Nguyên lý của đời sống mới: kết hợp với Đức Ki-tô phục sinh
1 Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.2 Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.3 Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa.4 Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.
III. PHẦN KHUYÊN NHỦ
Chỉ thị chung cho các tín hữu
5 Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng.6 Chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên những kẻ không vâng phục.7 Chính anh em xưa kia cũng ăn ở như thế, khi anh em còn sống giữa những người ấy.8 Nhưng nay, cả anh em nữa, hãy từ bỏ tất cả những cái đó: nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thóa mạ, ăn nói thô tục.
9 Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi,10 và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa, để được ơn thông hiểu.11 Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người.
12 Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại.13 Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.14 Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.15 Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.
16 Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng.17 Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.
Chỉ thị riêng cho đời sống gia đình
18 Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa.19 Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ.20 Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa.21 Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.
22 Kẻ làm nô lệ hãy vâng lời những người chủ ở đời này trong mọi sự. Đừng chỉ vâng lời trước mặt, như muốn làm đẹp lòng người ta, nhưng với lòng đơn sơ, vì kính sợ Chúa.23 Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời24 vì biết rằng anh em sẽ nhận được phần thưởng Chúa ban, là gia nghiệp dành cho dân Người. Đức Ki-tô là Chủ, anh em hãy phục vụ Người.25 Ai ăn ở bất công sẽ được trả theo điều bất công mình làm; không có chuyện thiên vị.
Cl 2,12; Ep 2,6; Pl 3,20-21
Rm 6,4.6; Ep 4,22-25; Hr 12,1; 1 Pr 2,1; 4,2
Mt 11,29; Ep 4,32; Gl 5,22
Mt 6,14; 18,21-35; 2 Cr 2,5-11; Ep 4,32
Rm 12,5; 1 Cr 12,12; Ep 2,16; 4,3-4
Ep 5,22; Tt 2,5; 1 Pr 3,1
Ep 6,5; 1 Tm 6,1; Tt 2,9-10; 1 Pr 2,18
d. Cc. 1-4 kết thúc phần trình bày ở trên và là nguyên lý để triển khai các lời khuyên thực hành tiếp theo. Tất cả đời sống mới của người Ki-tô hữu là đời sống kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô phục sinh.
e. Bí tích thánh tẩy vừa thực hiện một cuộc đoạn tuyệt với tội lỗi vừa khai sinh một đời sống mới. Tội lỗi đã nhường chỗ cho ân sủng, sự chết đã nhường chỗ cho sự sống mới ngự trị. Tuy nhiên giác quan không cảm nhận được, cho dù thực tại đã có rồi... Từ khi đó, Đức Ki-tô là nguồn sống của người Ki-tô hữu, và đời sống của người Ki-tô hữu ở đời này là một đời sống ẩn giấu chờ ngày biểu lộ trong vinh quang.
g. ds: anh em sẽ được xuất hiện với Người trong vinh quang.
h. Đoạn này nói về các nết xấu cần phải tránh (cc. 5-11) và các đức tính tốt cần phải thực hành (cc. 12-17), trong số đó đức bác ái là quan trọng nhất. Con người mới đã được thực hiện nhờ phép thánh tẩy phải có một đời sống mới; đàng khác, con người mới cũng cần được thanh tẩy hằng ngày cho tới khi Đức Ki-tô trở lại.
i. ds: những chi thể thuộc về hạ giới.
l. Một số thủ bản thiếu những chữ trên những kẻ không vâng phục (B, P 46). Ở đây có lẽ nhằm hòa hợp với Ep 5,6.
m. Con người cũ là con người lệ thuộc tội lỗi và những đam mê xấu (x. Rm 7,7-25); con người mới là con người đã được biến đổi khi chịu phép thánh tẩy (x. Ep 4,24), cùng chết và cùng phục sinh với Chúa Ki-tô (Rm 6,3.4.8). Sự biến đổi đó đã được thực hiện cách triệt để và dứt khoát; tuy nhiên vẫn còn phải được canh tân hằng ngày nhờ giáo huấn của Đức Ki-tô, hình ảnh của Thiên Chúa (x. 1,15; 2 Cr 3,18; 4,4), để dần dần đạt tới mức độ thành toàn như Thiên Chúa muốn khi sáng tạo con người (x. St 1,26 tt).
