Vua Ky-rô, khí cụ của ĐỨC CHÚA
1 Hỡi các đảo, hãy lắng nghe tôi,
mong các dân được thêm sức mạnh
tiến lại gần và lên tiếng nói!
Ta hãy cùng nhau ra tòa nào!
2 Từ phương đông, ai đã cho xuất hiện người hùng
đi mở đường cho nền công chính?
Ai trao vào tay ông các dân các nước,
bắt mọi vua chúa phải phục quyền?
Đao kiếm của ông làm chúng hóa ra như tro bụi,
cung nỏ của ông khiến chúng tán loạn tựa cọng rơm.
3 Ông đuổi bắt thù địch, ông tiến bước an toàn.
Trên đường đi, chân ông không chấm đất.
4 Điều đó, ai đã thực hiện, ai đã làm nên?
– Chính là Đấng từ nguyên thủy
đã an bài cho các thời đại nối tiếp nhau.
Chính là Ta. Ta là ĐỨC CHÚA, Ta là khởi nguyên,
và giữa những người của thời sau hết, Ta vẫn là Ta.
5 Các đảo nhìn thấy và hoảng sợ,
chân trời góc biển cũng chuyển rung, dõi theo sự việc và tiến tới.
6 Người nào cũng giúp đỡ đồng bạn
và nói với anh em mình: “Can đảm lên!”
7 Thợ điêu khắc động viên thợ bạc,
kẻ dùng búa để mài khích lệ người đập đe, khen mối hàn là tốt,
rồi lấy đinh đóng chặt tượng thần cho khỏi chuyển khỏi lay.
Thiên Chúa tuyển chọn và phù hộ Ít-ra-en
8 Nhưng phần ngươi, hỡi Ít-ra-en, tôi tớ của Ta,
hỡi Gia-cóp, kẻ Ta tuyển chọn, dòng dõi Áp-ra-ham, bạn của Ta,
9 Ta đã nắm chặt lấy ngươi, đưa ngươi về từ tận cùng cõi đất,
kêu gọi ngươi từ những miền xa thẳm.
Ta đã nói với ngươi: “Ngươi là tôi tớ Ta,
Ta đã chọn ngươi, Ta đâu ruồng bỏ.”
10 Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi.
Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi.
Ta cho ngươi vững mạnh,
Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta.
11 Quả vậy, hết thảy những ai giận ghét ngươi sẽ thẹn thùng xấu hổ,
và mọi kẻ gây hấn với ngươi
đều kể như không có và bị tiêu diệt.
12 Thù địch ngươi, ngươi sẽ tìm mà không thấy.
Những kẻ giao chiến với ngươi
sẽ kể như không có, như hết sạch cả rồi.
13 Vì Ta, ĐỨC CHÚA, là Thiên Chúa của ngươi,
Đấng cầm lấy tay phải ngươi và phán bảo:
“Đừng sợ, chính Ta phù trợ ngươi.”
14 Đừng sợ, hỡi Gia-cóp, loài sâu bọ,
hỡi Ít-ra-en, kẻ mọn hèn.
Chính Ta phù trợ ngươi –sấm ngôn của ĐỨC CHÚA–,
Đấng cứu chuộc ngươi là Đức Thánh của Ít-ra-en.
15 Này đây Ta sẽ biến ngươi thành một cái bừa
vừa sắc vừa mới và đầy mũi nhọn.
Ngươi sẽ giày đạp và nghiền nát núi non,
sẽ làm cho các đồi nên như trấu.
16 Ngươi sẽ rê chúng, gió sẽ cuốn đi
và bão táp sẽ phân tán chúng.
Còn ngươi, vì ĐỨC CHÚA, sẽ mừng vui hoan hỷ,
vì Đức Thánh của Ít-ra-en, sẽ hãnh diện, tự hào.
17 Những ai nghèo hèn, khốn khổ,
tìm nước không ra, lưỡi khô vì khát,
Ta, ĐỨC CHÚA, Ta sẽ đáp lời, Ta, Thiên Chúa của Ít-ra-en,
Ta sẽ không bỏ rơi chúng.
18 Ta sẽ khai mở sông ngòi trên các đồi trọc,
và khe suối dưới các lũng sâu.
Ta sẽ biến hoang địa thành hồ ao,
biến đất khô nên mạch nước dồi dào.
19 Và trong vùng hoang địa,
Ta sẽ trồng bá hương, keo, sim với ô-liu;
trên những dải đất hoang, Ta sẽ cho mọc lên một trật
nào trắc bá, nào du, nào hoàng dương,
20 để cùng một lúc, thiên hạ đều nhìn ra và nhận biết,
nghiền ngẫm và hiểu rằng:
điều ấy, bàn tay ĐỨC CHÚA đã làm nên,
điều ấy, Đức Thánh của Ít-ra-en đã tạo thành.
