Mục 10: Điều răn thứ mười (2534-2557)
“Ngươi không được ham muốn... bất cứ vật gì của người ta” (Xh 20,17). “Ngươi không được thèm muốn nhà của người ta, đồng ruộng, tôi tớ nam nữ, con bò, con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta” (Đnl 5,21). “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6,21).
25342112 / 2069
Điều răn thứ mười giải thích và bổ túc điều răn thứ chín, là điều răn về dục vọng xác thịt. Điều răn thứ mười cấm sự ham muốn của cải của người khác, là cội rễ của tội trộm cắp, cướp đoạt và gian lận, mà điều răn thứ bảy đã cấm. “Dục vọng của đôi mắt” (1 Ga 2,16) đưa đến bạo lực và sự bất công, mà điều răn thứ năm đã cấm.267 Sự ham muốn, cũng như sự gian dâm, bắt nguồn từ việc thờ ngẫu tượng mà ba điều răn đầu của Lề Luật đã cấm.268 Điều răn thứ mười nhắm đến ý hướng của trái tim; và cùng với điều răn thứ chín, điều răn thứ mười tóm kết tất cả các điều răn của Lề Luật.
I. Sự vô trật tự của các ham muốn (2535-2540)
25351767
Sự ham muốn giác quan khiến chúng ta ước muốn những điều thích thú mà chúng ta không có. Chẳng hạn muốn ăn khi đói, hay mong được sưởi ấm khi lạnh. Những ước muốn này tự chúng là tốt; nhưng chúng thường không giữ sự điều độ của lý trí và thúc đẩy chúng ta ham muốn cách bất chính điều không phải của chúng ta và điều thuộc về tha nhân hay mắc nợ họ.
25362445
Điều răn thứ mười cấm sự tham lam và ước muốn sở hữu của cải trần thế cách vô chừng mực; cấm sự ham muốn phát sinh do đam mê vô độ của cải và quyền lực do của cải đem lại. Điều răn này cũng cấm ước muốn làm điều bất công gây thiệt hại cho người lân cận về của cải trần thế của họ.
“Khi Lề luật dạy: ‘Chớ tham của người’, thì có nghĩa là chúng ta đừng ham muốn những gì của người khác. Thật vậy, sự khao khát ham muốn của cải của người khác thì bao la, vô tận và chẳng bao giờ được thỏa mãn, như đã chép rằng: ‘Người thích tiền bạc có bao nhiêu cũng không lấy làm đủ’ (Gv 5,9).”269
2537
Không vi phạm điều răn này khi ước muốn những điều thuộc về người lân cận, miễn là bằng những phương thế chính đáng. Việc dạy giáo lý truyền thống nêu ra một cách thực tế, “những người phải vất vả hơn những người khác về thói xấu ham muốn này” và vì vậy, phải “được nhắc nhở cách chuyên cần hơn để tuân giữ điều răn này”:
“Đó là... những nhà buôn ước muốn hàng hóa khan hiếm và nâng cao giá cả, những người chỉ muốn độc quyền mua bán, để có thể bán với giá cao hơn và mua với giá rẻ hơn; những người muốn kẻ khác gặp hoạn nạn để trục lợi, hoặc bằng cách bán cho họ hoặc bằng cách mua của họ...; những thầy thuốc muốn cho bệnh tật lây lan; những luật sư mong cho có nhiều vụ kiện cáo quan trọng.”270
25382317 / 391
Điều răn thứ mười đòi hỏi phải loại trừ sự ganh tị khỏi trái tim con người. Khi muốn khuyến giục vua Đavít thống hối, tiên tri Nathan đã kể cho vua câu chuyện của một người nghèo, chỉ có một con chiên và thương yêu nó như con mình, và một người giàu, tuy có vô số chiên cừu, nhưng lại ganh tị với người kia và cuối cùng ăn cắp con chiên của người nghèo.271 Sự ganh tị có thể đưa tới việc làm tồi tệ nhất.272 “Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian” (Kn 2,24):
“Chúng ta đấm đá nhau, đó là vì sự ganh tị võ trang cho chúng ta chống lại nhau... Nếu mọi người đều cố phá rối Thân Thể của Đức Kitô, thì rồi chúng ta sẽ đi tới đâu? Chúng ta đang làm cho Thân Thể của Đức Kitô thành một xác chết... Chúng ta xưng mình là những chi thể của cùng một thân thể, vậy mà chúng ta lại cấu xé nhau như những thú rừng.”273
25391866
Ganh tị là một trong bảy mối tội đầu. Ganh tị chỉ sự buồn bực khi thấy kẻ khác có của cải, và sự ước ao vô độ muốn lấy của cải đó làm của mình, thậm chí bằng cách bất chính. Khi ganh tị lại kèm theo ước muốn cho người khác gặp hoạn nạn nặng nề, thì đó là một tội trọng:
Thánh Augustinô coi ganh tị là “thói xấu của ma quỷ.”274 “Ganh tị sinh ra thù ghét, nói xấu, vu khống, vui khi thấy kẻ khác gặp hoạn nạn, buồn khi thấy kẻ khác được may lành.”275
25401829
Ganh tị là một hình thức của sự buồn bực và vì vậy là sự khước từ đức mến; người đã chịu Phép Rửa phải chiến đấu chống lại nó bằng sự nhân hậu. Ganh tị thường do kiêu ngạo; người đã chịu Phép Rửa phải tập sống khiêm nhường:
“Phần tôi, tôi muốn Thiên Chúa được tôn vinh. Còn bạn, bạn hãy vui mừng vì người anh em được thành công, và Thiên Chúa sẽ được tôn vinh nhờ bạn, và mọi người sẽ nói ‘Chúc tụng Thiên Chúa’, Đấng đã có những người tôi tớ như thế, những người đã được tự do không còn ganh tị, những người vui mừng về điều tốt của tha nhân.”276
II. Những ước muốn của Thần Khí (2541-2543)
25411718 / 2764 / 397
Nhiệm cục lề luật và ân sủng làm cho trái tim con người thoát khỏi sự ham muốn và sự ganh tị; nhiệm cục đó khai tâm cho lòng ước muốn Sự Thiện trên trời; dạy con người biết những ước muốn của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho trái tim con người no thỏa.
