Ngôi mộ trống
1 Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ.2 Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên;3 diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết.4 Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi.5 Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh.6 Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm,7 rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay.”8 Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.
Đức Giê-su hiện ra với các phụ nữ
9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người.10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”
Các thượng tế lừa đảo
11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra.12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn,13 và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác.14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.”15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.
Đức Giê-su hiện ra tại Ga-li-lê, và sai môn đệ đi đến với muôn dân
16 Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến.17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
Mc 16,1-8; Lc 24,1-7; Ga 20,1-10
Mc 16,14-18; Lc 24,36-39; Ga 20,19-23; Cv 1,6-8
l. Mặc dầu ngày của người Do-thái tính từ lúc mặt trời lặn hôm trước, quãng 6 giờ chiều và động từ Hy-lạp (bừng sáng lên), Mát-thêu dùng có thể hiểu về lúc sao hôm xuất hiện lúc chập tối, nhưng trong văn mạch (các bà ra viếng mộ) và đối chiếu với các đoạn song song (Mc 16,1 và Lc 24,1), thì phải hiểu câu nói của Mát-thêu về sáng Chúa nhật, chứ không thể hiểu về chiều thứ bảy được.
m. Một bà khác cũng tên là Ma-ri-a: có lẽ đó là mẹ ông Gia-cô-bê và ông Giô-xép nói ở 27,56. Vì Mát-thêu đã kể việc niêm phong mộ Chúa, nên ở đây các bà chỉ đến viếng mộ, kiểu người Do-thái có tục lệ đi hành hương tới mộ của các vị thánh; Mác-cô (16,1) và Lu-ca (24,1) không nói tới việc niêm phong thì kể rõ chủ đích cuộc viếng mộ là để xức dầu ướp xác Chúa.
n. Mát-thêu rất để ý tới chuyện đất rung chuyển, ở đây cũng như lúc Chúa tắt thở (27,51 tt). Câu văn viết theo thể văn khải huyền gợi lên tầm mức vũ trụ của biến cố: Chúa Giê-su phục sinh nghĩa là Thiên Chúa đã chiến thắng tử thần.
o. Thiên thần Chúa: hiểu theo nghĩa trong các bản văn của Cựu Ước (St 16,7.13; 21,17; 22,11-15; Xh 3,2-6; 14,19; v.v...) thì là chính Thiên Chúa. Quả thật, trong biến cố này Người hành động (c. 2) và nói (c. 5.7) với chính uy thế của Thiên Chúa; và diện mạo của Người (c. 3) chói lòa như chớp, một cách diễn tả cổ điển về những cuộc thần hiển, và chính Chúa Giê-su đã dùng như biểu tượng của Con Người lúc quang lâm phán xét (x. Mt 24,27).
p. Mát-thêu không diễn tả chính việc sống lại, ông chỉ dùng kiểu nói khải huyền để nói đến các hậu quả của việc Thiên Chúa làm. Trong khi lính canh sợ chết ngất đi, thì Thiên Chúa mặc khải biến cố cho các bà. Trong bản Hy-lạp, đại từ chỉ ngôi (hymeis) đặt ở cuối câu đừng sợ, như đối lập các bà với bọn lính canh, lính sợ, chứ các bà không việc gì phải sợ!
q. Trong sứ điệp của thiên thần, điều cần được lưu ý đặc biệt là sự đối chọi giữa Đấng bị đóng đinh và Người đã trỗi dậy. Lời giảng tiêu biểu nhất của Hội Thánh sơ khai nổi bật vì luôn nêu ra sự đối chọi này (x. Cv 2,23-24.36; 4,10; v.v...). Thiên thần cũng nhắc lại việc Chúa Giê-su đã báo trước Người sẽ sống lại và hẹn gặp lại các môn đệ tại Ga-li-lê.
r. Sự sợ hãi của các bà phải coi như là một phản ứng có ý nghĩa thần học hơn là tâm lý: một cảm nghiệm siêu nhiên về cuộc thần hiển, một sự gặp gỡ Thiên Chúa.
s. Chỉ có Mát-thêu kể chuyện này; nhưng có lẽ phải đồng hóa việc này với việc Gio-an (20,24 tt) kể về một mình Ma-ri-a Mác-đa-la. Một dấu hiệu là ở cả hai nơi, Chúa Giê-su gọi các môn đệ là anh em của Thầy.
t. Cũng một công thức chào bằng tiếng Hy-lạp khairêtê: hãy vui lên như khi thiên thần Gáp-ri-en chào Đức Ma-ri-a (Lc 1,28): lời chào đồng thời cũng là lời kêu gọi vui lên vì niềm vui ơn cứu độ do Chúa phục sinh mang lại.
