Đức Giê-su bị giải đến tổng trấn Phi-la-tô
1 Trời vừa sáng, tất cả các thượng tế và kỳ mục trong dân cùng nhau bàn kế hại Đức Giê-su, để xử tử Người.2 Sau đó, họ cho trói Người lại và giải đi nộp cho tổng trấn Phi-la-tô.
Giu-đa đi thắt cổ
3 Bấy giờ, Giu-đa, kẻ đã nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục4 mà nói: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan.” Nhưng họ đáp: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!”5 Giu-đa ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ.6 Các thượng tế lượm lấy số bạc ấy mà nói: “Không được phép bỏ vào quỹ Đền Thờ, vì đây là giá máu.”7 Sau khi bàn định với nhau, họ dùng tiền đó tậu “Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm” để làm nơi chôn cất khách ngoại kiều.8 Vì vậy mà thửa ruộng ấy gọi là “Ruộng Máu” cho đến ngày nay.9 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Họ đã lượm lấy ba mươi đồng bạc, tức là cái giá mà một số con cái Ít-ra-en đã đặt khi đánh giá Người.10 Và họ lấy số bạc đó mà mua ‘Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm’, theo những điều Đức Chúa đã truyền cho tôi.”
Đức Giê-su ra trước tòa tổng trấn Phi-la-tô
11 Đức Giê-su bị điệu ra trước mặt tổng trấn; tổng trấn hỏi Người: “Ông là vua dân Do-thái sao?” Đức Giê-su trả lời: “Chính ngài nói đó.”12 Nhưng khi các thượng tế và kỳ mục tố Người, thì Người không trả lời một tiếng.13 Bấy giờ ông Phi-la-tô hỏi Người: “Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao?”14 Nhưng Đức Giê-su không trả lời ông về một điều nào, khiến tổng trấn rất đỗi ngạc nhiên.
15 Vào mỗi dịp lễ lớn, tổng trấn có lệ phóng thích cho dân chúng một người tù, tùy ý họ muốn.16 Mà khi ấy có một người tù khét tiếng, tên là Ba-ra-ba.17 Vậy khi đám đông đã tụ họp lại, thì tổng trấn Phi-la-tô nói với họ: “Các người muốn ta phóng thích ai cho các người đây? Ba-ra-ba hay Giê-su, cũng gọi là Ki-tô?”18 Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Người.
19 Lúc tổng trấn đang ngồi xử án, thì bà vợ sai người đến nói với ông: “Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mình phải khổ nhiều vì ông ấy.”
20 Nhưng các thượng tế và kỳ mục lại xúi đám đông đòi tha tên Ba-ra-ba mà giết Đức Giê-su.21 Tổng trấn hỏi họ: “Trong hai người này, các người muốn ta tha ai cho các người?” Họ thưa: “Ba-ra-ba! “22 Tổng trấn Phi-la-tô nói tiếp: “Thế còn ông Giê-su, cũng gọi là Ki-tô, ta sẽ làm gì đây?” Mọi người đồng thanh: “Đóng đinh nó vào thập giá!”23 Tổng trấn lại nói: “Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác?” Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!”24 Tổng trấn Phi-la-tô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: “Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!”25 Toàn dân đáp lại: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!”26 Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Ba-ra-ba cho họ, còn Đức Giê-su, thì ông truyền đánh đòn, rồi trao cho họ đóng đinh vào thập giá.
Đức Giê-su phải đội vòng gai
27 Bấy giờ lính của tổng trấn đem Đức Giê-su vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người.28 Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ,29 rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: “Vạn tuế đức vua dân Do-thái!”30 Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người.31 Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.
Đức Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá
32 Đang đi ra, thì chúng gặp một người Ky-rê-nê, tên là Si-môn; chúng bắt ông vác thập giá của Người.33 Khi đến nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ,34 chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống.35 Đóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau.36 Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người.
37 Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội viết rằng: “Người này là Giê-su, vua dân Do-thái.”38 Cùng bị đóng đinh với Người, có hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái.
Đức Giê-su bị nhục mạ
39 Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu40 vừa nói: “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!”41 Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói:42 “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!43 Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: Ta là Con Thiên Chúa!”44 Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế.
Đức Giê-su trút linh hồn
45 Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín.46 Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”47 Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Hắn ta gọi ông Ê-li-a!”48 Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống.49 Còn những người khác lại bảo: “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không!”50 Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.
