Đại hội ở Giê-ru-sa-lem
1 Rồi sau mười bốn năm, tôi lại lên Giê-ru-sa-lem một lần nữa cùng với ông Ba-na-ba; tôi cũng đem theo anh Ti-tô đi với tôi.2 Tôi lên đó vì được Thiên Chúa mặc khải, và đã trình bày cho người ta Tin Mừng tôi rao giảng cho dân ngoại, –cách riêng cho các vị có thế giá–, vì sợ rằng tôi ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích.3 Thế mà ngay cả anh Ti-tô, người cùng đi với tôi và là người Hy-lạp, cũng không bị ép phải chịu cắt bì.4 Sở dĩ thế là vì có những tên xâm nhập, những kẻ giả danh giả nghĩa anh em, đã len lỏi vào dò xét sự tự do của chúng ta, sự tự do chúng ta có được trong Đức Ki-tô Giê-su; họ làm như vậy là để bắt chúng ta trở thành nô lệ.5 Nhưng với những người ấy, chúng tôi đã không chịu nhượng bộ, dù chỉ trong giây lát, để duy trì cho anh em chân lý của Tin Mừng.6 Còn về các vị có thế giá –lúc bấy giờ các vị ấy có là gì đi nữa, điều đó không quan hệ đối với tôi: Thiên Chúa không thiên vị ai–, các vị có thế giá ấy đã không đưa ra thêm điều gì cho tôi.7 Trái lại, các ngài thấy rằng tôi đã được ủy thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người không được cắt bì, cũng như ông Phê-rô được ủy thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người được cắt bì.8 Thật vậy, Đấng đã hoạt động nơi ông Phê-rô, biến ông thành Tông Đồ của những người được cắt bì, cũng đã hoạt động biến tôi thành Tông Đồ các dân ngoại.9 Vậy khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, các ông Gia-cô-bê, Kê-pha và Gio-an, những người được coi là cột trụ, đã bắt tay tôi và ông Ba-na-ba để tỏ dấu hiệp thông: chúng tôi thì lo cho các dân ngoại, còn các vị ấy thì lo cho những người được cắt bì.10 Chỉ có điều này là chúng tôi phải nhớ đến những người túng thiếu, điều mà tôi vẫn gắng làm.
Thánh Phê-rô và thánh Phao-lô tại An-ti-ô-khi-a
11 Nhưng khi ông Kê-pha đến An-ti-ô-khi-a, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách.12 Thật vậy, ông thường dùng bữa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Gia-cô-bê đến; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì.13 Những người Do-thái khác cũng theo ông mà giả hình giả bộ, khiến cả ông Ba-na-ba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ.
14 Nhưng khi tôi thấy các ông ấy không đi đúng theo chân lý của Tin Mừng, thì tôi đã nói với ông Kê-pha trước mặt mọi người: “Nếu ông là người Do-thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do-thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do-thái?”
Tin Mừng của thánh Phao-lô
15 Chúng ta bẩm sinh là người Do-thái chứ không phải hạng người tội lỗi xuất thân từ dân ngoại.16 Tuy nhiên, vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Ki-tô Giê-su, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Ki-tô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy.17 Nhưng nếu khi tìm cách nên công chính trong Đức Ki-tô mà chúng ta vẫn bị liệt vào hàng tội lỗi, thì chẳng hóa ra Đức Ki-tô là người phục vụ tội lỗi sao? Không phải thế!18 Thật vậy, nếu tôi xây lại những gì tôi đã phá, thì tôi tỏ ra mình là kẻ phạm pháp.19 Quả thế, tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá.20 Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.21 Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hóa ra Đức Ki-tô đã chết vô ích.
e. Ở đại hội Giê-ru-sa-lem, thánh Phao-lô đứng về phía dân ngoại. Người giúp các Tông Đồ và các kỳ mục hiểu được giá trị chân lý của Tin Mừng và dân ngoại được tự do đối với Luật Mô-sê. Người đưa ông Ti-tô, một người gốc ngoại không cắt bì về dự hội nghị để bảo vệ lập trường thần học và truyền giáo của mình. Mặc dầu có những người giả danh giả nghĩa anh em gây áp lực, các Tông Đồ không khiển trách thánh Phao-lô. Hội nghị còn nhất trí cao khẳng định và chấp nhận có nhiều hướng giảng Tin Mừng khác nhau (x. Cv 15,2-29).
g. Có lẽ tính từ lần đầu tiên lên Giê-ru-sa-lem, chứ không phải từ khi trở lại.
h. Bạn đồng hành của thánh Phao-lô trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất (x. Cv 9,27; 11,25; 13,2; 15,2). Thánh Ba-na-ba lên Giê-ru-sa-lem với tư cách nhân chứng.
i. Thêm Thiên Chúa cho rõ nghĩa. Thánh Phao-lô liên kết sáng kiến riêng của mình với ý muốn của Thiên Chúa. Khác với Cv 15,1-2.
k. Từ dân ngoại được sử dụng trong Ga-lát 10 lần. Riêng Gl 2,2-15 dùng 6 lần.
