Đức Giê-su chữa người bại liệt
1 Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình.2 Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!”3 Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: “Ông này nói phạm thượng.”4 Nhưng Đức Giê-su biết ý nghĩ của họ, liền nói: “Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy?5 Trong hai điều: một là bảo: ‘Con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy mà đi’, điều nào dễ hơn?6 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội – bấy giờ Đức Giê-su bảo người bại liệt: ‘Đứng dậy, vác giường đi về nhà!’”7 Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà.8 Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.
Đức Giê-su kêu gọi ông Mát-thêu
9 Bỏ nơi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.
Đức Giê-su dùng bữa với những người tội lỗi
10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ.11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy?”12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
Tranh luận về việc ăn chay
14 Bấy giờ, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”15 Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.16 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại càng rách thêm.17 Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới: thế là giữ được cả hai.”
Đức Giê-su chữa người đàn bà bị rong huyết và cho con gái một vị thủ lãnh sống lại
18 Người còn đang nói với họ như thế, thì bỗng một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: “Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống.”19 Đức Giê-su đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người.
20 Bỗng một người đàn bà bị rong huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người,21 vì bà nghĩ bụng: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu!”22 Đức Giê-su quay lại thấy bà thì nói: “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con.” Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.
23 Đức Giê-su đến nhà viên thủ lãnh; thấy phường kèn và đám đông xôn xao, Người nói:24 “Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” Nhưng họ chế nhạo Người.25 Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy.26 Và tin ấy đồn ra khắp cả vùng.
Đức Giê-su chữa hai người mù
27 Đang khi Đức Giê-su ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi!”28 Khi Đức Giê-su về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa Ngài, chúng tôi tin.”29 Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy.”30 Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: “Coi chừng, đừng cho ai biết!”31 Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.
Đức Giê-su chữa người câm bị quỷ ám
32 Họ vừa đi ra thì người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám.33 Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ!”34 Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”
Đức Giê-su thương dân chúng lầm than
35 Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
n. Đối với người Ít-ra-en, tha tội vốn là đặc quyền của Thiên Chúa, sẽ được thực thi như một dấu của thời sau hết, khi mà Thiên Chúa toàn thắng sự dữ và thiết lập một giao ước vĩnh cửu (Is 33,33-34; 35,4-5; Gr 31,34; 33,8; Ed 16,63; 36,25-33). Gần thời Tân Ước, sách Đa-ni-en lại cho thấy quyền ấy được trao cho Con Người, Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán muôn dân (Đn 7,13-14).
Qua câu chuyện chữa người bại liệt, Chúa Giê-su chứng tỏ những điều Cựu Ước nói trước, nay đã ứng nghiệm: thời sau hết là đây và chính Người là Con Người nắm quyền xét xử trong thời sau hết, và ở dưới đất Người dùng quyền đó để tha tội cho người ta. Ngoài ra, qua c. 8, Mát-thêu còn ngụ ý nói đến quyền Chúa Ki-tô ban cho Hội Thánh để tha tội cho người ta.
o. Khi kết nạp người ta vào Nước Trời, Chúa Giê-su đã đặc biệt chiếu cố tới những thành phần xấu số trong xã hội, thì ở đây Người không ngần ngại kêu gọi một người thu thuế vào nhóm môn đệ thân tín nhất. Thu thuế và tội lỗi thường đi đôi với nhau dưới cái nhìn của người Do-thái xưa, kể như đồng nghĩa.
p. Theo Mác-cô và Lu-ca thì Mát-thêu còn có tên là Lê-vi. Ông mang hai tên theo thói quen Do-thái thời ấy chăng? Hay là có thể Mát-thêu là biệt danh Chúa Giê-su đặt cho (có nghĩa là hồng ân Thiên Chúa) và trở thành tên quen dùng của vị tông đồ sau này trong Hội Thánh tiên khởi; còn tên Lê-vi thì ít ai còn để ý tới chăng? Như vậy, Mác-cô và Lu-ca đã tỏ ra tế nhị với vị tông đồ này.
