Dụ ngôn người gieo giống
1 Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền ở dưới biển mà ngồi, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ.2 Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ:
3 “Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống.4 Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.5 Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu;6 nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.7 Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả.8 Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.”9 Rồi Người nói: “Ai có tai nghe thì nghe!”
Tại sao Đức Giê-su dùng dụ ngôn?
10 Khi còn một mình Đức Giê-su, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn.11 Người nói với các ông: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn,12 để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ.”
Cắt nghĩa dụ ngôn người gieo giống
13 Người còn nói với các ông: “Anh em không hiểu dụ ngôn này, thì làm sao hiểu được tất cả các dụ ngôn?14 Người gieo giống đây là người gieo lời.15 Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Xa-tan liền đến cất lời đã gieo nơi họ.16 Còn những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận,17 nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì lời, họ vấp ngã ngay.18 Những kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai: đó là những kẻ đã nghe lời,19 nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì.20 Còn những người khác nữa là những người được gieo vào đất tốt: đó là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm.”
Dụ ngôn cái đèn, đấu đong
21 Người nói với các ông: “Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?22 Vì chẳng có gì che giấu mà không phải là để được tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không phải là để đưa ra ánh sáng.23 Ai có tai nghe thì nghe!”
24 Người nói với các ông: “Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.25 Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất.”
Dụ ngôn hạt giống tự mọc lên
26 Người nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất.27 Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.28 Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt.29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.”
Dụ ngôn hạt cải
30 Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất.32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”
Kết luận về các dụ ngôn
33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe.34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
Đức Giê-su dẹp sóng gió
35 Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi!”36 Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người.37 Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.38 Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”39 Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.40 Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”41 Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”
Is 6,10; Mt 13,14-15; Ga 12,40; Cv 28,26-27
k. Trong ch. 4, Mc đặt năm dụ ngôn kế tiếp nhau. Dụ ngôn là một thứ diễn từ, trong đó một khía cạnh của đời sống thường nhật được so chiếu với một đặc điểm của Nước Thiên Chúa. Năm dụ ngôn đó thuộc ba loại: hai dụ ngôn có liên quan đến mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (x. 4,11): hạt giống tự mọc lên (4,26-29), hạt cải (4,30-32); dụ ngôn người gieo giống (4,3-8) và dụ ngôn cái đèn (4,21-23) nói đến Tin Mừng về Nước Thiên Chúa; dụ ngôn cái đấu (4,24-25) nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thái độ mở ra của các thính giả.
l. Mc 4,3-20 gồm ba phần: 1. Dụ ngôn người gieo giống (4,3-9); 2. Tại sao Đức Giê-su dùng dụ ngôn? (4,10-12); 3. Cắt nghĩa dụ ngôn (4,13-20). Dụ ngôn này cho thấy: đã hẳn hạt giống, mầm và ngay cả thân cây bị phá hủy, tuy thế mùa gặt vẫn phong phú; dù công cuộc rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa có gặp khó khăn, trở ngại, thất bại, sự phản kháng của người đời hoặc sức chống đối của Xa-tan đi nữa, sức mạnh của Tin Mừng vẫn lướt thắng được tất cả những hoàn cảnh đó, bởi vì Tin Mừng Đức Giê-su rao giảng là công trình của Thiên Chúa. Do đó, cần phải tin tưởng vào công cuộc rao giảng Tin Mừng, vào sức mạnh vô địch của Tin Mừng, cần phải hy vọng rằng việc rao giảng Tin Mừng sẽ thành công, sẽ đạt tới giai đoạn hoàn thành.
m. Trong phần thứ hai (4,10-12), Đức Giê-su trích dẫn Is 6,9-10 cách tự do. Ở đó, theo kiểu nói của người Do-thái, tình trạng mù quáng của thính giả là hiệu quả, chứ không phải là mục đích của lời ngôn sứ I-sai-a rao giảng. Có lẽ phải hiểu từ để trong Mc 4,12 như trong Mt 13,14: để lời sấm của ngôn sứ I-sai-a được ứng nghiệm. Việc dùng dụ ngôn gây hiệu quả giống như hiệu quả của lời ngôn sứ I-sai-a rao giảng: phân biệt hai loại người trong giới thính giả: những người tin, nghĩa là Nhóm Mười Hai và các môn đệ thân tín (c. 10), và những người không tin được gọi là những kẻ ở ngoài (c. 11). Khi nghe các dụ ngôn, những người không tin ở trong tình trạng chẳng thấy, chẳng hiểu, và như thế họ không thể trở lại và lãnh nhận ơn tha thứ. Chỉ những người tin mới có thể nhận thức được mầu nhiệm Nước Thiên Chúa (c. 11). Thiên Chúa hiện diện và hoạt động nơi Đức Giê-su: Thiên Chúa lôi kéo, tập họp những người tin lại thành một Nước, một vương quốc, và ban ơn cứu độ, nhờ lời rao giảng của Đức Giê-su và các phép lạ Người làm (những vụ chữa lành bệnh nhân là dấu chỉ ơn cứu độ, những việc trừ quỷ là bằng chứng cho thấy quyền năng Thiên Chúa, ơn tha thứ cho tội nhân diễn tả lòng từ bi thương xót của Người, việc làm cho kẻ chết sống lại diễn tả quyền ban sức sống mới cho con người).
