Nguyên văn theo Kinh Thánh Công Giáo, bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Phần audio do Giu-se Định và Ma-ri-a Kim Hồi, cùng các anh chị em thanhlinh.net thực hiện.

Chương 1
I. GIAI ĐOẠN DỌN ĐƯỜNG CHO SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊ-SU
1 Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa:
Ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng
2 Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con.3 Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
4 Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng hối cải để được ơn tha tội.5 Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.
6 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng.7 Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.8 Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”
Đức Giê-su chịu phép rửa
9 Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan.10 Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình.11 Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”
Đức Giê-su chịu cám dỗ trong sa mạc
12 Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa.13 Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
II. SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊ-SU TẠI GA-LI-LÊ
Đức Giê-su khai mạc công việc rao giảng
14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.15 Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng.”
Đức Giê-su kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên
16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá.17 Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.”18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền.20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
Đức Giê-su giảng dạy tại Ca-phác-na-um và chữa lành cho một số người
21 Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy.22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên24 rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!”28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
Đức Giê-su chữa nhạc mẫu ông Si-môn
29 Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo.30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà.31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
Đức Giê-su chữa cho nhiều người
32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người.33 Cả thành xúm lại trước cửa.34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
Đức Giê-su đi rao giảng khắp miền Ga-li-lê
35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm.37 Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!”38 Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.”39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.
Đức Giê-su chữa người mắc bệnh phong
40 Có người mắc bệnh phong đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.”41 Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!”42 Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch.43 Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay,44 và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”45 Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.
Mt 3,1-12; Lc 3,1-18; Ga 1,19-34
a. Phần nhập đề của Mc (1,1-13) gồm câu đề tựa (1,1) và ba đoạn nhằm làm sáng tỏ dung mạo Đức Giê-su trong giai đoạn lịch sử đầu tiên của Người (1,2-8; 1,9-11; 1,12-13).
k. Trình thuật về Đức Giê-su chịu cám dỗ trong hoang địa cho thấy: Người xuất hiện ở đây với tư cách Đấng thắng Xa-tan, thắng cơn thử thách và cám dỗ. Dấu hiệu cụ thể của cuộc chiến thắng đó là Đức Giê-su sống giữa loài dã thú và được các thiên sứ phục vụ. Được các thiên sứ phục vụ có nghĩa là được Thiên Chúa cứu giúp. Đức Giê-su sống giữa loài dã thú: cảnh đó diễn tả sự phù trì che chở của Thiên Chúa (x. Tv 91,11-13) và sự hòa hợp của tạo thành dưới triều vua Mê-si-a (x. Is 11,6-9). Được Thiên Chúa cứu giúp và che chở, Đức Giê-su, Vua Mê-si-a thắng Xa-tan và khai mạc một thời mới, thời thái bình đầy tình huynh đệ, trong đó mọi nỗi hận thù đều tan biến.