Về các cuộc hiện ra của chính Chúa Giê-su, thì các Tin Mừng không nhất trí với nhau. Tuy nhiên, cần để ý là không tác giả nào muốn kể về tất cả mọi lần hiện ra. Mặt khác, qua nhiều đoạn văn Tân Ước, chúng ta có thể phỏng đoán được trong thời gian bốn mươi ngày trước khi lên trời, Chúa Giê-su đã hiện ra nhiều lần chứ không phải chỉ có những lần được kể lại mà thôi (x. Cv 1,3; 13,31; 1 Cr 15,3-8).
Mát-thêu, theo đường lối giản lược quen thuộc của người, đã bỏ nhiều hoàn cảnh và chi tiết cụ thể. Điều người đặc biệt quan tâm, khi kết thúc Tin Mừng, là làm nổi bật sự kiện căn bản làm nền tảng cho Hội Thánh. Sự kiện đó là cuộc hiện ra long trọng với các Tông Đồ tại Ga-li-lê để sai các ngài đi rao giảng Tin Mừng cho khắp thế giới.
u. Chuyện này đi với Mt 27,62-66 và cũng chỉ một mình Mát-thêu kể. Cũng như ở trên, hình như ở đây tác giả cũng muốn đối chọi bọn lính với các bà: trong khi các bà hối hả chạy về loan tin Chúa sống lại, thì bọn lính cũng mau mắn về báo cáo với các thượng tế, tức là những người lãnh đạo của dân Do-thái. Thượng Hội Đồng Do-thái nhóm họp để tìm cách ém nhẹm sự việc. Suốt cuộc Thương Khó, những người lãnh đạo đã tỏ ra là những người gian dối và chai đá. Đây là tột đỉnh sự gian dối và chai đá của họ. Chúa Giê-su dứt khoát loại bỏ họ cùng với dân do họ lãnh đạo và trao cho nhóm Mười Một quy tụ một dân mới và dạy dỗ dân mới sống theo lời Người.
v. Cuộc hiện ra long trọng này phải được coi là chính thức, vì mục đích là để trao sứ mệnh cho Hội Thánh qua các Tông Đồ, chứ không phải để chứng tỏ Chúa đã sống lại. Trình thuật này của Mát-thêu tương đương với các trình thuật Mc 16,14-18; Lc 24,36-49 và Ga 20,19-23 xét về ý nghĩa.
x. Mười một môn đệ, vì Giu-đa không còn nữa và Mát-thi-a chưa được chọn (x. Cv 1,15-26). Hiển nhiên các môn đệ này làm thành nhóm cố định, tức là Tông Đồ Đoàn, có nhiệm vụ lãnh đạo Hội Thánh Chúa.
y. Tới miền Ga-li-lê tức là đến với dân ngoại như chính Thầy khi khởi sự sứ vụ trần gian (x. Mt 4,12-17).
a. Đến ngọn núi...: xét về địa điểm thì không biết là đâu; nhưng chắc chắn Mát-thêu muốn nói đến núi theo nghĩa tượng trưng: Núi là nơi Thiên Chúa mặc khải; chính Chúa Giê-su đã khai mạc Nước Trời trên núi (Mt 5,1), đã tỏ vinh quang Mê-si-a trên núi (Mt 17,1-8), và bây giờ cũng ở trên núi mà Người sai Hội Thánh đi, tiếp tục công việc Người đã khởi sự.
b. Thấy Người, các ông bái lạy: sau nhiều lần hiện ra để khắc phục lòng tin của các môn đệ nói chung, và các Tông Đồ nói riêng, lần này Chúa Giê-su hiện ra để trao sứ mệnh toàn cầu cho các ngài trước khi lên trời. Cử chỉ bái lạy nói lên lòng tin và nhất là sự tôn thờ Chúa phục sinh.
c. Nhưng có mấy ông lại hoài nghi: câu này thật khó hiểu ở đây, vì nó hầu như mâu thuẫn với điều vừa nói. Để tránh khó khăn về ý nghĩa, có người dịch là ... các ông bái lạy, các ông là những người trước đã hoài nghi. Nhưng cách dịch này không thích hợp với văn phạm Hy-lạp. Ý kiến khác giải thích về sự nhận diện Chúa Giê-su: không phải hoài nghi việc Chúa đã sống lại, nhưng hoài nghi không biết người đang tiến lại gần kia có phải thật là Chúa Giê-su không, cũng như Ma-ri-a Mác-đa-la lầm tưởng Người là ông làm vườn, hoặc như hai môn đệ tưởng Người là một lữ khách bình thường. Thế nhưng giải thích như thế vẫn còn khó hiểu tại sao các ông lại bái lạy Người trước rồi.
