1 Phải chi anh là anh ruột của em,
đã được mẹ em nâng niu bú mớm,
thì khi mình gặp nhau ngoài đường,
em có thể hôn anh, chẳng sợ ai khinh dể.
2 Em sẽ đưa anh vào nhà mẹ em,
và anh sẽ chỉ dạy cho em;
em sẽ mời anh uống rượu thơm hảo hạng,
uống nước thạch lựu vườn nhà em.
3 Chàng đưa tay trái cho tôi gối đầu,
đưa tay phải ghì chặt lấy tôi.
CHÀNG
4 Này các thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, tôi van nài các bạn:
xin đừng lay vội, đừng đánh thức tình yêu,
cho đến khi tình yêu ưng thuận.
LỜI BẠT
5 Kìa ai đang tiến lên từ sa mạc,
nép mình vào người yêu?
Anh đã đánh thức nàng dưới gốc cây táo.
Chính nơi đây, thân mẫu sinh ra nàng,
chính nơi đây, nàng đã lọt lòng mẹ.
NÀNG
6Xin đặt em như chiếc ấn trên trái tim anh,như chiếc ấn trên cánh tay anh.
Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần,
cơn đam mê dữ dội như âm phủ.
Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy,
một ngọn lửa thần thiêng.
7 Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu,
sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp.
Ai đem hết gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu,
ắt sẽ bị người đời khinh dể.
PHỤ TRƯƠNG
Hai đoản thiên
8 Em gái ta còn bé, ngực em chưa nở. Ta sẽ làm gì cho em ngày người ta nói đến chuyện duyên tình của em?
–9 Nếu em là bức tường thành, ta sẽ xây lên đó một vọng lâu bằng bạc; nếu em là cổng thành, ta sẽ lắp then cài gỗ bá hương.
–10 Em đây là bức tường thành, và ngực em như những tháp canh; nên chi em là nguồn bình an cho chàng.
11 Vua Sa-lô-môn có một vườn nho tại Ba-an Ha-môn. Vua đã giao vườn đó cho người ta canh giữ; mỗi người phải thu huê lợi vào cho vua: một ngàn se-ken bạc.12 Tâu vua Sa-lô-môn, một ngàn se-ken là của đức vua –và hai trăm là của những người canh giữ hoa mầu–, còn vườn nho của tôi là của tôi.
Phần thêm cuối cùng
13 Em mơn mởn giữa vườn hoa,
bạn bè mong đợi thiết tha giọng vàng;
cho anh nghe với, hỡi nàng!
14 – Chạy trốn mau, người yêu hỡi,
hãy làm linh dương, làm nai nhỏ của em
tung tăng trên núi đồi cỏ thơm bát ngát.
Đnl 6,6-8; 11,18; Cn 3,3; Gr 31,33
g. C. 1 này như thổ lộ một nỗi lòng hơi khó hiểu đối với chúng ta: tương quan anh em ruột thịt mà NÀNG ao ước có được với CHÀNG. Lý do hiển nhiên được nói lên ở c. 1cdđ, như trong phong tục Ả-rập vẫn còn tồn tại trong thời đại hôm nay; cũng có thể hiểu theo tinh thần của tên gọi em gái mà CHÀNG đã dùng trong bài ca thứ ba (x. 4,9+). Các tác giả chọn theo phép phúng dụ nhận ra trong đoạn này nỗi khát khao mong chờ Đấng Mê-si-a; NÀNG ở đây là tiền ảnh của Hội Thánh, của tâm linh mọi Ki-tô hữu. Quả vậy, nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Hai Thiên Chúa đã trở nên người anh em của mọi người trong gia đình nhân loại (x. Hr 2,11-18). Và chính Đức Giê-su cũng đã tuyên bố về liên hệ hoàn toàn mới mẻ này ở Lc 8,21 và //.
i. Câu này còn tối nghĩa, có bản hiểu theo thể văn giáo huấn, có bản loại bỏ luôn. Theo mạch văn, chỉ dạy ở đây chẳng qua là trong lãnh vực yêu đương, để NÀNG cũng được “biết” (theo nghĩa Kinh Thánh).