51 Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ.52 Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy.53 Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người.54 Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.”
55 Ở đó, cũng có nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa. Các bà này đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người.56 Trong số đó, có bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Ma-ri-a mẹ các ông Gia-cô-bê và Giô-xếp, và bà mẹ các con ông Dê-bê-đê.
Mai táng Đức Giê-su
57 Chiều đến, có một người giàu có tới. Ông này là người thành A-ri-ma-thê, tên là Giô-xếp, và cũng là môn đệ Đức Giê-su.58 Ông đến gặp ông Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Bấy giờ tổng trấn Phi-la-tô ra lệnh trao trả thi hài cho ông.59 Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm,60 và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về.61 Còn bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a ở lại đó, quay mặt vào mồ.
Lính canh mồ
62 Hôm sau, tức là khi ngày áp lễ đã qua, các thượng tế và những người Pha-ri-sêu kéo nhau đến ông Phi-la-tô,63 và nói: “Thưa ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói: ‘Sau ba ngày, Ta sẽ trỗi dậy.’64 Vậy xin quan lớn truyền canh mộ kỹ càng cho đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ hắn đến lấy trộm xác rồi phao trong dân là hắn đã từ cõi chết trỗi dậy. Và như thế, chuyện bịp cuối cùng này sẽ còn tệ hại hơn chuyện trước.”65 Ông Phi-la-tô bảo họ: “Thì có sẵn lính đó, các người hãy đi mà canh giữ theo cách các người biết!”66 Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ.
Mc 15,1-15; Lc 23,1-21; Ga 18,28-40
Mc 15,2-15; Lc 23,2-7.13-25; Ga 18,28–19,11
Mc 15,21-28; Lc 22,26.33-34.36-38; Ga 19,17-24
Mc 15,20.26.29-32; Lc 23,35-38
Mc 15,33-37; Lc 23,44-48; Ga 19,28-30
Mc 15,42-47; Lc 23,50-55; Ga 19,38-42
a. Ông Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn xứ Giu-đê, xứ I-đu-mê và xứ Sa-ma-ri từ năm 26 đến năm 36 CN. Theo đường lối chung của đế quốc Rô-ma, Thượng Hội Đồng Do-thái được khá nhiều tự do trong việc điều hành đời sống chính trị và tôn giáo của dân. Tuy nhiên tại Giu-đê cũng như trong tất cả các tỉnh của đế quốc, án tử hình của Thượng Hội Đồng phải được nhà cầm quyền Rô-ma phê chuẩn mới thi hành được.
b. Một truyền thống rất xưa, có lẽ chính xác, đặt khu đất này ở phía nam thung lũng Hin-nom, tây nam Giê-ru-sa-lem. Gọi là Ruộng Ông Thợ Gốm có lẽ vì thợ gốm lấy đất thó (sét) từ chỗ đó làm công nghệ của mình. Theo Cv 1,18, Giu-đa đã dùng tiền công của tội ác mà tậu một thửa đất; có phải Mát-thêu trong câu này ngụ ý nói Giu-đa đã được chôn cất trên thửa đất này? Dầu sao thì trước khi tự vẫn, Giu-đa cũng đã xưng nhận Chúa Giê-su vô tội.
c. Đoạn văn trích đúng ra là của Da-ca-ri-a (11,12-13), Mát-thêu trích như của Giê-rê-mi-a, vì đoạn văn còn lấy cả từ Giê-rê-mi-a nữa (36,6-15; x. 18,2-12 và 19,4-15). Thời bấy giờ các Ráp-bi có thói quen phối hợp các lời Sách Thánh lại như vậy. Lúc ấy, thường họ trích dưới tên vị thánh ký chính, như Giê-rê-mi-a ở đây. Mát-thêu theo đúng chủ trương của mình trong Tin Mừng: dẫn chứng cụ thể cho thấy Sách Thánh ứng nghiệm về Chúa Giê-su như thế nào.
d. Câu hỏi của tổng trấn giả thiết vụ người Do-thái đã tố cáo Chúa Giê-su tội tự xưng là vua (x. Lc 23,1-2). Câu trả lời của Chúa xác nhận sự kiện Người là vua; có điều là kiểu nói cũng ngụ ý rằng ý nghĩa vua một bên theo tổng trấn và người Do-thái và một bên theo Chúa Giê-su chưa hẳn đã trùng nhau.