l. Đức Giê-su khai mạc công việc rao giảng: Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê và bắt đầu rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Nội dung của lời rao giảng đó là Tin Mừng về Thiên Chúa, nghĩa là Tin Mừng về việc Người can thiệp trong lịch sử nhân loại nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Lời rao giảng của Đức Giê-su được tóm kết trong c. 15. Câu này gồm ba phần: 1. Thời kỳ đã mãn: các ngôn sứ chia thời gian làm hai thời kỳ: thời kỳ hiện tại và thời kỳ sẽ đến. Đức Giê-su loan báo thời kỳ hiện tại đã đến hồi kết thúc và một thời mới, thời cuối cùng, thời cánh chung đã tới. Đó là thời Thiên Chúa ấn định để thực hiện và hoàn thành các lời hứa của Người. 2. Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần: Cựu Ước nói đến vương quyền của Thiên Chúa đối với dân riêng của Người (Is 6,1-3; 43,15; cách riêng các Tv 47; 93; 96-99). Nhưng sau thời lưu đày, tình trạng vương quyền trần gian vắng bóng làm cho dân Ít-ra-en hy vọng rằng chính Thiên Chúa sẽ tỏ bày cách rạng rỡ vương quyền của Người tại Xi-on và trải rộng quyền đó trên toàn cõi địa cầu (Is 24,23; 52,7; Gr 3,17; 8,19; Ed 20,33; Mk 2,13; 4,7; Xp 3,15; Ôv 21; Dcr 14,9...). Ít-ra-en trông đợi thời Thiên Chúa thiết lập vương quyền của Người. Ở đây, Đức Giê-su khẳng định: nơi Người, Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. 3. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng: từ Hy-lạp metanoeô theo nghĩa gốc là nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng, hối tiếc, hối hận. Ở đây, chắc phải hiểu hối cải (metanoeô) theo chủ đề căn bản trong Cựu Ước, cách riêng, từ ngôn sứ Giê-rê-mi-a: thay đổi hướng đi, triệt để quay về với Thiên Chúa của Giao Ước và dấn bước vào một cuộc sống mới. Đức Giê-su còn kêu gọi dân chúng lấy đức tin mà đón nhận toàn diện thông điệp Người công bố.
m. Tác giả đã soạn thảo hai trình thuật ngắn (1. 1,16-18; 2. 1,19-20), theo khuôn mẫu của 1 V 19,19-21 về việc ngôn sứ Ê-li-a kêu gọi ngôn sứ Ê-li-sa. Hai trình thuật này làm nổi bật sáng kiến của Đức Giê-su: chính Người kêu gọi các môn đệ đầu tiên (c. 17 và c. 20). Đức Giê-su kêu gọi hai ông Si-môn và An-rê đi theo Người và dùng hình ảnh rút từ nghề cũ, nghề đánh cá, để chỉ công tác mới (c. 17). Hai trình thuật cũng làm nổi bật thái độ đáp lại của bốn môn đệ. Mc 1,18 cho thấy ông Si-môn và ông An-rê đáp lại cách mau mắn. Bốn môn đệ sẵn sàng từ bỏ gia đình và nghề nghiệp cũ (c. 18 và c. 20) để đi theo Đức Giê-su. Bốn môn đệ đầu tiên (Si-môn, An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an) là bốn môn đệ thân tín của Đức Giê-su.
n. Đối với Mc, bốn môn đệ đầu tiên là những người sẽ chứng kiến hoạt động của Đức Giê-su ngay từ thời đầu. Rồi trình thuật tiếp tục: Người và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um (c. 21). Từ đó, tác giả Mác-cô cho thấy Đức Giê-su gặp gỡ những người đồng thời khi giảng dạy, lúc trừ quỷ hoặc chữa các bệnh nhân. Người bắt đầu hoạt động từ hội đường Ca-phác-na-um ngày sa-bát. Từ c. 21 đến c. 34, các hoạt động đó diễn ra trong vòng một ngày. Vì thế, có thể nói đó là một ngày mẫu của Đức Giê-su tại Ca-phác-na-um: Mc 1,21-34 chia làm ba phần: 1. 1,21-28; 2. 1,29-31; 3. 1,32-34.
o. Trong phần thứ nhất (cc. 21-28), tác giả nói đến giáo huấn của Đức Giê-su (cc. 21-22) và cuộc chiến thắng thần ô uế (cc. 23-26). Đó là hai cách diễn tả uy quyền của Người phát xuất từ Thiên Chúa (c. 27).
