Tiết 1: Chúa Giêsu và Ítraen (574-594)

574530 / 591

Ngay từ đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, những người Pharisêu và nhóm Hêrôđê, cùng với các tư tế và kinh sư đã toa rập với nhau để hại Người.338 Vì một số hành động của Người (như trừ quỷ,339 tha tội,340 chữa bệnh ngày sabát,341 đưa ra những giải thích riêng về sự thanh sạch theo pháp lý,342 thân thiện với những người thu thuế và những kẻ tội lỗi công khai343 ), Chúa Giêsu bị một số người có ý xấu nghi ngờ là Người bị quỷ ám.344 Người bị tố cáo về tội nói phạm thượng,345 về tội làm tiên tri giả,346 về những tội thật sự thuộc về tôn giáo mà Luật phạt tử hình bằng cách ném đá.347

575993

Vì vậy, một số việc làm và lời nói của Chúa Giêsu đã là “dấu hiệu cho người đời chống báng”348 đối với giới lãnh đạo tôn giáo tại Giêrusalem, những người mà Tin Mừng thánh Gioan thường gọi là “người Do Thái”,349 hơn là đối với đại chúng dân Thiên Chúa.350 Các liên hệ giữa Chúa Giêsu với nhóm Pharisêu không phải chỉ là bất đồng. Một số người Pharisêu đã báo cho Người biết mối nguy hiểm đang đe dọa Người.351 Chúa Giêsu ca tụng một số người trong họ, ví dụ như vị kinh sư nói trong Mc 12,34, và nhiều lần Người đã dùng bữa tại nhà những người Pharisêu.352 Chúa Giêsu xác nhận những giáo lý chung trong nhóm tôn giáo ưu tú này của dân Chúa: việc kẻ chết sống lại,353 các hình thức đạo đức (bố thí, ăn chay và cầu nguyện),354 và thói quen gọi Thiên Chúa là Cha, tính chất trung tâm của giới răn mến Chúa yêu người.355

576

Đối với nhiều người Ítraen, Chúa Giêsu xem ra hành động nghịch với những định chế căn bản của dân Chúa chọn. Người có vẻ như:

— chống lại việc tuân phục Lề luật, trong toàn bộ các giới luật thành văn, và đối với nhóm Pharisêu, trong việc giải thích truyền khẩu;

— chống lại vị trí trung tâm của Đền thờ Giêrusalem, xét như nơi thánh, nơi duy nhất Thiên Chúa lưu ngụ;

— chống lại Đức tin vào Thiên Chúa duy nhất, Đấng không ai có thể được tham dự vào vinh quang của Ngài.

I. Chúa Giêsu và Lề Luật (577-582)

5771965 / 1967

Khởi đầu Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đưa ra một giáo huấn long trọng trong đó Người trình bày Lề luật, đã được Thiên Chúa ban tại Xinai dịp Giao Ước đầu tiên, dưới ánh sáng của ân sủng của Giao Ước Mới:

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành, và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5,17-19).

5781953

Chúa Giêsu, Đấng Mêsia của Ítraen, do đó là người lớn nhất trong Nước Trời, đã phải chu toàn Lề luật, khi tuân giữ toàn bộ Lề luật, theo chính lời Người nói, cho đến cả những điều răn nhỏ nhất. Nói cho đúng, chính Người là Đấng duy nhất đã có thể làm điều này một cách trọn hảo.356 Những người Do Thái, theo chính họ thú nhận, đã không bao giờ có thể chu toàn trọn bộ Lề luật mà không vi phạm một điều răn nhỏ nhất nào.357 Vì vậy, trong lễ Xá Tội hằng năm, con cái Ítraen cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho những lỗi phạm Lề luật của họ. Thật vậy, Lề luật tạo thành một tổng thể và, như thánh Giacôbê nhắc nhở, “ai tuân giữ tất cả Lề luật, mà chỉ sa ngã về một điểm thôi, thì cũng thành người có tội về hết mọi điểm” (Gc 2,10).358