Mặc, cởi: những hình ảnh có ý nghĩa ẩn dụ (x. Ep 4,24; Rm 13,14; 1 Cr 15,53-54; Gl 3,27).
n. Mọi rợ: ds: Scuthês, một dân mà người xưa coi như còn lạc hậu và hung dữ nhất trong số những dân man đi.
o. Trong thế giới của những con người mới đã được Chúa Ki-tô thiết lập nhờ bí tích thánh tẩy, những giới hạn phân rẽ con người như chủng tộc, tôn giáo, văn hóa, giai cấp xã hội (và cả giới tính, x. Gl 3,28) đều không còn nữa. Tất cả đều bình đẳng trong Chúa Ki-tô. Con người và vũ trụ từ nay tồn tại nhờ Người và được hoàn tất trong Người (x. 2 Cr 5,4.17).
p. Sau khi nói đến những gì không hợp với nếp sống của con người mới, thánh Phao-lô đề cao những đức tính xứng với con người mới, nhất là việc thực thi đức bác ái và mọi lời nói việc làm đều phải quy hướng về Đức Ki-tô.
q. Có cách hiểu khác: trên mọi đức tính, anh em hãy có đức bác ái: đó là đức tính quy tụ sự hoàn thiện.
ds: đó là mối dây của sự tuyệt hảo.
r. Cách dịch này hiểu thân thể duy nhất là các chi thể đã được Đức Ki-tô hòa giải với nhau và với Thiên Chúa (x. Ep 2,16; 4,3 tt). Nếu dịch sát: chính anh em đã được kêu gọi để hưởng ơn bình an đó, trong một thân thể, có thể hiểu thân thể đó là thân thể của Đức Giê-su, nơi Thiên Chúa thực hiện công trình hòa giải, đem lại bình an (1,20.22).
s. Thánh ca do Thần Khí linh hứng: có thể là những bài ca bộc phát khi cộng đoàn họp nhau để cử hành phụng vụ, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần (x. 1 Cr 14,26).
t. Thánh Phao-lô thích kết thúc những lời khuyên nhủ bằng cách kêu gọi tạ ơn Thiên Chúa (x. 1,12; 2,7; 3,15).
u. Trong đoạn văn này (3,18–4,1), thánh Phao-lô đưa ra lời khuyên về bổn phận trong gia đình: vợ-chồng (cc. 18-19), con cái-cha mẹ (cc. 20-21), chủ nhân – nô lệ (3,22–4,1). Người dưới (vợ, con, nô lệ) phải phục tùng người trên (chồng, cha mẹ, chủ nhân); ngược lại, người trên không được đối xử nghiệt ngã, chua cay, bực tức, bất công đối với người dưới.
Có lẽ thánh Phao-lô đã mượn những lời khuyên này ở khoa luân lý thời của người và người đã Ki-tô hóa những lời khuyên ấy bằng kiểu nói trong Chúa.
Trong thư Ê-phê-xô (5,22 tt), những lời khuyên này được khai triển rộng hơn.
v. Người vợ phải phục tùng chồng vì lẽ đương nhiên như trong cuộc sống bình thường và vì là Ki-tô hữu (trong Chúa).
x. Thánh Phao-lô đề cập đến vấn đề nô lệ – chủ nhân dài hơn và chi tiết hơn, có lẽ vì vấn đề này cần được chỉnh đốn nhiều hơn, hoặc cũng có thể vì trường hợp của anh Ô-nê-si-mô với ông Phi-lê-môn mới xảy ra đã khiến cho người phải bận tâm. Tất cả tư tưởng của thánh Phao-lô là: chỉ có Chúa Ki-tô mới là Chủ thật sự và duy nhất của cả nô lệ lẫn mọi thứ chủ nhân ở đời này (3,22; 4,1; x. Ep 6,9+).
Thánh Phao-lô chấp nhận tình trạng xã hội của thời đại người: chủ nhân sở hữu nô lệ. Người không cổ võ cuộc cách mạng nô lệ – chủ nhân cho bằng thổi vào mối quan hệ xã hội đó một tinh thần mới. Chính tinh thần mới này sẽ giúp những mối quan hệ xã hội đó thay đổi và ngày một tốt đẹp hơn. Nói cách khác, thánh Phao-lô Ki-tô hóa mối quan hệ giữa nô lệ và chủ nhân.
y. Chủ ở đời này: ds: chủ theo xác thịt.
a. Lời vàng. Có giá trị cho mọi người, mọi thời, mọi hoàn cảnh và mọi điều kiện sống.
b. Nô lệ không có quyền thừa kế, chỉ có con cái mới được (x. Gl 4,1-2). Ở đây thánh Phao-lô quả quyết một điểm mới lạ đối với thời đó: nô lệ được quyền thừa kế. Người nghĩ đến phần thưởng của Chúa, Chủ của cả chủ trần gian lẫn nô lệ, dành cho những người nô lệ là cho họ được thừa hưởng gia nghiệp. Như thế nô lệ được Chúa đối đãi như con cái. Đó là trật tự mới trong Chúa Ki-tô đối với quan hệ nô lệ – chủ nhân (x. Rm 8,15-17; Gl 4,3-7; Plm 16).
c. ds: người Chủ là Đức Ki-tô, anh em hãy phục vụ. Thánh Phao-lô dùng chữ hai nghĩa, vừa hiểu là Chúa vừa có thể hiểu là Chủ.