II. PHẦN GIÁO THUYẾT
Kinh nghiệm của người tín hữu
1 Hỡi những người Ga-lát ngu xuẩn, ai đã mê hoặc anh em là những người đã được thấy hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá phơi bày ra trước mắt?2 Tôi muốn anh em cho tôi biết điều này thôi: anh em đã nhận được Thần Khí vì đã làm những gì Luật dạy, hay vì đã tin nhờ được nghe?3 Anh em ngu xuẩn như thế sao? Anh em đã khởi sự nhờ Thần Khí, nay lại kết thúc nhờ xác thịt sao?4 Bấy nhiêu kinh nghiệm anh em đã trải qua, lại uổng công sao? Mà quả thật là uổng công!5 Vậy Đấng đã rộng ban Thần Khí cho anh em và thực hiện những phép lạ giữa anh em, có phải vì anh em làm những gì Luật dạy, hay vì anh em đã tin nhờ được nghe?
Kinh Thánh làm chứng: đức tin và Lề Luật
6 Cũng như ông Áp-ra-ham đã tin Thiên Chúa, và vì thế Thiên Chúa kể ông là người công chính.7 Vậy anh em nên biết rằng: những ai dựa vào đức tin, những người ấy là con cái ông Áp-ra-ham.8 Đàng khác, Kinh Thánh thấy trước rằng Thiên Chúa sẽ làm cho dân ngoại nên công chính nhờ đức tin, nên đã tiên báo cho ông Áp-ra-ham tin mừng này: Nhờ ngươi, muôn dân sẽ được chúc phúc.9 Như vậy, những kẻ dựa vào đức tin thì được chúc phúc làm một với ông Áp-ra-ham, người có đức tin.
10 Thật thế, những ai dựa vào những việc Luật dạy phải làm thì đều chuốc lấy lời nguyền rủa, vì Kinh Thánh viết: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ không bền chí thi hành tất cả những gì chép trong sách Luật!11 Vả lại, không ai được nên công chính trước mặt Thiên Chúa nhờ Lề Luật, đó là điều hiển nhiên, vì người công chính nhờ đức tin sẽ được sống.12 Thế mà Lề Luật không lệ thuộc đức tin, nhưng ai thực hành những điều Lề Luật dạy, thì nhờ đó sẽ được sống.13 Đức Ki-tô đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép: Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ!14 Như thế là để nhờ Đức Giê-su Ki-tô, các dân ngoại cũng được hưởng phúc lành dành cho ông Áp-ra-ham, và để nhờ đức tin, chúng ta nhận được ơn Thiên Chúa đã hứa tức là Thần Khí.
Lề Luật không hủy bỏ lời hứa
15 Thưa anh em, tôi nói theo kiểu người đời: một chúc thư đúng thể thức, dù chỉ là do một người phàm, thì cũng không ai được hủy bỏ hay thêm thắt điều gì.16 Thế mà những lời hứa đã được ban cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông, Kinh Thánh không nói: và cho những dòng dõi, như thể nói về nhiều, mà chỉ nói về một: và cho dòng dõi người là Đức Ki-tô.17 Tôi muốn nói là: một chúc thư xưa kia đã được Thiên Chúa lập đúng thể thức, thì Lề Luật, mãi bốn trăm ba mươi năm sau mới có, không phế bỏ chúc thư đó được, và như vậy làm cho lời hứa ra vô hiệu.18 Thật thế, nếu nhờ Lề Luật mà người ta được hưởng gia tài, thì không còn phải là nhờ lời hứa nữa. Thế nhưng Thiên Chúa đã dùng một lời hứa mà ban ân huệ cho ông Áp-ra-ham.
Vai trò của Lề Luật
19 Vậy Lề Luật để làm gì? Chính là để gây ra các vi phạm mà Lề Luật đã được đặt thêm, cho tới khi Đấng là dòng dõi Áp-ra-ham đến, Đấng được hưởng lời hứa. Lề Luật đã được ban bố nhờ các thiên thần, qua tay một trung gian.20 Nhưng không thể có trung gian khi chỉ có một bên, mà Thiên Chúa thì chỉ có một.21 Vậy thì Lề Luật đi ngược lại với những lời hứa của Thiên Chúa sao? Không phải thế. Thật vậy, giả như có một luật nào đã được ban cho con người mà lại có khả năng làm cho sống, thì quả là người ta được nên công chính nhờ Lề Luật.22 Nhưng Kinh Thánh đã giam hãm mọi sự trong vòng tội lỗi, để nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô, điều Thiên Chúa đã hứa được ban cho các kẻ tin.
