1 Phần ta, năm thứ nhất đời vua Đa-ri-ô, người Mê-đi, ta đứng để trợ lực và bảo vệ người.2 Này ta sắp báo cho ngươi biết sự thật.
Những cuộc chiến đầu tiên giữa nhà Xê-lêu-cô và nhà La-gô
“Này đây sẽ còn có ba vua xuất hiện ở Ba-tư. Vua thứ tư sẽ trở nên giàu có, nhiều của cải hơn mọi người. Và khi của cải đã làm cho ông nên mạnh thì ông sẽ xúi giục mọi người chống lại vương quốc Gia-van.3 Một vị vua hùng mạnh sẽ đứng lên thống trị một vương quốc rộng lớn, và sẽ mặc sức tung hoành.4 Nhưng ông vừa đứng lên thì vương quốc của ông đã bị tan vỡ và phân chia theo hướng gió bốn phương trời, song không phải cho dòng dõi ông, và cũng không rộng lớn như khi ông cai trị, vì vương quốc của ông sẽ bị nhổ tận rễ mà trao cho những người khác không thuộc dòng dõi ông.
5 Vua Phương Nam sẽ nên hùng mạnh. Nhưng một trong số các tướng lãnh của ông sẽ hùng mạnh hơn ông và thống trị một vương quốc rộng lớn hơn vương quốc của ông.6 Ít năm sau, họ kết ước với nhau. Và để thi hành hiệp ước, công chúa Phương Nam được gả cho vua Phương Bắc. Nhưng công chúa sẽ không giữ vững được quyền lực, và cả dòng dõi nàng cũng sẽ không đứng vững. Chính nàng sẽ bị trao nộp cùng với những người đã đưa nàng tới, cả vua cha và chồng nàng nữa. Khi đến thời đến buổi,7 một mầm non cùng gốc với nàng sẽ mọc lên thay thế vua cha. Nó sẽ tiến đánh đạo binh, vào thành trì kiên cố của vua Phương Bắc. Nó sẽ tấn công họ và chiến thắng.8 Ngay cả các thần của họ, nó cũng bắt làm tù binh đem về Ai-cập cùng với các tượng đúc và những đồ vàng, bạc quý giá. Nó sẽ đứng xa vua Phương Bắc, án binh bất động vài năm.9 Vua này sẽ đến vương quốc của vua Phương Nam, rồi trở về xứ mình.10 Các con ông sẽ chuẩn bị lâm chiến: họ chiêu mộ nhiều đoàn quân đông đúc. Một trong những người con đó sẽ kéo quân tràn xuống như nước lũ, dìm ngập hết, rồi quay trở lại. Và họ sẽ tấn công vào tận thành trì kiên cố của vua Phương Nam.11 Bấy giờ vua Phương Nam phẫn nộ, xông ra giao chiến với vua Phương Bắc. Vua Phương Bắc chiêu mộ một đoàn quân đông đúc. Nhưng đám đông này lại rơi vào tay vua Phương Nam12 và bị tiêu diệt. Vua Phương Nam sẽ sinh lòng kiêu ngạo. Ông hạ được hàng ngàn hàng vạn địch quân, nhưng không chiến thắng.13 Vua Phương Bắc lại chiêu mộ một đoàn quân đông đúc hơn trước. Sau đó vài năm, ông đến, kéo theo một đạo binh lớn cùng với thật nhiều quân trang.14 Vào thời ấy, nhiều người đứng lên chống lại vua Phương Nam. Những kẻ bạo động trong dân ngươi sẽ nổi lên để làm ứng nghiệm thị kiến, nhưng sẽ thất bại.15 Vua Phương Bắc sẽ đến; ông sẽ xây tường đắp lũy và chiếm được một thành kiên cố. Các lực lượng Phương Nam sẽ không đương đầu nổi, đoàn quân tinh nhuệ cũng chẳng có sức đương đầu.16 Vua Phương Bắc đến đánh sẽ mặc sức tung hoành; không có ai đương đầu nổi với ông. Ông sẽ dừng lại ở Xứ Huy Hoàng và nắm quyền sinh sát trong tay.17 Ông có ý định dùng vũ lực chiếm toàn vương quốc ấy, nên mới ký hòa ước với vua Phương Nam và gả công chúa cho vua này nhằm hủy diệt vương quốc ấy. Nhưng chuyện đó sẽ không thành, sẽ không xảy ra cho ông.18 Ông sẽ quay mặt hướng về miền duyên hải và sẽ chiếm được nhiều vùng. Nhưng một tướng lãnh sẽ chấm dứt hành động xấc xược của ông mà không để cho ông trả đũa.
