Dụ ngôn quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy
1 Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.2 Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan tòa. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì.3 Trong thành đó, cũng có một bà góa. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì,5 nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.’”
6 Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó!7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?8 Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”
Dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế
9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Đức Giê-su và các trẻ em
15 Người ta còn đem cả trẻ thơ đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Thấy vậy, các môn đệ la rầy chúng.16 Nhưng Đức Giê-su gọi chúng lại mà nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.17 Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.”
Người thủ lãnh giàu có
18 Có một thủ lãnh hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”19 Đức Giê-su đáp: “Sao ông nói tôi nhân lành? Chẳng có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.20 Hẳn ông biết các điều răn: Chớ ngoại tình, chớ giết người, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, hãy thờ cha kính mẹ.”21 Ông ta nói: “Tất cả những việc đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.”22 Nghe vậy, Đức Giê-su bảo ông: “Ông chỉ còn thiếu có một điều, là hãy bán tất cả những gì ông có mà phân phát cho người nghèo, và ông sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”23 Nghe vậy, ông ta buồn lắm, vì ông rất giàu.
Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa
24 Đức Giê-su nhìn ông ta và nói: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!25 Quả vậy, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.”26 Những người nghe Đức Giê-su nói liền hỏi: “Thế thì ai có thể được cứu?”27 Người đáp: “Những gì không thể được đối với loài người, thì đều có thể được đối với Thiên Chúa.”
Phần thưởng dành cho ai bỏ mọi sự mà theo Đức Giê-su
28 Ông Phê-rô thưa: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ những gì là của mình mà theo Thầy.”29 Người đáp: “Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa,30 mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”
Đức Giê-su tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ ba
31 Đức Giê-su kéo riêng Nhóm Mười Hai ra và nói với các ông: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất.32 Quả vậy, Người sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, nhục mạ, khạc nhổ.33 Sau khi đánh đòn, họ sẽ giết Người, và ngày thứ ba Người sẽ sống lại.”34 Nhưng các ông không hiểu gì cả; đối với các ông, lời ấy còn bí ẩn, nên các ông không rõ những điều Người nói.
Đức Giê-su chữa người mù tại Giê-ri-khô
35 Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường.36 Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì.37 Họ báo cho anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó.38 Anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!”39 Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi; nhưng anh càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!”40 Đức Giê-su dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi:41 “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh ta đáp: “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.”42 Đức Giê-su nói: “Anh nhìn thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”43 Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.
Lc 9,47; Mt 19,13-14; Mc 10,13-15
r. Câu dẫn nhập này báo trước ý nghĩa của dụ ngôn, với những từ ngữ quen thuộc của thánh Phao-lô: cầu nguyện luôn (Cl 1,3), đừng nản chí (2 Tx 3,13). Căn cứ vào câu áp dụng (cc. 6-8) và với bài giảng trước đó, lời cầu nguyện được tập trung vào biến cố Đức Giê-su Quang Lâm (x. 21,36).
t. Có người dịch: kẻo cuối cùng mụ ấy đến đánh vào mặt, nhưng ở đây phải hiểu theo nghĩa bóng. Dù thế nào đi nữa, quan tòa này chỉ hành động vì ích kỷ, còn bà góa thì được việc nhờ kiên trì.
u. X. 7,13+. Đức Giê-su đưa ra bài học của dụ ngôn.
v. Đức Giê-su không ngần ngại so sánh Thiên Chúa với một quan tòa bất chính (x. chú thích trước 16,1). Đây là kiểu lý luận đưa đến cái lý trội hơn.
x. Câu này không rõ nghĩa, và có nhiều cách hiểu. Nhưng tựu trung, đây là vấn nạn về thái độ có vẻ án binh bất động của Thiên Chúa (x. Tv 44,24 tt, Dcr 1,12), biến cố quang lâm của Chúa dường như bị trì hoãn (x. 2 Pr 3,9; Kh 6,9-11).
y. Ở đây, như trong nhiều trường hợp khác (x. Mc 9,1; 13,30), Đức Giê-su báo trước sẽ sớm có một cuộc phán xét. Có thể hiểu, như ở 17,22-37, tác giả Lu-ca nghĩ đến một cuộc phán xét đột xuất trong một tương lai vô định.
a. Có thể câu này nguyên thủy độc lập đối với dụ ngôn trên, và nói về sự chối đạo sẽ xảy ra vào thời sau hết: đây là đề tài cổ điển của văn chương khải huyền (x. 2 Tx 2,3; Mt 24,10-12).
b. Về thể loại của dụ ngôn này, x. 10,30+.
c. Đứng thẳng là một tư thế thông thường để cầu nguyện, nhưng mạch văn đây có thể gợi ý cho thấy một thái độ tự phụ, trân tráo.
d. Người Pha-ri-sêu này thật sự chu toàn các bổn phận mà giáo phái của ông buộc phải làm (x. 5,33; 11,42), và cho đó là một bảo đảm để được coi là người công chính. Ông không trông chờ điều chi từ nơi Thiên Chúa nữa.
