Người Do-thái đòi dấu lạ từ trời
1 Bấy giờ, có những người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc lại gần Đức Giê-su, và để thử Người, thì xin Người cho thấy một dấu lạ từ trời.2 Người đáp: “Chiều đến, các ông nói: ‘Ráng vàng thì nắng’,3 rồi sớm mai, các ông nói: ‘Ráng trắng thì mưa’. Cảnh sắc bầu trời thì các ông biết cắt nghĩa, còn thời điềm thì các ông lại không cắt nghĩa nổi.4 Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.” Rồi Người bỏ họ mà đi.
Men Pha-ri-sêu và Xa-đốc
5 Khi sang bờ bên kia, các môn đệ quên đem bánh.6 Đức Giê-su bảo các ông: “Anh em phải cẩn thận, phải coi chừng men Pha-ri-sêu và Xa-đốc.”7 Các môn đệ nghĩ thầm rằng: “Tại chúng ta không đem bánh.”8 Nhưng, biết thế, Đức Giê-su nói: “Sao anh em lại nghĩ đến chuyện không có bánh, người đâu mà kém tin vậy?9 Anh em chưa hiểu ư? Anh em không nhớ chuyện năm chiếc bánh nuôi năm ngàn người sao? Và anh em còn thu lại được bao nhiêu giỏ?10 Rồi chuyện bảy chiếc bánh nuôi bốn ngàn người nữa? Và anh em còn thu lại được bao nhiêu thúng?11 Tại sao anh em không hiểu rằng Thầy chẳng có ý nói về bánh, khi Thầy nói: Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu và Xa-đốc?”12 Bấy giờ các ông mới hiểu là Người không bảo phải coi chừng men bánh, mà phải coi chừng giáo lý Pha-ri-sêu và Xa-đốc.
Ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa
13 Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?”14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.”15 Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.”17 Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”20 Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.
Đức Giê-su tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ nhất
21 Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.22 Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”23 Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
Điều kiện phải có để theo Đức Giê-su
24 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.26 Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?
27 “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.28 Thầy bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị.”
e. Mặc dầu Chúa Giê-su đã làm nhiều phép lạ (x. Mt 11,5; 12,28), người Do-thái vẫn đòi hỏi một việc gì đó theo ý họ. Nhưng đòi hỏi như thế chứng tỏ họ không có thiện chí tìm sự thật. Cả cuộc đời của Chúa với lời giảng dạy và nhất là các phép lạ quả là dấu cho người ta nhận ra thời Mê-si-a. Nhưng người ta đã không muốn chấp nhận ý nghĩa này. Về dấu lạ ông Giô-na, xin xem lại Mt 12,38-40+.
g. Thầy trò lại chèo thuyền qua bờ bên đông Hồ hướng về Bét-xai-đa (Mc 8,22), để từ đó đi lên vùng Xê-da-rê của ông Phi-líp-phê. Trên thuyền, Chúa Giê-su đề cao cảnh giác về ảnh hưởng đạo lý của nhóm Pha-ri-sêu và Xa-đốc. Nghe nói đến men, các môn đệ liền nghĩ tới bánh và sực nhớ ra mình đã không dự liệu đủ bánh cho cuộc hành trình. Thấy được ý nghĩ của họ, Chúa Giê-su trách họ hai điều: một là chậm hiểu và không để ý đến những điều Người gợi ý, nhắc nhở; hai là quá bận tâm đến những chuyện vật chất, đâm ra lo lắng một cách không cần thiết. Cả hai đều chứng tỏ lòng tin của họ đối với Chúa còn kém.
Hình ảnh men để chỉ ảnh hưởng xấu cũng sẽ được thánh Phao-lô dùng lại để khuyến cáo các tín hữu (1 Cr 5,6.11).
h. Xê-da-rê gọi là của Phi-líp-phê để phân biệt với một thị trấn khác nằm bên bờ Địa Trung Hải trong đất Pa-lét-tin. Từ hồ Ga-li-lê đi lên phía bắc độ 50 cây số, thành này do quận vương Hê-rô-đê Phi-líp-phê xây vào năm 2 trước CN để kính nhớ hoàng đế Au-gút-tô.
i. Sau một thời gian khá lâu rao giảng cho dân về Nước Trời, bây giờ đúc kết thành quả: nói chung quần chúng không đáp ứng sứ điệp của Chúa Giê-su, mặc dù có lúc họ cũng đặt nghi vấn không biết Người có phải là con vua Đa-vít không, kể cả có lúc họ tính đặt Người làm vua (Ga 6,14).
k. Đặt vấn đề với các môn đệ là Chúa Giê-su muốn cho họ ý thức về lập trường của chính mình họ.
l. Ông Phê-rô thay mặt anh em tuyên xưng Người là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Trong ý nghĩ của ông Phê-rô, tước hiệu này không rõ ràng lắm. Có lẽ đấy chỉ là một cách giải thích tước hiệu Ki-tô theo nghĩa lời ngôn sứ Na-than trong 2 Sm 7,14 (x. 1 Sb 17,13). Lẽ tất nhiên đối với Mát-thêu khi viết lại chuyện này, cũng như với Giáo Hội sơ khai, thành ngữ Con Thiên Chúa còn đưa về tình phụ tử thật giữa Đức Giê-su và Thiên Chúa nữa (như thấy trong Mt 11,25; 14,33). Mặc dầu ông Phê-rô chưa hiểu hết ý của lời mình nói (x. 16,22-23), nhưng đây vẫn là một mặc khải của Thiên Chúa, mà Đức Giê-su gọi là Cha của mình.
