Mục 3: Lời cầu nguyện trong Giờ của Chúa Giêsu (2746-2758)

27461085

Khi đến Giờ của Người, Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha.37 Lời cầu nguyện của Người, lời dài nhất được sách Tin Mừng lưu truyền, bao gồm toàn bộ Nhiệm cục tạo dựng và cứu độ, cũng như cả cái Chết và sự Phục sinh của Người. Lời cầu nguyện trong Giờ của Chúa Giêsu vẫn luôn còn là lời cầu nguyện của Người, cũng như cuộc Vượt Qua của Người, đã diễn ra “một lần cho mãi mãi”, vẫn luôn hiện diện trong phụng vụ của Hội Thánh Người.

2747

Truyền thống Kitô Giáo gọi lời nguyện này một cách xác đáng là “lời nguyện tư tế” của Chúa Giêsu. Đây chính là lời cầu nguyện của Vị Thượng Tế của chúng ta, lời cầu nguyện này không thể tách rời khỏi cuộc hiến tế của Người, khỏi cuộc Vượt Qua của Người để về cùng Chúa Cha, trong đó chính Người “được thánh hiến”38 trọn vẹn cho Chúa Cha.

2748518 / 820

Trong lời cầu nguyện của cuộc Vượt Qua, của cuộc hiến tế này, mọi sự “được quy tụ”39 trong Người: Thiên Chúa và thế gian, Ngôi Lời và xác phàm, sự sống vĩnh cửu và thời gian, tình yêu tự trao nộp và tội phản bội lại tình yêu, các môn đệ đang có mặt và những người sẽ tin vào Người nhờ lời của các ông, sự hạ mình và vinh quang. Đó là lời cầu nguyện của sự Hợp nhất.

27492616

Chúa Giêsu đã hoàn thành toàn bộ công trình của Chúa Cha và lời cầu nguyện cũng như hy lễ của Người trải rộng tới lúc hoàn tất thời gian. Lời cầu nguyện trong Giờ của Người hoàn thành những thời buổi cuối cùng và dẫn đưa chúng đến chỗ hoàn tất. Chúa Giêsu, Người Con đã được Chúa Cha trao cho mọi sự, đã trao hiến trọn vẹn cho Chúa Cha và đồng thời Người tỏ ra mình hoàn toàn tự do,40 nhờ quyền năng Chúa Cha ban cho Người trên mọi xác phàm. Người Con, Đấng đã trở thành Người Tôi Tớ, là Chúa, là Đấng Toàn Năng (Pantocrator). Vị Thượng Tế cao cả của chúng ta, Đấng cầu nguyện cho chúng ta, cũng là Đấng cầu nguyện trong chúng ta, và là Thiên Chúa, Đấng nhận lời chúng ta cầu nguyện.

27502815

Khi đã thuộc về Danh thánh của Chúa Giêsu, chúng ta có thể đón nhận, từ bên trong, lời cầu nguyện chính Người dạy chúng ta: “Lạy Cha chúng con.” Lời cầu nguyện tư tế của Người, từ bên trong, gợi hứng cho những lời cầu xin quan trọng của kinh Lạy Cha: quan tâm đến Danh Cha,41 nhiệt tình với Nước Cha (vinh quang42 ), chu toàn Ý Cha, kế hoạch cứu độ của Ngài43 và sự giải thoát khỏi sự dữ.44

2751240

Cuối cùng, trong lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu mặc khải và dạy chúng ta sự “hiểu biết” bất khả phân ly về Chúa Cha và Chúa Con.45 Sự hiểu biết ấy chính là mầu nhiệm của đời sống cầu nguyện.

Tóm lược (2752-2758)

2752

Cầu nguyện đòi phải cố gắng và chiến đấu chống lại chính chúng ta và chống lại những mưu mô của Tên cám dỗ. Cuộc chiến đấu của việc cầu nguyện không thể tách rời khỏi cuộc “chiến đấu thiêng liêng” vốn cần thiết để Kitô hữu thường xuyên hoạt động theo Thần Khí của Đức Kitô: Chúng ta cầu nguyện như chúng ta sống, bởi vì chúng ta sống như chúng ta cầu nguyện.

2753

Trong cuộc chiến đấu của việc cầu nguyện, chúng ta phải đương đầu với những quan niệm sai lầm về cầu nguyện, với những não trạng khác, với kinh nghiệm về những thất bại của chúng ta. Đối với những cám dỗ này, vốn gợi lên sự nghi ngờ về lợi ích hoặc thậm chí về sự khả dĩ của việc cầu nguyện, cần phải đáp lại bằng sự khiêm nhường, tin tưởng và kiên trì.

2754

Những khó khăn chính trong việc cầu nguyện là sự chia trí và sự khô khan. Phương thuốc chữa trị hệ tại ở đức tin, sự hối cải và sự tỉnh thức của tâm hồn.

2755

Hai cám dỗ thường xuyên đe dọa việc cầu nguyện: sự thiếu lòng tin và sự nguội lạnh; sự nguội lạnh là một hình thức suy nhược tinh thần, do nới lỏng việc khổ chế và dẫn tới sự nản lòng.

2756

Lòng tin tưởng phó thác của con cái Thiên Chúa bị thử thách khi cảm thấy mình không luôn được nhậm lời. Tin Mừng mời gọi chúng ta tự vấn xem lời cầu nguyện của chúng ta có phù hợp với ý muốn của Thần Khí hay không.

2757

“Hãy cầu nguyện không ngừng” (1 Tx 5,17). Lúc nào chúng ta cũng có thể cầu nguyện. Cầu nguyện là một nhu cầu sống còn. Cầu nguyện và đời sống Kitô hữu không thể tách rời nhau.

2758

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Giờ của Người được gọi cách xác đáng là “lời nguyện tư tế”,46 bao gồm toàn bộ nhiệm cục tạo dựng và cứu độ. Lời cầu nguyện này gợi hứng cho những lời cầu xin quan trọng của kinh Lạy Cha.


Chú thích

37 X. Ga 17.

38 X. Ga 17,11.13.19.

39 X. Ep 1,10.

40 X. Ga 17,11.13.19.24.

41 X. Ga 17,6.11.12.26.

42 X. Ga 17,1.5.10.22.23-26.

43 X. Ga 17,2.4.6.9.11.12.24.

44 X. Ga 17,15.

45 X. Ga 17,3.6-10.25.

46 X. Ga 17.

Mục 2: Cuộc chiến đấu của việc cầu nguyện (2725-2745)ĐOẠN THỨ HAI: LỜI KINH CỦA CHÚA: KINH LẠY CHA (2759-2865)