của Chúa với quyền bính của các Tông Đồ, đặc biệt trong việc trình bày các nhân đức xuất phát từ đức tin vào Đức Kitô và là các nhân đức được đức mến, hồng ân chủ yếu của Chúa Thánh Thần, làm cho sinh động. “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ... thương mến nhau với tình huynh đệ... Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà” (Rm 12,9-13). Giáo lý này cũng dạy chúng ta giải quyết những vấn đề lương tâm dưới ánh sáng của mối tương quan giữa chúng ta với Đức Kitô và với Hội Thánh.32

1972782 / 1828

Luật mới được gọi là luật của tình yêu, bởi vì dạy chúng ta hành động vì tình yêu mà Chúa Thánh Thần tuôn đổ, hơn là vì sợ hãi; Luật mới được gọi là luật của ân sủng, bởi vì mang lại sức mạnh của ân sủng để hành động nhờ đức tin và các bí tích; Luật mới được gọi là luật của sự tự do,33 bởi vì giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc về nghi thức và pháp lý của luật cũ, khiến chúng ta sẵn sàng tự nguyện hành động theo sự thúc đẩy của đức mến, và sau hết làm cho chúng ta chuyển từ thân phận của một tôi tớ “không biết việc chủ làm”, sang tình trạng là bạn hữu của Đức Kitô “vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15), hoặc còn tới địa vị là một người con thừa tự nữa.34

19732053 / 915

Luật mới, ngoài các điều răn của mình, cũng bao gồm những lời khuyên Phúc Âm. Sự phân biệt của truyền thống giữa các điều răn của Thiên Chúa với các lời khuyên Phúc Âm được thiết lập liên quan đến đức mến, là sự trọn hảo của đời sống Kitô hữu. Các điều răn nhằm giúp tránh những gì không phù hợp với đức mến. Các lời khuyên có mục tiêu giúp tránh những gì, mặc dầu không đối nghịch, nhưng có thể ngăn cản sự phát triển của đức mến.35

19742013

Các lời khuyên Phúc Âm biểu lộ sự sung mãn sống động của một đức mến không bao giờ hài lòng, vì đã không cho đi nhiều hơn nữa. Các lời khuyên chứng tỏ sự thúc đẩy của đức mến và khích động sự sẵn sàng thiêng liêng của chúng ta. Luật mới chủ yếu cốt tại các điều răn là mến Chúa yêu người. Các lời khuyên chỉ ra những con đường trực tiếp hơn, những phương tiện dễ dàng hơn và phải được thực thi tùy theo ơn gọi của mỗi người:

“Thiên Chúa không muốn mỗi người đều phải giữ tất cả các lời khuyên, nhưng chỉ những lời khuyên nào thích hợp với sự khác biệt của các nhân vị, các thời đại, các hoàn cảnh và các sức lực, như đức mến đòi hỏi; thật vậy, chính đức mến, như là nữ hoàng của mọi nhân đức, mọi giới răn, mọi lời khuyên, và cuối cùng, mọi lề luật và mọi hành động Kitô Giáo, nên đức mến ban cho tất cả những điều đó chỗ đứng, trật tự, thời gian và giá trị của chúng.”36

Tóm lược (1975-1986)

1975

Theo Thánh Kinh, luật là lời dạy dỗ của người cha là Thiên Chúa, quy định cho con người những con đường dẫn tới vinh phúc Thiên Chúa đã hứa và ngăn cấm những con đường của sự dữ.

1976

Luật là “một quy định nào đó của lý trí hướng về công ích, được công bố bởi người có trách nhiệm của cộng đồng.”37

1977

Đức Kitô là mục đích của Lề Luật.38 Chỉ có Người dạy dỗ và ban sự công chính của Thiên Chúa.

1978

Luật tự nhiên là sự tham dự của con người vào sự khôn ngoan và sự tốt lành của Thiên Chúa, vì con người đã được tạo dựng theo hình ảnh của Đấng Tạo hóa của mình. Luật tự nhiên diễn tả phẩm giá của nhân vị và đặt nền tảng cho các quyền lợi và nghĩa vụ căn bản của nhân vị.

1979

Luật tự nhiên là bất biến và trường tồn qua dòng lịch sử. Những quy tắc diễn tả luật tự nhiên, về bản chất vẫn luôn có hiệu lực. Luật tự nhiên là nền tảng cần thiết cho việc xây dựng các quy luật luân lý và cho luật dân sự.

1980

Luật cũ là cấp độ đầu tiên của Lề Luật được mặc khải. Những mệnh lệnh luân lý của Luật cũ được tóm lại trong Mười Điều Răn.

