Mục 1: Điều răn thứ nhất (2084-2141)
“Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ” (Xh 20,2-5).2 “Đã có lời chép rằng: ‘Ngươi phải bái lạy ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi’” (Mt 4,10).
I. “Chính Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là Đấng ngươi phải phụng thờ; chính Ngài là Đấng ngươi phải phụng sự” (2084-2094)
20842057 / 398
Thiên Chúa tự mặc khải bằng cách nhắc lại hành động đầy quyền năng, nhân hậu và giải phóng của Ngài trong lịch sử: “Ta đã đưa ngươi ra khỏi Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Đnl 5,6). Lời đầu tiên chứa đựng giới răn thứ nhất của Lề luật: “Chính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em) là Đấng anh (em) phải kính sợ, chính Ngài là Đấng anh (em) phải phụng thờ... Anh em không được theo những thần khác” (Đnl 6,13-14). Lời hiệu triệu đầu tiên và đòi hỏi chính đáng của Thiên Chúa là con người phải đón nhận và tôn thờ Ngài.
2085200 / 1701
Thiên Chúa duy nhất và chân thật trước hết mặc khải vinh quang của Ngài cho Ítraen.3 Mặc khải về ơn gọi và chân lý về con người được gắn liền với mặc khải về Thiên Chúa. Con người có ơn gọi phải biểu lộ Thiên Chúa qua cách hành động của mình, phù hợp với việc mình được tạo dựng “theo hình ảnh và giống như” Thiên Chúa (St 1,26):
“Thưa ông Triphon, chưa bao giờ có Thiên Chúa nào khác và từ muôn đời, cũng không hề có Thiên Chúa nào khác (...) ngoài Đấng đã tạo dựng và xếp đặt vũ trụ. Chúng tôi không nghĩ rằng Thiên Chúa của chúng tôi khác với Thiên Chúa của ông. Chính Ngài là Đấng đã đưa tổ tiên ông ra khỏi đất Ai Cập ‘bằng bàn tay hùng mạnh và cánh tay giương cao’. Chúng tôi không đặt hy vọng vào bất cứ vị nào khác, vì không có, nhưng vào cùng một Đấng là Thiên Chúa của ông, Thiên Chúa của các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp.”4
2086212 / 2061
“Điều răn thứ nhất bao gồm đức tin, đức cậy và đức mến. Vì khi chúng ta nói đến Thiên Chúa, là chúng ta tuyên xưng một cách đúng đắn không sai sót, Ngài là Đấng thường hằng, bất biến, mãi mãi vẫn là chính Ngài, trung tín; do đó, khi chúng ta đón nhận các sấm ngôn của Ngài, thì cần thiết là chúng ta phải hoàn toàn tin vào Ngài và nhận biết quyền bính của Ngài. Thật vậy, ai chiêm ngắm quyền năng, lòng nhân hậu và việc thi ân giáng phúc của Ngài, mà lại có thể không đặt trọn tất cả hy vọng nơi Ngài? Và ai chiêm ngưỡng kho tàng của sự tốt lành và lòng yêu thương của Ngài, đã được tuôn đổ trên chúng ta, mà lại có thể không yếu mến Ngài? Vì vậy, cả khi khởi đầu, cả khi kết thúc các điều Ngài truyền dạy trong Thánh Kinh, Thiên Chúa dùng lời này: Ta là Chúa.”5
Đức tin (2087-2089) [1814-1816]
2087143
Đời sống luân lý của chúng ta bắt nguồn từ đức tin vào Thiên Chúa, Đấng mặc khải tình yêu của Ngài cho chúng ta. Thánh Phaolô nói đến sự vâng phục của đức tin6 như là nghĩa vụ hàng đầu. Thánh nhân cho thấy rằng chính sự “không nhận biết Thiên Chúa” là nguyên nhân và lời giải thích cho mọi lệch lạc luân lý.7 Bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa là tin vào Ngài và làm chứng về Ngài.
2088
Điều răn thứ nhất đòi hỏi chúng ta, một cách khôn ngoan và tỉnh thức, phải nuôi dưỡng và giữ gìn đức tin của chúng ta, và phải loại bỏ tất cả những gì nghịch với đức tin. Có nhiều cách phạm tội nghịch với đức tin:
Cố tình nghi ngờ trong lãnh vực đức tin là tội thờ ơ hay không nhìn nhận những điều Thiên Chúa đã mặc khải và Hội Thánh dạy phải tin, là chân thật. Vô tình nghi ngờ là sự do dự khi tin, là sự khó khăn khi vượt qua những vấn nạn về đức tin hay thậm chí sự lo lắng do bóng tối của đức tin gợi lên. Sự nghi ngờ, nếu được cổ võ cách có chủ ý, có thể dẫn tới sự mù quáng của tâm trí.