n. Cc. 13-20 có lẽ Hội Thánh tiên khởi đã thêm vào đây nhằm giải nghĩa dụ ngôn người gieo giống. Ý nghĩa của đoạn này khác hẳn ý nghĩa nguyên thủy của dụ ngôn ở trên. Bốn loại đất tương đương với bốn cách nghe, bốn thái độ đón nhận và bốn cách sinh hoa kết quả. Lời kêu gọi sinh hoa kết quả mang tính cách khuyến thiện nổi bật trong đoạn này: phải tránh những thái độ làm mất hiệu lực của Lời Chúa và cố gắng trở thành đất tốt, nghĩa là những kẻ biết nghe và đón nhận Lời Chúa, rồi sinh hoa kết quả.
o. Trong cc. 21 và 22, cái đèn chỉ Tin Mừng. Không được giấu kín Tin Mừng. Mới đầu chỉ một thiểu số biết thôi. Nhưng theo ý Đức Giê-su, với thời gian Tin Mừng đó cần lan tỏa ra, phải được loan báo cho mọi dân tộc (13,10).
p. Theo 4,24-25, cái đấu là mức độ tâm hồn mở ra để đón nhận. Con người càng mở ra, thì càng nhận được hồng ân Thiên Chúa. Ai đã có kho tàng đức tin, đức ái, sức mạnh và thái độ sẵn sàng mở ra, thì còn nhận được thêm; còn kẻ nào không mở ra để nhận thêm, thì cũng sẽ dần dần mất hết những gì mình đã có.
q. Dụ ngôn này chỉ có trong Mc. Cần liên kết dụ ngôn này với dụ ngôn người gieo giống (4,3-8), vì hai dụ ngôn nói về những giai đoạn kế tiếp nhau: gieo hạt giống, hạt giống nẩy mầm, cây lúa mọc lên, mùa gặt. Trong Nước Thiên Chúa, hạt giống chỉ Tin Mừng. Hạt giống đã gieo xuống đất, Tin Mừng đã được rao giảng. Thiên Chúa âm thầm hoạt động, ban cho Nước Thiên Chúa một sức mạnh thầm kín giúp Nước của Người phát triển cho đến giai đoạn hoàn thành. Trong giai đoạn này, điều cần thiết là phải kiên nhẫn và bình thản chờ đợi, phải tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa đang âm thầm hoạt động trong lịch sử nhân loại.
r. Dụ ngôn này (4,30-32) cho thấy sức mạnh không thể chống lại của Nước Thiên Chúa và nhấn mạnh đến kết quả cuối cùng. Tác giả dùng hai hình ảnh tương phản nhau: ban đầu, khi Tin Mừng mới được rao giảng, Nước Thiên Chúa giống như hạt cải là loại nhỏ nhất trong các giống, rồi dần dần trở thành một cây lớn, một nơi có thể đón nhận các dân tộc. Mặc dầu giai đoạn đầu của Nước Thiên Chúa rất khiêm tốn, Tin Mừng phải được loan báo cho mọi dân tộc (13,10). Trước khi Con Người quang lâm, nhiều cuộc bách hại và những cơn gian nan thử thách sẽ xảy ra (13,5-23). Trong hoàn cảnh cụ thể đó, dụ ngôn hạt cải giúp độc giả có một lòng tin bất diệt và một niềm trông cậy bất khuất vào cuộc chiến thắng của Thiên Chúa và sự thành công cuối cùng của Nước Thiên Chúa.
s. Nếu đối chiếu c. 33 với c. 11, chúng ta có thể thấy rằng các dụ ngôn không nhằm che giấu, nhưng cho thính độc giả nắm được ý nghĩa các lời và thông điệp của Đức Giê-su (c. 33b). Tuy thế, Lời Chúa dưới hình thức các dụ ngôn vẫn là một điều bí ẩn đối với những kẻ ở ngoài, những người không tin. Do đó, một trong những hiệu quả của Lời Chúa là phân biệt hai loại thính giả: những người tin và những kẻ không tin. C. 34 làm nổi bật vài khía cạnh của Lời Chúa. Lời Chúa như luôn bị một tấm màn che, mặc khải chứa đựng những điểm khó hiểu, mù mờ, những điều bí ẩn (c. 34a). Để có thể hiểu một phần nào những điều ấy, cần trở nên môn đệ của Đức Giê-su. Khả năng hiểu Lời Chúa tùy thuộc Đức Giê-su và việc dạy dỗ của Người (c. 34b) chứ không lệ thuộc trí khôn hay kiến thức của thính giả.
t. Đây là phép lạ đầu tiên trong một chuỗi phép lạ kể ở đoạn 4,35–5,43: 1. 4,35-41; 2. 5,1-20; 3. 5,25-34; 4. 5,22-24.35-43. Các phép lạ này cho thấy quyền năng của Thiên Chúa có sức giải thoát. Quyền năng này được tỏ bày nơi Đức Giê-su.
Đức Giê-su chứng tỏ thần lực của Người bằng cách dẹp sóng gió. Biển động tượng trưng cho những mãnh lực chống đối Thiên Chúa. Quả thật, ở đây (4,41b), Mác-cô cũng dùng một động từ trong 1,27b (tuân lệnh) khi nói về các thần ô uế. Do đó, việc dẹp sóng gió tương đương với việc trừ quỷ. Nếu đứng trước một hiểm nguy đe dọa sự sống, tín hữu cảm thấy nhát gan và sợ chết, thì đó là một dấu hiệu cho thấy con người còn thiếu lòng tin cậy. Một khi đã đặt niềm tin tưởng vào Đức Giê-su, tín hữu cần phải biết: gần Đức Giê-su, con người không có quyền sợ hãi, mất lòng tin tưởng.
u. Db: Anh em chưa có lòng tin sao?