Mục 6: Chúa Giêsu “lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng” (659-667)

659645 / 66 / 697 / 642

“Sau khi nói với họ, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19). Thân thể Đức Kitô đã được vinh hiển ngay khi Người sống lại; điều này được chứng tỏ qua các đặc tính mới và siêu phàm mà thân thể của Người được hưởng từ đó và mãi mãi về sau.588 Nhưng trong bốn mươi ngày, khi Người ăn uống thân mật với các môn đệ của Người,589 và dạy dỗ họ về Nước Trời,590 thì vinh quang của Người vẫn còn được che giấu dưới những nét của một nhân tính thông thường.591 Lần hiện ra cuối cùng của Chúa Giêsu được kết thúc bằng việc nhân tính của Người tiến vào vinh quang thần linh một cách vĩnh viễn; vinh quang này được tượng trưng bằng đám mây592 và trời,593 nơi từ nay Người ngự bên hữu Thiên Chúa.594 Một cách ngoại lệ và duy nhất, Người sẽ tỏ mình ra cho thánh Phaolô “như cho một đứa trẻ sinh non” (1 Cr 15,8) và trong lần cuối cùng này, Người đặt ông làm Tông Đồ.595

660

Tính chất còn che giấu của vinh quang của Đấng Phục Sinh trong thời gian này được soi sáng qua những lời bí nhiệm Người nói với bà Maria Mácđala: “Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’” (Ga 20,17). Điều này nói lên sự khác biệt của việc biểu lộ giữa vinh quang của Đức Kitô phục sinh và vinh quang của Đức Kitô được tôn vinh bên hữu Chúa Cha. Biến cố Lên Trời, vừa có tính lịch sử đồng thời vừa có tính siêu việt, đánh dấu sự chuyển đổi từ vinh quang này đến vinh quang kia.

661461 / 792

Bước cuối cùng này vẫn liên kết chặt chẽ với bước đầu tiên, nghĩa là với việc từ trời xuống thế, được thực hiện trong việc Nhập Thể. Chỉ có Đấng “từ Chúa Cha mà đến” mới có thể “trở về cùng Chúa Cha”: đó là Đức Kitô.596 “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13).597 Nhân loại, với sức tự nhiên của mình, không thể vào được “Nhà Cha”,598 không thể đạt tới sự sống và sự vinh phúc của Thiên Chúa. Chỉ có Đức Kitô mới có thể mở lối cho con người tiến vào: “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và là Thủ lãnh của chúng con đã đến trước.”599

6621545 / 1137

“Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Việc bị giương cao trên thập giá có ý chỉ và loan báo việc được đưa lên trời của mầu nhiệm Thăng Thiên. Thập giá là khởi đầu của Thăng Thiên. Chúa Giêsu Kitô, vị Thượng Tế duy nhất của Giao Ước mới và vĩnh cửu, “đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra... nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24). Trên trời, Đức Kitô thực thi chức tư tế của Người một cách thường hằng, “Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” “nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa” (Dt 7,25). Với tư cách là “Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai” (Dt 9,11), Người là trung tâm và là chủ sự của phụng vụ tôn vinh Chúa Cha trên trời.600

663648

Đức Kitô, từ nay, ngự bên hữu Chúa Cha: “Khi nói rằng Người ngự bên hữu Chúa Cha, chúng ta muốn nói đến danh dự và vinh quang của thần tính, trong đó Con Thiên Chúa, với tư cách là Thiên Chúa và đồng bản thể với Chúa Cha, đã hiện hữu từ trước muôn đời, nay sau khi trở thành xác phàm, Người ngự một cách có thể nói được là thể lý, với thân thể Người đã đảm nhận, trong chính vinh quang đó.”601

664541

Việc Đức Kitô ngự bên hữu Chúa Cha có nghĩa là sự khai mạc Nước của Đấng Mêsia, sự hoàn thành thị kiến của tiên tri Đanien về Con Người: “Người được trao cho quyền thống trị, vinh quang và Nước; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; Nước Người sẽ chẳng hề suy vong” (Đn 7,14). Kể từ lúc ấy, các Tông Đồ trở thành chứng nhân của “Nước sẽ không bao giờ cùng.”602

Tóm lược (665-667)

665

Cuộc Thăng Thiên của Đức Kitô đánh dấu việc nhân tính của Chúa Giêsu vĩnh viễn tiến vào quyền năng thiên giới của Thiên Chúa, từ đó Người sẽ lại đến,603 nhưng trong khoảng thời gian đó, việc Thăng Thiên đã che giấu Người khỏi mắt người ta.604

666

Chúa Giêsu Kitô, là Đầu của Hội Thánh, đã đi trước chúng ta vào Nước vinh hiển của Chúa Cha, để chúng ta, là chi thể của Thân Thể Người, sống trong niềm hy vọng một ngày kia sẽ được vĩnh viễn ở với Người.

667

Chúa Giêsu Kitô, đã tiến vào cung thánh trên trời một lần cho mãi mãi, không ngừng chuyển cầu cho chúng ta với tư cách là Đấng trung gian, Đấng luôn luôn tuôn ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta.


Chú thích

588 X. Lc 24,31; Ga 20,19.26.

589 X. Cv 10,41.

590 X. Cv 1,3.

591 X. Mc 16,12; Lc 24,15; Ga 20,14-15; 21,4.

592 X. Cv 1,9; Lc 9,34-35; Xh 13,22.

593 X. Lc 24,51.

594 X. Mc 16,19; Cv 2,33; 7,56; Tv 110,1.

595 X. 1 Cr 9,1; Ga 1,16.

596 X. Ga 16,28.

597 X. Ep 4,8-10.

598 X. Ga 14,2.

599 Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Thăng Thiên, I: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 410.

600 X. Kh 4,6-11.

601 Thánh Gioan thành Đamát, Expositio fidei, 75 [De fide orthodoxa, 4, 2]: PTS 12,173 (PG 94,1104).

602 X. Tín biểu Nicêa - Constantinôpôli: DS 150.

603 X. Cv 1,11.

604 X. Cl 3,3.

Tiết 2: “Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại” (638-658)Mục 7: “Ngày sau bởi trời”, Người “lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết” (668-682)