2089162 / 817
Sự vô tín là thờ ơ với chân lý mặc khải hay cố tình từ chối chấp nhận chân lý đó. “Lạc giáo là ngoan cố chối bỏ một chân lý phải tin với đức tin đối thần và Công Giáo hoặc ngoan cố hồ nghi về chân lý ấy sau khi đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội; bội giáo là chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô Giáo; ly giáo là từ chối vâng phục Đức Giáo Hoàng hoặc từ chối hiệp thông với các chi thể của Hội Thánh thuộc quyền ngài.”8
Đức cậy (2090-2092) [1817-1821]
20901996
Khi Thiên Chúa tự mặc khải và kêu gọi con người, con người không thể đáp lại trọn vẹn tình yêu thần linh bằng sức riêng mình. Họ phải trông cậy, Thiên Chúa sẽ ban cho họ khả năng để yêu lại Ngài và khả năng để hành động theo các giới răn của đức mến. Đức cậy là sự mong đợi đầy tin tưởng sự chúc lành của Thiên Chúa và sự vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa; đức cậy cũng là việc sợ xúc phạm đến tình yêu của Thiên Chúa và sợ bị trừng phạt.
20911864
Điều răn thứ nhất cũng nhắm đến các tội nghịch với đức cậy, là sự ngã lòng và sự tự phụ:
Bằng sự ngã lòng, con người không còn hy vọng Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho mình, không còn hy vọng những sự trợ giúp để mình đạt tới ơn cứu độ, hay không còn hy vọng ơn tha thứ các tội lỗi của mình. Điều này nghịch với sự tốt lành của Thiên Chúa, nghịch với sự công chính của Ngài - bởi vì Thiên Chúa luôn trung tín với các lời hứa của Ngài -, và nghịch với lòng thương xót của Ngài.
20922732
Có hai loại tự phụ. Hoặc con người quá cậy dựa vào các khả năng của mình (hy vọng mình có thể được cứu độ mà không cần sự trợ giúp của ơn trên), hoặc ỷ lại vào sự toàn năng và lòng thương xót của Thiên Chúa (hy vọng sẽ đạt được ơn tha thứ của Ngài mà không cần hối cải và đạt tới vinh quang của Ngài mà không cần lập công).
Đức mến (2093-2094) [1822-1829]
2093
Đức tin vào tình yêu Thiên Chúa bao hàm ơn gọi và sự bắt buộc phải đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng một đức mến chân thành. Điều răn thứ nhất dạy chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và yêu mến mọi thụ tạo nhờ Ngài và vì Ngài.9
20942733 / 2303
Người ta có thể phạm tội nghịch với tình yêu Thiên Chúa bằng nhiều cách:
— Sự lãnh đạm là tội thờ ơ hay từ chối không quan tâm đến tình yêu của Thiên Chúa, không công nhận tình yêu đó luôn đi bước trước và phủ nhận sức mạnh của tình yêu đó.
— Sự vô ơn là tội quên lãng hay từ chối nhận biết tình yêu của Thiên Chúa và quên lãng hay từ chối đáp lại tình yêu này bằng tình yêu của mình.
— Sự nguội lạnh là tội do dự hay thờ ơ trong việc đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, cũng có thể bao hàm sự từ chối dấn thân theo đức mến.
— Sự lười biếng hay uể oải về mặt thiêng liêng có thể đưa tới sự từ khước niềm vui xuất phát từ Thiên Chúa và khinh chê sự thiện hảo của Thiên Chúa.
— Sự căm ghét Thiên Chúa là do kiêu ngạo, chống lại tình yêu của Ngài, phủ nhận sự tốt lành của Ngài và cố ý nguyền rủa Thiên Chúa, Đấng cấm các tội lỗi và đặt ra các hình phạt.
II. “Ngươi phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (2095-2109)
20951807
Các nhân đức đối thần “tin, cậy, mến” định hình và đem lại sức sống cho các nhân đức luân lý. Như vậy, đức mến đưa dẫn chúng ta đến chỗ trả lại cho Thiên Chúa điều mà, vì là các thụ tạo, chúng ta mắc nợ Ngài theo đức công bằng. Nhân đức thờ phượng giúp chúng ta sống tâm tình này.
Thờ lạy (2096-2097) [2628]
2096
Hành vi đầu tiên của nhân đức thờ phượng là thờ lạy. Thờ lạy Thiên Chúa, nghĩa là nhận biết Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Tạo hóa và Cứu Độ, là Chúa và Chúa tể của mọi loài đang hiện hữu, là Tình Yêu vô biên và hay thương xót. Dựa vào sách Đệ Nhị Luật (Đnl 6,13), Chúa Giêsu nói: “Ngươi phải bái lạy ĐỨC CHÚA, là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Lc 4,8).
20972807
Thờ lạy Thiên Chúa là tôn kính và tuyệt đối quy phục Ngài vì nhận biết “tính hư vô của thụ tạo”, nghĩa là thụ tạo không thể hiện hữu nếu không bởi Thiên Chúa. Thờ lạy Thiên Chúa là ca ngợi Ngài, như Đức Maria trong kinh “Magnificat” (“Linh hồn tôi ngợi khen ĐỨC CHÚA”), là chúc tụng Ngài, hạ mình khiêm tốn tuyên xưng với lòng biết ơn rằng Thiên Chúa đã làm những việc trọng đại và Danh Ngài chí thánh.10 Việc thờ lạy Thiên Chúa duy nhất giải thoát con người khỏi thái độ tự khép kín, khỏi ách nô lệ tội lỗi và khỏi tội thờ ngẫu tượng là trần gian.