Thời của đức tin đã đến
23 Trước khi đức tin đến, chúng ta bị Lề Luật giam giữ, cho tới khi đức tin được mặc khải.24 Như thế, Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Ki-tô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin.25 Nhưng khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa.26 Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô.27 Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô.28 Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô.29 Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa.
St 12,3; 18,18; 22,18; 26,4; 28,14; Cv 3,25
l. Hai ch. 3 và 4 làm nổi bật hai nhân vật: đó là tổ phụ Áp-ra-ham và Đức Ki-tô, là con cháu của ông, là người thừa kế lời hứa. Thánh Phao-lô khéo léo vận dụng Kinh Thánh làm chứng cứ để biện hộ cho luận đề ơn được nên công chính. Người tín hữu gốc Do-thái đòi hỏi các người dân ngoại muốn làm con cháu ông Áp-ra-ham phải cắt bì, rồi mới được vào Giê-ru-sa-lem. Thánh Phao-lô tài tình đảo ngược luận cứ khi đọc Kinh Thánh, không phải từ ông Áp-ra-ham, nhưng từ Đức Ki-tô, Đấng đã chịu chết trên thập giá và sống lại.
m. Tín hữu Ga-lát có nguy cơ bóp méo Tin Mừng thánh Phao-lô giảng và đưa lên hàng đầu việc thực hành Luật Mô-sê. Thánh Phao-lô cảnh cáo họ và đặt vấn đề cho họ lựa chọn: đức tin hay Lề Luật. Người khẳng định chỉ có tin vào Đức Giê-su Ki-tô, người tín hữu mới được cứu độ và được tự do hoàn toàn. Chính kinh nghiệm cho họ thấy: nhờ Đức Ki-tô cứu độ, nhờ Thánh Thần hướng dẫn, họ mới được tự do.
n. Hơi nặng lời. Tín hữu Ga-lát bỏ Đức Giê-su để trở lại nô lệ Lề Luật. Thật là dại! Tuy nhiên, có thể hiểu thánh Phao-lô mỉa mai, vì trước mắt người đời thập giá là điên dại, nhưng lại là khôn ngoan đối với Thiên Chúa x. 1 Cr 2,2.
o. Giáo lý về ơn cứu độ (Đức Giê-su chết và sống lại) là nền tảng cho giáo huấn của thánh Phao-lô (x. 1,1-4; 6,14; 1 Cr 1,17-25; 15,1-4; 1 Tx 1,9-10; Cv 13,26-39).
p. Lần đầu tiên nói đến Thánh Thần trong Ga-lát. Thánh Thần còn được nói nhiều trong 4,6-7; 5,13-26.
q. Nhờ nghe giảng Tin Mừng, người ta có đức tin, tin vào lời rao giảng (x. Rm 10,16; 4,4-5).
r. X. Rm 1,3. Có ám chỉ việc cắt bì của Do-thái giáo. Thánh Phao-lô trách tín hữu Ga-lát bỏ Tin Mừng để quay lại giữ Lề Luật. Họ đang sống trong Thánh Thần, nên không thể phục vụ Luật Mô-sê.
s. X. 3,2. Nhờ đức tin, tín hữu mới nhận được Thánh Thần và nhận ra các việc lạ lùng Chúa đã làm cho mình: đó là ơn cứu độ, ơn được nên công chính, ơn làm nghĩa tử.
t. Thánh Phao-lô dựa vào Kinh Thánh chống lại Do-thái giáo. Người làm nổi bật đề tài đức tin. Tổ phụ Áp-ra-ham là mẫu gương về lòng tin. Nhờ đức tin, tổ phụ Áp-ra-ham được gọi là người công chính, chứ không phải nhờ Luật. Thiên Chúa hứa ban phúc lành cho loài người. Nhờ đức tin, tổ phụ Áp-ra-ham đã được phúc lành. Phúc lành ấy được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô. Nên ai tin vào Đức Giê-su, thì được nên công chính. Lề Luật mang lại lời nguyền rủa. Chính Đức Ki-tô chịu chết vì bị Luật lên án, trở nên kẻ bị nguyền rủa. Nhờ vậy, Người ban phúc lành cho những ai tin vào Người. Họ thật sự là con cháu Áp-ra-ham.