đ. Lệ phóng thích một người tù vào dịp lễ Vượt Qua tuy không thấy tài liệu nào khác nói tới, nhưng không có gì khó hiểu. Mát-thêu nhấn mạnh việc toàn dân nghe theo giới lãnh đạo, xin tha Ba-ra-ba và giết Chúa Giê-su: chấp nhận máu hắn cứ đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi (c. 25) để giải thích việc Ít-ra-en bị loại và muôn dân được vào Giao Ước mới.
e. Chuyện chiêm bao này chỉ mình Mát-thêu kể. Lời bà vợ Phi-la-tô nói Chúa Giê-su là người công chính cũng gợi cho người đọc nghĩ tới Is 53,11 cùng nhiều chi tiết khác trong trình thuật Thương Khó, và gợi lên hình ảnh Người Tôi Tớ của Đức Chúa.
g. Tử hình thập giá là lối xử tử rất dã man, nhưng thời ấy người Rô-ma lại thường sử dụng cho giai cấp nô lệ và các dân bị trị.
h. Rửa tay như thế là một cử chỉ tượng trưng mà người Do-thái phải hiểu rất rõ (Đnl 21,6-8; Tv 26,6; 73,13): không phải tổng trấn Phi-la-tô, mà một mình người Do-thái phải chịu trách nhiệm về chuyện xảy ra sau đó.
i. Quần chúng vô ý thức, do các thượng tế và kỳ mục xúi giục, đã không ngần ngại nhận trách nhiệm bằng một câu nói rút từ Sách Thánh (2 Sm 1,16; Gr 26,15; Cv 5,28; 18,6). Nên biết cũng chỉ mình Mát-thêu ghi lời này của dân: Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi.
k. Đối với Mát-thêu hình phạt đánh đòn này là để chuẩn bị dẫn đi đóng đinh thập giá. Còn theo Ga 19,1 và Lc 23,16, tổng trấn Phi-la-tô ra lệnh đánh đòn Chúa Giê-su để sửa phạt mà thôi, vì ông hy vọng như thế sẽ khiến cho người Do-thái nguôi, không đòi xử tử nạn nhân nữa. Hình như đó là ý định đầu tiên của ông; nhưng áp lực của đám đông đã làm ông nhượng bộ, và cuộc đánh đòn đã trở thành biện pháp chuẩn bị cho việc đóng đinh, theo thói quen thời ấy. Luật Mô-sê cũng có quy định hình phạt này (Đnl 25,2), nhưng chủ yếu đây là một thói quen của Rô-ma. Dữ dằn nhất là thứ roi tua có gắn những cục xương nhỏ, hoặc những miếng chì ở đầu dây, có thể lặn sâu và móc cả thịt nạn nhân ra. Trước khi đóng đinh vào thập giá, người ta đánh nạn nhân cho yếu nhược đi để họ chết lẹ hơn.
l. Dinh này trước kia là lâu đài của vua Hê-rô-đê Cả, thời bấy giờ là nơi ở thường xuyên của tổng trấn Rô-ma trong thời gian ông từ Xê-da-rê lên Giê-ru-sa-lem để giữ an ninh trong những dịp lễ Do-thái.
m. Một cơ đội Rô-ma có độ sáu trăm lính, tức là một phần mười đạo binh. Nhưng ở đây tiếng nói trống về đơn vị phục vụ tại đó; không cần hiểu là tất cả đơn vị ấy cùng tập trung lại quanh Chúa Giê-su.
n. Áo choàng đỏ là áo khoác ngoài của người lính Rô-ma. Màu đỏ là màu vương giả, để giễu cợt Chúa Giê-su. Đề tài này nhiều lần được Cựu Ước đề cập tới: người công chính và kẻ nghèo hèn là đối tượng cho người ta nhạo cười và đay nghiến (Tv 22,8; 44,14).
o. Trước đây (26,68) dân Do-thái chế nhạo Chúa như Ngôn Sứ, bây giờ người Rô-ma nhạo cười Người như Vua: hai khía cạnh tôn giáo và chính trị trong vụ án của Chúa Giê-su.
p. Ky-rê-nê bên bờ biển của Bắc Phi Châu; bấy giờ kiều dân Do-thái ở đấy khá đông (x. Cv 2,10; 11,20).
q. Gọi là Đồi Sọ vì đồi có hình dáng một cái sọ người.