Cầu nguyện (2098) [2558]
20982742
Các hành vi tin, cậy, mến, mà điều răn thứ nhất truyền dạy, được chu toàn trong kinh nguyện. Nâng tâm hồn lên tới Thiên Chúa là cách diễn tả việc chúng ta thờ lạy Ngài: lời kinh ca ngợi và tạ ơn, lời kinh chuyển cầu và cầu xin. Cầu nguyện là điều kiện hết sức cần thiết để có thể tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1).
Hy lễ (2099-2100)
2099613
Là điều chính đáng, việc dâng lên Thiên Chúa những hy lễ với tính cách là dấu chỉ của việc thờ lạy và tạ ơn, khẩn cầu và hiệp thông: “Mọi công việc được thực hiện để được gắn bó với Thiên Chúa trong sự hiệp thông thánh thiện và như vậy, chúng ta có thể được hạnh phúc, đều là hy lễ đích thực.”11
21002711 / 614 / 618
Hy lễ bên ngoài, để có thể là hy lễ thật, phải là sự diễn tả của hy lễ tinh thần: “Tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát...” (Tv 51,19). Các tiên tri thời Giao Ước cũ thường tố cáo các hy lễ được thực hiện mà không có sự tham dự nội tâm12 hay không được liên kết với tình yêu đối với người lân cận.13 Chúa Giêsu nhắc lại lời của tiên tri Ôsê: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13; 12,7).14 Chỉ có một hy lễ trọn hảo duy nhất là hy lễ Đức Kitô đã dâng trên thập giá, bằng sự tận hiến cho tình yêu của Chúa Cha và để cứu độ chúng ta.15 Khi chúng ta kết hợp mình với hy lễ của Người, chúng ta có thể biến cuộc đời mình thành hy lễ dâng lên Thiên Chúa.
Các lời hứa và lời khấn (2101-2103)
21011237 / 1064
Trong nhiều hoàn cảnh, Kitô hữu được kêu gọi để tuyên các lời hứa với Thiên Chúa. Các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Hôn Phối và Truyền Chức Thánh luôn kèm theo những lời hứa. Do lòng đạo đức cá nhân, Kitô hữu cũng có thể hứa với Thiên Chúa để thực hiện một hành vi, một kinh nguyện, việc bố thí, việc hành hương, v.v... Việc trung thành tuân giữ các lời đã hứa với Thiên Chúa chứng tỏ sự tôn trọng đối với uy linh Thiên Chúa và đối với tình yêu dâng lên Thiên Chúa hằng trung tín.
2102
“Lời khấn tức là lời hứa, có suy nghĩ và tự do, với Thiên Chúa về một điều thiện khả thi và tốt hơn; vì thuộc về nhân đức thờ phượng, lời khấn phải được thực hiện.”16 Lời khấn là một hành vi đạo đức, nhờ đó Kitô hữu tự hiến cho Thiên Chúa hay hứa thực hiện một điều thiện dâng kính Ngài. Vì vậy, bằng việc chu toàn các lời khấn của mình, họ dâng lên Thiên Chúa điều họ đã hứa và đã được thánh hiến cho Ngài. Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta thấy thánh Phaolô lo lắng chu toàn những điều ngài đã khấn.17
21031973 / 914
Hội Thánh công nhận giá trị gương mẫu của những lời khấn sống theo các lời khuyên Phúc âm:18
“Hội Thánh là Mẹ chúng ta, vui mừng khi thấy trong lòng mình có nhiều con cái nam nữ muốn theo sát hơn và tỏ lộ cách rõ ràng sự tự hủy của Đấng Cứu Độ, khi chấp nhận sự nghèo khó trong sự tự do của con cái Thiên Chúa và từ bỏ ý riêng: họ tự nguyện tùng phục một con người vì Thiên Chúa trong vấn đề nên trọn lành, hơn cả mức đòi buộc của giới răn, hầu nên giống cách trọn vẹn hơn với Đức Kitô, Đấng vâng phục.”19
Trong một số trường hợp, Hội Thánh có thể miễn chuẩn những lời khấn và lời hứa, vì những lý do tương xứng.20
Bổn phận xã hội về tôn giáo và quyền tự do tôn giáo (2104-2109)
21042467 / 851
