Mục 1: “Bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng” (2761-2776)

2761

“Lời Kinh Chúa dạy quả thật là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng.”7 “Sau khi dạy mẫu kinh này, Chúa Giêsu thêm: ‘Cứ xin đi, anh em sẽ được’ (Ga 16,24). Vậy mỗi người có thể dâng lên Chúa những lời kinh khác nhau tùy nhu cầu, nhưng luôn phải bắt đầu bằng kinh nguyện căn bản là Lời Kinh Chúa dạy như là lời kinh nền tảng.”8

I. Ở tâm điểm của Sách Thánh (2762-2764)

2762

Sau khi cho thấy các Thánh vịnh là chất liệu nuôi dưỡng chính yếu của kinh nguyện Kitô Giáo và được quy tụ lại nơi các lời cầu xin trong kinh Lạy Cha như thế nào, thánh Augustinô kết luận:

“Bạn hãy rảo qua mọi lời cầu nguyện có trong các Sách Thánh, như tôi thiết nghĩ, bạn sẽ thấy không có điều gì mà Lời Kinh Chúa dạy lại không chứa đựng và bao gồm.”9

2763102 / 2541

Tất cả sách Cựu Ước (Lề luật, các Tiên tri và các Thánh vịnh) đều được ứng nghiệm nơi Đức Kitô.10 Tin Mừng chính là “Tin vui mừng” đó. Thánh Mátthêu đã tóm lược việc loan báo đầu tiên của Tin vui mừng đó trong Bài giảng trên núi.11 Mà lời kinh dâng lên Cha chúng ta nằm ở trung tâm của lời loan báo này. Chính trong bối cảnh đó mà mỗi lời cầu xin trong Lời Kinh Chúa dạy được sáng tỏ:

“Lời Kinh Chúa dạy là lời cầu nguyện tuyệt hảo... Nhưng trong Lời kinh đó, không những chúng ta cầu xin những điều chúng ta có thể ước ao cách chính đáng, mà còn theo một trật tự những điều đáng ước ao nữa: như vậy, lời kinh này không những dạy chúng ta cầu xin, mà còn huấn luyện toàn thể tâm tình của chúng ta.”12

27641965 / 1969

Bài giảng trên núi là giáo huấn để sống, kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện, nhưng trong cả hai, Thần Khí của Chúa đem lại thể thức mới cho những ao ước của chúng ta, cho những biến chuyển nội tâm làm sinh động cuộc đời chúng ta. Chúa Giêsu dùng lời Người dạy chúng ta về cuộc đời mới và dạy chúng ta nài xin cuộc đời mới này bằng cầu nguyện. Sự trung thực của cuộc đời chúng ta trong Người sẽ tùy thuộc vào sự trung thực của lời cầu nguyện của chúng ta.

II. Lời kinh của Chúa (2765-2766)

27652701

Cách gọi truyền thống “Lời Kinh Chúa dạy” muốn nói rằng kinh nguyện chúng ta dâng lên Cha chúng ta là do Chúa Giêsu chỉ dạy và ban tặng. Lời kinh này, từ Chúa Giêsu đến với chúng ta, quả là độc nhất vô nhị: đó là Lời Kinh “của Chúa.” Một đàng, qua những lời trong kinh này, Con Một Thiên Chúa quả thật ban cho chúng ta những lời mà Chúa Cha đã ban cho Người:13 Người là Thầy dạy chúng ta cầu nguyện. Đàng khác, là Ngôi Lời nhập thể, nên trong trái tim nhân loại của Người, Người biết rõ nhu cầu của những anh chị em loài người của Người, và Người bày tỏ những nhu cầu đó cho chúng ta: Người là mẫu mực của việc cầu nguyện của chúng ta.

2766690

Nhưng Chúa Giêsu không để lại cho chúng ta một công thức được lặp đi lặp lại cách máy móc.14 Cũng như trong bất cứ lời khẩu nguyện nào, chính nhờ Ngôi Lời Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần dạy cho con cái Thiên Chúa biết cầu nguyện với Cha họ. Chúa Giêsu không những ban cho chúng ta những lời cầu nguyện của người con hiếu thảo, mà đồng thời Người còn ban tặng chúng ta Thần Khí để những lời ấy trở thành “thần khí và là sự sống” (Ga 6,63) trong chúng ta. Hơn nữa, chúng ta có lý do và có khả năng dâng lời cầu nguyện con thảo là vì Chúa Cha “đã sai Thần Khí của Con Ngài đến ngự trong lòng chúng ta mà kêu lên: ‘Ápba, Cha ơi’” (Gl 4,6). Bởi vì lời cầu nguyện của chúng ta nói lên những ước muốn của chúng ta trước mặt Chúa Cha, nên Đấng “thấu suốt tâm can”, tức là Chúa Cha, “biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,27). Việc cầu nguyện dâng lên Cha chúng ta được đưa vào trong sứ vụ huyền diệu của Chúa Con và của Thần Khí.

III. Lời kinh của Hội Thánh (2767-2772)

2767

Ngay từ đầu, Hội Thánh đã đón nhận và sống hồng ân không thể tách rời gồm các lời của Chúa, và Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống cho các lời đó trong lòng các tín hữu. Các cộng đoàn tiên khởi cầu nguyện bằng Lời Kinh Chúa dạy “ba lần trong ngày”15 thay thế cho “mười tám lời chúc tụng” vẫn được sử dụng trong việc đạo đức của Do Thái giáo.

2768

Theo Truyền thống các Tông Đồ, Lời Kinh Chúa dạy được bén rễ sâu chủ yếu trong kinh nguyện phụng vụ.