19 Ông sẽ quay mặt hướng về các thành trì kiên cố của xứ ông, nhưng ông sẽ lảo đảo, rồi té nhào, người ta không còn gặp thấy ông nữa.20 Sẽ có người đứng lên thay ông. Người ấy sẽ phái kẻ thu thuế đến nơi vinh quang của vương quốc. Nhưng một vài ngày sau, người ấy sẽ bị bẻ gãy, không phải vì giận dữ cũng không phải vì chiến trận.
An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê
21 “Kẻ đứng lên thay ông là một tên bỉ ổi. Người ta sẽ không trao vương quyền cho y, nhưng y sẽ đến bất ngờ và dùng xảo kế đoạt ngai vua.22 Quân xâm lăng như nước lũ tràn vào lại bị cuốn trôi đi trước mặt y và bị tan rã; ngay cả người đứng đầu giao ước cũng chịu chung một số phận.23 Nhờ những cuộc liên minh với y, y sẽ dùng mưu mà hành động, và ngày càng mạnh thêm dù chỉ có ít thuộc hạ.24 Y sẽ bất ngờ đi đến những vùng phì nhiêu trong tỉnh và làm những gì mà cha ông và tổ tiên chẳng hề làm. Chiến lợi phẩm, của đã chiếm đoạt và tài sản, y sẽ đem phân phát cho các thuộc hạ; y mưu tính đánh các thành trì, nhưng chỉ được một thời gian thôi.
25 Y dốc toàn tâm toàn lực, đem một đạo quân lớn chống lại vua Phương Nam. Vua này cũng sẽ dẫn một đạo quân lớn, hết sức hùng hậu, sẵn sàng lâm chiến, nhưng không đương đầu nổi, vì người ta mưu tính chống lại ông.26 Những kẻ hưởng lộc của ông lại hại ông. Đạo quân của ông sẽ bị đè bẹp. Những kẻ bị thương vong nằm la liệt ngổn ngang.
27 Cả hai vua đều tính chuyện gian ác trong lòng, nên tuy đồng bàn, họ cứ nói những lời dối trá với nhau. Nhưng chuyện đó sẽ không thành, vì còn phải chờ thời cùng tận vào lúc ấn định.28 Vua Phương Bắc sẽ trở về xứ, mang theo một tài sản lớn, nhưng lòng y thì chống lại Giao Ước thánh. Y tung hoành, rồi trở về xứ.29 Đến thời đến buổi, y sẽ trở lại Phương Nam. Nhưng thời cuối sẽ không như thời đầu.30 Tàu bè từ Kít-tim sẽ đến tấn công y. Y sẽ hoảng sợ, quay trở về và giận dữ chống lại Giao Ước thánh. Y sẽ tung hoành và một lần nữa lại thông đồng với những kẻ bỏ Giao Ước thánh.
31 Các lực lượng do y gửi đi sẽ xuất hiện và xúc phạm đến thánh điện vốn là thành trì kiên cố. Ở đó chúng sẽ bãi bỏ lễ tế thường tiến và đặt đồ ghê tởm khốc hại.32 Những kẻ lơ là với Giao Ước thì bị y dùng xảo kế mà làm cho ra ô uế. Còn những con dân nhận biết Thiên Chúa của mình thì sẽ vững mạnh và ra tay hành động.33 Những kẻ hiểu biết trong dân sẽ dạy dỗ nhiều người; nhưng họ sẽ ngã gục vì gươm đâm lửa đốt, sẽ bị đày ải, bị cướp bóc trong một thời gian.34 Khi họ ngã gục, những kẻ đến trợ giúp họ thì ít, còn những kẻ liên kết với họ vì xảo quyệt thì nhiều.35 Trong hàng những người hiểu biết, một số sẽ ngã gục để có những người được thử bằng lửa, được thanh luyện và tẩy trắng, cho đến thời cùng tận, vì còn phải chờ lúc đã ấn định.