q. Để tỏ lòng ưu ái đối với những người thu thuế và tội lỗi, Chúa Giê-su còn chấp nhận dùng bữa với họ, một bữa tiệc lớn (theo Lu-ca) do chính Mát-thêu khoản đãi (theo Mác-cô). Tất nhiên, việc này gây thắc mắc không ít cho nhóm Pha-ri-sêu; họ đã chỉ trích Chúa Giê-su ra mặt. Người trả lời họ, trước hết bằng một câu mang ý nghĩa châm ngôn chung (c. 12) và sau đó bằng một câu Sách Thánh, theo kiểu Do-thái (c. 13). Qua câu châm ngôn, Chúa Giê-su ngụ ý cho hiểu Người là vị lương y tinh thần của nhân loại. Hay đúng hơn Người là vị Mê-si-a phải đến để thuyên chữa tật nguyền của chúng ta, hoặc như người mục tử phải săn sóc những con chiên đau ốm và bị thương (Is 61,1 tt; Ed 34,16 tt). Tiếp theo, Chúa Giê-su dùng công thức quen thuộc đối với các Ráp-bi Hãy về học cho biết, để trích lời ngôn sứ Hô-sê, có ý trách tinh thần đạo đức duy luật, hình thức thì nghiêm nhặt mà tâm tình nhân ái bên trong lại không có.
r. Câu nói của Chúa Giê-su cho thấy chủ đích của ơn Nhập Thể: Người đến để cứu mọi người, vì mọi người đều đã phạm tội. Kẻ tự nghĩ mình là công chính, mà không cần đến Chúa Ki-tô, kẻ đó không được hưởng ơn cứu độ của Người.
s. Luật cũ chỉ buộc người Do-thái ăn chay mỗi năm một lần vào ngày đền tội (Lv 16,19-31). Ngoài ra, thời Chúa Giê-su người ta còn giữ chay tự nguyện những ngày chay chung vì những lý do như để cầu mưa. Hơn nữa, còn có những ngày chay tư nhân giữ vì lòng đạo đức, như nhóm Pha-ri-sêu ăn chay một tuần hai lần (Mc 2,18; Lc 18,12). Rất có thể bữa tiệc khoản đãi Chúa Giê-su đã được tổ chức vào một ngày chay như vậy.
t. Câu trả lời của Chúa Giê-su ngụ ý nói: thời của Người là tiệc cưới, chính Người là Tân Lang và các môn đệ Người là các chàng phò rể. Ông Gio-an Tẩy Giả cũng đã tự ví mình như bạn đứng bên cạnh Chúa Giê-su là chàng rể (Ga 3,29). Lời Chúa ám chỉ về thời Mê-si-a còn gợi cho ai để ý thấy rằng một lý do quan trọng người ta ăn chay trong Cựu Ước chính là để chờ đón Đấng Mê-si-a.
u. Qua câu sẽ có ngày chàng rể bị đem đi, Chúa ngụ ý nói trước về cái chết phũ phàng của Người. Từ ngày Chúa vào trong vinh quang, Giáo Hội vẫn truyền giữ một số những ngày chay trong khi chờ mong Chúa trở lại.
v. Ý tưởng thời đại Mê-si-a đã được Chúa Giê-su khai mở, còn được nhấn mạnh bằng hai hình ảnh vải mới – áo cũ và rượu mới – bầu da cũ: người ta phải thay đổi não trạng để đi vào thời đại mới này; ý nghĩa của những gì thuộc Cựu Ước chỉ hiện lên dưới ánh sáng của Tin Mừng. Thế mới giữ được cả hai là như vậy.
x. Hai chuyện đi liền nhau này được Mác-cô và Lu-ca kể với nhiều chi tiết hơn trong Mát-thêu. Thường thường, Mát-thêu rút ngắn các câu chuyện và chỉ để ý tới điểm chính. Ở đây, tác giả Mát-thêu muốn trình bày Đức Giê-su với sứ mệnh loan báo Nước Thiên Chúa, khai mở một thời đại mà bệnh tật và chết chóc hoàn toàn bị khắc phục để người người sống an vui (x. Is 29,18-24; 25,5-10; 61,1-3). Thế nhưng sức khỏe chỉ được phục hồi cho ai có lòng tin: lòng tin của con đã cứu chữa con (c. 22).
y. Lời kêu của hai người mù: Lạy Con Vua Đa-vít cho thấy lòng tin vào Chúa Giê-su như Đấng Mê-si-a đang lan tràn trong dân chúng. Căn cứ trên các lời sấm nói về Đấng Mê-si-a như Đa-vít mới, hoặc như miêu duệ của vua mà Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện (x. Gr 23,5; 33,14; Ed 34,23; Hs 3,5; Is 11,1), những người Do-thái đồng thời với Chúa Giê-su vẫn chờ mong vị đó (Mt 22,42; Ga 7,42).