r. Rượu pha mật đắng: có lẽ Mát-thêu nghĩ tới lời Tv 69,22; thật ra rượu đó pha mộc dược (x. Mc 15,23), mục đích là giảm đau cho nạn nhân vì nó có chất gây mê. Các bà Do-thái có thói quen nhân đạo cho các nạn nhân uống như thế (x. Lc 23,27 tt). Chúa Giê-su chỉ nếm qua để tỏ lòng biết ơn người đã có thiện chí giúp đỡ mình, nhưng Người không uống, vì không muốn bị hôn mê.
s. Mát-thêu không nói gì về cách thức Chúa chịu đóng đinh cũng như về hình dạng cây thập giá. Theo thói quen chung của người Rô-ma, thì trước tiên hai tay nạn nhân bị đóng vào cây ngang, sau đó được giương lên, đặt trên bệ của cây dọc chôn sẵn xuống đất, bấy giờ hai chân mới bị đóng vào bệ đó, mỗi chân một đinh. Hình dáng thập giá thì đại khái giống như các thánh giá hiện nay, như có thể phỏng đoán qua điều Ga 19,19 kể về tấm bảng treo trên thập giá. Về chiều cao, xét chung theo tục lệ qua các tài liệu, thì bình thường các thập giá không cao, vì có khi thi thể nạn nhân bị thú dữ cắn xé. Tuy nhiên, trường hợp Chúa Giê-su, căn cứ trên chi tiết kể trong Ga 19,29 có thể kết luận Chúa Giê-su bị đóng đinh trên một thập giá cao hơn bình thường.
t. Cũng theo tục lệ, trước khi đóng đinh nạn nhân, bọn lính có nhiệm vụ hành quyết lột áo nạn nhân ra và chia thành 4 phần như sau: mũ trùm đầu, đôi dép, áo khoác, dây thắt lưng. Ga 19,23-24 nói chi tiết về điểm này và ghi rõ rằng: áo trong (dài) của Chúa được dệt liền từ trên xuống dưới, nên đám lính không xé ra, nhưng bắt thăm. Chi tiết này làm ứng nghiệm câu Tv 22,9 là thánh vịnh nói về người công chính bị đau khổ.
u. Sở dĩ đội lính phải canh, là sợ có ai tìm cách tháo gỡ nạn nhân xuống trước khi chết. Thường thường, những người bị đóng đinh như thế không thể chết ngay; có người sống đến ba ngày sau. Chúa Giê-su thì tắt thở rất sớm, khiến Phi-la-tô phải ngạc nhiên (x. Mc 15,44.45).
v. Bản án đóng trên đầu thập giá với nội dung mỉa mai dân Do-thái, đã do chính tổng trấn Phi-la-tô ra lệnh viết (x. Ga 19,19-22).
x. Mát-thêu kể lời nhạo báng và thách thức Chúa y như đã thấy trong Tv 22,9.
y. Chúa Giê-su kêu lớn tiếng trước khi chết. Người dùng lời Tv 22,2 để cầu nguyện.
a. Gọi ông Ê-li-a: không biết là do lầm lẫn của mấy tên lính không biết tiếng A-ram, hay là một cách chơi chữ hiểm độc của người Do-thái nhạo báng Chúa theo tin tưởng bình dân rằng, ngôn sứ Ê-li-a sẽ đến cứu vớt người công chính lúc ngặt nghèo.
b. Cử chỉ của người lính (x. Lc 23,36) nguyên là một việc nhân đạo, vì thứ gọi là giấm đó là rượu chua của lính Rô-ma (x. Ga 19,28 tt). Các Tin Mừng Nhất Lãm gọi là giấm vì muốn đưa về Tv 69,22.
c. Từ Hy-lạp dùng ở đây katapétasma, theo Xh 26,31, chỉ bức trướng phân chia Nơi Thánh với Nơi Cực Thánh trong Đền Thờ. Chỉ có thượng tế được vào Nơi Cực Thánh mỗi năm một lần vào ngày lễ Xá Tội. Sự việc này ám chỉ rằng chức tư tế và nền phụng tự cũ đã bị hủy bỏ và từ đây Chúa Ki-tô đã mở ngỏ lối vào Đền Thờ cánh chung, cung thánh trên trời (Hr 9,12; 10,19.20).