“Mọi người đều buộc phải đi tìm chân lý, đặc biệt là những gì liên quan tới Thiên Chúa và Hội Thánh của Ngài. Khi đã nhận ra chân lý, họ phải tiếp nhận và trung thành tuân giữ.”21 Bổn phận này xuất phát từ “chính bản tính của con người.”22 Bổn phận này không mâu thuẫn với sự chân thành tôn trọng các tôn giáo khác “thường cũng mang lại những tia sáng của chân lý đang chiếu soi cho mọi người”23 và cũng không mâu thuẫn với đức mến đang thúc bách các Kitô hữu “phải xử sự cách yêu thương, khôn ngoan, kiên nhẫn đối với những ai còn lầm lạc hay thiếu hiểu biết về vấn đề đức tin.”24
2105854 / 898
Bổn phận phải dành cho Thiên Chúa sự tôn thờ đích thực liên quan đến con người xét theo cá nhân cũng như xã hội. Đây là “đạo lý truyền thống công giáo về bổn phận luân lý của con người và của xã hội đối với tôn giáo thật và Hội Thánh duy nhất của Đức Kitô.”25 Khi không ngừng loan báo Tin Mừng cho con người, Hội Thánh cố gắng làm sao để con người “có thể làm cho tinh thần Kitô Giáo thấm nhuần vào các tâm trí, phong tục, luật lệ và cơ cấu của cộng đoàn nơi họ sống.”26 Bổn phận xã hội của các Kitô hữu là tôn trọng và khơi dậy nơi mỗi người tình yêu đối với chân lý và điều thiện hảo. Bổn phận này buộc họ phải truyền bá nền phụng tự của tôn giáo duy nhất và chân thật, đang tồn tại trong Hội Thánh công giáo và tông truyền.27 Kitô hữu được mời gọi trở thành ánh sáng thế gian.28 Nhờ đó, Hội Thánh bày tỏ vương quyền của Đức Kitô trên vạn vật, đặc biệt là trên các xã hội loài người.29
2106160 / 1782 / 1738
“Trong vấn đề tôn giáo, không ai bị ép buộc phải hành động trái với lương tâm mình, cũng như không bị ngăn trở, để hành động theo lương tâm cách riêng tư hay công khai, hoặc một mình hoặc chung với những người khác, trong những giới hạn họ được phép.”30 Quyền này đặt nền trên chính bản tính của nhân vị, mà phẩm giá của họ cho họ được tự do để gắn bó với chân lý thần linh, một chân lý siêu việt trên trật tự trần thế. Do đó, quyền này “vẫn tồn tại cả nơi những người không thực hiện nghĩa vụ tìm kiếm và gắn bó với chân lý.”31
2107
“Nếu vì những hoàn cảnh đặc biệt, như trong một số dân tộc hiện nay, một tôn giáo nào đó được luật pháp nhà nước nhìn nhận cách đặc biệt, thì cần thiết là, đồng thời, mọi người vẫn phải công nhận và tôn trọng quyền tự do tôn giáo của mọi công dân cũng như của những cộng đồng tôn giáo khác.”32
21081740
Quyền tự do tôn giáo không phải là sự cho phép về mặt luân lý để gắn bó với điều sai lạc33 cũng không là quyền được sai lạc,34 nhưng đây là quyền tự nhiên của nhân vị, quyền được tự do theo dân luật, nghĩa là, được chính quyền bảo vệ khỏi những áp lực bên ngoài, trong vấn đề tôn giáo, trong những giới hạn chính đáng. Quyền tự nhiên này phải được luật pháp xã hội công nhận, phải là một quyền công dân.35
21092244 / 1906
Quyền tự do tôn giáo, tự bản chất của nó, không thể là vô giới hạn,36 cũng không thể bị giới hạn chỉ vì lý do “trật tự công cộng” được quan niệm theo cách “duy thực nghiệm” hay “duy tự nhiên.”37 “Những giới hạn chính đáng” gắn liền với quyền tự do tôn giáo cho mỗi hoàn cảnh xã hội, phải được xác định bởi sự khôn ngoan chính trị, theo những đòi hỏi của công ích và được quyền bính dân sự xác nhận “theo những quy tắc pháp lý, phù hợp với trật tự luân lý khách quan.”38
III. “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (2110-2128)
2110
Điều răn thứ nhất cấm tôn kính những thần khác ngoài Chúa duy nhất, Đấng đã tự mặc khải cho dân Ngài. Điều răn này cấm sự mê tín và thái độ vô đạo. Sự mê tín, một cách nào đó, là sự thái quá một cách lệch lạc về tôn giáo. Vô đạo là một thiếu sót nghịch với nhân đức thờ phượng.