36 Vua này sẽ mặc sức hoành hành, sẽ tự cao tự đại, tôn mình lên trên hết các thần. Y sẽ nói những điều kỳ quặc chống lại Thiên Chúa của chư thần. Y sẽ thành công cho đến khi thời thịnh nộ chấm dứt, vì điều đã quyết ắt sẽ thành.37 Y sẽ không coi trọng các thần của tổ tiên, cũng như thần mà nữ giới sùng mộ, cũng không coi trọng bất cứ thần nào khác, vì y tôn mình lên trên hết tất cả.38 Thay vào đó, y tôn kính thần của các thành trì kiên cố; thần mà tổ tiên y không biết đến, thì y lại dùng vàng bạc, đá quý và báu vật mà tôn kính.39 Y sẽ củng cố các thành trì nhờ sự trợ giúp của thần xa lạ. Ai nhìn nhận thần đó thì y cho hưởng vinh hoa phú quý. Y đặt họ cai trị nhiều người và phân chia đất đai cho họ để thưởng công.
B. THỜI CÙNG TẬN
Ngày tận số của kẻ bách hại
40 “Đến thời cùng tận, vua Phương Nam sẽ chiến đấu chống lại tên bỉ ổi ấy. Vua Phương Bắc sẽ xông vào y như vũ bão cùng với chiến xa, kỵ binh và đông đảo tàu bè. Nhưng y sẽ kéo quân đến các nước, tràn ngập tất cả như thác lũ.41 Y sẽ đến Xứ Huy Hoàng, và nhiều người sẽ ngã gục. Nhưng sẽ có những người thoát khỏi tay y, đó là người Ê-đôm, người Mô-áp và các phần tử ưu tú trong số con cái Am-mon.42 Y sẽ tra tay hại các nước, ngay Ai-cập cũng không thoát khỏi.43 Y sẽ chiếm lấy các kho vàng bạc và mọi đồ có giá của Ai-cập. Dân Li-by-a và dân Cút sẽ đi theo y.44 Nhưng các tin đồn từ phương đông và phương bắc sẽ làm y khiếp sợ. Y giận dữ lên đường để tàn sát, hủy diệt nhiều sinh mạng.45 Y sẽ dựng lều tại bản doanh trong một vùng nằm giữa biển và núi thánh của Xứ Huy Hoàng. Nhưng ngày tận số của y đã tới rồi mà chẳng có ai cứu giúp.
Is 41,2.25; 45,13; Er 1,1.5
Đn 2,41-43; 8,8.22; Tl 7,16
Đn 2,35; Is 40,24; 41,16; Ed 28,2-8
St 10,4; Ds 24,24; Ed 27,6
1 Mcb 1,4-64; 2,27-48; 2 Mcb 6,1-11; 6,18–7,41
1 Mcb 6,1-16; 2 Mcb 9,1-29
i. Có lẽ ba vua là Ky-rô (559-529), Căm-bi-xi-ô (529-522) và Đa-ri-ô I (522-486). Còn vua thứ tư chỉ Xéc-xét I Đại Đế (486-465).
k. Xéc-xét I Đại Đế đã thực hiện một cuộc hành quân sang Hy-lạp năm 480. Xứ Hy-lạp bấy giờ gồm nhiều đô thị nhỏ biệt lập đã không thành công trong việc liên minh với nhau nhằm chống lại cuộc xâm lăng của Ba-tư.
l. Vị vua hùng mạnh nói trong c. 3 chính là A-lê-xan-đê Đại Đế (331-323) (x. 8,5-8.21: con dê giương một cái sừng lớn). Sau khi vua này băng hà (năm 323), hai người con của vua (x.c. 4: dòng dõi ông) không được thừa hưởng vương quốc đó, bởi vì hai người con đó là A-lê-xan-đê và Hê-ra-cơ-lét bị sát hại. Bốn tướng lãnh (diadoques) chia nhau vương quốc đó mà cai trị.
m. Vua phương Nam chỉ vua Ai-cập thứ nhất là Pơ-tô-lê-mai I Xô-te (304-285) (x.c. 8: Ai-cập). Rồi một trong các tướng lãnh của A-lê-xan-đê Đại Đế núp bóng vua Pơ-tô-lê-mai I Xô-te để thoát khỏi tay An-ti-gon, giúp vua Ai-cập thắng trận ở Ga-da (năm 312), tấn công Ba-by-lon, rồi chiếm xứ này; sau đó, ông cai trị một vương quốc rộng lớn từ Pen-giáp đến Hen-lét-pon. Vị tướng lãnh ấy trở thành vua Xê-lêu-cô I Ni-ca-to, người sáng lập triều đại nhà Xê-lêu-cô ở Xy-ri (305-281).