Rượu và nước thạch lựu tượng trưng cho những nét duyên của người phụ nữ hấp dẫn và được yêu (x. 1,2+). Đây là đáp án cho c. 13a-d trên.
m. Phần này thường được trình bày như một đoạn văn độc lập đối với cả phần trước lẫn phần phụ trương tiếp theo sau. C. 5 nhắc lại vài nét của các bài ca trước: x. 3,6a+, và 6,10; 3,4 và 8,2. Cc. 6-7 là những xác quyết về tình yêu, nồng nhiệt và còn thấm thía hơn cả c. 1,1 mở đầu thiên Dc này.
n. Chính vì tính độc lập của nó mà phần này thiếu văn cảnh, khó diễn giải một cách chính xác. Riêng cho c. 5cdđ, có vấn đề: Ai là người phát biểu? Ai là đối tượng? Theo M, vì đại từ người đối tượng là giống đực, nên phải hiểu NÀNG là người phát biểu, và các dịch giả theo bản này cho rằng phần này gợi nhớ một huyền thoại xứ Ca-na-an cổ xưa nói về nữ thần Ít-ta đi xuống âm phủ đánh thức người yêu và làm cho chàng tái sinh. Nhưng bản dịch đây theo BJ, dựa trên bản Xy-ri mà sửa đại từ đối tượng ra giống cái; do đó, hiểu CHÀNG là người phát biểu.
Câu này nhắc lại chủ đề đánh thức: x. 2,7+. Nhưng trong khi 2,7 và // hiểu “đánh thức” theo nghĩa “quấy nhiễu”, thì ở đây, phải hiểu theo nghĩa “đánh động, lôi cuốn”, vì có từ cây táo tượng trưng cho tình yêu, là trọng tâm của câu này. X. 2,3bc+ và 7,9. Hiểu theo phép phúng dụ: x. Hs 14,8 (dân Ít-ra-en sẽ trở về cư ngụ dưới bóng của Đức Chúa).
o. Nhắc lại giây phút đầu đời của con người, như có liên hệ mật thiết và căn bản với tình yêu: x. 3,4+.
p. Đọc Dc cho đến đây, chưa thấy chỗ nào đưa ra một định nghĩa cho tình yêu, nhưng chính trong phần này, để kết thúc, cc. 6-7 nói lên sức mạnh bất diệt và giá trị tột đỉnh của tình yêu, với một phong văn rất long trọng, toát ra một tính khí kiên cường. Vì thế, hai câu này được chọn dùng trong lễ thánh hiến tu sĩ. Sau những câu như vậy, phần còn lại quả chỉ có giá trị một “phụ trương” mà thôi.
q. Chiếc ấn hay “ấn tín” (nghĩa đen), hoặc “dấu ấn” (nghĩa bóng) là dấu chỉ sự hiện diện và quyền sở hữu chủ của một nhân vật: người mang ấn tín được coi như thuộc quyền nhân vật đó.
Ấn tín được đặt trên thân người, ở những nơi có ý nghĩa và dễ thấy nhất: trái tim, cánh tay (gồm cả ngón tay). Lời yêu cầu thật khẩn thiết. Đọc theo phép phúng dụ, đây là chủ đề giao ước giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en. X. Đnl 6,8: Thiên Chúa yêu cầu con cái Ít-ra-en buộc, đeo, mang luật của Người như vậy; và ngược lại, theo sách An Ủi, chính Thiên Chúa đã ghi khắc (dân) trong lòng bàn tay của Người (Is 49,16).
r. Tình yêu, cơn đam mê, lửa tình: ba danh từ này được kể ra theo lối văn Híp-ri, lối văn biền ngẫu – hai vế hoặc nhiều vế song song, để nhấn mạnh một tư tưởng duy nhất. Bộ ba này được ví với ba thực tại: tử thần, âm phủ, ngọn lửa thần thiêng, nói lên tính chất siêu phàm, đáng tôn sùng của tình yêu. Để nói về tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Người, Đnl cũng dùng những từ tương đương: x. Đnl 4,24.