Mê tín (2111)
2111
Mê tín là sự lệch lạc trong cảm thức tôn giáo và trong cách thể hiện cảm thức này. Mê tín cũng có thể xảy ra ngay trong việc thờ phượng Thiên Chúa chân thật, chẳng hạn như gán một ý nghĩa ma thuật cho một số thực hành vốn chính đáng hay cần thiết. Nếu cho rằng chỉ cần đọc các lời kinh hay làm các dấu chỉ bí tích là có hiệu quả, bất chấp những tâm tình phải có bên trong, là người ta rơi vào mê tín.39
Thờ ngẫu tượng (2112-2114)
2112210
Điều răn thứ nhất lên án sự đa thần. Điều răn này đòi hỏi con người không được tin vào thần nào khác ngoài Thiên Chúa, không được tôn kính các thần linh nào khác ngoài Đấng duy nhất. Thánh Kinh luôn nhắc nhở phải từ bỏ các ngẫu tượng “chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành”, “có mắt có miệng, không nhìn không nói.”.. Các ngẫu tượng là hão huyền nên ai thờ ngẫu tượng sẽ trở thành hão huyền: “Kẻ làm ra hoặc tin ở tượng thần, cũng giống như chúng vậy” (Tv 115,4-5.8).40 Trái lại, Thiên Chúa là “Thiên Chúa Hằng Sống” (Gs 3,10),41 Đấng làm cho sống và can thiệp vào lịch sử.
2113398 / 2534 / 2289 / 2473
Thờ ngẫu tượng không phải chỉ là những việc thờ phượng sai lạc của dân ngoại. Nó còn là cám dỗ thường xuyên đối với đức tin. Thờ ngẫu tượng cốt tại việc thần thánh hóa những gì không phải là Thiên Chúa. Thờ ngẫu tượng là khi con người tôn thờ và kính bái một thụ tạo thay vì Thiên Chúa, cho dù đó là thần linh hay ma quỷ (chẳng hạn đạo thờ Xatan), quyền lực, khoái lạc, chủng tộc, tổ tiên, Nhà Nước, tiền bạc, v.v... Chúa Giêsu dạy: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6,24). Rất nhiều vị tử đạo đã chết vì không chịu thờ lạy “Con Thú”,42 dù chỉ giả vờ thôi. Thờ ngẫu tượng là khước từ quyền chủ tể duy nhất của Thiên Chúa; vì vậy, nó không thể đi đôi với sự hiệp thông với Thiên Chúa.43
2114
Đời sống con người được thống nhất trong việc tôn thờ Đấng duy nhất. Điều răn dạy tôn thờ Chúa duy nhất đơn giản hóa con người và cứu họ khỏi sự phân tán vô hạn. Thờ ngẫu tượng là sự lệch lạc của cảm thức tôn giáo, một cảm thức vốn bẩm sinh nơi con người. Người thờ ngẫu tượng là người “gán ý niệm bất diệt về Thiên Chúa cho bất cứ thứ gì không phải là Thiên Chúa.”44
Bói toán và ma thuật (2115-2117)
2115305
Thiên Chúa có thể mặc khải tương lai cho các Tiên tri hay các Thánh khác của Ngài. Tuy vậy, thái độ đúng đắn của Kitô hữu cốt tại việc phó thác mình một cách đầy tin tưởng trong tay Chúa Quan Phòng về những gì liên quan đến tương lai, và từ bỏ mọi thứ tò mò không lành mạnh về vấn đề này. Tuy nhiên, không biết tiên liệu lại có thể là một sự thiếu trách nhiệm.
2116
Phải loại bỏ mọi hình thức bói toán: cậy nhờ Xatan hay ma quỷ, gọi hồn người chết hay những thực hành khác, là những việc người ta nghĩ cách sai lầm rằng sẽ “vén mở” được tương lai.45 Coi tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, giải mộng, xin xăm, bói toán quá khứ vị lai, đồng bóng, là những hình thức biểu lộ ý muốn thống trị thời gian, lịch sử và cuối cùng là con người, và đồng thời, biểu lộ ước muốn liên minh với các thế lực bí ẩn. Những điều này là nghịch lại với sự cung kính và tôn trọng, được kết hợp với sự kính sợ đầy yêu mến, mà chúng ta phải dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi.
2117
Các thực hành ma thuật hay pháp thuật mà người ta muốn dùng để chế ngự các sức mạnh bí ẩn, bắt chúng phục vụ mình và nắm được quyền lực siêu phàm trên người khác - dù là để chữa bệnh - đều nghịch lại nhân đức thờ phượng cách nghiêm trọng. Các việc này càng đáng lên án hơn, khi có dụng ý làm hại người khác, hay cậy nhờ đến sự can thiệp của ma quỷ. Mang bùa cũng là điều đáng trách. Chiêu hồn thường gồm các thực hành bói toán hay ma thuật. Hội Thánh cũng khuyên các tín hữu phải xa lánh việc đó. Khi dùng các phương thuốc, gọi là gia truyền, không được kêu cầu các quyền lực sự dữ, cũng không được lợi dụng sự cả tin của những người khác.
Vô tôn giáo (2118-2122)
2118
Điều răn thứ nhất của Thiên Chúa kết án những tội chính yếu của sự vô tôn giáo: hành động thử thách Thiên Chúa bằng lời nói hay việc làm, sự phạm thánh và sự mại thánh.
