Nghề thuốc và bệnh tật
1 Hãy tôn trọng thầy thuốc vì mọi người đều cần đến ông,
và vì thiên chức lương y là do Đức Chúa thiết lập.
2 Quả vậy, tài chữa bệnh là do Đấng Tối Cao,
ấy là ân tứ Vua Trời ban tặng.
3 Thầy thuốc hiên ngang vì giàu kinh nghiệm,
khiến người có địa vị cũng phải nể nang.
4 Thiên Chúa làm cho đất trổ sinh dược liệu;
những thứ đó, người khôn chẳng dám coi thường.
5 Chẳng phải nhờ khúc gỗ mà xưa nước ra ngọt
khiến cho người ta thấy hiệu năng của khúc gỗ hay sao?
6 Cũng chính Thiên Chúa cho con người được hiểu biết
để tôn vinh Người vì những việc lạ Người làm.
7 Nhờ đó, Người chữa lành và chấm dứt cơn đau,
còn dược sĩ chỉ làm việc pha chế.
8 Như thế công việc của Người vẫn tiếp tục
cho đến khi thiên hạ được an lành.
9 Con ơi, khi đau ốm, con chớ coi thường,
nhưng hãy cầu xin Đức Chúa, Người sẽ chữa lành cho.
10 Hãy từ bỏ lỗi lầm, hành động cho đúng đắn,
thanh tẩy tâm hồn sạch mọi tội khiên.
11 Hãy dâng hương thơm và tinh bột làm kỷ vật,
rưới mỡ lên lễ phẩm ít nhiều tùy khả năng.
12 Bấy giờ con sẽ mời thầy thuốc đến,
vì cả ông nữa cũng đã được Đức Chúa dựng nên.
Đừng để ông ra đi, phải có ông mới được.
13 Có lúc sức khỏe con ở trong tay các thầy thuốc,
14 vì chính họ cũng cầu xin Đức Chúa
ban cho họ tìm ra phương dược
giúp giảm đau, chữa lành nhằm cứu sống người ta.
15 Ai đắc tội với Đấng tạo thành,
cầu cho nó mắc bệnh!
Tang chế
16 Con ơi, hãy khóc thương người chết,
xướng khúc ai ca như người bị đau khổ giày vò.
Hãy chôn cất thế nào cho phải phép, đừng bỏ bê nấm mộ.
17 Hãy vật mình khóc lóc thảm thương,
tổ chức ma chay sao cho xứng đáng
trong một hai ngày, kẻo người ta dị nghị,
sau đó cố sao đừng buồn nữa.
18 Vì nỗi buồn đưa tới cái chết,
lòng buồn bã khiến sức lực tiêu hao.
19 Đưa người chết đi chôn, nỗi buồn còn đó,
nhưng lòng nào lại muốn suốt đời buồn bã?
Chớ để lòng con chìm đắm trong phiền muộn,
20 đừng để lòng con buông theo nỗi buồn,
hãy nghĩ tới cái chết mà gạt bỏ tâm trạng ấy đi.
21 Con đừng quên: đã ra đi thì không trở lại;
con chẳng làm được chi cho người chết,
mà chỉ chuốc lấy họa vào thân.
22 Con hãy nhớ: mệnh ta thế nào, mệnh con cũng vậy,
hôm qua là phiên ta, hôm nay đến lượt con.
23 Khi người chết đã yên nghỉ rồi,
hãy để tâm trí con nghỉ yên, thôi tưởng nhớ đến họ.
Khi linh hồn người chết đã ra đi, con hãy gắng khuây khỏa.
Công việc tay chân
24 Nhờ biết lợi dụng thời giờ rảnh rỗi
mà kinh sư đạt được khôn ngoan,
ai ít bận việc tay chân, việc đồng áng, thì dễ nên khôn ngoan.
25 Sao có thể nên khôn người nông dân cầm cày cầm cuốc
chỉ biết hãnh diện với cây thúc bò,
biết điều khiển bò và bắt làm việc,
và chỉ biết nói chuyện bò bê?
26 Nó chỉ lo cày sâu cuốc bẫm,
thức khuya dậy sớm vỗ béo bò tơ.
27 Cũng thế, mọi thợ mộc, thợ nề,
những kẻ đêm ngày chỉ biết lao công,
những người thợ khắc dấu
cố gắng thay đổi những hình ảnh khác nhau
để tâm họa lại sao cho thật giống,
rồi thức khuya để hoàn tất công việc.
28 Anh thợ rèn ngồi bên đe cũng thế:
chăm chăm chú chú vào thỏi sắt đang gò,
hơi lửa bốc lên làm bỏng da cháy thịt,
anh làm hùng hục trong sức nóng hỏa lò.
Tiếng búa chan chát đập vào tai anh,
mắt anh vẫn không rời mẫu mã.
Anh chăm chú làm công việc cho xong,
không ngại thức khuya để trau chuốt cho hoàn hảo.