Có thể Chúa Giê-su đã đặt tên Phê-rô (Kê-pha trong tiếng A-ram) cho con ông Giô-na trước rồi (x. Ga 1,42; Mc 3,16; Lc 6,14). Dầu sao thì từ đây, Phê-rô (Đá) cũng trở thành đặc danh của vị Trưởng Tông đồ để tượng trưng cho vai trò riêng của người trong việc thiết lập Giáo Hội của Chúa Ki-tô.
m. Hội Thánh tương đương với Qahal YHWH trong Cựu Ước, là cộng đoàn dân Thiên Chúa chọn, nhất là thời kỳ rong ruổi trên sa mạc Xi-nai (x. Đnl 4,10). Chúa Giê-su dùng lại danh xưng này để chỉ cộng đoàn Mê-si-a của Người, tức là cộng đoàn thời sau hết sẽ được thiết lập bằng Giao Ước mới trong chính Máu của Người (Mt 26,28). Vì thế Người gọi đó là Hội Thánh của Người, nghĩa là Qahal mới, tiếp nối và thay thế Qahal xưa... Hội Thánh chính là Nước Trời trên trần gian (c. 19), một xã hội có cơ cấu và tổ chức dưới quyền thủ lãnh của Phê-rô.
n. Quyền lực tử thần (ds: các cửa âm phủ), nơi giam giữ các kẻ chết, theo quan niệm Do-thái xưa (Ds 16,33). Ở đây có ý nói đến sức mạnh của ma quỷ dùng sự dữ để đưa người ta vào con đường tội lỗi và cuối cùng giam giữ họ trong sự chết đời đời. Câu nói của Chúa Giê-su gồm hai ý: Hội Thánh sẽ đứng vững trước sự tấn công của Xa-tan, nhưng nhất là Hội Thánh sẽ tấn công Xa-tan để giải thoát người ta.
o. Chìa khóa cũng như cầm buộc, tháo cởi đều là những từ chuyên biệt mượn ở Do-thái giáo để nói lên quyền của Phê-rô nhận vào hay loại khỏi Nước Trời, quyền đưa ra những quyết định giáo lý hoặc pháp lý, cho phép hay cấm chỉ để điều hành trong cộng đoàn, trong lãnh vực đức tin và luân lý. Những lời hứa này không chỉ là hứa cho cá nhân ông Phê-rô, mà cho cả các vị kế thừa ngài, bởi vì Hội Thánh phải tồn tại đến tận thế.
p. Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu...: kiểu nói muốn nhấn mạnh đến giai đoạn mới của cuộc đời Chúa Giê-su, được ghi mốc bằng ba lần loan báo cuộc Thương Khó. Đây là lần thứ nhất. Các môn đệ vừa công khai xưng nhận Người là Đấng Mê-si-a, Chúa Giê-su liền tiết lộ rằng rồi đây, vâng theo ý định của Thiên Chúa, Người sẽ đi Giê-ru-sa-lem để chịu đau khổ và chết, nhưng rồi ngày thứ ba Người sẽ sống lại.
q. Ông Phê-rô, vì quá nhiệt tình với Thầy theo cảm nghĩ tự nhiên, đã vô tình trở thành người cản lối Thầy. Chữ Xa-tan theo nguyên nghĩa là kẻ phá ngang, kẻ cản trở. Ở đây lời can ngăn của ông Phê-rô còn gợi lại lời cám dỗ của Xa-tan trong hoang địa (4,1-11). Ở 4,10: Chúa Giê-su đuổi Xa-tan lui đi, còn ở đây Chúa chỉ buộc ông Phê-rô lui lại đàng sau, đi theo Chúa Giê-su, giữ vị thế môn đệ của Thầy. Cần lưu ý đến sự đối kháng tư tưởng giữa cc. 16-19 và 21-23.
r. Theo Thầy: trở thành môn đệ của Thầy để cộng tác vào công cuộc xây dựng Nước Trời. Từ bỏ chính mình cũng có nghĩa là vác thập giá mình, tức là chấp nhận đồng thân phận tôi tớ với Thầy trong cuộc sống và trong cái chết.
s. Lời tuyên bố có tính cách nghịch lý kiểu Do-thái, dựa trên lòng tin có sự sống vĩnh cửu sau cái chết ở trên đời này. Con người khôn là con người biết sống cuộc sống hiện tại này làm sao, để khi chết được bước vào sự sống thật, được sống mãi. Chúa Giê-su đã vạch ra con đường đưa tới sự sống vĩnh cửu ấy. Mạch lạc giữa câu 25-26 và 24 cho hiểu không còn con đường sống nào khác.
t. Giá trị cuộc sống thật sự chỉ tỏ hiện trong cuộc chung thẩm. Chúa Giê-su quả quyết sẽ có cuộc chung thẩm đó và chính Người sẽ là vị Thẩm Phán; Người sẽ phán xét căn cứ trên thái độ của mỗi người đối với Người. Tuy nhiên, ngày chung thẩm sẽ được báo trước bằng một biến cố đặc biệt: đó là Giê-ru-sa-lem bị tàn phá. Sự việc này xảy ra năm 70, khi mà nhiều người đương thời với Chúa Giê-su vẫn còn sống. Giê-ru-sa-lem bị tàn phá chính là Ít-ra-en bị phán xét để nhường chỗ cho Giáo Hội của Chúa Ki-tô. Con Người đến hiển trị là thế.