2119394 / 2088
Hành động thử thách Thiên Chúa là dùng lời nói hay việc làm để thử sự tốt lành và sự toàn năng của Thiên Chúa. Đây là điều Xatan muốn thấy nơi Chúa Giêsu, khi xúi giục Người gieo mình từ trên nóc Đền Thờ xuống, và qua cử chỉ đó, ép buộc Thiên Chúa phải hành động.46 Chúa Giêsu dùng Lời Thiên Chúa đối lại nó: “Anh em đừng thách thức ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em” (Đnl 6,16). Thách đố, hàm chứa một sự thử thách như vậy, làm tổn thương lòng tôn kính và tin tưởng mà chúng ta phải dành cho Đấng Tạo hóa và là Chúa của chúng ta. Thử thách Thiên Chúa luôn hàm chứa thái độ hoài nghi về tình yêu của Ngài, sự quan phòng và quyền năng của Ngài.47
21201374
Sự phạm thánh là sự xúc phạm hay có thái độ bất xứng đối với các bí tích và các hành động phụng vụ khác, và cả đối với các người, các đồ vật và các nơi đã thánh hiến cho Thiên Chúa. Sự phạm thánh là một tội nghiêm trọng, đặc biệt khi phạm đến bí tích Thánh Thể, bởi vì trong bí tích này, chính Mình Thánh Đức Kitô hiện diện một cách theo bản thể với chúng ta.48
2121
Sự mại thánh49 được định nghĩa là mua hay bán những thực tại thiêng liêng. Khi phù thủy Simon muốn mua quyền năng thiêng liêng mà ông thấy đang hoạt động nơi các Tông Đồ, thánh Phêrô đã trả lời: “Tiền bạc của anh tiêu tan luôn với anh cho rồi, vì anh tưởng có thể lấy tiền mà mua ân huệ của Thiên Chúa” (Cv 8,20). Như thế, vị Tông Đồ đã hành động phù hợp với lời Chúa Giêsu: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy”50 (Mt 10,8). Không thể chiếm lấy những của cải thiêng liêng cho mình và tùy ý sử dụng chúng như sở hữu chủ hay ông chủ của chúng, bởi vì những điều đó xuất phát từ nguồn mạch là Thiên Chúa. Con người chỉ có thể đón nhận cách nhưng không từ Thiên Chúa.
2122
“Ngoài những của dâng cúng do nhà chức trách có thẩm quyền ấn định, thừa tác viên không được xin gì để ban các bí tích, và luôn luôn phải liệu sao đừng để những người nghèo không được hưởng nhờ ơn các bí tích vì sự túng thiếu của mình.”51 Thẩm quyền Hội Thánh ấn định “những của dâng cúng” này theo nguyên tắc dân Kitô Giáo phải cấp dưỡng cho các thừa tác viên của Hội Thánh. “Thợ thì đáng được nuôi ăn”52 (Mt 10,10).
Vô thần (2123-2126)
212329
“Có nhiều người đương thời với chúng ta không hề nhận ra hoặc khước từ cách minh nhiên tương quan mật thiết và sống động kết hợp con người với Thiên Chúa, cho nên vô thần phải được kể là một trong những vấn đề hệ trọng nhất trong thời đại này.”53
2124
Từ “vô thần” chỉ nhiều hiện tượng rất khác nhau. Hình thức thông thường là chủ nghĩa duy vật thực tiễn; chủ nghĩa này giới hạn những nhu cầu và tham vọng của mình vào không gian và thời gian. Chủ nghĩa nhân bản vô thần, một cách sai lầm, coi con người “là mục đích cho chính mình, là người duy nhất làm nên và điều khiển lịch sử riêng của mình.”54 Một hình thức khác của chủ nghĩa vô thần hiện nay muốn giải phóng con người bằng cuộc giải phóng kinh tế và xã hội; “hình thức vô thần này cho rằng tự bản chất tôn giáo ngăn cản sự giải phóng đó, vì khi nêu lên cho con người niềm hy vọng vào cuộc sống hão huyền mai hậu, tôn giáo đã làm cho họ xao lãng việc xây dựng thành đô trần thế.”55
21251735
Vô thần tự nó đối nghịch với nhân đức thờ phượng, vì từ chối hay phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa.56 Trách nhiệm về điều này có thể được giảm thiểu nhiều ít, vì các ý hướng và hoàn cảnh. Trong việc khai sinh và phổ biến sự vô thần, “các tín hữu có thể có một phần trách nhiệm không nhỏ, tùy mức độ, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc bởi trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội. Phải nói rằng họ đã che giấu hơn là bày tỏ dung mạo đích thực của Thiên Chúa và của tôn giáo.”57
2126396 / 154
Vô thần thường được đặt nền trên một quan niệm không đúng về quyền tự lập của con người, đến độ phủ nhận mọi lệ thuộc vào Thiên Chúa.58 Tuy nhiên, việc nhìn nhận Thiên Chúa không hề nghịch với phẩm giá con người, “vì phẩm giá đó được đặt nền và được kiện toàn nơi chính Thiên Chúa.”59 Hội Thánh biết rõ “sứ điệp của mình phù hợp với những ước muốn thầm kín nhất của trái tim con người.”60
Chủ thuyết bất khả tri (2127-2128)
212736
Chủ thuyết bất khả tri có nhiều hình thức. Trong một số trường hợp, người theo chủ thuyết này không phủ nhận Thiên Chúa, mà trái lại, còn cho là có sự hiện hữu của một hữu thể siêu việt không thể tự mặc khải và không ai có thể nói được gì về hữu thể đó. Trong những trường hợp khác, người theo chủ thuyết này không đề cập đến sự hiện hữu của Thiên Chúa, vì cho rằng không thể chứng minh, xác nhận hay phủ nhận về sự hiện hữu đó.