n. Sau khi lập minh ước với vua phương Nam Pơ-tô-lê-mai II, vua phương Bắc An-ti-ô-khô II Thê-ót (261-246) kết hôn với công chúa Bê-rê-ni-ke, con vua Pơ-tô-lê-mai II (vào năm 253). Mới đầu, bà Lao-đi-ke, vợ đầu và chị em cùng cha khác mẹ của vua An-ti-ô-khô II, đành phải rút lui. Rồi, sau khi vua Pơ-tô-lê-mai II băng hà, bà Lao-đi-ke trở về với vua An-ti-ô-khô II, sai người đến đầu độc chồng, bà Bê-rê-ni-ke và đứa con của hai người (năm 246).
o. Để trả thù cho công chúa Bê-rê-ni-ke, người anh em ruột của bà là Pơ-tô-kê-mai III (246-222) đến tấn công vua Xê-lêu-cô II (246-226), con của vua An-ti-ô-khô II và bà Lao-đi-ke, rồi đem về Ai-cập một số chiến lợi phẩm rất lớn.
p. Vua này (= vua phương Bắc trong c. 8) là Xê-lêu-cô II có đến chiếm Ai-cập, nhưng đã phải rút lui sau một cuộc hành quân không đáng kể, sự kiện này không được các sử gia khác nói đến.
q. Hai người con Xê-lêu-cô II là Xê-lêu-cô III (226-223) và An-ti-ô-khô III Đại Đế (223-187). Cc. 10-19 sẽ nói về những thành công của một trong những người con đó (c. 10b) là vua phương Bắc (cc. 11.13.15-18) An-ti-ô-khô III Đại Đế.
r. Vua phương Nam nói trong cc. 11-12 chỉ vua Pơ-tô-lê-mai IV (221-205). Cc. 11-12b ám chỉ đến cuộc chiến thắng của vua này tại Ra-phi-a (năm 217).
s. Từ c. 14 trở đi, vua phương Nam chỉ vua Pơ-tô-lê-mai V (205-180). Nhiều người đứng lên chống lại vua này: đó là vua An-ti-ô-khô III, vua Phi-líp-phê V xứ Ma-kê-đô-ni-a, những chư hầu và ngay cả bầy tôi của vua nữa, vì họ tức giận chống thái độ kiêu căng và cách sống buông tuồng của A-ga-tho-cơ-lét được vua ưu đãi.
t. Cc. 15-16 cho thấy những chiến công của vua An-ti-ô-khô III chống lại tướng Cô-pát chỉ huy quân lực Ai-cập. Sau khi bị vây hãm ở Xi-đôn (c. 15: một thành kiên cố), tướng này đã phải đầu hàng. Quân đội nhà vua đến chiếm xứ Pa-lét-tin. Từ đó, toàn thể xứ này nằm dưới quyền đô hộ của nhà Xê-lêu-cô.
u. Vua An-ti-ô-khô III ký hòa ước với Ai-cập bằng cách gả công chúa Cơ-lê-ô-pát cho vua Pơ-tô-lô-mai V nhằm thôn tính Ai-cập. Hôn lễ cử hành tại Ra-phi-a vào năm 194.
v. Vua An-ti-ô-khô III cho quân đi chiếm các miền duyên hải thuộc xứ Pa-lét-tin, xứ Xy-ri và Tiểu Á, khinh thường những lời cảnh cáo của người Rô-ma. Năm 190, một quan viên Rô-ma (tướng lãnh) tên là Lu-si-ô Co-nê-li-ô Si-pi-ô giáng một đòn chí tử cho vua trong cuộc chiến diễn ra ở Ma-nhê-xi-a (một thành phố thuộc Tiểu Á ngày nay mang tên Ma-ni-sa ở Thổ-nhĩ-kỳ cách Ít-dơ-mia (= Miếc-na) 40 km về phía đông bắc).
x. Để trả món nợ khổng lồ cho người Rô-ma vì thua trận, vua An-ti-ô-khô III tổ chức những cuộc hành quân nhằm lấy kho tàng thuộc các đền thờ. Ông đã chết trong khi cướp bóc một đền thờ kính thần Ben ở Ê-lam năm 187.