Thiên Chúa của các lời hứa luôn cảnh giác con người chống lại sự quyến rũ của điều, từ nguyên thủy, xem ra “ăn thì phải ngon, trông thì đẹp mắt và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn” (St 3,6).
25421963
Luật được giao phó cho Ítraen không bao giờ đủ để công chính hóa những người tuân phục luật đó; Luật đó còn trở thành công cụ cho “dục vọng.”277 Sự thiếu quân bình giữa muốn và làm278 cho thấy sự xung đột giữa một bên là Luật của Thiên Chúa, tức là luật của tâm trí, với bên kia là một luật khác, “giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi” (Rm 7,23).
25431992
“Ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến luật Môsê. Điều này, sách Luật và các Tiên tri làm chứng. Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế” (Rm 3,21-22). Từ đó, các Kitô hữu “đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá, cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,24); họ được Thần Khí hướng dẫn279 và đi theo những ước muốn của Thần Khí.280
III. Sự nghèo khó của trái tim (2544-2547) [2443-2449]
2544544
Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ yêu mến Người trên tất cả mọi sự và mọi người, và mời gọi họ từ bỏ “mọi sự họ có”281 vì Người và vì Tin Mừng.282 Trước cuộc khổ nạn của Người ít lâu, Người đã cho họ gương bà góa nghèo ở Giêrusalem, bà này, trong cảnh túng cực của mình, đã cho đi tất cả những gì bà có để sống.283 Lệnh truyền giữ trái tim tự do đối với của cải là bắt buộc để vào được Nước Trời.
25452013
Mọi Kitô hữu phải “điều khiển các tình cảm của mình cách đúng đắn, kẻo việc sử dụng của cải trần gian và sự gắn bó với sự giàu sang nghịch với tinh thần khó nghèo của Tin Mừng, cản trở họ theo đuổi sự trọn hảo của đức mến.”284
25461716
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5,3). Các mối phúc cho chúng ta thấy trật tự của hạnh phúc và ân sủng, của vẻ đẹp và sự bình an. Chúa Giêsu tán dương niềm vui của những người nghèo, Nước Trời đã là của họ:285
“Tôi thấy Ngôi Lời gọi sự khiêm tốn tự nguyện của tâm hồn là ‘sự nghèo khó trong tinh thần’, và thánh Tông Đồ nêu lên cho chúng ta tấm gương nghèo khó của Thiên Chúa, khi ngài nói: ‘Người đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em’ (2 Cr 8,9).”286
2547305
Chúa khóc thương những người giàu có, bởi vì họ đã được an ủi287 trong của cải dư dật. “Kẻ kiêu căng tìm kiếm và yêu thích các nước trần gian, còn: Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.”288 Việc phó thác cho sự quan phòng của Cha trên trời giải thoát khỏi những âu lo về ngày mai. Sự tín thác vào Thiên Chúa chuẩn bị cho việc hưởng vinh phúc của những người nghèo.289 Họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa.
IV. Tôi muốn nhìn thấy Thiên Chúa (2548-2550)
25482519
Sự ước muốn vinh phúc đích thực giúp con người thoát khỏi tình cảm vô độ đối với của cải của trần gian, để ước muốn đó được hoàn thành trong sự chiêm ngắm và vinh phúc của Thiên Chúa. “Quả thật, lời hứa [được nhìn thấy Thiên Chúa] là quá đỗi lớn lao, đến nỗi vượt quá giới hạn cuối cùng của vinh phúc... Vì, theo kiểu nói của Thánh Kinh, nhìn thấy cũng đồng nghĩa với sở hữu... Cho nên ai nhìn thấy Thiên Chúa, thì đã đạt được mọi phúc lộc mà người ta có thể nghĩ tưởng ra được.”290
25492015
Dân Thánh còn phải chiến đấu để, nhờ ân sủng từ trên cao, đạt được những phúc lợi Thiên Chúa hứa ban. Để sở hữu và chiêm ngắm Thiên Chúa, các Kitô hữu phải chế ngự các ham muốn của mình, và nhờ ân sủng Thiên Chúa, vượt thắng được các quyến rũ của thú vui và quyền lực.