u. Thánh Phao-lô đi vào tâm hồn người Do-thái qua tổ phụ Áp-ra-ham. Tổ phụ Áp-ra-ham là biểu tượng cho Ít-ra-en. Do đó, thánh Phao-lô đảo ngược giá trị của Lề Luật để minh chứng đức tin đem lại ơn cứu độ, như tổ phụ Áp-ra-ham vì tin nên là người công chính (x. Rm 4,16; Hr 11,17-19; Gc 2,21).
v. Chứng cứ hiển nhiên: đức tin làm cho người ta nên công chính: chính đề (phản đề c. 11, hợp đề c. 14).
x. Con cái tổ phụ Áp-ra-ham về phương diện đức tin có tính phổ quát hơn. Chỉ dựa vào lý do chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa mà quy định con cái tổ phụ Áp-ra-ham, thì rất hạn chế.
y. Đức tin dẫn đến giao ước. Giao ước tạo ra lời hứa. Lời hứa được ban cho người công chính. Ai được cứu độ thì được hưởng phúc lành Thiên Chúa ban.
a. Tính nghiêm khắc của Luật. Luật đưa tiêu chuẩn khách quan bên ngoài về thiện và ác. Ai không làm đúng theo Luật thì bị trừng phạt. Như thế, Luật có tính bất nhân.
b. Ngôn sứ cũng làm chứng đức tin phát sinh ơn cứu độ.
c. Phản đề: Luật không phải chỉ trừng phạt kẻ ác, mà còn tích cực xây dựng đời sống con người.
d. X. Rm 3,24; 1 Cr 6,20; 7,23. Quan niệm công bình: Tội đáng chết. Đức Ki-tô chịu chết như một tội nhân để cứu loài người khỏi án phải chết. Người đổ máu để chuộc chúng ta (x. Cv 20,28), giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ của Luật, của tội lỗi (x. Cl 1,4; Ep 1,7).
đ. Đức Ki-tô liên đới với lời nguyền rủa, tức là chấp nhận án phải chết của nhân loại (x. Rm 8,3; 2 Cr 5,21; Cl 2,14). Người chịu đóng đinh vào thập giá và bị người Do-thái nguyền rủa (x. Mt 27,39-44).
e. Dẫn chứng này minh họa Luật không dung tha tội nhân. Treo lên cây gỗ là một hình phạt nặng.
g. Hợp đề: Đức Giê-su Ki-tô chấp nhận chết treo trên thập giá như một tội nhân để trở nên căn nguyên cứu độ cho mọi người. Ai tin vào Đức Giê-su Ki-tô chết và sống lại, thì được cứu độ. Vậy phúc lành của Thiên Chúa không còn hạn chế trong giới cắt bì, nhưng đã ban cho tất cả mọi người. Đó là Thần Khí.
h. Thêm Thiên Chúa cho bớt dị nghĩa.
i. Từ Lời hứa giữ vai trò quan trọng trong thư Ga-lát (x. 3,14.16.17.18.21.22.29; 4,23.28). Toàn bộ các thư của thánh Phao-lô dùng từ này 26 lần, trong đó Rô-ma 8 lần. Xem ra lời hứa và Luật đối lập nhau.
k. X. Rm 5,5. Đối tượng của lời hứa là Thần Khí. Thần Khí là bảo chứng cho quyền thừa kế (x. 2 Cr 1,22). Cựu Ước đã nói Thần Khí được ban cho mọi xác phàm trong Ngày của Chúa (x. Ge 3,1-5; Cv 2,17-21).
l. Ngược dòng lịch sử, thánh Phao-lô chứng minh lời hứa có trước Lề Luật. Lời Thiên Chúa hứa với tổ phụ Áp-ra-ham như một chúc thư. Chúc thư bắt đầu có giá trị, khi người thụ hưởng chúc thư thi hành các điều khoản của chúc thư. Luật như người giám hộ chúc thư. Chúc thư không thể bị Luật tiêu hủy. Đức Ki-tô là người thụ hưởng chúc thư. Khi Người thực hiện lời hứa thì Luật trở nên vô giá trị.
m. Từ chúc thư trong Hy-lạp có hai nghĩa: giao ước và chúc thư. Thiên Chúa thiết lập giao ước với loài người, không một điều kiện, hoàn toàn đơn phương, chỉ vì Người thương yêu ta.
n. X. St 12,7; 13,15; 17,7; 24,7. Đức Ki-tô thực hiện lời Thiên Chúa hứa với tổ phụ Áp-ra-ham. Đức Giê-su thật là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham (x. Mt 1,1). Nhờ phép rửa, tín hữu được kết hợp với Đức Ki-tô để trở thành dòng dõi ông Áp-ra-ham và được hưởng lời hứa.
