1 Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Ki-tô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa.2 Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ lòng trung thành.3 Đối với tôi, dù có bị anh em hay tòa đời xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì. Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình.4 Quả thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Đấng xét xử tôi chính là Chúa.5 Vậy xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng.
6 Thưa anh em, tôi đã áp dụng các điều đó cho tôi và anh A-pô-lô, vì lợi ích của anh em, để anh em theo gương chúng tôi mà học cho biết “đừng có đi ra ngoài những gì đã viết”, kẻo sinh ra kiêu ngạo, theo người này mà chống người khác.7 Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?8 Anh em đã no nê rồi, đã giàu có rồi! Không có chúng tôi, anh em đã làm vua rồi! Phải chi anh em làm vua, để chúng tôi cũng được làm vua với anh em!9 Thật vậy, tôi thiết nghĩ: Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm Tông Đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người!10 Chúng tôi điên dại vì Đức Ki-tô, còn anh em thì khôn ngoan trong Đức Ki-tô; chúng tôi yếu đuối, còn anh em thì mạnh mẽ; anh em được kính trọng, còn chúng tôi thì bị khinh khi.11 Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt;12 chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu;13 bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người.
Lời khiển trách
14 Tôi viết những lời đó không phải để làm anh em xấu hổ, nhưng là để sửa dạy anh em như những người con yêu quý của tôi.15 Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Ki-tô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em.16 Vậy tôi khuyên anh em: hãy bắt chước tôi.17 Vì lẽ đó, tôi đã phái người con yêu quý và trung tín của tôi trong Chúa, là anh Ti-mô-thê, đến với anh em. Anh ấy sẽ nhắc cho anh em những quy tắc hướng dẫn đời sống trong Đức Ki-tô mà tôi đã đề ra, những quy tắc mà tôi vẫn giảng dạy khắp nơi, trong mọi Hội Thánh.
18 Vì nghĩ rằng tôi sẽ không đến với anh em, có vài người đã sinh ra kiêu ngạo.19 Nhưng nếu Chúa muốn, chẳng bao lâu nữa tôi sẽ đến với anh em, và tôi sẽ được biết, không phải tài ăn nói của những kẻ kiêu ngạo đó, mà là quyền năng của Thần Khí.20 Thật vậy, Nước Thiên Chúa không cốt ở tài ăn nói, nhưng ở quyền năng.21 Anh em muốn gì? Muốn tôi mang roi vọt hay là đức bác ái và lòng nhân hậu mà đến với anh em?
Lc 12,42-44; 16,1-8; Tt 1,7
2 Cr 4,8-12; 6,4-10; 11,23-33
Gl 4,19; 1 Tx 2,11; 2 Tm 1,2; Plm 10
s. Các mầu nhiệm là những kế hoạch giấu ẩn của Thiên Chúa nay được Thần Khí mặc khải cho loài người, là những kho tàng ân sủng nuôi dưỡng đời sống và niềm tin của tín hữu. Từ này cũng được dùng trong các văn kiện Cum-ran.
t. ds: ngày của người phàm, hiểu là ngày ra phiên tòa để bị xét xử. Có bản cũng hiểu là ngày của Chúa, và giải nghĩa rằng thánh Phao-lô mỉa mai: chỉ có Thiên Chúa mới có quyền xét xử mọi người vào Ngày của Người, tức là ngày chung thẩm, mà người phàm lại tưởng có thể lạm quyền ấy để xét xử thánh nhân.
u. Đối với thánh Phao-lô, khái niệm lương tâm mang giá trị Ki-tô giáo riêng: dù ngoại cảnh có áp đặt bất cứ tiêu chuẩn nào đi nữa, con người cũng chỉ trực thuộc quyền xét đoán của chính lương tâm mình. X. Cv 23,1; 24,16; Rm 2,14-15; 9,1; 13,5; 2 Cr 1,12. Mà quyền xét đoán này thì tuân phục quyền xét đoán của Thiên Chúa (4,4; 8,7-12; 10,25-29, v.v...). Lương tâm được coi là ngay lành và trong sạch nếu sau khi đã được bửu huyết Đức Ki-tô thanh tẩy, nó dựa theo đức tin và đức ái (1 Tm 1,5.19, v.v...).
