III. CẦU XIN ĐỨC CHÚA CAN THIỆP
1 Lời cầu nguyện của ngôn sứ Kha-ba-cúc, theo điệu Ai ca.
2 Lạy ĐỨC CHÚA, con đã nghe truyền tụng về Ngài,
công trình Ngài, lạy ĐỨC CHÚA, lòng con kính sợ!
Qua mọi thời, xin cho tái diễn công trình ấy.
Qua mọi thời, xin làm cho thiên hạ được tường!
Trong cơn thịnh nộ, xin Ngài nhớ xót thương.
3 Này Thiên Chúa tự miền Tê-man ngự giá,
tự núi Pa-ran, kìa Đức Thánh quang lâm.
Bóng uy phong rợp chín tầng trời,
câu chúc tụng vang mười phương đất.
4 Chúa rực rỡ khác nào ánh sáng,
mở đôi tay tỏa chiếu hào quang,
nơi đó ẩn tàng quyền năng Chúa.
5 Ôn dịch đi mở lối cho Người;
sốt rét theo Người sát gót chân.
6 Người dừng bước, cõi đất liền lảo đảo,
Người đưa mắt, các dân phải té nhào;
núi non vạn đại cũng rã tan, gò nổng thiên thu đều tan chảy:
đó là những con đường xưa kia Ngài vẫn đi.
7 Con đã thấy lều trại của Cu-san lâm họa,
các nhà bạt của xứ Ma-đi-an chuyển rung.
8 Phải chăng Ngài nổi giận với các sông, lạy ĐỨC CHÚA,
phải chăng Ngài thịnh nộ trừng phạt các sông
và nổi cơn lôi đình trừng phạt biển,
khi Ngài thắng yên cương cho ngựa,
và ngự trên xa mã của Ngài?
9 Ngài tuốt trần cung nỏ, lắp tên vào dây cung,
xẻ đất thành sông ngòi.
10 Thấy Ngài, núi rùng mình khiếp sợ,
mây tầng đổ mưa, vực thẳm vang tiếng gào, và giơ tay lên cao.
11 Mặt trời và mặt trăng đứng nguyên tại chỗ,
trước mũi tên lấp loáng,
trước ngọn giáo chớp lòe Ngài phóng đi.
12 Trong cơn lôi đình, Ngài rảo cùng cõi đất;
trong cơn thịnh nộ, Ngài chà đạp chư dân.
13 Ngài xuất chinh cứu độ dân Ngài,
cứu độ đấng Ngài đã xức dầu tấn phong.
Ngài đánh quỵ thủ lãnh nòi gian ác, lật nền nhà cho đá trơ ra.
14 Ngài phóng tên bắn vỡ đầu thủ lãnh của chúng,
đang khi chúng reo hò, kéo đến như vũ bão
để đánh đuổi tôi đi như thể sắp ăn tươi nuốt sống
kẻ khốn cùng trong nơi trú ẩn.
15 Ngài mở lối cho chiến mã của Ngài vào biển cả,
giữa ba đào cuồn cuộn nước mênh mông.
16 Chuyện vừa lọt tai, ruột đã rối bời,
mới nghe điều đó, môi miệng con run rẩy,
bệnh mục xương đã nhập vào mình,
chân lảo đảo không còn vững bước.
Con bình tĩnh đợi ngày khốn quẫn
chụp xuống đầu dân xông đánh chúng con.
17 Thật thế, cây vả không còn đâm bông nữa,
cả vườn nho không được trái nào.
Quả ô-liu, đợi hoài không thấy, ruộng đồng chẳng đem lại gì ăn.
Bầy chiên dê biến mất khỏi ràn, ngó vào chuồng, bò bê hết sạch.
18 Nhưng phần tôi, tôi nhảy mừng vì ĐỨC CHÚA,
hỷ hoan vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
19 ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, làm cho tôi mạnh sức,
cho đôi chân này lanh lẹ tựa chân nai,
và dẫn tôi đi trên đỉnh núi cao vời.