l. Cắt bì là hình thức gia nhập dân Thiên Chúa, dấu hiệu của giao ước. Trường hợp ông Ti-tô tin theo Đức Ki-tô mà không cắt bì, cho thấy người ta được nên công chính không phải bởi cắt bì, mà bởi lòng tin vào Đức Giê-su.
m. Ám chỉ những tín hữu gốc Do-thái quá lệ thuộc Luật Mô-sê muốn chặn đứng thánh Phao-lô giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Ý đồ của họ xấu; họ không xứng đáng làm anh em thật trong Đức Ki-tô.
n. Luật trói buộc con người vào những nghi thức rườm rà, khiến con người mất tự do, sống như một kẻ nô lệ. Đức Giê-su giải thoát con người khỏi tội. Vì thế, Luật mất vai trò giám hộ. Người tín hữu hoàn toàn tự do đối với Luật. Đức tin đã giải thoát họ.
o. Thêm: Họ làm như vậy là cho ý tưởng mạch lạc.
p. Bản dịch La-tinh cũ bỏ chữ không: hiểu ngầm là thánh Phao-lô có cắt bì cho ông Ti-tô khi ở Giê-ru-sa-lem. Nếu làm như vậy, thánh Phao-lô không thống nhất với chính mình, mâu thuẫn với 2,14. Thật sự văn cảnh ở đây đòi phải đọc không nhượng bộ.
q. Các Tông Đồ và những kỳ mục của Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem.
r. Lời này ám chỉ nghị quyết của đại hội Giê-ru-sa-lem (x. Cv 15,19-29). Theo văn cảnh của thư Ga-lát, phải hiểu ở đây: các tín hữu gốc dân ngoại tự do đối với việc cắt bì và Luật Mô-sê. Nói khác: thánh Phao-lô đã không thấy cần công bố cho giáo đoàn Ga-lát thư các Tông Đồ gửi về An-ti-ô-khi-a (Cv 15,22-29).
s. Hai thánh Kê-pha và Gio-an trong danh sách các Tông Đồ bộ ba đứng đầu (x. Mt 10,2-4). Các ngài còn được nhắc đến trong những dịp quan trọng trong cuộc đời Đức Giê-su (x. Mc 5,37; 9,2; 14,33). Thánh Gia-cô-bê là anh em của Chúa (x. 1,19; 2,12). Người đứng đầu danh sách bộ ba. Điều này chứng tỏ vai trò quan trọng của người tại Giê-ru-sa-lem. Có lẽ người đồng ý với Tin Mừng và sứ vụ truyền giáo của thánh Phao-lô.
t. Phân công hoạt động tông đồ không phải để giới hạn lãnh vực hoạt động, nhưng để đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong thực tế, bất cứ đi giảng Tin Mừng ở đâu, thánh Phao-lô cũng dành ưu tiên cho người Do-thái. Thánh Phê-rô không chỉ rao giảng cho tín hữu gốc Do-thái mà cho cả dân ngoại (x. Rm 1,16; 1 Pr).
u. Đó là ý nghĩa của từ hiệp thông (x. Cv 2,42). Thánh Phao-lô tổ chức lạc quyên giúp các thánh ở Giê-ru-sa-lem (x. 2 Cr 8,4; 9,13; 1 Cr 16,1; Cv 11,27-30). Chúng tôi là thánh Phao-lô và các cộng sự viên giảng Tin Mừng cho dân ngoại.
v. Sách Công vụ không nói đến cuộc tranh cãi này. Biến cố An-ti-ô-khi-a xảy ra sau đại hội Giê-ru-sa-lem. Chuyện này cho thấy: thánh Phao-lô thi hành đúng nghị quyết của đại hội Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, cách người làm quá cứng cỏi và lời nói quá thật đối với thánh Phê-rô. Còn thánh Phê-rô hành động chỉ vì muốn tránh gây gương xấu cho các tín hữu gốc Do-thái.
x. Cộng đoàn này được thành lập sau khi phó tế Tê-pha-nô tử đạo (x. Cv 11,19-26). An-ti-ô-khi-a trở nên quan trọng, vì đó là trung tâm truyền giáo cho dân ngoại ở miền Tiểu Á, Hy-lạp.
y. Có thể hiểu là bữa ăn thường hoặc bữa ăn của Chúa, tức là lễ nghi bẻ bánh (x. 1 Cr 11,17-34). Không đồng bàn với anh em tín hữu gốc dân ngoại cũng là trái tinh thần của Đức Giê-su, gây chia rẽ trong Hội Thánh (x. Ga 17,21-22; 1 Cr 10,17; Gl 3,28).
a. Những tín hữu ở Giê-ru-sa-lem được sai đến An-ti-ô-khi-a để dò xét cách sống của các tín hữu gốc lương dân.