Hai sự kiện đó xảy ra tại Ca-phác-na-um. Thành này nằm trên bờ tây bắc biển hồ Ghen-nê-xa-rét, cách phía tây cửa sông Gio-đan chừng bốn km.
p. Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh. Tất cả những ai, những gì thuộc về Người hoặc thánh hiến cho Người đều mang tính cách thánh: Đức Giê-su là Đấng Thánh của Thiên Chúa, vì là Đấng Ki-tô, nghĩa là Đấng được xức dầu, được thánh hiến, và là Con Thiên Chúa. Quỷ sợ Đức Giê-su đến tiêu diệt mình; quỷ được gọi là thần ô uế (1,23.26.27).
q. Phần thứ hai (cc. 29-31): Cầm lấy tay là cử chỉ Đức Giê-su làm cho kẻ chết sống lại (5,41) hoặc giúp cho bệnh nhân lâm tình trạng như đã chết lấy lại được sức sống (9,26-27). Có lẽ động từ đỡ dậy (ẻgeirô) cho thấy: quyền năng của Đức Giê-su đối với thể xác con người phát xuất từ sự sống lại đầy tính năng động của Người.
r. Phần thứ ba (cc. 32-34): một trình thuật ngắn mang tính cách tổng quát nhằm làm nổi bật cuộc chiến thắng toàn diện của Đức Giê-su đối với các quyền lực sự dữ: bệnh thể xác và tình trạng vong thân của tâm hồn.
s. Db: Vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô. Đức Giê-su cấm quỷ không được tiết lộ gì về sứ vụ Mê-si-a của Người. Tại sao thế? Chắc chuyện cấm đoán này nhằm tránh cho người ta khỏi có quan niệm sai lạc về Người. Theo quan niệm đó, Người là Đấng Mê-si-a mang một sứ mạng trần thế: giải phóng dân tộc Do-thái khỏi ách đô hộ của đế quốc Rô-ma. Đó là bí mật Đấng Mê-si-a (x. Mc 1,25.44; 3,12; 5,43; 7,36; 8,30; 9,9).
t. Đức Giê-su rời Ca-phác-na-um (1,35.38) và hoạt động trong khắp miền Ga-li-lê (1,39a). Theo Mc 1,35-45, Người rao giảng trong các hội đường, trừ quỷ (1,39b) và chữa một người mắc bệnh phong (1,40-45). Đó là ba việc Người đã làm ở Ca-phác-na-um (1,21-34) cũng như ở những nơi khác trong miền Ga-li-lê.
b. Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa chỉ toàn bộ sách Tin Mừng II.
c. Từ Hy-lạp eủaggelion có nghĩa là tin vui, tin mừng. Có thể hiểu Tin Mừng Đức Giê-su theo hai nghĩa: 1. Tin Mừng mà Đức Giê-su công bố. 2. Tin Mừng về Đức Giê-su là Đấng mang ơn cứu độ cho nhân loại, nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Người. Ở đây, nghĩa thứ hai thích hợp hơn.
d. Danh xưng Giê-su chỉ nhân vật lịch sử, cụ thể, xuất thân từ Na-da-rét, miền Ga-li-lê (1,9), là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và là anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn (6,3).
đ. Tước hiệu Ki-tô là từ Hy-lạp dịch nghĩa từ Híp-ri Mê-si-a, có nghĩa là Đấng được xức dầu. Theo đạo Do-thái, Đấng Mê-si-a sẽ đến phục hưng thế giới và cứu nhân loại, như lời các ngôn sứ đã loan báo. Tác giả Mác-cô quả quyết: Đức Giê-su chính là Đấng Mê-si-a loài người trông đợi, Đấng Thiên Chúa xức dầu để giao phó cho Người sứ mạng thiết lập Nước Thiên Chúa và cứu độ nhân loại.
e. Tước hiệu Con Thiên Chúa không có trong vài bản chép tay, chẳng hạn bản Sinaiticus (thế kỷ 4); nhưng phần đông các bản đều giữ lại. Trong Cựu Ước, một nhân vật hay một tập thể (như dân Do-thái) có một tương quan đôi chút riêng biệt với Thiên Chúa đều được gọi là con Thiên Chúa. Hình như trong thời Đức Giê-su, tước hiệu này gần tương đương với tước hiệu Con vua Đa-vít. Chỉ có một lần, khi đứng trước Thượng Hội Đồng Do-thái, Đức Giê-su công nhận tước hiệu đó (14,61-62a). Sau ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, tước hiệu Con Thiên Chúa mới từ từ mang ý nghĩa mạnh như chúng ta hiểu ngày nay.
