Chúng ta được làm con cái Thiên Chúa
1 Tôi thiết nghĩ: bao lâu người thừa kế còn là thiếu niên thì không khác gì một nô lệ, mặc dù là chủ mọi tài sản.2 Nó phải ở dưới quyền những người giám hộ và quản lý, cho đến khi mãn hạn người cha đã định.3 Chúng ta cũng vậy, khi còn là thiếu niên, chúng ta phải làm nô lệ những yếu tố của vũ trụ.4 Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật,5 để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.6 Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi!”7 Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.
8 Trước kia, khi chưa biết Thiên Chúa, anh em làm nô lệ những vật tự bản chất không phải là thần.9 Nhưng nay anh em đã biết Thiên Chúa, hay đúng hơn được Thiên Chúa biết đến, làm sao anh em còn trở lại với những yếu tố bất lực và nghèo nàn ấy, còn muốn làm nô lệ chúng một lần nữa?10 Anh em cẩn thận giữ ngày, giữ tháng, giữ mùa, giữ năm!11 Anh em làm tôi sợ rằng tôi đã vất vả uổng công vì anh em!
Nhắc lại quá khứ
12 Thưa anh em, tôi van anh em, anh em hãy nên giống như tôi, vì tôi cũng đã nên giống như anh em. Anh em đã không làm tổn thương gì cho tôi cả.13 Anh em biết: nhân khi thân xác bị đau ốm, tôi đã loan báo Tin Mừng cho anh em lần đầu tiên.14 Mặc dù thân xác tôi là một dịp thử thách cho anh em, anh em đã không khinh, không tởm; trái lại anh em đã tiếp đón tôi như một sứ giả của Thiên Chúa, như Đức Ki-tô Giê-su.15 Vậy hạnh phúc của anh em lúc đó, bây giờ đâu rồi? Thật thế, tôi xin làm chứng cho anh em rằng: nếu có thể, hẳn anh em đã móc mắt hiến cho tôi.16 Thành thử tôi đã trở nên kẻ thù của anh em vì nói sự thật cho anh em sao?17 Họ nhiệt thành với anh em không phải vì mục đích tốt, mà chỉ vì muốn ly gián anh em với tôi, để anh em nhiệt thành với họ.18 Được người ta tỏ lòng nhiệt thành là điều tốt, miễn là vì mục đích tốt và trong mọi trường hợp, chứ không phải chỉ khi nào tôi có mặt giữa anh em.19 Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Đức Ki-tô được thành hình nơi anh em,20 tôi ước ao được có mặt giữa anh em lúc này, để lựa lời nói sao cho thích hợp, vì tôi thấy khó xử với anh em quá!
Hai giao ước: Ha-ga và Xa-ra
21 Hãy nói cho tôi hay: anh em là những người muốn sống dưới Lề Luật, anh em không nghe Lề Luật nói gì sao?22 Thật vậy, có lời chép rằng: ông Áp-ra-ham có hai người con, mẹ của một người là nô lệ, mẹ của người kia là tự do.23 Nhưng con của người mẹ nô lệ thì sinh ra theo lẽ tự nhiên; còn con của người mẹ tự do thì sinh ra nhờ lời hứa.24 Chuyện đó ngụ ý thế này: hai người đàn bà là hai giao ước. Giao ước thứ nhất tại núi Xi-nai, thì sinh ra nô lệ: đó là Ha-ga.25 Ha-ga chỉ núi Xi-nai trong miền Ả-rập, và tương đương với Giê-ru-sa-lem ngày nay, vì thành này cùng với các con đều là nô lệ.26 Còn Giê-ru-sa-lem thượng giới thì tự do: đó là mẹ chúng ta.27 Thật vậy, có lời chép:
Reo mừng lên,
hỡi người phụ nữ son sẻ,
không sinh con;
hãy bật tiếng reo hò mừng vui,
hỡi ai chưa một lần chuyển dạ,
vì con của phụ nữ bị bỏ rơi
thì đông hơn con của phụ nữ có chồng!
28 Thưa anh em, như I-xa-ác, anh em là những người con sinh ra do lời Thiên Chúa hứa.29 Nhưng cũng như thuở ấy đứa con sinh ra theo lẽ tự nhiên đã ngược đãi đứa con sinh ra theo thần khí, thì bây giờ cũng vậy.30 Thế nhưng Kinh Thánh nói gì? Kinh Thánh nói: Tống cổ người nô lệ và con của nó đi, vì con của nô lệ không đời nào được thừa kế gia tài cùng với con của người tự do.31 Ấy vậy, thưa anh em, chúng ta không phải là con của một người nô lệ, nhưng là con của người tự do.