s. ds: Ngọn lửa của Đức Chúa. Đây là lần duy nhất Thánh Danh (theo cách viết ngắn ở dạng tiếp vĩ ngữ) được nhắc tới trong Dc. Nhưng cách dùng ở đây chỉ có ý nghĩa cường điệu, là một dạng cực cách, như trong “thần tốc, linh dược”, vv... X. Tv 68,16: non thần, núi thánh; 80,11 bá hương thần.
t. Sau khi ví tình yêu với những mãnh lực siêu phàm, Dc quả quyết tình yêu vượt hẳn sức mạnh thiên nhiên cũng như những thực tại phàm trần: nước lũ, sóng cồn, gia tài sự nghiệp, người đời. Sách An Ủi cũng ví tình yêu Thiên Chúa như vậy: x. Is 43,2.
u. Vế cuối này được dịch nhiều cách khác nhau, nhưng tựu trung cho thấy tính cách tối thượng của tình yêu: vì yêu, người ta có thể liều mất tất cả. Phép phúng dụ liên kết tư tưởng này với tư tưởng thánh Phao-lô: x. Pl 3,8. Bởi đó, phụng vụ Công Giáo đã chọn dùng đoạn 8,6-7 trong lễ các thánh trinh nữ. Các ngài đã chọn Chúa Ki-tô làm đối tượng duy nhất của lòng mình, và nhân vật NÀNG của Dc là hình ảnh thật rõ nét của các ngài.
v. Xét về nội dung cũng như nhân vật, phần này không có liên hệ trực tiếp với phần Dc trước đó. Có thể chỉ được đưa vào Dc nhờ một vài yếu tố móc nối, như trường hợp có đứa em gái ở tuổi dậy thì (cc. 8-10), những từ như vườn nho, Sa-lô-môn (c. 11) và hai bè đối đáp cuối cùng (cc. 13-14). Lối hành văn tựa như ẩn ngữ, gợi lên nhiều hướng diễn giải khác nhau.
x. Đoạn văn này cũng rời rạc: đoản thiên thứ nhất (cc. 8-10) gợi nhớ các người anh trai ở 1,6, có vai trò bảo vệ và gả em gái của họ; đoản thiên thứ hai (cc. 11-12) là một lời châm biếm “vua Sa-lô-môn” hoặc những ai tưởng có thể biến người yêu (vườn nho) thành một nguồn thu nhập sinh nhiều lợi tức cho mình.
y. ds chỉ có: nói đến em.
a. Nếu em là..., em là...: cc. 9-10 khó hiểu, không cho biết rõ ai là người con gái nói tới ở c. 8. Nhưng vì các biểu tượng của một thành cổ được nhắc đi nhắc lại: tường thành, vọng lâu, cổng thành, tháp canh, nên có thể hiểu đây là ẩn dụ nói về thành Giê-ru-sa-lem. Từ đó, phép phúng dụ chú giải: c. 9 là lời của các thủ lãnh – họ tưởng có thể phô trương thủ đô lộng lẫy với những vật liệu quý giá (bạc, gỗ bá hương); c. 10 là lời đáp của dân thánh, chỉ dựa vào Thiên Chúa là nguồn bình an của thành (bản dịch theo phép phúng dụ, khác với bản dịch này). Cũng nên nhắc lại: bình an (šälôm) có thông vần với Giê-ru-sa-lem.
b. Vọng lâu: một cách dịch trong nhiều cách, chỉ một nơi cao, xây bên trên bức tường thành.