đ. Người thu thuế cũng nói sự thật: tôi là kẻ tội lỗi. Ông đứng đằng xa, cũng tách khỏi cộng đoàn, nhưng vì thấy mình bất xứng, chẳng dám ngước mắt lên trời. Nhưng việc xưng thú này làm cho lòng ông hướng nhìn về Thiên Chúa và ân sủng của Người.
e. Sự công chính, mà người Pha-ri-sêu tưởng có thể đạt được nhờ những việc mình làm, là một ân huệ mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban tặng (x. Pl 3,9).
g. ds: khác với người kia.
h. Câu này, cũng có ở 14,11, có thể đã được đưa vào đây để làm sáng tỏ tinh thần dụ ngôn này, là kêu gọi sống khiêm tốn, dựa vào ân sủng Thiên Chúa.
i. Ở đây, trình thuật của Lc nối lại với trình thuật của Mt và Mc đã bị tách ra ở 9,50.
k. Nước Thiên Chúa là một hồng ân, phải đón nhận với lòng đơn sơ, biết ơn và cảm phục của trẻ thơ. Thái độ này, Đức Giê-su coi như một điều kiện thiết yếu để được cứu độ, và chính Người cũng có thái độ đó khi gặp gỡ Chúa Cha (x. 10,21; Mc 14,36).
l. Mt 19,20 nói là một thanh niên, nhưng có lẽ đấy là do sửa chữa trong quá trình truyền đạt Tin Mừng, chứ nguyên thủy không chắc là như vậy.
m. Trong Lc, câu hỏi này đã được một nhà thông luật đặt ra ở 10,25. Câu trả lời của Đức Giê-su vượt ra khỏi hoàn cảnh riêng của người thủ lãnh, để đề cập đến sự giàu có (cc. 18-27), rồi đến sự từ bỏ mà người môn đệ phải thể hiện (cc. 28-30). Cuối cùng mới trở lại đề tài sự sống vĩnh cửu (cuối c. 30).
n. Trích dẫn Mười Điều Răn (Xh 20,12-16; Đnl 5,16-20).
p. Câu nói mạnh bạo này không chỉ là một nghịch lý: giàu hay nghèo, tất cả đều nhờ ơn Chúa mới được cứu độ (x. c. 27), nhưng người giàu thì khó đón nhận ơn đó hơn.
q. Lc thường hay nhấn mạnh rằng các môn đệ đã bỏ hết mọi sự (x. 5,11+), nhưng lại không ghi điều đó ở đây, khác với Mt và Mc. Trong đoạn văn nói về phần thưởng của người môn đệ, dường như Lc muốn gợi nhớ cách sống của cộng đoàn Giê-ru-sa-lem (x. Cv 4,32): khước từ quyền giữ cho mình những của cải riêng.
r. Thánh Lu-ca là tác giả duy nhất ghi việc từ bỏ người vợ (x. 14,26+ và 1 Cr 7,25-28).
s. ds: gấp mấy lần hơn. Nhiều bản cổ xưa ghi gấp bảy lần (x. Hc 35,10): đây là cách hiểu độc đáo, khác với Mt (cũng gấp bội) và Mc (gấp trăm).
t. Sự đối lập giữa thời này và đời sau là một tư tưởng phổ biến trong văn chương khải huyền Do-thái thời bấy giờ (x. Mt 12,32). Lc nêu sự đối lập này dưới nhiều dạng (x. 16,8; 20,34-35).
u. Cuối cùng, lời hứa của Đức Giê-su là câu trả lời cho vấn đề ông thủ lãnh nêu lên (c. 18).
v. Thật ra lời tiên báo cuộc Thương Khó này chỉ có thể nói là lời thứ ba trong Mt và Mc. Phần Lc, sau khi cũng đã ghi hai lần tiên báo đầu ở 9,22 và 44, đã thêm vào ba lần khác ở 12,50; 13,32-33 và 17,25. Điều này cho thấy Lc xem cuộc Thương Khó là một mầu nhiệm hết sức quan trọng.
x. Cũng có thể dịch: tất cả những gì các ngôn sứ đã viết sẽ được hoàn tất cho Con Người, nhưng không chắc chắn bằng. Chỉ có Lc mới đưa lời các ngôn sứ ra nói trong lần tiên báo này (x. 24,25-27.45-46; Cv 3,18; 13,27-29...).
y. Chỉ có Lc ghi rằng các môn đệ không hiểu gì, như đã ghi ở 9,45, câu khai triển Mc 9,32. Nhiều người nghĩ đoạn này ám chỉ Mc 10,35-45 mà Lc không dẫn.
a. Ở Mt 20,29 và Mc 10,46, phép lạ này xảy ra khi Đức Giê-su ra khỏi Giê-ri-khô, còn ở đây thì khi Chúa đi vào. Có thể Lc cho câu chuyện này lên sớm, vì vị trí ở đây tiện hơn, để sau đó nói tới ơn trở lại của Da-kêu và dụ ngôn người thuộc quý tộc đi lãnh nhận vương quyền.
b. X. 3,23+. Câu tung hô Đấng Mê-si-a này chuẩn bị cho đoạn 19,28-40.
c. Lc kết luận với câu kết thông thường của một bài tường thuật phép lạ (x. 2,20+), chuẩn bị câu 19,37.