v. Các điều đó tức là nội dung của 4,1 trên: coi chúng tôi là những đầy tớ, những người quản lý, v.v...
x. Đừng có đi ra ngoài... viết. Câu văn này khó hiểu. Có thể đây là một câu chua nghĩa, tự tay người sao bản văn viết thêm, hoặc một câu ngạn ngữ thông dụng ở Cô-rin-tô. Tuy hiện nay chúng ta thấy ý câu tối nghĩa, nhưng có thể nó rất rõ nghĩa cho độc giả lúc bấy giờ. Hoặc nữa hiểu ngầm là những gì tôi đã viết trên, tức là: thầy giảng dạy là đầy tớ của anh em và của Đức Ki-tô.
y. Có nghĩa là: anh em tưởng anh em đã được vào Nước Trời và làm vua ở đó rồi, mà không phải nhờ chúng tôi!
a. Trò cười: thật ra, từ Hy-lạp gợi lên hình ảnh đấu trường thời xưa, nơi những người tử tội bị điệu ra để làm mồi cho thú dữ, trước mặt dân chúng – phần đông náo nhiệt, xem đó là một trò vui.
b. Để kết thúc đoạn này (c. 6-10), thánh Phao-lô mỉa mai lần nữa và nhắc lại đề tài đã nói ở ch. 1 và 2 trên: anh em có thế giá trước mặt người đời ư? Điều đó không có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Còn chúng tôi thì bị khinh dể bởi điên dại vì Đức Ki-tô ư? Thiên Chúa lại coi đó là điều quý giá. Hai thực tại được đánh giá ngược hẳn nhau.
c. Hai từ Hy-lạp dịch ra rác rưởi và phế vật đều chỉ hạng người cùng khổ được công quỹ nuôi, để khi có tai họa lớn thì đem họ ra tế thần, xin xá tội, cầu an. Thánh Phao-lô hay nhắc đến những gian khổ, ngược đãi ngài đã chịu trong cuộc đời truyền giáo, và cách Chúa giúp ngài vượt lên trên mọi nguy khốn. Theo ý ngài, những yếu kém của người tông đồ càng làm sáng tỏ quyền năng của Đấng đã sai họ, vì sau khi công trình đã hoàn tất mỹ mãn, không ai nghĩ rằng đó hoàn toàn là do tay những người đã được sai đi.
d. Giám thị: thật ra, từ Hy-lạp chỉ người nô bộc thời xưa, theo dõi đứa trẻ đi học, đưa nó đến nhà thầy, trông chừng và răn bảo nó. Ở đây, có hàm ý chê.
đ. Tin Mừng: nghĩa ở đây thường thấy trong các thư của thánh Phao-lô. Ngoài ý nghĩa nội dung Tin Mừng, từ này còn chỉ việc công bố, rao giảng nội dung đó nữa.
e. Về chức vụ người cha tinh thần, x. 3,6: tôi trồng, nghĩa là tôi đã gieo vào lòng anh em mầm sống mới của Thần Khí, làm cho anh em nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô. Cũng x. c. 17; Gl 4,19; Plm 10. Nơi khác, ngài ví tình yêu tha thiết của ngài dành cho anh em Ki-tô hữu với tình thương âu yếm của người làm cha làm mẹ (1 Tx 2,7.11; 2 Cr 12,15 tt).
g. Thánh Phao-lô xin giáo dân Cô-rin-tô bắt chước ngài, bởi chính ngài bắt chước Đức Ki-tô (11,1). Bằng cách đó, họ sẽ bắt chước chính Đức Ki-tô (x. 1 Tx 1,6; Pl 2,5). Đây là một chủ đề tu đức đối xứng với chủ đề đi theo Chúa Ki-tô trong các sách Tin Mừng.
h. Về chuyến sai đi này, x. Cv 19,21-22.
i. ds: đường, đường lối. X. Ga 14,6; Cv 9,2 tt.
k. Quyền năng ở đây (cũng như ở c. 20 kế tiếp) là những thành quả, những gì mà quyền năng Thần Khí đã thực hiện nơi họ, trước hết là ơn hoán cải và sống theo Thần Khí. Do đó, thêm của Thần Khí ở c. 19. Có bản dịch là hành động của họ, tức là những bằng chứng cụ thể cho thấy tác động của quyền năng Thần Khí nơi họ.