579

Những người Pharisêu rất trọng nguyên tắc tuân giữ toàn bộ Lề luật, không những chỉ theo văn tự, mà cả theo tinh thần nữa. Khi nêu nguyên tắc đó cho Ítraen, họ đã dẫn đưa nhiều người Do Thái thời Chúa Giêsu tới việc hết sức nhiệt thành giữ đạo.359 Điều này, nếu không bị phá hủy do việc xét đoán mọi sự cách “giả hình”,360 thì nhất định đã chuẩn bị cho dân hướng tới sự can thiệp chưa từng thấy của Thiên Chúa, là việc thi hành trọn vẹn Lề luật sẽ được hoàn thành bởi Đấng Công Chính duy nhất thay cho mọi tội nhân.361

580527

Việc chu toàn Lề luật cách trọn hảo chỉ có thể được thực hiện bởi Đấng ban hành Lề luật của Thiên Chúa, là Ngôi Con, được sinh ra dưới Lề luật.362 Nơi Chúa Giêsu, Lề luật không còn được ghi trên bia đá nữa, nhưng “vào lòng dạ” và “vào tâm khảm” (Gr 31,33) của Người Tôi Trung, là người, vì đã “trung thành làm sáng tỏ công lý” (Is 42,3), nên được đặt làm “Giao Ước với dân” (Is 42,6). Chúa Giêsu chu toàn Lề luật cho đến độ đảm nhận trên mình “lời nguyền rủa của Lề luật”363 mà những ai “không bền chí thi hành tất cả những gì được chép trong sách Luật” đã chuốc lấy,364 bởi vì Đức Kitô đã chịu chết “mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao Ước Cũ” (Dt 9,15).

5812054

Trước mắt người Do Thái và các nhà lãnh đạo tinh thần của họ, Chúa Giêsu xuất hiện như một “kinh sư.”365 Người thường tranh luận về cách giải thích Lề luật của các kinh sư.366 Nhưng đồng thời, Chúa Giêsu tất yếu phải đối đầu với những tiến sĩ Luật bởi vì khi trình bày cách giải thích của mình, Người không tự giới hạn trong những cách giải thích của họ; “vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7,28-29). Nơi Người, cùng một Lời của Thiên Chúa đã từng vang lên trên núi Xinai để ban hành Lề luật được ghi khắc cho ông Môsê, nay lại vang dội trên núi Bát Phúc.367 Đấng là Ngôi Lời không bãi bỏ, nhưng kiện toàn Lề luật, bằng cách đưa ra lời giải thích tối hậu với một uy quyền thần linh: “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng... Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết” (Mt 5,33-34). Chính Người, với cùng một thẩm quyền thần linh ấy, phủ nhận một số “truyền thống của người phàm”368 (Mc 7,8) của nhóm Pharisêu, vì những truyền thống đó hủy bỏ Lời Thiên Chúa.369

582368 / 548 / 2173

Đi xa hơn nữa, Chúa Giêsu còn kiện toàn Lề luật về sự thanh sạch của các thức ăn, một điều hết sức quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của người Do Thái, khi Người cho thấy ý nghĩa “quản giáo” của luật ấy370 bằng lời giải thích thần linh: “Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế... Như vậy, là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch... Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu” (Mc 7,18-21). Khi lấy thẩm quyền thần linh mà đưa ra lời giải thích tối hậu về Lề luật, Chúa Giêsu ở trong tình thế đối nghịch với một số kinh sư không chấp nhận lời giải thích của Người, mặc dù lời giải thích này được củng cố bằng những dấu lạ thần linh kèm theo.371 Điều này đặc biệt đúng, trong vấn đề ngày sabát. Chúa Giêsu thường dựa trên chính lập luận của các kinh sư,372 để nhắc nhở rằng luật nghỉ ngơi ngày sabát không bị vi phạm khi phục vụ Thiên Chúa373 hay phục vụ người lân cận,374 như trường hợp các lần Người chữa lành.