29 Anh thợ gốm ngồi làm việc cũng thế, luôn chân đạp bàn xoay,
lúc nào cũng lo lắng về công việc mình làm,
vì công việc đòi anh tính toán kỹ.
30 Anh lấy tay nhào nặn đất thó,
dùng chân đạp cho đất mềm ra,
anh chú tâm làm sao cho thật bóng,
và thức khuya để dọn sạch lò.
31 Tất cả những người ấy tin tưởng vào đôi tay của họ,
người nào cũng khéo léo trong công việc của mình.
32 Không có những người đó,
chẳng có thành nào được xây dựng,
không có người cư trú, không có kẻ tới lui.
33 Nhưng họ chẳng được mời dự hội nghị nhân dân,
không có địa vị gì trong xã hội,
họ chẳng được ngồi ghế quan tòa,
cũng không hiểu nổi điều tòa phán quyết.
34 Họ thiếu văn hóa, thiếu óc phê bình,
không biết nói văn hoa bóng bẩy.
Tuy nhiên, họ giữ cho thế giới được trường tồn,
dù họ chỉ quan tâm đến công việc trong ngành nghề của họ.
đ. Bệnh tật thời xưa được coi như hình phạt vì tội lỗi (x. Tv 32,3-5; 38,4; 41,5; G 4,7.9; Lv 26,14-16; Đnl 28,21-22; Ga 9,2), cho nên nghề thuốc nhằm chữa trị hoặc làm bệnh thuyên giảm là vi phạm quyền của Thiên Chúa (x. 2 Sb 16,12). Ông Ben Xi-ra muốn điều chỉnh lại quan niệm này. Bệnh nhân phải đến với lương y, nhưng trước hết phải sám hối, cầu nguyện và dâng lễ thanh tẩy; và thầy thuốc cũng phải cầu nguyện thì Thiên Chúa mới cho khỏi bệnh.
e. Câu này được dịch nhiều kiểu khác nhau nữa: Hãy tôn trọng thầy thuốc vì những việc phục vụ của ông, Hãy dành cho thầy thuốc những vinh dự xứng đáng với ông vì những việc phục vụ của ông, Hãy tôn trọng thầy thuốc bằng bổng lộc hợp cho ông vì ông cần (cho bệnh nhân).
g. ds: và từ đức vua (thầy thuốc / bệnh nhân) nhận quà. HR: Từ Thiên Chúa thầy thuốc có được tài nghệ của mình, và từ đức vua ông nhận được quà tặng. Theo HR thì vế thứ hai nói về vua trần gian. Theo HL cũng có thể hiểu chữa bệnh là ơn Thiên Chúa, Vua Trời, ban cho hoặc là thầy thuốc (chữa), hoặc là con bệnh (khỏi). X. 1,18; 28,3; 34,17; Đnl 32,39; 1 Sm 2,6; 2 V 5,7; G 5,18; Hs 6,1.
h. Ý nói đến nước đắng ở Ma-ra mà theo Xh 15,23-25 ông Mô-sê đã làm cho ra ngọt. Theo HL, xem ra ông Ben Xi-ra giải thích phép lạ là do hiệu năng của khúc gỗ. HR thay vì hiệu năng của nó (khúc gỗ), thì đọc: quyền lực của Người (của Đức Chúa). Phải chăng khúc gỗ tượng trưng cho Lề Luật (x. 19,17+).
i. Nhờ đó tức là những dược liệu nói ở c. 4 và như vậy c. 5 và 6 coi như là trong ngoặc.
k. Công việc tạo dựng của Thiên Chúa được tiếp tục bởi loài người cũng như các vật khác, vì Thiên Chúa thông ban quyền năng của Người cho tất cả để vũ trụ được hưởng an lành của Người. Thiên Chúa cất giấu hiệu năng chữa bệnh trong các dược liệu và Người ban cho lương y tài khám phá và sử dụng.
l. Cho đến khi, có lẽ và nhờ Người mới đúng. An lành: từ Hy-lạp ở đây có nghĩa là bình an, nhưng từ này tương đương với một từ Híp-ri với hai nghĩa: sức khỏe và bình an. Ở đây nghĩa thứ nhất hợp hơn.
m. Coi thường (ds: nhìn qua –rồi bỏ–). HR: bực mình. Có bản dịch: đừng trì hoãn, hoặc đừng lơ là.
n. Rưới mỡ lên lễ phẩm: có lẽ muốn nói đến bánh tẩm dầu ở Xh 29,23. Nhưng cũng có người hiểu là những lễ phẩm màu mỡ tức là cao quý. Tùy khả năng theo HR, nhưng ds: theo khả năng tối đa. HL: như không có nữa, có lẽ ngụ ý nói: phải dâng lễ như là cơ hội cuối cùng, nghĩa là đừng tính toán hơn thiệt gì nữa, mà dâng bao nhiêu có thể. Ở 44,9 cũng một công thức này.
o. Ông Ben Xi-ra tin tưởng vào tài nghệ tự nhiên của thầy thuốc. Đối với ông, Thiên Chúa can thiệp trước tiên không phải bằng một phép lạ bất ngờ, mà bằng cách ban cho thầy lang khả năng chữa trị bệnh nhân.
