IV. MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI
1. PHẦN KÝ THUẬT
Nhập đề
1 Ra chỉ thị cho mười hai môn đệ xong, Đức Giê-su rời chỗ đó, đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị trong miền.
Câu hỏi của ông Gio-an Tẩy Giả và câu trả lời của Đức Giê-su
2 Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng:3 “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”4 Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe:5 Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng,6 và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”
7 Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng?8 Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua.9 Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa.10 Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.
11 “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.12 Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.13 Cho đến ông Gio-an, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri.14 Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến.15 Ai có tai thì nghe.
Đức Giê-su phán đoán về thế hệ của Người
16 “Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác,17 và nói:
‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh,
mà các anh không nhảy múa;
tụi tôi hát bài đưa đám,
mà các anh
không đấm ngực khóc than.’
18 “Thật vậy, ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’19 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ Nhưng Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”
Khốn cho những thành đã chứng kiến các phép lạ mà không sám hối
20 Bấy giờ Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối:
21 “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối.22 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.23 Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay.24 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”
Chúa Cha và người Con
25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
27 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.
Hãy mang lấy ách của tôi
28 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
Is 29,18; 35,5-6; 42,7.18
Xh 23,20; Ml 3,1; Lc 1,76
y. Khi nghe biết Chúa Giê-su hoạt động tích cực (c. 1), thánh Gio-an Tẩy Giả hẳn là rất vui mừng vì thấy điều mình mong ước đang thể hiện (x. Ga 3,28-30). Thế nhưng các môn đệ của ông không thể không cảm thấy chán nản và có phần ghen tuông (x. Ga 3,26). Nhân cơ hội này, có lẽ thánh Gio-an muốn sai các môn đệ đến tiếp xúc với Chúa Giê-su để Chúa làm cho họ cũng thấy rõ vấn đề và tin vào Chúa hơn. Tuy nhiên, cũng có thể là chính Gio-an cũng thắc mắc tại sao Chúa Giê-su không xử sự như vị Mê-si-a thẩm phán, như ông đã từng loan báo (x. Mt 3,10.12).
Chính lúc phái bộ của Gio-an tới, Chúa Giê-su đang chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám và cho nhiều người mù được thấy (Lc 7,21). Họ chứng kiến tận mắt một số những phép lạ này. Ngôn sứ I-sai-a đã từng tiên báo các việc ấy như là những việc làm của Đấng Mê-si-a (Is 35,5 tt; 61,1). Trong số đó, việc rao giảng Tin Mừng ưu tiên cho người nghèo được đặc biệt nói đến trong các thánh vịnh về Mê-si-a (x. Tv 72; 22,25-27; v.v...). Để trả lời cho các môn đệ của ông Gio-an, Chúa Giê-su kín đáo nại tới các phép lạ ấy và kết thúc bằng lời cảnh giác ở c. 6: đừng dễ đi theo quan niệm sai lầm, chờ mong một Đấng Mê-si-a quang vinh và chiến thắng về chính trị...
a. Sau đó, Chúa Giê-su hết mình khen ngợi ông Gio-an trước mặt dân chúng. Với tư cách cá nhân, Gio-an quả là một con người dũng cảm và kiên trung (c. 7-8). Nhưng sự cao trọng của ông chính là ở chỗ ông là một ngôn sứ của Thiên Chúa, như dân chúng đã thấy (c. 9). Đặc biệt hơn nữa – và đây là điều Chúa Giê-su làm chứng cho ông lúc này (c. 10) – ông là vị tiền hô của Đấng Mê-si-a, như ngôn sứ Ma-la-khi đã nói (3,1).
b. Theo bản Híp-ri, lời Ma-la-khi như sau: Này Ta sai sứ giả của Ta để dọn đường trước Ta. Thiên Chúa nói về chính mình, nhưng chính câu đó còn nói đến một vị khác, mệnh danh là Thần Sứ của Giao Ước sẽ đến trong đền thờ của Người. Tất nhiên vị Thần Sứ này chính là Thiên Chúa. Vậy ở đây, câu nói của Ma-la-khi đã được sửa đi để hiểu về Chúa Giê-su như là Đấng Mê-si-a / Thiên Chúa và về ông Gio-an như tiền hô của Người.
c. Từ sứ mệnh tiền hô của ông Gio-an, Chúa Giê-su đưa qua Nước Trời (c. 11): Ông Gio-an cao trọng nhất từ trước tới nay, nhưng từ nay trở đi ông lại là nhỏ nhất. Thời Cựu Ước đã chấm dứt với ông Gio-an; từ đây là thời đại Nước Trời, vượt hẳn trên tất cả những gì thuộc quá khứ dưới chế độ Luật Mô-sê (c. 12-13).
d. C. 12 có thể hiểu hai cách: a) Ai muốn vào Nước Trời thì phải dũng cảm chiến đấu với bản thân (x. Mt 10,34); b) Từ khi Nước Trời mới xuất hiện đã luôn luôn bị người đời chèn ép và chống đối; người ta dùng áp lực để ngăn cản việc gia nhập Nước Trời (ai mạnh sức thì chiếm được).