II. Chúa Giêsu và Đền Thờ (583-586)

583529 / 534

Chúa Giêsu, cũng như các Tiên tri trước Người, tỏ lòng tôn kính rất sâu xa đối với Đền thờ Giêrusalem. Ở đó, Người đã được thánh Giuse và Đức Maria tiến dâng, bốn mươi ngày sau khi Người ra đời.375 Lúc mười hai tuổi, Người quyết định ở lại trong Đền thờ để nhắc cha mẹ Người nhớ rằng Người phải lo việc của Cha Người.376 Trong quãng đời ẩn dật của Người, Người đều lên Đền thờ mỗi năm ít nhất để mừng lễ Vượt Qua;377 thừa tác vụ công khai của Người được đánh dấu như theo nhịp điệu những lần Người hành hương lên Giêsusalem vào những dịp lễ lớn của người Do Thái.378

5842599

Chúa Giêsu lên Đền thờ với tính cách là đến một nơi để gặp gỡ Thiên Chúa. Đối với Người, Đền thờ là nhà của Cha Người, nhà cầu nguyện, và Người phẫn nộ bởi vì tiền đường Đền thờ đã trở thành nơi buôn bán.379 Sở dĩ Người xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền thờ, đó là vì lòng yêu mến nhiệt thành đối với Cha Người: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán. Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Thánh Kinh: ‘Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân’ (Tv 69,10)” (Ga 2,16-17). Sau khi Người phục sinh, các Tông Đồ vẫn giữ một lòng tôn kính đạo hạnh đối với Đền thờ.380

585

Tuy nhiên, ngay trước cuộc khổ nạn của Người, Chúa Giêsu đã tiên báo sự sụp đổ của công trình kiến trúc nguy nga ấy, tại đó sẽ không còn tảng đá nào nằm trên tảng đá nào.381 Người loan báo sự việc ấy như là một dấu chỉ của thời đại sau cùng, thời đại được khai mở bằng cuộc Vượt Qua của Người.382 Nhưng lời tiên báo đó đã bị những kẻ làm chứng gian bóp méo khi được thuật lại trong cuộc thẩm vấn Người trước mặt vị thượng tế.383 Người ta còn dùng lời ấy để nhục mạ Người khi Người bị đóng đinh trên thập giá.384

586797 / 1179

Chúa Giêsu không hề có thái độ thù nghịch Đền thờ,385 chính tại đó Người đã giảng dạy một phần giáo huấn quan trọng của Người,386 Người đã muốn nộp thuế Đền thờ cho mình và cho ông Phêrô387 mà Người vừa mới đặt làm nền tảng cho Hội Thánh tương lai của Người.388 Hơn nữa, Người tự đồng hóa mình với Đền thờ khi tự giới thiệu mình là nơi ở vĩnh viễn của Thiên Chúa giữa loài người.389 Chính vì vậy mà việc thân thể Người bị sát hại390 loan báo việc Đền thờ bị phá hủy, điều đó cho thấy lịch sử cứu độ đã bước vào một thời đại mới: “Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem” (Ga 4,21).391

III. Chúa Giêsu và đức tin của Ítraen vào Thiên Chúa duy nhất và là Đấng Cứu Độ (587-591)

587

Nếu Lề luật và Đền thờ Giêrusalem đã có thể là cớ để giới cầm quyền tôn giáo Ítraen “chống báng”392 Chúa Giêsu, thì nhiệm vụ của Người trong công trình Cứu Chuộc các tội nhân, một công trình tuyệt hảo của Thiên Chúa, mới thật sự là viên đá gây vấp phạm đối với họ.393

588545

Chúa Giêsu đã là cớ vấp phạm (scandalum) cho những người Pharisêu, khi Người dùng bữa với những người thu thuế và tội lỗi394 một cách rất thân mật, giống như với chính họ.395 Chống lại những người “tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (Lc 18,9),396 Chúa Giêsu xác quyết: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32). Người còn đi xa hơn nữa, khi tuyên bố trước mặt nhóm Pharisêu rằng, mọi người đều có tội,397 cho nên ai tự cho mình là không cần được cứu độ, là người đui mù về chính bản thân mình.398