g. Sách Tin Mừng II bắt đầu với lời rao giảng của ông Gio-an Tẩy Giả. Mác-cô giới thiệu ông Gio-an với độc giả: ông Gio-an là Tiền Hô của Đức Giê-su, là sứ giả dọn đường cho Người (1,2-3), nhờ lời rao giảng kêu gọi hối cải, nhờ phép rửa và việc loan báo Đấng sẽ đến. Lời rao giảng của ông Gio-an Tẩy Giả tập trung vào Đức Giê-su (1,7-8): Người là Đấng quyền thế hơn ông Gio-an Tẩy Giả; Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần. Lời trích dẫn ở cc. 2-3 ghép ba đoạn Cựu Ước: Xh 23,20 và Ml 3,1 (c. 2), Is 40,3 (c. 3), hàm ý rằng Đức Giê-su thực hiện một cuộc xuất hành mới.
h. C. 8 đối chiếu hai phép rửa: phép rửa bằng nước và phép rửa trong Thánh Thần. Người chịu phép rửa theo một nghi thức đã có từ thế kỷ 1: dìm mình dưới nước. Phép rửa bằng nước của ông Gio-an đòi hỏi lòng hối cải, nhắm việc thanh luyện tâm hồn (1,4) và mang giá trị cánh chung: đem người chịu phép rửa vào nhóm những người tích cực trông đợi Đấng Mê-si-a sẽ đến. Còn phép rửa của Đức Giê-su trong Thánh Thần chỉ toàn thể công trình cứu độ do Đức Giê-su khai mạc. Ở đây, hình như công trình cứu độ đó được coi như tác động gây nên sự tái sinh, thực hiện công cuộc thánh hóa cánh chung nhờ Thánh Thần. Thành ngữ trong Thánh Thần gợi lại sự tái sinh trong thời cuối cùng, sự tái sinh đã được các ngôn sứ tiên báo (x. Is 32,15-16; 44,3-4; Ed 11,19-20; 36,26-27).
i. Trình thuật về Đức Giê-su chịu phép rửa (1,9-11) nhằm làm nổi bật một khía cạnh của Đức Giê-su: mối tương quan của Người với Chúa Cha. Có nhiều cách giải thích biểu tượng chim bồ câu tùy theo đoạn Cựu Ước nào được sử dụng. Theo Dc 2,14; 5,2, đó là biểu tượng tình yêu Thiên Chúa đến với trần gian; theo St 1,2 (thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước), biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa là khởi đầu cuộc tạo thành mới. Thánh Thần xuống trên Đức Giê-su là để tấn phong và xác nhận Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ Thiên Chúa đã hứa (x. Is 11,2; 42,1; 63,11). Đàng khác, tiếng từ trời vọng xuống trong c. 11 ám chỉ ba đoạn Cựu Ước: Con là Con của Cha (Tv 2,7 là thánh vịnh nhà vua được đạo Do-thái giải thích như một thánh vịnh Mê-si-a); Con là Con yêu dấu của Cha (St 22,2); Cha hài lòng về Con (Is 42,1: Thiên Chúa phán: Đây là người tôi tớ Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng. Ta cho thần khí Ta ngự trên Người). Như thế, c. 11 làm nổi bật dung mạo của Đức Giê-su: Người là Quân Vương được xức dầu để cai trị muôn dân; Người là Con Một yêu dấu của Chúa Cha được dâng hiến làm lễ vật trong hy lễ; Người là Tôi Tớ của Thiên Chúa có nhiệm vụ rao giảng, thực hiện công cuộc giải thoát và cứu độ.