Vọng lâu, then cài: các anh NÀNG dự định canh giữ NÀNG rất kỹ, và còn tỏ ý “treo giá ngọc” của NÀNG với những vật liệu đắt giá (bạc, bá hương), mong đàng trai sẽ nộp sính lễ nhiều hơn chăng.
c. NÀNG cho biết NÀNG không cần những phương tiện phòng thủ vật chất, vì chính bản thân NÀNG có sức tự bảo vệ lấy mình: đó là sức mạnh của tình yêu (ngực em), đã làm cho NÀNG thuộc về CHÀNG.
d. Câu này còn có thể dịch: “em là người tìm được bình an”, hợp với cách hiểu theo phép phúng dụ (x. c. 9+ và đi đôi với cái tên của NÀNG ở 7,1). Nhưng ở đây cũng như nhiều bản dịch khác, dịch theo mạch ý như đã diễn giải ở 8,9+. Lưu ý sự trùng hợp thú vị này: hình viết của từ Hán-Việt “an” là người nữ dưới mái nhà. Trong lời chúc thông thường, šälôm (bình an) có nghĩa rộng là hạnh phúc, sức khỏe: x. Cn 31,12; Hc 26,2-4.16. Vậy c. 10b thật phù hợp với một quan niệm điển hình về nữ tính.
đ. Vua Sa-lô-môn cũng như địa danh Ba-an Ha-môn và các dữ kiện trong câu chuyện ngắn ở đây đều có tính cách kỳ bí. Có thể hiểu đây là những ẩn ngữ chỉ về một hình mẫu nói lên thế lực của tiền bạc, nhắc lại đề tài đã được đề cập ở 8,7cdđ. Có thể đây là lời của một nhân vật thủ vai CHÀNG.
e. Vườn nho: có thể chỉ hậu cung của vua Sa-lô-môn: cũng vậy, một ngàn sê-ken chỉ số các hoàng hậu, phi tần của vua như ghi ở 1 V 11,3.
g. ds: vườn nho của tôi ở trước mặt tôi: “... ở trước mặt tôi” là một công thức: ai nói lên công thức này là khẳng định quyền định đoạt của mình đối với sự vật đang nói tới. C. 12 là một lời mỉa mai nói với những ai đem tình yêu làm vật đổi chác: vì tư lợi, ai đem người yêu của mình giao cho ai khác (như vua Sa-lô-môn giao vườn nho của ông) thì cứ mặc, riêng tôi, tôi vẫn giữ nó bên mình. Vậy có sự tương phản nổi bật giữa vua Sa-lô-môn và CHÀNG của Dc, song song với sự tương phản giữa hậu cung của vua và người yêu của CHÀNG: x. 6,8-9+.
h. Phần này lấy lại nhiều yếu tố của các chương đầu, trước Lời Bạt: phong văn, ý thơ cũng như thể cách đối đáp của đôi lứa.
i. ds: đang ngồi, đang ở.- Giữa vườn hoa: ở 2,1, NÀNG là một đóa hoa; ở 4,12.16; 5,1 và 6,2, NÀNG lại là thửa vườn của CHÀNG.
k. Bạn bè đây có lẽ là của CHÀNG, như đã được nói đến ở 1,7.
l. Động từ cho anh nghe ở đây không có bổ ngữ. Có thể hiểu ngầm bổ ngữ là giọng vàng ở vế trên, như đã thấy ở 2,14; cũng có thể hiểu bổ ngữ là cả c. 14 tiếp theo. CHÀNG mong mỏi được nghe lời thôi thúc của NÀNG như ở 2,17 (có lẽ đây cũng là lối nói thường xuyên của NÀNG mà CHÀNG thích nghe). Thật vậy câu cuối của Dc lặp lại gần đầy đủ 2,17cdđ (x. 2,17+).
m. Chạy trốn mau, làm linh dương, làm nai nhỏ: bài tình ca kết thúc một cách đột ngột, hoặc có thể nói là không chịu kết thúc, mà dừng lại ở câu hẹn hò; người đọc nghe thì nghịch lý, nhưng lại rất hợp lý đối với hai đương sự. Câu cuối gợi lại hình ảnh thơ mộng của linh dương, nai nhỏ, đã thấp thoáng mấy lần như theo một nhịp điệu bằng hình của riêng sách Dc (2,7-9 và nhất là 17; 3,5; 4,1.5; 6,5; 7,4).