Tượng thần là hư vô
21 ĐỨC CHÚA phán: Hãy trình bày vụ kiện của các ngươi!
Đức Vua nhà Gia-cóp truyền: Hãy đưa ra luận chứng!
22 Chúng cứ đưa ra, và báo cho chúng tôi rõ những gì sẽ xảy đến!
Đã có những điềm nào báo trước,
cứ nói đi,
rồi chúng tôi sẽ quan tâm,
và biết rõ hậu vận thế nào;
hay là cứ kể cho chúng tôi nghe những gì sẽ xảy đến.
23 Nói lên đi những gì sẽ xảy đến sau này,
cho chúng tôi nhận ra quý vị là thần, là chúa!
Bất kể quý vị làm điều lành hay điều dữ,
chúng tôi cũng sẽ táng đởm kinh hồn.
24 Quả thật các ngươi toàn là hư vô,
việc làm của các ngươi chẳng là gì hết.
Ai chọn các ngươi mà thờ
thật đáng kinh tởm.
25 Ta đã cho Ky-rô xuất hiện từ phương bắc. và nó đã tới;
từ phía mặt trời mọc, Ta đã gọi nó đích danh;
nó giẫm đạp lên hàng quyền quý
như người ta giẫm đạp bùn lầy,
như thợ gốm lấy chân nhào đất sét.
26 Ai đã loan tin từ thuở ban đầu cho chúng tôi được biết?
Ai đã loan tin từ thuở xa xưa để chúng tôi nói: “Đúng vậy”?
nhưng không, chẳng ai cho biết, chẳng ai nói cho ai nghe,
chẳng ai được nghe các ngươi nói một lời!
27 Đây rồi, người đầu tiên lên tiếng với Xi-on,
và Ta sẽ gửi đến cho Giê-ru-sa-lem kẻ loan báo tin mừng.
28 Ta đã nhìn xem: chẳng có một ai!
Trong bọn chúng, không một người cố vấn
để cho Ta hỏi ý,
để đáp lại lời Ta!
29 Thế đó: tất cả bọn chúng là hư vô, công việc chúng làm là hư ảo,
tượng thần vàng bạc của chúng là hơi gió hư không!
Đnl 7,6+; 2 Sb 20,7; Gc 2,23
Is 35,6-7; 43,20; 48,21; Tv 114,8
l. Trả lời cho những ngờ vực của dân, bài ca này tiên báo sẽ có một vị đến giải thoát. 44,28 mới nêu rõ tên vị này là Ky-rô, nhưng người đồng thời của tác giả đều hiểu rõ ngay từ phần này. Chính Đức Chúa đã cho ông xuất hiện, nhưng khác với Xan-khê-ríp và Na-bu-cô-đô-nô-xo là những người đến để đánh phạt, vua Ky-rô đến là để giải thoát. Bài ca này được viết lúc vua Ba-tư đang tiến quân đánh đế quốc Ba-by-lon, cho thấy dấu chỉ đế quốc này sắp tới ngày khánh tận.
m. Xem bài ca trên, 40,31.
n. Đây là vụ án giữa Thiên Chúa của Ít-ra-en và chư dân (cc. 1-5). Trước cuộc tiến quân của vua Ba-tư, mỗi nước đi tìm thần minh của mình để núp bóng, nhưng các thần minh đã không làm được gì cả, chẳng giúp được cho dân nào đứng vững. Còn Đức Chúa của Ít-ra-en thì cho người hùng xuất hiện là vua Ky-rô, vì thế, Ít-ra-en nương bóng Đức Chúa thì sẽ không phải sợ và sẽ đứng vững (cc. 8-9.10-16.17-20).
o. Công chính là một trong những chữ trọng yếu của toàn bộ sách I-sai-a và được dùng hai mươi bảy lần trong phần II này. Danh từ Híp-ri hàm ý một cuộc chỉnh đốn tình hình thuộc kế hoạch của Thiên Chúa và cũng có thể mang nghĩa là chiến thắng. Thánh Giê-rô-ni-mô dịch: Từ phương Đông, ai đã cho xuất hiện Người Công Chính, tức là Đức Mê-si-a mà vua Ky-rô là tiền ảnh, một cách nào đó.
p. M: ... ông không đến có thể hiểu ông tiến vào bằng những con đường ông chưa hề đi; cũng có thể hiểu theo cách dịch ở đây: ông tiến vào rất nhanh.