b. 2,15-21 là chủ đề chính của thư Ga-lát. Thiên Chúa cho người Do-thái cũng như cho người ngoại được nên công chính nhờ tin vào Đức Ki-tô. Người tín hữu gốc Do-thái đã nhận một số đặc ân tôn giáo ngay từ bẩm sinh. Tuy nhiên, họ cần ý thức rằng được nên công chính không phải nhờ giữ Luật Mô-sê, mà nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Luật không thể giải thoát họ khỏi tội; chính Đức Ki-tô giải thoát họ. Đức Ki-tô biến đổi thân phận con người vì Người là nguồn mạch sự thánh thiện (x. Rm 1,16-17; 3,21-31; Pl 3,4-18). Bản dịch này chưa diễn tả hết ba giới từ Hy-lạp dia, ẻx, en sau từ công chính. Thánh Phao-lô đưa ra ba công thức: con người được nên công chính dia (nhờ) tin vào Đức Giê-su Ki-tô (c. 16); chúng ta... được nên công chính ẻx (nhờ) tin vào Đức Ki-tô (c. 16); được nên công chính en (trong) Đức Ki-tô (c. 17).
c. Dân ngoại bị li���t vào hạng tội lỗi vì họ không phải là dân thánh, không giữ Luật Mô-sê, không được hưởng giao ước và lời hứa.
Câu này nói riêng với các tín hữu gốc Do-thái. Tác giả khuyên họ đừng tự hào vô ích về chủng tộc trong mầu nhiệm cứu độ.
d. Đối lập Luật và đức tin. Luật dạy người ta cách sống lương thiện, nhưng không thể biến đổi đời sống con người thành thụ tạo mới. Còn lòng tin vào Đức Giê-su mới giải thoát con người. Đức Giê-su là Đấng Công Chính đã chết cho tội nhân để tiêu diệt tội và ban sự sống mới cho họ. Chính đức tin hoán đổi thân phận con người: từ nô lệ được nên nghĩa tử, từ tội nhân nên người công chính.
đ. X. Rm 7,4-6. Đức Giê-su bị kết án phải chết chiếu theo Luật (x. Ga 19,7), vì nói là phá Đền Thờ (x. Mt 26,60). Như vậy, Người chết vì phán quyết của Luật. Trước mắt người Do-thái, Người chết như một kẻ bị nguyền rủa (3,13). Nhờ đó, tội của thế gian đã bị xét xử trên thập giá của Đức Ki-tô (x. Rm 8,3). Người tín hữu khi được thanh tẩy cũng là chết với Đức Ki-tô, nghĩa là không sống theo Luật Mô-sê nữa, mà sống theo Luật Đức Ki-tô (6,2), luật của Thánh Thần (4,6). Luật Mô-sê trở thành quá khứ lỗi thời, một kỷ niệm không tốt đẹp. Người tín hữu, khi được kết hợp với Đức Ki-tô chết và sống lại, biết sống cho Thiên Chúa và phụng thờ Người.
Tôi: có thể hiểu cá nhân thánh Phao-lô, nhưng cũng có thể TÔI tập thể, ám chỉ các tín hữu.
e. Từ Hy-lạp đóng đinh vào thập giá là một động từ. Chúng tôi tách rời thành hai: một động từ và một bổ ngữ. Đức Giê-su chịu chết như một tội nhân, để gánh lấy và đóng đinh tất cả tội lỗi loài người vào thập giá. (Đức) tin là (một sự) chấp nhận sứ điệp của thập giá. Thập giá vừa biểu thị sự ác, vừa thể hiện một cuộc thanh tẩy, vừa là công tố viên, vừa là luật sư biện hộ. Đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô là chôn vùi con người ích kỷ, sợ hãi, đam mê, tội lỗi. Đó chính là mang dấu tích của Đức Ki-tô (6,17).
g. Nhờ đức tin, người tín hữu trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô. Đức tin đòi hỏi người tín hữu quy hướng mọi hoạt động về Đức Ki-tô. Như thế một cách nào đó, Đức Ki-tô trở nên chủ thể mọi sinh hoạt của người tín hữu (x. Rm 8,2. 10-11; Pl 1,21; Cl 3,3).
h. Người tín hữu dù còn sống trong thân phận phải chết của con người phàm tục, nhưng đã bắt đầu cuộc sống vĩnh cửu của mình nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh.
i. Db: niềm tin vào Thiên Chúa và Đức Ki-tô. Đức tin đổi mới cái nhìn của người tín hữu về vũ trụ, về con người và nhất là về Thiên Chúa. Sống trong niềm tin vào Đức Giê-su, người tín hữu lạc quan dấn thân phục vụ anh em đồng loại.
k. Cái chết của Đức Giê-su chính là cái chết của Người Tôi Tớ của Thiên Chúa trong Is 53. Cái chết ấy là hiến tế Đức Giê-su dâng lên Thiên Chúa để hòa giải nhân loại với Thiên Chúa. Cái chết ấy còn biểu thị lòng yêu mến của Đức Giê-su đối với Cha Người và với nhân loại. Lòng yêu mến này trở thành mẫu gương cho tín hữu về nếp sống bác ái huynh đệ (x. 5,13; 6,2). Nhờ cái chết của Đức Giê-su, thập giá đã thay đổi ý nghĩa: từ chỗ là hình khổ ghê tởm, cái chết trên thập giá trở thành mặc khải về lòng yêu mến đối với thánh Phao-lô, niềm hãnh diện (x. 6,14) của ông.