1981

Luật Môsê chứa đựng nhiều chân lý mà lý trí có thể đạt tới một cách tự nhiên. Thiên Chúa đã mặc khải các chân lý ấy bởi vì người ta đã không đọc nổi chúng trong trái tim của mình.

1982

Luật cũ là một sự chuẩn bị nào đó cho Tin Mừng.

1983

Luật mới là ân sủng của Chúa Thánh Thần được lãnh nhận nhờ đức tin vào Đức Kitô và hoạt động nhờ đức mến. Luật mới được diễn tả cách đặc biệt trong Bài giảng trên núi của Chúa và dùng các bí tích để truyền thông ân sủng cho chúng ta.

1984

Luật Tin Mừng hoàn thành, vượt qua và đưa Luật cũ đến sự trọn hảo của nó: kiện toàn các lời hứa của Luật cũ bằng các mối phúc của Nước Trời, kiện toàn các mệnh lệnh của Luật cũ bằng sự biến đổi gốc rễ của các hành vi, là trái tim.

1985

Luật mới là luật của tình yêu, luật của ân sủng, luật của sự tự do.

1986

Ngoài các điều răn, Luật mới còn chứa đựng những lời khuyên Phúc Âm. “Sự thánh thiện của Hội Thánh còn được khích lệ một cách đặc biệt bởi nhiều lời khuyên, mà trong Tin Mừng Chúa đã đề ra để các môn đệ của Người phải tuân giữ.”39


Chú thích

1 ĐGH Lêô XIII, Thông điệp Libertas praestantissimum: Leonis XIII Acta 8,218; x. Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, I-II, q. 90, a. 1: Ed. Leon. 7, 149-150.

2 Tertullianô, Adversus Marcionem, 2, 4, 5: CCL 1,479 (PL 2,315).

3 ĐGH Lêô XIII, Thông điệp Libertas praestantissimum: Leonis XIII Acta 8,219.

4 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 89: AAS 58 (1966) 1111-1112.

5 Thánh Augustinô, De Trinitate, 14, 15, 21: CCL 50A, 451 (PL 42,1052).

6 Thánh Tôma Aquinô, In duo praecepta caritatis et in decem Legis praecepta expositio, c. 1: Opera omnia, v. 27 (Parisiis 1875) 144.

7 Marcô Tulliô Cicêrô, De re publica, 3, 22, 33: Scripta quae manserunt omnia, Bibliotheca Teubneriana fasc. 39, ed. K. Ziegler, (Leipzig 1969) 96.

8 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 10: AAS 58 (1966) 1033.

9 Thánh Augustinô, Confessiones 2, 4, 9: CCL 27,21 (PL 32,678).

10 CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 2: DS 3005; ĐGH Piô XII, Thông điệp Humani generis: DS 3876.

11 Thánh Augustinô, Enarratio in Psalmum 57, 1: CCL 39,708 (PL 36,673).

12 X. Rm 7,12.

13 X. Rm 7,14.

14 X. Rm 7,16.

15 X. Gl 3,24.

16 X. Rm 7.

17 Thánh Irênê, Adversus haereses, 4, 15, 1: SC 100,548 (PG 7,1012).

18 Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, I-II, q. 107, a. 1, ad 2: Ed. Leon. 7, 279.

19 X. Gr 31,31-34.

20 Thánh Augustinô, De sermone Domini in monte, 1, 1, 1: CCL 35,1-2 (PL 34,1229-1231).

21 X. Mt 5,17-19.

22 X. Mt 15,18-19.

23 X. Mt 5,48.

24 X. Mt 5,44.

25 X. Mt 6,1-6.16-18.

26 X. Mt 6,9-13.

27 X. Mt 7,13-14.

28 X. Mt 7,21-27.

29 X. Lc 6,31.

30 X. Ga 13,34.

31 X. Ga 15,12.

32 X. Rm 14; 1 Cr 5-10.

33 X. Gc 1,25; 2,12.

34 X. Gl 4,1-7.21-31; Rm 8,15-17.

35 X. Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, II-II, q. 184, a. 3: Ed. Leon. 10, 453-454.

36 Thánh Phanxicô Salê, Traité de l’amour de Dieu, 8, 6: Oeuvres, v. 5 (Annecy 1894) 75.

37 Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, I-II, q. 90, a. 4, c: Ed. Leon. 7, 152.

38 X. Rm 10,4.

39 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 42: AAS 57 (1965) 48.

CHƯƠNG III: ƠN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA: LỀ LUẬT VÀ ÂN SỦNG (1949-2051)Mục 2: Ân sủng và sự công chính hóa (1987-2029)