589431 / 1441 / 432

Chúa Giêsu đã là cớ vấp phạm đặc biệt bởi vì Người đã đồng hóa cách xử sự nhân từ của Người đối với các tội nhân, với cách xử sự của chính Thiên Chúa đối với họ.399 Người còn đi đến chỗ muốn cho người ta hiểu rằng, qua việc Người đồng bàn với các tội nhân,400 Người đón nhận những người đó vào bàn tiệc của Đấng Mêsia.401 Nhưng đặc biệt khi Người tha tội, Chúa Giêsu đã đặt các nhà cầm quyền tôn giáo của Ítraen trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Họ đã chẳng sửng sốt nói rất đúng sao: “Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (Mc 2,7)? Chúa Giêsu, khi Người tha tội, thì hoặc là Người nói phạm thượng, bởi vì là người mà dám coi mình ngang hàng với Thiên Chúa,402 hoặc là Người nói đúng, thì như vậy, Con Người của Người làm hiện diện và mặc khải thánh Danh của Thiên Chúa.403

590253

Chỉ có căn tính thần linh của Con Người Giêsu mới có thể biện minh cho một đòi hỏi tuyệt đối thế này: “Ai không đi với tôi, là chống lại tôi” (Mt 12,30); cũng vậy, khi Người nói về mình: “Đây thì còn hơn ông Giôna nữa..., còn hơn vua Salômôn nữa” (Mt 12,41-42), hoặc lớn hơn cả Đền thờ;404 Người cũng nói về mình, khi nhắc lại lời vua Đavít đã gọi Đấng Mêsia là Chúa của ông;405 khi Người xác quyết: “Trước khi có ông Ápraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,58); thậm chí Người còn nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30).

591526 / 574

Chúa Giêsu yêu cầu các nhà cầm quyền tôn giáo ở Giêrusalem hãy tin vào Người vì những công việc của Cha Người mà Người đã thực hiện.406 Nhưng hành vi đức tin như vậy đòi phải chết đối với bản thân, để được “sinh ra một lần nữa bởi ơn trên”407 với sự lôi kéo của ân sủng của Thiên Chúa.408 Một đòi hỏi hối cải triệt để như vậy khi đứng trước sự thực hiện các lời hứa cách lạ lùng409 giúp chúng ta hiểu được sự sai lầm bi thảm của Thượng Hội Đồng khi phán quyết Chúa Giêsu đáng phải chết vì là kẻ nói phạm thượng.410 Như vậy, các thành viên của Thượng Hội Đồng đã hành động vừa do “không biết việc họ làm”,411 vừa vì sự chai đá cứng lòng412 không chịu tin.413

Tóm lược (592-594)

592

Chúa Giêsu không bãi bỏ nhưng làm cho nên trọn414 cách hết sức hoàn hảo415 Lề luật Xinai: Người đã mặc khải ý nghĩa tối hậu của Lề luật416 và chuộc lại các vi phạm Lề luật.417

593

Chúa Giêsu tôn trọng Đền thờ: Người lên Đền thờ vào những dịp lễ hành hương của người Do Thái và Người yêu mến với một tình yêu tha thiết nơi Thiên Chúa ở giữa loài người. Đền thờ báo trước mầu nhiệm của Người. Người loan báo sự sụp đổ của Đền thờ, như một biểu hiện việc chính Người sẽ bị giết và việc lịch sử cứu độ bước vào một thời đại mới trong đó Thân Thể Người sẽ là Đền thờ vĩnh viễn.

594

Chúa Giêsu làm những hành vi, như việc tha tội, biểu lộ rằng Người là chính Thiên Chúa Cứu Độ.418 Một số người Do Thái, không nhận biết Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người,419 chỉ thấy Người là một phàm nhân mà lại tự cho mình là Thiên Chúa,420 nên đã kết án Người là kẻ nói phạm thượng.