Một ý kiến khác nữa cho rằng Mát-thêu bắt buộc phải nói đến sự hoài nghi của các Tông Đồ trước khi đi đến lòng tin đầy đủ; vì không kể các cuộc hiện ra khác, nên không có chỗ để nói về sự hoài nghi của các môn đệ (một sự kiện tất cả các trình thuật Tin Mừng khác đều nói đến). Vì thế Mát-thêu đã phải đặt ở đây, không phải như là thái độ của các Tông Đồ lúc ấy, nhưng là của một lúc nào đó, trước khi các ông tin hoàn toàn. Có thể coi đây như một trường hợp trục trặc về kỹ thuật viết văn, chứ không mâu thuẫn về tư tưởng. Sau cùng có một cách giải thích nữa, cũng đáng để suy nghĩ. Vì cuộc hiện-ra-để-trao-sứ-mệnh này mang ý nghĩa cộng đoàn (nhóm Mười Một và có thể có cả các môn đệ nam, nữ khác, là hiện thân của Hội Thánh), nên sự hoài nghi đây không hiểu như chuyện cá nhân các Tông Đồ lúc đó, mà hiểu tượng trưng về thái độ của Hội Thánh nói chung trong suốt dòng lịch sử của mình cho đến tận thế. Nhóm người đó đã nhận lệnh trở thành Hội Thánh của toàn cầu, nhưng Hội Thánh này luôn luôn bị cám dỗ tự khép mình lại... Có thể nói rằng khi viết câu Nhưng có mấy người vẫn hoài nghi là Mát-thêu nghĩ đến cộng đoàn lúc ngài viết, và mỗi lần đọc lại, chúng ta phải hiểu về Hội Thánh của thời đại chúng ta: Chúa phục sinh đã hiển nhiên như vậy mà có kẻ vẫn do dự.
d. Cao điểm của cuộc hiện ra là từ c. 18b: Chúa Giê-su tuyên bố trao sứ mệnh cho Hội Thánh qua các Tông Đồ. Ngày xưa, cũng trên núi, Người đã từ chối nhận quyền Xa-tan hứa ban trên tất cả các nước thế gian (Mt 4,8-10), thì bây giờ Người tuyên bố Thiên Chúa đã ban cho Người tất cả; chúng ta không thể không nghĩ tới lới sấm về Con Người trong Đa-ni-en: Người được ban tặng quyền bính, vinh dự, vương triều. Tất cả các dân, các nước, các tiếng nói phải phụng sự Người (7,14); hơn nữa, quyền bính của Người còn bao trùm cả trời đất (Cv 13,33; Rm 1,4; Pl 2,5-11; 1 Tm 3,16). Vậy Hội Thánh phải dùng quyền đó nhân danh Người, mà làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người, trước tiên là những người Do-thái (x. Mt 10,5; 15,24) rồi tất cả thế giới (x. 8,11; 21,41; 22,8-10; 24,14.30 tt; 25,32). Công việc làm cho người ta thành môn đệ của Chúa Ki-tô là một công việc năng động, bao gồm tất cả tiến trình rao giảng Tin Mừng. Để chu toàn công việc ấy, các môn đệ phải sử dụng quyền cử hành các bí tích cho họ làm phép rửa nhân danh Chúa Cha.... Bí tích được cử hành nhờ quyền thế và hiệu năng của Chúa Ba Ngôi, đặt người lãnh nhận trong mối tương quan đích thân với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ngoài ra, công việc đào tạo môn đệ đó còn phải tiến hành cho tới khi Hội Thánh đạt tới sự viên mãn của Đức Ki-tô (x. Ep 1,23). Chính vì thế mà các Tông Đồ phải thi hành quyền hướng dẫn muôn dân trên con đường các giới răn Chúa. Đây là Dân của Giao Ước Mới sống theo Luật mới do Chúa Giê-su công bố và các Tông Đồ tiếp tục truyền đạt, mỗi người được tham dự và phải thi hành theo ơn gọi của mình.
đ. Người ta có thể thắc mắc về tính cách chính xác và rõ ràng của chỉ thị Chúa ra trong c. 19 cũng như về công thức rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi. Quả thật, trong Công vụ, Hội Thánh sơ khai phải qua nhiều kinh nghiệm cụ thể mới ý thức dần dần tầm mức bao quát của sứ mệnh đi đến với muôn dân. Mặt khác, Công vụ chỉ thấy nói tới rửa tội nhân danh Chúa Giê-su mà thôi (x. Cv 2,38; 10,48). Từ những nhận định này, chúng ta có thể kết luận: mệnh lệnh đưa ra trong đoạn Tin Mừng này đúng là của Chúa Giê-su phục sinh trao cho các môn đệ; nhưng chỉ dần dần, nhờ Chúa Thánh Thần và qua kinh nghiệm sống, Hội Thánh mới nhận thức hết ý nghĩa của mệnh lệnh đó. Khi Tin Mừng được soạn ra, Mát-thêu đã dùng công thức trên, dưới ơn linh hứng siêu nhiên, theo như Hội Thánh hiểu và quen dùng trong phụng tự thời đó.
Sau cùng, Chúa Ki-tô phục sinh hứa sẽ hiện diện mãi mãi trong Hội Thánh để hỗ trợ đắc lực cho Hội Thánh hằng ngày, giúp Hội Thánh chu toàn sứ mệnh được trao phó cho đến tận thế. Như vậy Chúa Giê-su chính là Em-ma-nu-en Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Mt 1,23).