q. ds: Ta (là) Đấng ấy. Cụm từ cô đọng này gợi nhớ Xh 3,14 (Ta là Đấng Hiện Hữu) và là một cách nói lên tính vô thủy vô chung của Thiên Chúa.
r. Có thể hai câu 6-7 này bị lạc ở đây thay vì đi tiếp 40,19-20. Xem chú thích ở đó.
s. Đây là lần đầu tiên chủ đề “người tôi tớ” xuất hiện, để sau đó sẽ chiếm một vị trí lớn trong quyển sách này. Chủ đề người tôi tớ đi đôi với chủ đề tuyển chọn. Quan niệm về người tôi tớ ở đây không phải hàm chứa tương quan chủ tớ cho bằng một tương giao đầy tin tưởng và yêu thương.
t. Bạn đây không những là người được Chúa yêu thương mà còn là người đáp trả tình yêu của Chúa. Tổ phụ Áp-ra-ham (của người Ít-ra-en và người Ả-rập) không được các ngôn sứ trước thời lưu đày nhắc đến, nhưng lại được nêu danh hai lần trong sách này (ở đây và ở 51,2). Danh xưng bạn còn được dùng nhiều trong Cựu và Tân Ước cũng như trong sách Co-ran.
u. Lưu ý các từ nắm chặt, giữ chặt, cùng một gốc từ Híp-ri, được dùng đi dùng lại trong cc. 6-13. Sự tương phản nổi bật giữa các người làm tượng và cố giữ chặt các tượng ấy cho khỏi đổ, với Thiên Chúa nắm chặt vận mạng của tôi tớ Người.
v. Chữ này trong tiếng Híp-ri có thể được hiểu nhiều nghĩa tùy cách chấm nguyên âm. Ở đây chọn nghĩa song song với “loài sâu bọ”, tức là “kẻ mọn hèn”.
x. Từ Híp-ri Gö´ël, dịch là cứu chuộc, rất được chuộng và dùng mười bảy lần trong các sách I-sai-a. Từ này chỉ sự can thiệp của người họ hàng gần nhất để cứu giúp một người lâm nạn: để trả giùm nợ nếu người lâm nạn nghèo đói hay bị bắt làm nô lệ, để báo thù nếu người thân bị giết chết, hoặc để lấy người vợ góa và sinh con nối dõi cho người họ hàng đã chết. Vậy từ này muốn nói Thiên Chúa tự coi mình là người thân nhất của dân Người, để phù trợ và giải thoát. Sách Thánh vịnh cũng dùng từ này rất nhiều; Tân Ước sẽ mượn lại chủ đề này và ứng dụng cho Đức Giê-su, Đấng cứu chuộc loài người.
y. Đây là lối nói riêng biệt của I-sai-a (xem phần I).
a. Trọc: bị gió và những đoàn lạc đà mài nhãn, thế mà trên đó sẽ có sông ngòi, như xưa ông Mô-sê đã làm cho nước vọt ra từ phiến đá. Qua những hình ảnh diệu kỳ này, ngôn sứ cho thấy vài nét đặc trưng của thời đại Mê-si-a. X. 11,6 và Ed 47,1-12.
b. Sau vụ án với chư dân (c. 1) là vụ án giữa Thiên Chúa Ít-ra-en với tà thần. Sự bất lực của tà thần (không liệu được tương lai sẽ ra sao, không tác động được trên thế giới) cho thấy chúng là hư vô. Chính trong quyển sách I-sai-a đệ nhị này mà niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất (độc thần) được nêu ra lần đầu tiên một cách thật rõ nét và tuyệt đối. X. 40,18 tt; 43,8-12; 44,6-8; 45,5.
c. Từ ngữ báo sẽ được dùng mười chín lần cho đến ch. 48. Báo trước những gì sẽ xảy đến là thuộc quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa.
d. Để chứng minh thần tính của mình, các vị thần phải tỏ ra có khả năng tác động trên mọi lãnh vực. Nhưng chúng tỏ ra không có khả năng đó, chỉ có Thiên Chúa mới là toàn năng.
đ. Dịch phỏng đoán, vì nguyên từ Híp-ri khó hiểu, có lẽ do sai một phụ âm.
e. ds: chỉ có Ta đã cho nó xuất hiện...
g. M: Nó đã gọi Ta đích danh. Nhưng vua Ky-rô không biết Thiên Chúa, nên bản dịch đảo ngược lại, theo CR, và như thế cũng phù hợp với 45,3-4.
h. Cũng dịch phỏng đoán vì từ Híp-ri có nhiều nghĩa.
i. Đây rồi... với Xi-on dịch theo CR; M chép: Này đây, chúng nó đây.
k. Dịch theo CR, hợp với mạch ý cả câu. M: sự gian ác.