a. Chúa Giê-su không đáp ứng ngay lời kêu xin của họ, một là vì không muốn thực hiện phép lạ nơi công cộng, hai là có ý cho họ tăng lòng tin. Cũng vì thế, trước khi chữa họ, Người hỏi thẳng Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?, nghĩa là với quyền năng Đấng Mê-si-a. Thường thường, lòng tin là điều kiện tiên quyết để được Chúa thi ân. Sự kiện Chúa Giê-su để cho họ theo về đến nhà, trong giáo lý về cộng đồng Giáo Hội của Mát-thêu còn có thể gợi cho chúng ta suy nghĩ về vai trò của Giáo Hội như là nơi Chúa Giê-su hiện diện để ban ơn cứu độ cho những ai đến với Giáo Hội và tuyên xưng đức tin. Nghi thức đón nhận tân tòng ở cửa nhà thờ hiện nay gợi chúng ta nhớ cảnh này.
b. Chúa Giê-su nghiêm giọng – động từ Hy-lạp enebriméthe khá mạnh – cấm hai người phổ biến phép lạ cũng vì những lý do đưa ra ở 8,4, nhất là ở đây, hai người mù đã công khai xưng Chúa Giê-su là Con Vua Đa-vít tức là Mê-si-a. Có người nghĩ rằng Chúa Giê-su cấm họ không được rêu rao Người là Con Vua Đa-vít, chứ không phải là phổ biến phép lạ. Thế nhưng đàng nào thì cũng vậy thôi: Người làm phép lạ như là Mê-si-a (Con Vua Đa-vít). Điều chắc chắn là Chúa Giê-su muốn tránh những dư luận hời hợt và sai lầm về sứ mạng của Người. Câu chuyện chắc chắn ngụ một ý tượng trưng: Chúa Giê-su là ánh sáng mang lại sự sống cho con người tin vào Người.
c. Chuyện này có lẽ muốn làm nổi bật sự đối lập giữa thái độ của dân chúng và thái độ của nhóm Pha-ri-sêu trước phép lạ Chúa Giê-su làm. Người dân bình thường chất phác cũng còn công nhận trong quá trình lịch sử dân tộc, chưa hề có vị ngôn sứ nào thực hiện một phép lạ như Chúa Giê-su vừa làm, nghĩa là dân chúng nhìn nhận Người là Mê-si-a; trong khi đó thì những người gọi là mẫu mực, là lãnh đạo tinh thần của dân lại phủ nhận sự việc, hay đúng hơn: sự việc quá hiển nhiên, không thể chối cãi được, thì họ giải thích sai lệch đi. Ác tâm của họ cho thấy họ là những kẻ thù công khai của Chúa.
d. Mấy câu này kết thúc các phép lạ kể trong hai đoạn 8–9, đồng thời cũng dẫn vào bài giảng thừa sai ở đoạn 10. Hình ảnh dân chúng lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt gợi lên Ed 34, theo đó Thiên Chúa trách cứ các mục tử Ít-ra-en vô trách nhiệm, bỏ bê đàn chiên Chúa. Người sẽ truất phế họ và đích thân chăn dắt chiên của Người. Đồng thời Người hứa sẽ cho xuất hiện Vị Mục Tử lý tưởng, một Đa-vít mới để chăn dắt chiên. Như thế, hình ảnh này ám chỉ chính Chúa Giê-su là vị Mục Tử lý tưởng đó.
đ. Hình ảnh thứ hai cũng rất ý nghĩa ở đây. Quả thế, đồng lúa chín ngụ ý nói thời sau hết đã đến: qua cuộc chung thẩm, Thiên Chúa sẽ làm cho Nước của Người xuất hiện (x. Am 9,13-15; Tv 126,5-6; Gr 5,17; Mt 13,28-29; Gc 4,13; Kh 14,15-16).
Ý thức về tình trạng dân chúng và về sự nghiệp thiết lập Triều đại Thiên Chúa, Chúa Giê-su lo chuẩn bị một nhóm môn đệ thay thế các mục tử bất lực để cộng tác vào công cuộc Người đang thực hiện. Người đặc biệt lưu ý tới chuyện cần phải có thêm thợ gặt trong đồng lúa của Thiên Chúa. Qua sự việc này, Chúa Giê-su còn cho thấy trách nhiệm của mọi người môn đệ là phải cầu nguyện cho nhu cầu đó. Lời Chúa còn hàm ý rằng, người ta được sai đi trực tiếp cộng tác vào công việc rao giảng Tin Mừng là một hồng ân của Thiên Chúa.