2550314
Trên con đường trọn hảo này, Thần Khí và Tân Nương kêu gọi những ai biết lắng nghe291 tới sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa:
“Ở đó sẽ có vinh quang thật, vì ở đó không ai được ca ngợi do bởi lầm lẫn hay nịnh bợ; danh dự thật sẽ không bị khước từ với người xứng đáng, mà cũng không được ban cho kẻ bất xứng; nhưng cũng chẳng có kẻ bất xứng nào sẽ tự cho là mình xứng đáng đến nơi mà không ai được phép đến, trừ ra người xứng đáng. Ở đó sẽ có bình an thật, vì không ai sẽ còn phải chịu đựng điều gì đối nghịch, hoặc do chính mình hoặc do người khác. Chính Thiên Chúa sẽ là phần thưởng của nhân đức, chính Ngài là Đấng đã ban nhân đức và đã hứa ban chính Ngài làm phần thưởng cho nhân đức, mà không có phần thưởng nào tốt hơn và lớn hơn được... ‘Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi, còn các ngươi sẽ là dân của Ta’ (Lv 26,12)... Đây cũng đúng là điều thánh Tông Đồ đã nói: ‘Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài’ (1 Cr 15,28). Chính Ngài sẽ là mục đích của những ước muốn của chúng ta, Ngài sẽ được chiêm ngưỡng không cùng, được yêu mến không chán, được ca ngợi không mỏi mệt. Và hồng ân này, tình cảm này, hành vi này chắc chắn sẽ là chung cho tất cả mọi người, cũng như sự sống vĩnh cửu chung.”292
Tóm lược (2551-2557)
2551
“Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6,21).
2552
Điều răn thứ mười cấm sự ham muốn vô trật tự, phát sinh do đam mê vô độ của cải và quyền lực do của cải đem lại.
2553
Ganh tị là buồn bực khi thấy kẻ khác có của cải, và ước ao vô độ muốn lấy của cải đó làm của mình. Ganh tị là một trong bảy mối tội đầu.
2554
Người đã chịu Phép Rửa phải chiến đấu chống lại tính ganh tị bằng sự nhân hậu, khiêm nhường và phó mình cho sự quan phòng của Thiên Chúa.
2555
Các Kitô hữu “đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,24); họ được Thần Khí hướng dẫn và đi theo các ước muốn của Ngài.
2556
Sự thắng vượt lòng quyến luyến của cải là cần thiết để vào Nước Trời. “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5,3).
2557
Người có lòng ước muốn nói: “Tôi muốn nhìn thấy Thiên Chúa.” Cơn khát Thiên Chúa được thỏa mãn bằng nước là đời sống vĩnh cửu.293”
Chú thích
267 X. Mk 2,22.
268 X. Kn 14,12.
269 Catechismus Romanus, 3, 10, 13: ed. P. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 518.
270 Catechismus Romanus, 3, 10, 23: ed. P. Rodríguez (Città del Vaticano-Pamplona 1989) 523.
271 X. 2 Sm 12,1-4.
272 X. St 4,3-8; 1 V 21,1-29.
273 Thánh Gioan Kim Khẩu, In epistulam II ad Corinthios, homilia 27,3-4: PG 61,588.
274 Thánh Augustinô, De disciplina christiana, 7, 7: CCL 46,214 (PL 40,673); Id., Epistula 108, 3, 8: CSEL 34,620 (PL 33,410).
275 Thánh Grêgôriô Cả, Moralia in Iob, 31, 45, 88: CCL 143b, 1610 (PL 76,621).
276 Thánh Gioan Kim Khẩu, In epistulam ad Romanos, homilia 7,5: PG 60,448.
277 X. Rm 7,7.
278 X. Rm 7,15.
279 X. Rm 8,14.
280 X. Rm 8,27.
281 X. Lc 14,33.
282 X. Mc 8,35.
283 X. Lc 21,4.
284 CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 42: AAS 57 (a965) 49.
285 X. Lc 6,20.
286 Thánh Grêgôriô thành Nyssa, De beatitudinibus, oratio 1: Gregorii Nysseni opera, ed. W. Jaeger, v. 72 (Leiden 1992) 83 (PG 44,1200).
287 X. Lc 6,24.
288 Thánh Augustinô, De sermone Domini in monte, 1, 1. 3: CCL 35,4 (PL 34,1232).
289 X. Mt 6,25-34.
290 Thánh Grêgôriô thành Nyssa, De beatitudinibus, oratio 6: Gregorii Nysseni opera, ed. W. Jaeger, v. 72 (Leiden 1992) 138 (PG 44,1265).
291 X. Kh 22,17.
292 Thánh Augustinô, De civitate Dei, 22, 30: CSEL 402,665-666 (PL 41,801-802).
293 X. Ga 4,14.