y. Người đứng lên thay vua An-ti-ô-khô III là vua Xê-lêu-cô IV Phi-lo-pa-to (187-175) con của vua. Chính vua Xê-lêu-cô IV đã phái quan Hê-li-ô-đô-rô đến chiếm đoạt kho tàng của đền thờ Giê-ru-sa-lem vào năm 176 (x. 2 Mcb 3,7-8.13-14...). Vua Xê-lêu-cô IV bị quan Hê-li-ô-đô-rô sát hại năm 175 (người ấy sẽ bị bẻ gãy).
a. Đn 11,21-45: đoạn nói riêng về vua An-ti-ô-khô IV Ê-pi-pha-nê. Ông bị giữ làm con tin ở Rô-ma (y sẽ đến) trong vòng mười bốn năm, rồi trở về quê hương. Khi anh của ông là vua Xê-lêu-cô IV qua đời (năm 175), ông loại trừ cháu ruột tên là Đê-mê-tri-ô, con người anh, để cướp ngôi vua (dùng xảo kế đoạt ngai vua).
b. Có thể Đn 11,22a ám chỉ đến sức kháng cự của đoàn quân ở dưới quyền quan Hê-li-ô-đô-rô. Người đứng đầu giao ước: chắc thành ngữ này muốn nói về thượng tế Ô-ni-a: bị vua An-ti-ô-khô IV truất chức (năm 175), đi tù ở Xy-ri, rồi bị giết ở Đáp-nê vào năm 170 (x. 9,26; 2 Mcb 4,30-34).
c. Đn 11,25-28: cuộc hành quân thứ nhất của vua An-ti-ô-khô IV chống lại vua phương Nam (x. 11,25), tức là vua Ai-cập Pơ-tô-lê-mai VI Phi-lo-mê-to (181-145). Vua Ai-cập này là con bà Cơ-lê-ô-pát, chị em của vua An-ti-ô-khô, và như thế là cháu gọi vua An-ti-ô-khô là cậu ruột. Cuộc chiến xảy ra vào năm 170-169 (x. 1 Mcb 1,16-18).
d. Vua Pơ-tô-lê-mai VI trở thành tù nhân của vua An-ti-ô-khô IV, được đối xử như một quan khách. Nhưng hai bên chỉ giả vờ tuy có thái độ bên ngoài niềm nở. Dựa vào 1 Mcb 1,19, vua An-ti-ô-khô IV cướp đoạt của cải thuộc Ai-cập mà đem về nước (c. 11,28: Vua phương Bắc sẽ trở về xứ, mang theo một tài sản lớn). Hình như c. 11,28b ám chỉ chuyện cướp bóc đền thờ Giê-ru-sa-lem sau cuộc hành quân thứ nhất ở Ai-cập (x. 1 Mcb 1,20-24).
đ. Đn 11,29-30a: cuộc hành quân thứ hai của vua An-ti-ô-khô IV chống Ai-cập vào năm 168. Kít-tim (c. 30a) mới đầu chỉ cư dân đảo Sýp, sau đó lại chỉ các dân tộc khác ở miền đông Địa Trung Hải; ở đây, Kít-tim có nghĩa là người Rô-ma. Như thế, tàu bè từ Kít-tim chỉ đoàn tàu của Rô-ma. Theo lịch sử, sứ giả của Rô-ma là ông Pô-pi-li-ô Lê-nát chuyển tới vua lệnh của Viện Nguyên Lão Rô-ma bắt vua phải rút khỏi Ai-cập.
e. Sau khi đi hành quân ở Ai-cập về, vua An-ti-ô-khô IV bắt đầu mở chiến dịch bài tôn giáo chống lại các tín đồ theo đạo Do-thái (11,30b-35).
g. Một trong những việc đầu tiên vua làm là chiêu mộ những con người sẽ thi hành chính sách chống đạo Do-thái. Họ là những kẻ bỏ Giao Ước thánh (c. 30b), lơ là với Giao Ước (c. 32), tức là những kẻ không giữ đạo và theo chủ trương Hy-lạp hóa đời sống và tôn giáo của người Do-thái. Vua thông đồng với họ (c. 30b), dùng xảo kế mà làm cho họ ra ô uế (c. 32a).