p. ds: cho nó rơi vào tay thầy thuốc. Bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Kẻ mắc tội với Thiên Chúa thì cho nó mắc bệnh để nó phải cần đến thầy thuốc. Có lẽ nên đọc theo HR: Kẻ ra vẻ anh hùng không cần thầy thuốc thì mắc tội với Thiên Chúa.
q. Nghi lễ ma chay nơi người Do-thái xưa, cũng như giữa các dân Đông phương nói chung, được tổ chức ngoạn mục với những quy định rõ ràng (x. Gr 9,17-18; Am 5,16; Ed 24,15-24; Mt 9,23; Mc 5,38). Ông Ben Xi-ra kêu gọi người ta tôn trọng các phong tục làm tang chế, nhưng ông tránh những hình thức thái quá.
r. Hãy vật mình, ds: Hãy đấm ngực, một cử chỉ thường làm để khóc thương người chết.
s. Xứng với người bà con gần với mình như thế nào, hoặc với địa vị của người quá cố.
t. Theo 22,12 là bảy ngày, nhưng có thể có những nghi thức khác nhau tùy theo trường hợp.
u. Câu này rất tối tăm và mỗi người dịch một cách. Bản Việt Nam dịch ẻn ẻpagôgêi: đưa người chết đi chôn là hơi phiêu lưu. Kiểu nói Hy-lạp này, ds: tác động dẫn đưa (đi lưu đày), từ đó nghĩa chung là khổ cực. Vì thế các bản thường dịch trong khổ cực, nỗi buồn còn đó, nhưng nghĩa không rõ. Còn nếu hiểu rằng: “Tiễn đưa người chết ra đi, mà nỗi buồn vẫn còn” thì dễ hiểu biết bao. Tuy nhiên, vẫn có thể hiểu câu này một cách chung, không theo bối cảnh tang tóc: Khổ là buồn. Vế sau (19b) cũng chẳng rõ ràng gì. ds: Đời sống kẻ nghèo là khổ tâm. Nếu hiểu trống thì vế này đi với nghĩa trống của vế trên: Khổ là buồn, và nghèo là khổ. Còn nếu hiểu trong hoàn cảnh tang tóc thì như trong bản dịch: không thể vì có tang mà cứ buồn mãi.
v. Cái chết. Từ Hy-lạp có nghĩa là những cái cuối cùng, thường hiểu về cái chết (x. 7,36; 28,6). Nhưng ở đây trong văn mạch có lẽ phải hiểu về tương lai: tác giả khuyên đừng chỉ biết có những sự việc lúc này làm cho mình buồn; phải nghĩ đến tương lai sẽ tốt đẹp hơn.
x. Đã ra đi thêm vào cho rõ nghĩa. Thái độ của vua Đa-vít trước cái chết của đứa con ngoại tình với bà vợ ông U-ri-gia (2 Sm 12,22-23) là thực tế.
y. Mệnh: phán quyết cho mọi người phải chết, St 2,17; 3,3.4. Đây là người đã chết nói với kẻ còn sống.
a. Vẫn người chết nói: phiên ta sống, phiên con sống.
b. Đối chiếu khúc này (cc. 24-34) với một số tài liệu Ai-cập, đặc biệt với bản văn gọi là “chế giễu các nghề nghiệp”, người ta nhận thấy có những điểm tương đồng. Tuy nhiên, tác giả vẫn giữ nét độc đáo của mình ở chỗ ông chỉ nói tới những nghề mang màu sắc đặc thù Pa-lét-tin; hơn nữa ông không tỏ ra thiếu tin tưởng vào các nghề thủ công như các tài liệu kia.
c. Tính toán kỹ về số lượng thành phần của sản phẩm, về kích thước và về thời hạn đặt hàng.
d. Khéo léo: dạng khôn ngoan cơ bản (x. Xh 35,30; 36,1; 1 V 5,20; 7,13-14). Sự khéo tay này cũng là ơn Thiên Chúa ban (x. Xh 31,1-6; Ed 27,8), nhưng sự khôn ngoan hạ đẳng này hạn chế suy tư của con người.
đ. Có thể hiểu về những quyết định của tòa án, nhưng cũng có thể hiểu về Lề Luật nói chung. Vì thiếu học hành nên giới thợ thuyền và quần chúng nói chung không có khả năng hiểu được (x. Ga 7,49).
e. ds: Người ta không gặp thấy họ giữa những dụ ngôn, x. 1,25; 3,29; 13,26; 20,20; 39,2-3; 47,15.17. Có lẽ, theo nguyên gốc Híp-ri, thay vì dụ ngôn, châm ngôn, còn có thể có nghĩa những người cai trị, các thủ lãnh nữa.
g. Giữ cho thế giới được trường tồn. Đấy là cách tốt nhất để đề cao nghề thủ công. Câu tiếp theo có lẽ phải dịch: và lời cầu xin của họ nhắm vào công việc của nghề nghiệp.