o. Xh 12,40-41 nói thời gian con cái Ít-ra-en ở Ai-cập. Còn Gl 3,17 bao hàm thời gian từ tổ phụ Áp-ra-ham cho đến giao ước Xi-nai theo bản Bảy Mươi.
p. Kết án Luật quá nặng. Luật hết vai trò giám hộ và giáo dục, khi Đức Ki-tô đến. Luật không được Thiên Chúa ban trực tiếp, nhưng không đi ngược với lời Thiên Chúa hứa. Dù vậy, Luật cũng không làm cho người ta nên công chính.
q. Trong khi người Do-thái coi Luật là cây ban sự sống, thánh Phao-lô gán cho Luật là dụng cụ, là nguyên cớ cho người ta phạm tội.
r. Thêm: Áp-ra-ham cho rõ nghĩa. Đấng thuộc dòng dõi Áp-ra-ham là Chúa Ki-tô.
s. X. Đnl 33,2-3. Bản Bảy Mươi nói đến các thiên thần có mặt trên núi Xi-nai, khi Thiên Chúa ban Lề Luật. Truyền thống khác của Do-thái xác nhận các thiên thần là trung gian (x. Cv 7,53; Hr 2,2).
t. Ám chỉ ông Mô-sê (x. Xh 19; Đnl 5,23-28). Ông Mô-sê là hình ảnh tiên trưng của Đức Giê-su. Đức Giê-su mới thật sự là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người (x. 1 Tm 2,5; Hr 8,6; 9,15).
u. Luật trói buộc loài người; Đức Giê-su Ki-tô tháo gỡ. Luật nên cớ cho ta phạm tội; Đức Giê-su Ki-tô tha thứ tội lỗi cho ta. Nhờ lòng tin vào Đức Giê-su và nhờ phép rửa, người tín hữu được tha thứ tội lỗi và được kết hợp với Người, được làm con Thiên Chúa, được làm người thừa kế ông Áp-ra-ham. Như thế, những ai tin vào Đức Giê-su đều như nhau, được nên một trong Đức Giê-su. Nên ghi nhớ điều này: cả đức tin lẫn phép rửa đều giúp ta đạt tới ơn cứu độ.
v. Câu này ám chỉ Đức Giê-su Ki-tô. Người là mặc khải của Thiên Chúa (x. Rm 8,19; 1 Cr 1,7; 2 Cr 12,1).
x. Thời Xuất Hành, Thiên Chúa gọi dân Ít-ra-en là con (x. Xh 4,22). Thời các ngôn sứ, dân gọi Thiên Chúa là Cha (x. Hs 2,1; Is 1,2; 30,1-9; Gr 3,14). Thời sau lưu đày, người Do-thái đạo đức, người công chính được gọi là con Thiên Chúa (x. Kn 2,21). Nhờ kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô, các tín hữu có Thần Khí ngự trong mình, nên gọi Thiên Chúa là Cha (4,6), tất nhiên họ là con Thiên Chúa (4,5).
y. Chỉ trong đoạn này của thư Ga-lát, phép rửa được nói đến (x. Rm 6,3; 1 Cr 1,13-17; 10,2; 12,13; Ep 4,4; Cl 2,11; 3,9-11; Tt 3,5-7). Phép rửa làm cho người ta nên công chính và được đồng hóa với Đức Ki-tô, được chia sẻ trách nhiệm cứu thế với Người. Chính khi được nhận chìm trong dòng nước, tượng trưng cho sự chết, và trồi lên khỏi mặt nước, dấu chỉ sự sống lại, chỉ sự chiến thắng, chúng ta được đời sống mới.
a. Chịu phép rửa, người tín hữu thuộc về Đức Ki-tô, hoàn toàn kết hợp với Người, vì đã được biến đổi theo hình ảnh Người. Mặc lấy Đức Ki-tô có tầm quan trọng nơi đời sống cá nhân cũng như sinh hoạt cộng đồng (x. 2,20).
b. Phép rửa làm cho tín hữu được hợp nhất, bình đẳng, không phân biệt chủng tộc, văn hóa, giai cấp xã hội và giới tính. Tin Mừng giải thoát tất cả. Hiện tại tín hữu hợp nhất với Đức Ki-tô và với nhau trong Hội Thánh; Đức Ki-tô đang sống và tỏ bày trong Hội Thánh (x. Ep 4,4).