d. Những hiện tượng khác thường diễn tả trong cc. 51-53 cũng như tối tăm nói đến ở c. 45 đều là những dấu hiệu tiêu biểu cho Ngày của Đức Chúa do các ngôn sứ đưa ra (Am 8,3; Is 26,19; Ed 37,12; Đn 12,2). Ý nghĩa nhất là việc người lành Cựu Ước sống lại: nhờ Chúa Giê-su chết, các ngài được thoát tử thần (Mt 16,18) và sẽ theo Chúa vào Thành Thánh, tức là Giê-ru-sa-lem trên trời (Kh 21,2-10; 22,19). Từ sự kiện này, thánh Phê-rô sẽ nói rõ về việc Chúa Ki-tô xuống âm phủ giải thoát các vong linh (1 Pr 3,19).
đ. Cần phải hành động mau lẹ, bởi vì thời giờ không còn bao nhiêu. Mặt trời lặn là bước sang ngày lễ lớn, lễ Vượt Qua, mà lại là ngày sa-bát nữa. Từ trước tới nay, ông Giô-xép này không được nhắc đến, nhưng nhờ sự việc này, chúng ta được biết về ông như sau: là người giàu có, gốc từ A-ri-ma-thê, đông-bắc Lít-đa, một thành viên nổi tiếng của Thượng Hội Đồng (Mc 15,43), một con người tốt lành và đạo đức (Lc 23,50), cũng là môn đệ Chúa Giê-su nhưng âm thầm (Ga 19,38), vẫn mong đợi Ngày Thiên Chúa (Mc 15,43). Lúc này thì ông không ẩn tránh nữa. Cùng với ông Ni-cô-đê-mô, cũng là một thành viên Thượng Hội Đồng đã tin Chúa Giê-su, ông ra mặt hành động (Mc 15,43).
e. Luật Rô-ma bấy giờ cho phép bà con hoặc thân hữu của người bị hành quyết được lãnh xác về chôn. Mát-thêu nói tới tấm vải gai sạch và ngôi mộ mới là muốn đề cao lòng tôn kính của người môn đệ đối với Thầy; nhưng cũng nên nhớ rằng thi thể của một người bị hành quyết phải được chôn trong mộ mới, chứ đặt vào mộ đã chôn rồi thì nó sẽ làm dơ uế hài cốt của người công chính. Sự kiện này cũng như việc Mát-thêu lưu ý tới chuyện ông Giô-xép là một người giàu có (c. 57) là những chi tiết cuối cùng gợi lại hình ảnh Người Tôi Tớ Đức Chúa trong Is 53,9.
g. Một lần nữa Mát-thêu ghi nhận kỹ càng sự chứng kiến của hai bà Ma-ri-a trong việc mai táng và lấp mồ Chúa, là vì cũng các bà này sẽ lại chứng kiến, trước mọi người, ngôi mộ đã mở và trống không như thế nào, vào sáng ngày thứ nhất trong tuần (Mt 28,1 tt).
h. Sự việc này chỉ một mình Mát-thêu kể, hẳn là với chủ đích biện minh chống dư luận Do-thái lúc ấy cho rằng thi hài Chúa Giê-su đã bị đánh cắp. Một cách gián tiếp, sự việc này cũng hỗ trợ cho trình thuật sống lại ở ch. 28.
i. Ngày áp lễ: từ Hy-lạp có nghĩa là chuẩn bị tức là chuẩn bị lễ Vượt Qua năm ấy nhằm ngày sa-bát.
k. Câu nói của ông Phi-la-tô có vẻ nói xãng và bất mãn: Thì có sẵn lính đó. Trong Hy-lạp có thể hiểu theo lối trình bày (các ông đang có lính đó) hoặc theo lối mệnh lệnh (các ông cứ dùng lính). Nếu hiểu cách thứ nhất thì tổng trấn có ý nói dến lính canh giữ Đền Thờ, là người Do-thái và thuộc hàng tư tế Lê-vi (x. Lc 22,4); tổng trấn đồng ý chuyện canh mộ. Tuy nhiên, có lẽ hợp lý hơn đọc theo cách thứ hai: tổng trấn cho phép dùng lính Rô-ma đang làm phận sự tại Giê-ru-sa-lem để thực hiện ý định của các thượng tế và nhóm Pha-ri-sêu, vì sau này (28,13-15) họ hứa sẽ can thiệp với tổng trấn cho bọn lính canh đã để mất xác Chúa Giê-su.