21281036
Đôi khi chủ thuyết bất khả tri có thể hàm chứa một cố gắng tìm kiếm nào đó về Thiên Chúa, nhưng cũng có thể biểu hiện một sự lãnh đạm thờ ơ, chạy trốn trước vấn đề tối hậu về sự hiện hữu, và một sự lười biếng của lương tâm luân lý. Chủ thuyết bất khả tri rất thường tương đương với sự vô thần thực hành.
IV. “Ngươi không được làm cho mình bất cứ hình tượng nào về Thiên Chúa...” (2129-2132) [1159-1162]
2129300 / 2500
Mệnh lệnh thần linh bao hàm việc cấm mọi hình thức trình bày Thiên Chúa bằng bàn tay con người. Sách Đệ Nhị Luật giải thích: “Anh em đã không thấy hình bóng nào, ngày Chúa phán với anh em tại núi Hôreb từ trong đám lửa; vì thế, đừng có ra hư hỏng mà làm cho mình một tượng mang hình ảnh bất cứ cái gì...” (Đnl 4,15-16). Chính Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối siêu việt, đã tự mặc khải cho Ítraen. “Ngài là tất cả”, nhưng đồng thời, Ngài “vượt trên mọi công trình Ngài thực hiện” (Hc 43,29-30). Ngài là “tác giả của muôn vẻ đẹp” (Kn 13,3).
2130
Tuy nhiên, trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã truyền lệnh hay cho phép làm những hình ảnh, một cách biểu tượng sẽ đưa tới ơn cứu độ nhờ Ngôi Lời nhập thể: ví dụ con rắn đồng,61 Hòm Bia Giao Ước và các chêrubim.62
2131476
Công đồng chung thứ bảy, ở Nicêa (năm 787), dựa vào mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, đã biện minh cho việc sùng kính ảnh tượng thánh, như ảnh tượng Đức Kitô, và cả ảnh tượng Mẹ Thiên Chúa, các Thiên thần và tất cả các Thánh, chống lại những người bài ảnh tượng. Nhờ cuộc Nhập thể của mình, Con Thiên Chúa đã khai mở một “nhiệm cục” về các ảnh tượng.
2132
Việc sùng kính của Kitô Giáo đối với các ảnh tượng, không nghịch lại điều răn thứ nhất cấm thờ ngẫu tượng. Thật vậy, “khi tôn kính một ảnh tượng, chúng ta hướng tâm hồn lên đến nguyên ảnh”,63 và “tôn kính một ảnh tượng là tôn kính chính vị được phác họa trong ảnh tượng.”64 Đối với các ảnh tượng thánh, chúng ta chỉ tôn kính (veneratio), chứ không tôn thờ (adoratio) là việc chỉ dành cho một mình Thiên Chúa:
“Sự sùng kính tôn giáo không nhắm tới các ảnh tượng vì chính chúng, như một thực tại nào đó, nhưng nhắm tới việc chúng là những hình ảnh đưa dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa nhập thể. Việc tôn kính không dừng lại ở chính ảnh tượng, nhưng vươn tới điều mà ảnh tượng biểu thị.”65
Tóm lược (2133-2141)
2133
“Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng, hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,5).
2134
Điều răn thứ nhất kêu gọi con người tin vào Thiên Chúa, trông cậy nơi Ngài và yêu mến Ngài trên hết mọi sự.
2135
“Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4,10). Thờ lạy Thiên Chúa, kêu cầu Ngài, dâng lên Ngài việc phụng thờ xứng hợp, chu toàn các lời khấn hứa với Ngài, là những hành vi thuộc nhân đức thờ phượng, phát xuất từ sự vâng phục điều răn thứ nhất.
2136
Phải dành cho Thiên Chúa việc phụng tự đích thực, là bổn phận của con người, xét theo cá nhân cũng như xã hội.
2137
Con người phải có quyền tự do tuyên xưng tôn giáo cách riêng tư và cách công khai.66
2138
Mê tín là sự lệch lạc trong việc thờ phượng phải dành cho Thiên Chúa thật. Mê tín được biểu lộ trong việc thờ ngẫu tượng, cũng như trong các hình thức bói toán và ma thuật.
2139
Điều răn thứ nhất cấm các tội của sự vô tôn giáo là: hành động thử thách Thiên Chúa bằng lời nói hay việc làm, sự phạm thánh và sự mại thánh.
2140
Sự vô thần, vì từ chối hay phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, là một tội nghịch với điều răn thứ nhất.