Chú thích

338 X. Mc 3,6.

339 X. Mt 12,24.

340 X. Mc 2,7.

341 X. Mc 3,1-6.

342 X. Mc 7,14-23.

343 X. Mc 2,14-17.

344 X. Mc 3,22; Ga 8,48; 10,20.

345 X. Mc 2,7; Ga 5,18; 10,33.

346 X. Ga 7,12; 7,52.

347 X. Ga 8,59; 10,31.

348 X. Lc 2,34.

349 X. Ga 1,19; 2,18; 5,10; 7,13; 9,22; 18,12; 19,38; 20,19.

350 X. Ga 7,48-49.

351 X. Lc 13,31.

352 X. Lc 7,36; 14,1.

353 X. Mt 22,23-34; Lc 20,39.

354 X. Mt 6,2-18.

355 X. Mc 12,28-34.

356 X. Ga 8,46.

357 X. Ga 7,19; Cv 13,38-41; 15,10.

358 X. Gl 3,10; 5,3.

359 X. Rm 10,2.

360 X. Mt 15,3-7; Lc 11,39-54.

361 X. Is 53,11; Dt 9,15.

362 X. Gl 4,4.

363 X. Gl 3,13.

364 X. Gl 3,10.

365 X. Ga 11,28; 3,2; Mt 22,23-24.34-36.

366 X. Mt 12,5; 9,12; Mc 2,23-27; Lc 6,6-9; Ga 7,22-23.

367 X. Mt 5,1.

368 X. Mc 7,8.

369 X. Mc 7,13.

370 X. Gl 3,24.

371 X. Ga 5,36; 10,25.37-38; 12,37.

372 X. Mc 2,25-27; Ga 7,22-24.

373 X. Mt 12,5; Ds 28,9.

374 X. Lc 13,15-16; 14,3-4.

375 X. Lc 2,22-39.

376 X. Lc 2,46-49.

377 X. Lc 2,41.

378 X. Ga 2,13-14; 5,1.14; 7,1.10.14; 8,2; 10,22-23.

379 X. Mt 21,23.

380 X. Cv 2,46; 3,1; 5,20-21; v.v...

381 X. Mt 24,1-2.

382 X. Mt 24,3; Lc 13,35.

383 X. Mc 14,57-58.

384 X. Mt 27,39-40.

385 X. Mt 8,4; 23,21; Lc 17,14; Ga 4,22.

386 X. Ga 18,20.

387 X. Mt 17,24-27.

388 X. Mt 16,18.

389 X. Ga 2,21; Mt 12,6.

390 X. Ga 2,18-22.

391 X. Ga 4,23-24; Mt 27,51; Dt 9,11; Kh 21,22.

392 X. Lc 2,34.

393 X. Lc 20,17-18; Tv 118,22.

394 X. Lc 5,30.

395 X. Lc 7,36; 11,37; 14,1.

396 X. Ga 7,49; 9,34.

397 X. Ga 8,33-36.

398 X. Ga 9,40-41.

399 X. Mt 9,13; Hs 6,6.

400 X. Lc 15,1-2.

401 X. Lc 15,23-32.

402 X. Ga 5,18; 10,33.

403 X. Ga 17,6.26.

404 X. Mt 12,6.

405 X. Mc 12,36-37.

406 X. Ga 10,36-38.

407 X. Ga 3,7.

408 X. Ga 6,44.

409 X. Is 53,1.

410 X. Mc 3,6; Mt 26,64-66.

411 X. Lc 23,34; Cv 3,17-18.

412 X. Mc 3,5; Rm 11,25.

413 X. Rm 11,20.

414 X. Mt 5,17-19.

415 X. Ga 8,46.

416 X. Mt 5,33.

417 X. Dt 9,15.

418 X. Ga 5,16-18.

419 X. Ga 1,14.

420 X. Ga 10,33.

Mục 4: Chúa Giêsu Kitô đã “chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết và táng xác” (571-630)Tiết 2: Chúa Giêsu “chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chết” (595-623)