Bài ca của ông Mô-sê và của Con Chiên
1 Rồi tôi thấy một điềm khác trên trời, một điềm lớn lao và kỳ diệu: bảy thiên thần mang bảy tai ương, đó là những tai ương cuối cùng, vì với những tai ương này, cơn lôi đình của Thiên Chúa đã hoàn tất.2 Tôi thấy có cái gì như biển trong vắt pha ánh lửa, và những người thắng Con Thú, thắng tượng của nó và con số tương đương với tên nó; tôi thấy họ đứng trên biển trong vắt ấy, họ cầm những cây đàn của Thiên Chúa3 và hát bài ca của ông Mô-sê, tôi tớ Thiên Chúa, và bài ca của Con Chiên; họ hát rằng:
“Lạy Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng,
sự nghiệp Ngài thật lớn lao kỳ diệu!
Lạy Đức Vua trị vì muôn nước,
đường lối Ngài quả chân thật công minh!
4 Lạy Chúa, nào có ai không kính sợ Chúa?
Ai mà chẳng tôn vinh danh Ngài?
Vì chỉ có Ngài chí thánh chí tôn.
Người muôn nước
sẽ về phủ phục trước Tôn Nhan,
vì ai ai cũng đều thấy rõ
những phán quyết công minh của Ngài.”
Bảy chén tai ương
5 Sau đó tôi thấy Đền Thờ là Lều Chứng Ước mở ra ở trên trời.6 Bảy thiên thần mang bảy tai ương từ Đền Thờ đi ra, mình mặc áo vải gai tinh khiết sáng chói, ngang ngực có thắt đai bằng vàng.7 Một trong bốn Con Vật đưa cho bảy thiên thần bảy chén vàng, đầy cơn lôi đình của Thiên Chúa, Đấng hằng sống đến muôn thuở muôn đời.8 Đền Thờ đầy khói từ vinh quang Thiên Chúa và từ quyền năng của Người tỏa ra. Không ai có thể vào trong Đền Thờ, bao lâu bảy tai ương do bảy thiên thần mang đến chưa hoàn tất.
y. Trước khi bảy tai ương xảy ra (15,5–16,21), tác giả được thấy những chứng nhân hát bài ca mới. Xưa kia khi dân Ít-ra-en được ông Mô-sê lãnh đạo vượt qua Biển Đỏ, thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập, họ hát bài ca mừng chiến thắng. Nay các chứng nhân được Con Chiên hướng dẫn thắng được những thử thách, đau khổ trong cơn bách hại; họ ca tụng Đấng đã cứu thoát họ.
a. ds: mang bảy tai ương cuối cùng; thêm đó là những tai ương để nhấn mạnh cuộc phán xét đã đến hồi kết thúc.
b. Gợi lại cuộc vượt qua Biển Đỏ thời Xuất Hành, để áp dụng cho các chính nhân: họ đã trung thành với Con Chiên vượt qua thử thách.
c. Bài ca của ông Mô-sê (Xh 15,1-18) ca tụng và tạ ơn vì dân Thiên Chúa thoát ách nô lệ Ai-cập. Bài ca này còn được nói trong Đnl 32,1-44. Các chính nhân vừa hát bài ca cũ vừa hát bài ca mới, bài ca của Con Chiên: chứng tỏ ông Mô-sê và dân Thiên Chúa xưa kia chỉ là tiên trưng cho thời Tân Ước. Chính Đức Giê-su là Đấng giải phóng toàn thể nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi và ma quỷ.
d. Thiên Chúa của dân Ít-ra-en này là Thiên Chúa của muôn dân. Ơn cứu độ có viễn tượng phổ quát, không còn giới hạn vào lãnh thổ, huyết tộc.
đ. Danh xưng này dành cho một mình Thiên Chúa. Trong Tân Ước, danh xưng này áp dụng cho Thiên Chúa, chỉ được sử dụng ở đây và 16,5, và cho Đức Ki-tô ở Hr 7,26.
e. Thiên Chúa công bình: thưởng người lành, phạt kẻ dữ.
g. Các tai ương là những phán quyết của Thiên Chúa trừng phạt Con Thú và những kẻ đi theo nó. Bối cảnh là Đền Thờ trên trời. Thiên Chúa không được mô tả, nhưng chỉ nói đến sự hiện diện của Người: Hòm Bia Giao Ước, khói. Các tai ương này hầu như gợi lại tai họa ở Ai-cập thời Xuất Hành.
h. Cũng gọi là Lều Hội Ngộ (x. Ds 9,15; 17,22; Xh 25,22; 27,21). Thời Xuất Hành, Thiên Chúa ở giữa trại dân. Một Lều dành riêng cho Người. Trong Lều đặt hai tấm bia đá khắc ghi Mười Điều Răn. Mỗi khi ông Mô-sê muốn thỉnh ý Thiên Chúa, ông phải vào Lều Hội Ngộ để gặp Người (x. Xh 25,22).
i. Kiểu trang phục này dùng trong phụng vụ (x. Hr 1,14).
l. Khói, mây, lửa đều diễn tả vinh quang Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện diện đầy quyền uy. Ở đây nói đến thời cánh chung (x. 2 Mcb 2,4-8; Xh 40,34-35; 1 V 8,10).