h. Ơn cứu độ có hai phương diện: tiêu cực là giải thoát loài người khỏi ách nô lệ tội lỗi và Lề Luật; tích cực là đưa loài người vào gia đình Thiên Chúa, làm nghĩa tử. Đó chính là nhờ mặc lấy Đức Ki-tô (3,27). Đức Ki-tô đã đổ máu mình ra làm giá cứu chuộc nhân loại. Tín hữu được hưởng nhờ ơn cứu chuộc này mới có địa vị làm con Thiên Chúa.
i. Ở đây, mầu nhiệm Ba Ngôi được nói đến, liên quan ơn cứu độ. Thiên Chúa là Cha có sáng kiến cứu chuộc loài người; Chúa Con nhập thể thực hiện công trình cứu chuộc; Thánh Thần làm cho người ta đón nhận ơn cứu chuộc ấy và đưa họ vào gia đình Thiên Chúa.
k. Thánh Thần làm cho người tín hữu nên con cái Thiên Chúa và ràng buộc họ với Chúa Cha. Thánh Thần thúc giục người tín hữu cầu nguyện. Người Do-thái khi cầu nguyện không dám gọi Thiên Chúa là Cha. Còn người tín hữu thì dám gọi Thiên Chúa là Cha, vì có Thánh Thần ngự trong tâm hồn, và nhờ Đức Giê-su đã dạy (x. Mt 6,9; Lc 11,2). Chính Đức Giê-su đã cầu nguyện như thế (x. Mc 14,36; Ga 17,1).
l. Thiên Chúa hứa ban cho tổ phụ Áp-ra-ham một người thừa kế và ông đã tin (3,6). Đức Ki-tô là người thừa kế ấy (3,16). Nhờ phép rửa, người tín hữu nên một với Đức Ki-tô (3,27), được làm nghĩa tử Thiên Chúa (4,5), nhờ Thần Khí (4,6). Đã làm nghĩa tử, tất nhiên được hưởng quyền thừa kế. Nơi các tín hữu, chính Thánh Thần làm bảo chứng về Nước Thiên Chúa (x. 2 Cr 1,22; Ep 1,14).
m. Câu này cho thấy tín hữu Ga-lát gốc lương dân là người nhận thư Ga-lát. Thiên Chúa là chủ thể có ngôi vị. Các tượng thần là do tay người phàm làm ra. Không được thờ các ngẫu tượng ấy.
n. Bỏ Thiên Chúa là phản bội, thất trung thất tín với Người. Có ám chỉ việc giữ Luật Mô-sê thay cho Luật Thần Khí.
o. X. Cl 2,16.20 giữ các ngày lễ trong Do-thái giáo (x. Đnl 16,1-17); hoặc là lễ kính các thần ngoại giáo.
p. Trong đoạn này, giọng điệu của thánh Phao-lô không còn gay gắt như 3,1, nhưng tình cảm dạt dào với mục đích đắc nhân tâm và đánh động lương tâm người Ga-lát để họ trung thành với Tin Mừng người rao giảng. Người nhắc lại lần đầu tiên người đến Ga-lát trong lúc đang bệnh nặng, được anh em Ga-lát đón tiếp niềm nở, ân cần chăm sóc. Giữa người và họ, phát sinh một tình phụ tử thiêng liêng, cao quý.
q. Dứt khoát không giữ Luật Mô-sê nữa, chỉ sống trong Luật Đức Ki-tô (x. 1 Cr 9,21).
r. Không rõ bệnh gì, thánh Phao-lô bị ném đá, đánh đập tưởng gần chết, vất vả vì hành trình. Tất cả những thư đó khiến người bệnh nặng, cần tĩnh dưỡng.
s. Người Ga-lát hiếu khách, đón tiếp thánh Phao-lô, một người giảng Tin Mừng, như chính Đức Ki-tô. Gợi lại chuyện cũ, thánh Phao-lô muốn họ đừng nghe theo những kẻ chia rẽ người với họ, hoặc với các Tông Đồ. Đã coi người là sứ giả của Thiên Chúa, tín hữu Ga-lát hãy giữ các điều người truyền giảng.
t. Sự thật là chính Tin Mừng, hoặc những điều sai phạm của người Ga-lát bị thánh Phao-lô chống đối.
u. Nhiệt thành giữ Luật Mô-sê, những nghi thức bên ngoài 3,3, nhất là cắt bì.
v. X. 1 Cr 4,15; Rm 8,9-10. Tình phụ tử thiêng liêng này xuất phát từ công cuộc giảng Tin Mừng của thánh Phao-lô. Người đã làm cho họ trở nên con cái Thiên Chúa. Gọi các tín hữu Ga-lát là những người con bé nhỏ là bằng chứng diễn tả cảm sâu đậm và thân mật giữa thánh Phao-lô và tín hữu Ga-lát.