“Chúa dạy chúng ta cầu nguyện chung cho các anh chị em. Vì Người không nói ‘Lạy Cha của con, ngự trên trời’, nhưng là ‘Lạy Cha chúng con’, để khẩn cầu cho toàn thân thể Hội Thánh.”16 Trong mọi truyền thống phụng vụ, Lời Kinh Chúa dạy là thành phần không thể thiếu của các giờ kinh phụng vụ chính. Nhưng nhất là trong ba bí tích khai tâm Kitô Giáo, đặc tính Hội Thánh của lời kinh này nổi bật:

27691243

Trong bí tích Rửa TộiThêm Sức, nghi thức trao Kinh Lạy Cha nói lên ý nghĩa việc sinh hạ mới vào sự sống thần linh. Vì việc cầu nguyện của Kitô Giáo là ngỏ lời với Thiên Chúa bằng chính lời của Thiên Chúa, nên những người “đã được tái sinh... nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống” (1 Pr 1,23) học kêu cầu Cha của mình, bằng Lời duy nhất mà Cha luôn đoái nhận. Và từ nay trở đi, họ có thể làm như thế, bởi vì ấn tín của việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần đã ghi dấu không thể xóa nhòa trong lòng họ, trên tai họ, trên môi họ, trên trọn vẹn thực tại làm con của họ. Chính vì lẽ đó, phần lớn các bài giải thích của các Giáo phụ về kinh Lạy Cha đều nhắm đến các dự tòng và tân tòng. Khi Hội Thánh cầu nguyện bằng Lời Kinh Chúa dạy, thì luôn luôn là đoàn dân “như những trẻ sơ sinh” đang cầu nguyện và nhận được lòng thương xót.17

27701350

Trong Phụng vụ Thánh Thể, Lời Kinh Chúa dạy rõ ràng mang tính cách là lời kinh của toàn thể Hội Thánh, với đầy đủ ý nghĩa và hiệu năng. Được đặt giữa Kinh nguyện Thánh Thể (Anaphora) và phụng vụ hiệp lễ, kinh Lạy Cha một đàng gồm tóm mọi lời cầu xin và chuyển cầu đã được diễn tả sau kinh Khẩn cầu Chúa Thánh Thần (Epiclesis), và đàng khác, lời kinh này gõ cửa Bàn tiệc Nước Trời mà việc Hiệp lễ là tiền dự.

27711403

Trong Thánh Lễ, Kinh Lạy Cha còn biểu lộ đặc tính cánh chung của các lời cầu xin trong kinh này. Đây là lời kinh riêng “của thời cuối cùng”, của thời cứu độ đã bắt đầu bằng việc tuôn đổ Chúa Thánh Thần và sẽ kết thúc bằng cuộc trở lại của Chúa. Các lời cầu xin dâng lên Cha chúng ta, khác với các lời kinh trong Cựu Ước, dựa trên mầu nhiệm cứu độ đã được thực hiện, một lần cho mãi mãi, trong Đức Kitô chịu đóng đinh và đã phục sinh.

27721820

Từ niềm tin không lay chuyển ấy, phát xuất niềm hy vọng khơi dậy mỗi một trong bảy lời cầu xin. Những lời cầu xin này diễn tả tiếng rên siết của thời hiện tại, của thời kiên nhẫn và mong đợi này, lúc mà “chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ” (1 Ga 3,2).18 Thánh Lễ và kinh Lạy Cha đều hướng về ngày Chúa quang lâm, “cho tới khi Chúa đến” (1 Cr 11,26).

Tóm lược (2773-2776)

2773

Đáp lại lời xin của các môn đệ (“Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”: Lc 11,1), Chúa Giêsu đã trao cho các ông lời kinh căn bản của Kitô Giáo là kinh Lạy Cha.

2774

“Lời Kinh Chúa dạy quả thật là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng”,19 là “lời kinh tuyệt hảo.”20 Lời kinh này nằm ở tâm điểm của Sách Thánh.

2775

Lời kinh này được gọi là “Lời Kinh Chúa dạy” vì lời kinh này đến với chúng ta từ Chúa Giêsu, là Thầy và là mẫu mực cho việc cầu nguyện của chúng ta.

2776

Lời Kinh Chúa dạy cũng là lời kinh của Hội Thánh. Lời kinh này là thành phần không thể thiếu của các Giờ Kinh phụng vụ chính và của các bí tích khai tâm Kitô Giáo: Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể. Được đưa vào trong Thánh Lễ, lời kinh này biểu lộ tính “cánh chung” của những lời cầu xin, trong khi mong đợi Chúa, “cho tới khi Chúa đến” (1 Cr 11,26).


Chú thích

7 Tertullianô, De oratione, 1, 6: CCL 1,258 (PL 1,1255).

8 Tertullianô, De oratione, 10: CCL 1,263 (PL 1,1268-1269).

9 Thánh Augustinô, Epistula 130, 12, 22: CSEL 44,66 (PL 33,502).

10 X. Lc 24,44.

11 X. Mt 5-7.

12 Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, II-II. q. 83, a. 9, c: Ed. Leon. 9, 201.

13 X. Ga 17,7.

14 X. Mt 6,7; 1V 18,26-29.

15 Điđakê, 8, 3: SC 248,174 (Funk, Patres apostolici, 1, 20).

16 Thánh Gioan Kim Khẩu, In Matthaeum, homilia 19,4: PG 57,278.

17 X. 1 Pr 2,1-10.

18 X. Cl 3,4.

19 Tertullianô, De oratione, 1, 6: CCL 1,258 (PL 1,1255).

20 Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, II-II, 83, 9, c: Ed. Leon. 9, 201.

ĐOẠN THỨ HAI: LỜI KINH CỦA CHÚA: KINH LẠY CHA (2759-2865)Mục 2: “Lạy Cha chúng con ở trên trời” (2777-2802)