Ds 14,2; Tv 72,19; Is 6,3
Tl 5,4-5; Tv 18,8; 68,8-9; 114,4; Is 42,15
St 9,13; Ac 2,4; 3,12; Dcr 9,13
Tv 119,120; Is 21,3-4; Gr 4,19; 23,4; Đn 8,18-27; 10,8
Is 61,10; Ge 2,23; Mk 7,7; Lc 1,47
đ. Ch. 3 mô tả cuộc thần hiện của Đức Chúa, như lời Người đã phán (2,3). Người đến xét xử kẻ phản bội và kẻ ngạo mạn (2,5). Vì thế, toàn cõi đất phải thinh lặng để nghe Người phán quyết. Lời phán quyết dưới hình thức lời cầu nguyện của ngôn sứ Kha-ba-cúc. Nội dung chương này như sau: cc. 1-2: tựa đề và giới thiệu; cc. 3-7: sự xuất hiện của Đức Chúa; cc. 8-11: sự đảo lộn và sợ hãi của thiên nhiên; cc. 12-15: kẻ ác bị đập tan và dân được cứu; cc. 16-19: sự kinh hoàng và hoan hỷ của ngôn sứ.
e. Tiêu đề theo kiểu tương tự như ở đầu các thánh vịnh. Lời cầu nguyện được viết theo thể thánh ca. Vì thế có người gọi ch. 3 là thánh vịnh. Có thể bài ca này được dùng trong phụng vụ, do đó chúng ta gặp thấy ghi chỗ phải nghỉ ở giữa c. 3, c. 9 và cuối c. 13. Kết thúc có chỉ dẫn cho ca trưởng sử dụng các nhạc cụ bằng dây c. 19.
g. Gợi lại những điềm thiêng dấu lạ thời xuất hành nói lên quyền năng của Đức Chúa. Đây cũng là nét chung cho các ngôn sứ (x. Tv 44,2.9; Nk 3,19).
h. Tác giả xin Đức Chúa giải thoát khỏi cảnh khốn khổ hiện thời, vì tình thương của Người lớn hơn tội dân đã phạm.
i. Tê-man là một tỉnh của xứ Ê-đôm, nằm ở phía bắc, giữa sa mạc Xi-nai và phần đất Giu-đa.
k. Núi Pa-ran phía bắc bán đảo Xi-nai, nằm giữa Ai-cập, miền nam xứ Pa-lét-tin và xứ Ê-đôm. Tác giả đưa ra hai địa danh này nhằm xin Chúa một mặc khải qua cuộc thần hiện, như xưa Người đã tỏ cho ông Mô-sê. Nhưng tác giả cũng muốn Đức Chúa tỏ quyền năng và tính siêu việt cho muôn dân nhận biết Người là Đức Thánh.
l. Ánh sáng nói lên tính cách khải huyền.
m. Ôn dịch và sốt rét là những dấu cho thấy Đức Chúa quang lâm, viếng thăm dân Người. Ở Ca-na-an, Rê-sép là một vị thần phá hoại.
n. Gò nổng thiên thu, con đường xưa kia ám chỉ những nơi ở của các tổ phụ trong St 49,26; Đnl 33,15.
o. Cu-san là một sắc dân có liên hệ với Mít-gian.
p. Bao gồm các bộ tộc du mục phiêu lãng ở phía đông vịnh A-ca-ba và đi lên tới đồng bằng Mô-áp.
q. Đức Chúa can thiệp để cho các công trình sáng tạo bị đảo lộn.
r. Cung là biểu tượng của chiến tranh hay sức mạnh. Cung cũng ám chỉ cầu vồng.
s. Vực thẳm ám chỉ nước thời khởi thủy (St 1,2; 8,2), rồi ám chỉ các đại dương (x. Is 51,10; Ed 26,19).
t. Sấm chớp là tên là giáo, vũ khí của Đức Chúa.
u. Người được xức dầu tấn phong hoặc làm vua (x. 1 Sm 10,1; 16,13; 2 Sm 2,4; Tv 45,8), hoặc làm thượng tế (x. Xh 29,7; Lv 4,3; Tv 84,10), hoặc làm ngôn sứ (x. 1 V 19,16; Is 61,1). Ở đây không nói rõ người được xức dầu làm nhiệm vụ nào. Tuy nhiên chúng ta có thể hiểu đó là vị vua thời Đấng Mê-si-a!
v. Tư tưởng này gợi lại cuộc vượt qua Biển Đỏ.
x. Cc. 16-17: Nỗi lo lắng và sợ hãi của ngôn sứ khi nghe tin Đức Chúa lâm trận và tai họa mất mùa, bầy vật chết đi kèm theo.
y. Cc. 18-19 mô tả niềm vui vì thoát nạn. Cuối cùng, chính Đức Chúa cứu độ cho sống yên hàn. Kết thúc cuốn sách đầy lạc quan tin tưởng: Đức Chúa đầy yêu thương và công bình!