x. Chứng cứ Kinh Thánh giúp các tín hữu Ga-lát hiểu rõ hơn giá trị tuyệt đối của Tin Mừng. Thánh Phao-lô đưa ra những cặp mâu thuẫn có tính biện chứng để thuyết phục họ. Hai người mẹ, hai người con thừa kế, hai thành trì, hai giao ước. Một bên là nô lệ, bên kia là tự do. Phía nô lệ (Ha-ga, Ít-ma-en) và Luật (núi Xi-nai, thành Giê-ru-sa-lem hiện thời): đó là Giao Ước Cũ trong đó người ta vẫn chịu tùy thuộc lẽ tự nhiên, làm nô lệ Lề Luật. Phía tự do, thừa kế, lời hứa (Xa-ra, I-xa-ác): đó là Giao Ước Mới do Thiên Chúa can thiệp cách đặc biệt. Nhờ đó, chính Thiên Chúa thực hiện lời Người hứa và cho loài người được nên nghĩa tử. Người tín hữu, nhờ đức tin, được làm con cái tổ phụ Áp-ra-ham, được sống trong thành Giê-ru-sa-lem thượng giới.
y. ds: một là của người nữ nô lệ, một là của người nữ tự do. Ít-ma-en là con bà Ha-ga; I-xa-ác là con bà Xa-ra (x. St 16; 21).
a. ds: theo tính xác thịt. Ít-ma-en sinh ra không có sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa hoặc không do lời hứa.
b. X. Rm 4,19-21. I-xa-ác được sinh ra do lời Thiên Chúa hứa.
c. Người Do-thái là nô lệ dưới sự giám hộ của Luật Mô-sê (x. 3,23-24).
đ. Thêm Thiên Chúa cho dễ hiểu.
Các tín hữu được làm con Thiên Chúa nhờ phép rửa, nhờ tin vào Đức Giê-su. Người tín hữu là người tự do sống theo Luật Thần Khí.
e. ds: Theo tính xác thịt. St 16,4-5: chuyện bà Ha-ga khinh miệt bà Xa-ra vì bà này son sẻ.
g. Những người muốn áp đặt Luật Mô-sê lên các tín hữu gốc lương dân hay Hội Thánh tại các dân ngoại.
h. St 21,10. Khi bà Xa-ra sinh I-xa-ác, bà đề nghị ông Áp-ra-ham đuổi hai mẹ con Ha-ga.
Hoàn cảnh thay đổi trong lịch sử Hội Thánh. Sau năm 70 CN, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem phải phân tán, các Hội Thánh tại các dân ngoại đón tiếp họ.
c. Đoạn này mượn từ ngữ luật pháp Rô-ma để so sánh quyền hạn Luật Mô-sê đối với dân Ít-ra-en và người giám hộ đối với người thừa kế vị thành niên. Như người cha có toàn quyền quyết định thời gian giám hộ cho con cái, Thiên Chúa hoàn toàn tự do ấn định thời hạn Luật cai trị và khai mạc thời ân sủng, thời tự do trong Đức Ki-tô và Thánh Thần. Tín hữu đang sống trong thời ân sủng làm con Thiên Chúa, lại muốn tùng phục Luật, là chấp nhận cảnh nô lệ (x. Rm 8).
đ. Có thể hiểu tín hữu Ga-lát gốc lương dân trước kia thờ các tinh tú và sức mạnh thiên nhiên, hoặc ám chỉ hình thức nghi lễ tôn giáo thời Cựu Ước dựa vào sự vận hành của các thiên thể theo thời gian.
e. Thiên Chúa là chủ mọi thời gian. Người có sáng kiến ấn định thời gian nhập thể, cứu độ và cánh chung. Người Do-thái hằng chờ đợi Đấng Cứu Độ suốt lịch sử lâu dài. Đã đến thời trong đó tiếp diễn kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa (x. Mc 1,15; Cv 1,7; Rm 1,3; 1 Cr 10,11; 2 Cr 6,2; Ep 1,10; Hr 1,2; 9,26; 1 Tx 5,1-2).
g. Đấng Cứu Độ là chính Con Thiên Chúa. Người Do-thái vẫn chờ đợi Đấng Cứu Độ xuất thân từ nhà Đa-vít (x. Lc 1,69). Ở đây, nhấn mạnh đến mầu nhiệm nhập thể. Thiên Chúa làm người. Người nhập vào một dân tộc, sống trong thời gian nhất định, trên giải đất cụ thể, làm con một người đàn bà. Điều này gợi lên lời hứa trong St 3,16. Đức Ma-ri-a giữ vai trò quan trọng trong nhiệm cục cứu độ (x. Mt 1,17; Lc 1,31; Mc 6,3). Ngoài ra, Đức Giê-su chấp nhận một thân phận mỏng giòn và chia sẻ với loài người đang bị Luật giam hãm (3,23) và bị nguyền rủa (3,13).