đ. Bằng một hình ảnh quen thuộc và dễ hiểu, Chúa Giê-su phê phán những người Do-thái, nhất là các kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu (Lc 7,30-34), vì họ cứng cổ và tự đắc mình khôn mà không tin theo Chúa Giê-su. Họ tìm cách chống chế để bào chữa cho sự ngoan cố của mình: Ông Gio-an Tẩy Giả sống khắc khổ, khác lạ, kiểu một ngôn sứ, thì họ cho là điên (quỷ ám), trong khi Chúa Giê-su sống hòa đồng, bình dị với mọi người, nên được quần chúng mến phục, thì họ lại bảo Người là kẻ sống bê tha, bừa bãi...
Tuy nhiên, Chúa Giê-su quả quyết, cả hai người với hai nếp sống khác biệt nhau, đều phục vụ một chính nghĩa của Thiên Chúa. Bằng chứng là cả hai đều thực hiện những công việc của Thiên Chúa đầy khôn ngoan.
e. Các ngôn sứ thời xưa thường tỏ ra nuối tiếc nếp sống (tinh thần) sa mạc của Ít-ra-en, gian khổ nhưng gắn bó với Thiên Chúa của mình; vì thế các ngài cũng kỵ bầu khí vô đạo nơi các thành thị(tự cao tự đại, thờ quấy, vô luân...). Ở đây, Chúa Giê-su theo cung cách đó để lên án những người đồng thời với Người. Người Do-thái từng khinh dể những người ngoại giáo và lên án người ta không nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa; nhưng chính họ lại lỳ lợm và cứng lòng tin hơn, dù được chứng kiến những phép lạ hiển nhiên Chúa Giê-su đã thực hiện nhân danh Thiên Chúa.
g. Lời Chúa ở đây gợi lại chuyện các thiếu niên Do-thái trong sách Đa-ni-en: tất cả các bậc khôn ngoan thông thái Ba-by-lon không ai nắm được bí nhiệm của Thiên Chúa, chỉ có các thiếu niên Do-thái mới được Thiên Chúa mặc khải cho (Đn 2). Cũng thế, Chúa Giê-su ngợi khen Thiên Chúa như Cha đã tỏ mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn, tức là những kẻ tin theo và chỉ biết lệ thuộc vào Chúa Giê-su, như trẻ nhỏ lệ thuộc vào người lớn.
Đa-ni-en còn được mặc khải cho biết chuyện Con Người được Đấng cao niên (Thiên Chúa) ban tặng tất cả mọi sự (Đn 7). Ở đây, Chúa Giê-su cũng cho thấy Thiên Chúa đã giao phó mọi sự cho Ngài (x. Mt 28,18; Ga 5,22; 13,3; 17,2), nhất là cho Ngài biết Cha để rồi Ngài mặc khải cho người ta, nghĩa là để làm cho người ta được sống đời đời (x. Ga 17,3). Như thế, chính Chúa Giê-su là Con Người của sách Đa-ni-en, ở đây xuất hiện dưới danh xưng Con Thiên Chúa, là Vua và là Đấng mặc khải Nước Trời cho những người bé mọn. Những người này cũng là những kẻ vất vả, mang gánh nặng nề mà Chúa Giê-su kêu gọi đến với Ngài. Trước tiên, đây hiểu về những người Do-thái sống dưới ách của Lề Luật cũ và vô vàn vô số những tập tục nặng nề mà các kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu đã đặt ra (x. Mt 23,4). Nhưng cũng phải hiểu rộng ra về kiếp sống con người trên trần gian này nói chung.
h. Mang lấy ách của tôi là một kiểu nói bóng các thầy Ráp-bi xưa quen dùng, hàm ý nhìn nhận ai làm Thầy (x. Hc 6,24-25; 51,23.26; Is 55,1; Cn 9,5; Hc 24,19). Ách / gánh của Chúa Giê-su là đạo lý Tin Mừng. Có thể nói đạo lý này được tổng hợp trong ba điểm: Tin (trở thành môn đệ, thụ giáo với Chúa), khiêm nhượng (thái độ đối với Thiên Chúa), hiền lành (thái độ đối với tha nhân) như Chúa Giê-su. Nói khác đi: nhờ Chúa Giê-su và với Người, sống hoàn toàn theo ý Cha vì yêu mến, đồng thời vì vâng ý Cha, mà hy sinh cho tha nhân cho đến chết trên thập giá...