2141
Việc sùng kính các ảnh tượng thánh đặt nền trên mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Việc đó không nghịch với điều răn thứ nhất.
Chú thích
2 X. Đnl 5,6-9.
3 X. Xh 19,16-25; 24,15-18.
4 Thánh Giustinô, Dialogus cum Tryphone Iudaeo, 11,1. CA 2,40 (PG 6,497).
5 Catechismus Romanus, 3, 2, 4: ed. P. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 408-409.
6 X. Rm 1,5; 16,26.
7 X. Rm 1,18-32.
8 Bộ Giáo Luật, điều 751.
9 X. Đnl 6,4-5.
10 X. Lc 1,46-49.
11 Thánh Augustinô, De civitate Dei, 10, 6: CSEL 401,454-455 (PL 41,283).
12 X. Am 5,21-25.
13 X. Is 1,10-20.
14 X. Hs 6,6.
15 X. Dt 9,13-14.
16 Bộ Giáo Luật, điều 1191,1.
17 X. Cv 18,18; 21,23-24.
18 X. Bộ Giáo Luật, điều 654.
19 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 42: AAS 57 (1965) 48-49.
20 X. Bộ Giáo Luật, các điều 692.1196-1197.
21 CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 1: AAS 58 (1966) 930.
22 X. CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 2: AAS 58 (1966) 931.
23 CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Nostra aetate, 2: AAS 58 (1966) 741.
24 CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 14: AAS 58 (1966) 940.
25 CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 1: AAS 58 (1966) 930.
26 CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 13: AAS 58 (1966) 849.
27 X. CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 1: AAS 58 (1966) 930.
28 X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Apostolicam actuositatem, 13: AAS 58 (1966) 850.
29 X. ĐGH Lêô XIII, Thông điệp Immortale Dei : Leonis XIII Acta, 5, 118-150; ĐGH Piô XI, Thông điệp Quas primas: AAS 17 (1925) 593-610.
30 CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 2: AAS 58 (1966) 930; x. Id., Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 26: AAS 58 (1966) 1046.
31 CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 2: AAS 58 (1966) 931.
32 CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 6: AAS 58 (1966) 934.
33 X. ĐGH Lêô XIII, Thông điệp Libertas praestantissimum: Leonis XIII Acta 8,229-230.
34 X. ĐGH Piô XII, Allocutio iis qui interfuerunt Conventui quinto nationali Italico Unionis Iurisconsultorum catholicorum (6/12/1953): AAS 45 (1953) 799.
35 X. CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 2: AAS 58 (1966) 930-931.
36 X. ĐGH Piô VI, Breve Quod aliquantum (10/3/1791): Collectio Brevium atque Instructionum SS. D. N. Pii Papae VI... (Romae 1800) 54-55.
37 X. ĐGH Piô IX, Thông điệp Quanta cura: DS 2890.
38 CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 7: AAS 58 (1966) 935.
39 X. Mt 23,16-22.
40 X. Is 44,; Gr 10,1-16; Đn 14,1-30; Br 6; Kn 13,1 - 15,19.
41 X. Tv 42,3.
42 X. Kh 13-14.
43 X. Gl 5,20; Ep 5,5.
44 Ôrigiênê, Contra Celsum, 2, 40: SC 132,378 (PG 11,861).
45 X. Đnl 18,10; Gr 29,8.
46 X. Lc 4,9.
47 X. 1 Cr 10,9; Xh 17,2-7; Tv 95,9.
48 X. Bộ Giáo Luật, các điều 1367.1376.
49 X. Cv 8,9-24.
50 X. Is 55,1.
51 Bộ Giáo Luật, điều 848.
52 X. Lc 10,7; 1 Cr 9,4-18; 1 Tm 5,17-18.
53 CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 19: AAS 58 (1966) 1039.
54 CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 20: AAS 58 (1966) 1040.
55 CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 20: AAS 58 (1966) 1040.
56 X. Rm 1,18.
57 CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 19: AAS 58 (1966) 1039.
58 X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 20: AAS 58 (1966) 1040.
59 CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 21: AAS 58 (1966) 1040.
60 CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 21: AAS 58 (1966) 1042.
61 X. Ds 21,4-9; Kn 16,5-14; Ga 3,14-15.
62 X. Xh 25,10-22; 1 V 6,23-28; 7,23-26.
63 Thánh Basiliô Cả, Liber de Spiritu Sancto, 18, 45: SC 17bis, 406 (PG 32,149).
64 CĐ Nicêa II, Definitio de sacris imaginibus: DS 601; x. CĐ Triđentinô, Sess. 25a, Decretum de invocatione, veneratione et reliquiis sanctorum, et sacris imaginibus: DS 1821-1825; CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 125: AAS 56 (1964) 132; Id., Hiến chế tín lý Lumen gentium, 67: AAS 57 (1965) 65-66.
65 Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, II-II, q. 81, a. 3, ad 3: Ed. Leon. 9, 180.
66 X. CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Dignitatis humanae, 15: AAS 58 (1966) 940.