h. Công việc thứ hai của vua là xúc phạm đến thánh điện: đặt tượng thần Dớt Ô-lim-pi-ô trong đền thờ Giê-ru-sa-lem (đặt đồ ghê tởm khốc hại: x. 9,27; 11,31) và như thế biến Đền Thờ Giê-ru-sa-lem kính Thiên Chúa thành đền thờ kính thần ngoại đạo. Vua còn bãi bỏ tế tự của đạo Do-thái (167-164) (x. 9,27; 11,31).
i. Vua An-ti-ô-khô IV còn tỏ mình là bạo chúa bằng những hành động chuyên chế chống lại các tín đồ theo đạo Do-thái: đâm chém, thiêu hủy, đày ải, cướp bóc.
k. Có thể đây là lời ám chỉ cuộc nổi loạn của ông Mát-ta-thi-a (x. 1 Mcb 2,1-14) và những thành công đầu tiên của ông Giu-đa Ma-ca-bê (x. 1 Mcb 3,1-26).
l. X. 12,10. Tác giả cho thấy ý nghĩa tích cực của cuộc bách hại (x. 2 Mcb 6,12-17).
m. Thời cùng tận đó là thời cùng tận của vua An-ti-ô-khô IV Ê-pi-pha-nê đánh dấu thời điểm chấm dứt cuộc bách hại và khai mạc một thời mới.
n. Trong đoạn Đn 11,36-39, tác giả nói về thái độ của vua An-ti-ô-khô IV đối với: 1) chính bản thân: tự cao tự đại, tôn mình lên trên hết các thần (cc. 36a và 37b), thần thánh hóa chính mình (cho đúc tiền bằng bạc với những tước hiệu của thần minh: tên Ê-pi-pha-nê có nghĩa là thần tỏ mình ra, với những nét của thần Dớt Ô-lim-pi-ô); 2) Thiên Chúa: nói những điều kỳ quặc chống lại Thiên Chúa (c. 36b); 3) các thần khác: không coi trọng bất cứ thần nào: các thần Xy-ri (các thần của tổ tiên: c. 37) cũng như thần Tam-mút (thần mà nữ giới sùng mộ: c. 37; Ed 8,14), ngoại trừ thần Giu-pi-te (= thần của các thành trì kiên cố; c. 38) là thần đứng đầu các thần của người Rô-ma.
o. Trong Đn 11,40-45, tác giả đề cập tới những chiến công của bạo chúa An-ti-ô-khô IV và gợi ra cái chết của ông (c. 45b). Cái chết này chấm dứt cả một giai đoạn bách hại khủng khiếp.
p. Đoạn Đn 11,40-45 miêu tả các cuộc chiến xảy ra vào thời cùng tận. Theo lịch sử, không thấy những biến cố cụ thể tương đương với những cuộc chiến gợi ra ở đây. Các cuộc chiến đó do bạo chúa An-ti-ô-khô IV gây ra cho: 1) các nước (c. 40b) nằm trên đường hành quân chống lại Ai-cập; 2) xứ Pa-lét-tin (Xứ Huy Hoàng: c. 41a); 3) nước Ai-cập (c. 40: vua phương Nam; cc. 42-43); 3) vài nước ở miền tây và miền nam Ai-cập (c. 43: dân Li-bi và dân Cút). Có ba dân tộc thoát khỏi cuộc xâm lăng của bạo chúa (c. 41: người Ê-đôm, người Mô-áp và các phần tử ưu tú trong số con cái Am-môn), có lẽ vì họ là những địch thù truyền kiếp của dân Do-thái và như thế được coi là đồng minh của bạo chúa An-ti-ô-khô IV.
q. Theo vài học giả, c. 44 này có thể ám chỉ sự kiện sau đây: vua An-ti-ô-khô IV gặp nhiều chuyện rắc rối với người Pác-thi-a và người Ác-mê-ni-a do những cuộc hành quân của vua trong hai vùng đất đó vào năm 165.
r. Vùng này nằm giữa Địa Trung Hải và Giê-ru-sa-lem. Hình như tác giả cho thấy: vua An-ti-ô-khô IV, kẻ bách hại Ít-ra-en, sẽ gục ngã ngay tại Ít-ra-en để làm nổi bật sự phán xét của Thiên Chúa (x. Ge 4,12; Ed 39,4; cũng x. Kh 20,9), tuy thực sự vua này chết tại Ta-bê thuộc Ba-tư vào năm 164.