Ông Mô-sê qua đời
1 Từ đồng bằng Mô-áp, ông Mô-sê lên núi Nơ-vô, tới Pít-ga, đối diện với Giê-ri-khô, và ĐỨC CHÚA cho ông xem thấy tất cả miền đất: miền Ga-la-át cho đến Đan,2 tất cả Náp-ta-li, miền đất Ép-ra-im và Mơ-na-se, tất cả miền đất Giu-đa cho đến Biển Tây,3 miền Ne-ghép, vùng sông Gio-đan, thung lũng Giê-ri-khô là thành Chà Là, cho đến Xô-a.4 ĐỨC CHÚA phán với ông: “Đây là miền đất Ta đã thề hứa với Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, khi nói: ‘Ta sẽ ban đất ấy cho dòng dõi ngươi.’ Ta đã cho ngươi thấy tận mắt, nhưng ngươi sẽ không được qua đó.”
5 Ông Mô-sê, tôi trung của ĐỨC CHÚA, qua đời tại đó, trong đất Mô-áp, theo lệnh ĐỨC CHÚA.6 Ông được mai táng trong thung lũng, ở miền đất Mô-áp, đối diện với Bết Pơ-o. Cho đến ngày hôm nay, không ai biết mộ ông ở đâu.7 Khi chết, ông Mô-sê thọ một trăm hai mươi tuổi, mắt không mờ, khí lực không giảm.8 Con cái Ít-ra-en khóc ông Mô-sê trong đồng bằng Mô-áp ba mươi ngày; rồi những ngày than khóc thọ tang ông Mô-sê chấm dứt.9 Ông Giô-suê, con ông Nun, đã được đầy thần khí khôn ngoan, vì ông Mô-sê đã đặt tay trên ông. Con cái Ít-ra-en nghe ông và làm như ĐỨC CHÚA đã truyền cho ông Mô-sê.
10 Trong Ít-ra-en, không còn xuất hiện một ngôn sứ nào như ông Mô-sê, người mà ĐỨC CHÚA biết rõ, mặt giáp mặt.11 ĐỨC CHÚA đã sai ông thực hiện mọi điềm thiêng dấu lạ tại nước Ai-cập, phạt Pha-ra-ô cùng tất cả bề tôi và cả nước.12 Ông Mô-sê đã biểu dương tất cả sức mạnh bàn tay ông và gây tất cả nỗi kinh hoàng lớn lao trước mắt toàn thể Ít-ra-en.
Đnl 3,27; 32,48-49; Ds 22,1; 27,12
Xh 33,11tt.20; Ds 12,6-8; Hc 45,1-5; Gr 15,1; Ga 1,17
đ. Đoạn này tiếp nối ch. 32, thu thập những yếu tố của các truyền thống khác nhau, chủ yếu là tư tế (cc. 1a.7-9) và đệ nhị luật.
e. Lên núi Nơ-vô: cả Cựu Ước và Tân Ước đều cho thấy ý nghĩa đặc thù của địa thế núi, nơi các nhân vật được Thiên Chúa gọi lên để gặp Người. Đan cử: ông Mô-sê lãnh nhận luật giao ước trên núi Xi-nai (Xh 24,12-18; 34,2tt), rồi ở đây, trên núi Nơ-vô, ông được ngắm nhìn miền đất hứa từ xa trước khi nhắm mắt; Đức Giê-su được đem lên một ngọn núi rất cao để thấy khắp nước thiên hạ, hầu khẳng định sứ mạng của Người trong kế hoạch của Thiên Chúa (Mt 4,8); Người lên núi để tuyên bố các mối phúc và giáo huấn của “bài giảng trên núi” (Mt 5,1); Người đưa ba môn đệ thân tín lên một ngọn núi cao để họ được thấy dung nhan đích thực của Người hiển hiện trước ngày thương khó (Mt 17,1). Vậy núi là nơi gặp gỡ điển hình theo Kinh Thánh, nơi lập giao ước giữa Thiên Chúa với các nhân vật có sứ mạng truyền lại cho dân lời mặc khải của Người (So sánh với truyền thống Á Đông: lên núi để tu luyện). Riêng ông Mô-sê, một người sắp chết mà phải lên núi: âu đây cũng là một cách đạo diễn để chí ít cho ông được ngắm nhìn món quà đất hứa, mà suốt cả đời ông đã ra công nhắc nhở dân trung thành với giao ước để được vào chiếm hữu. Ông không được qua sông để vào, nhưng được lên núi để nhận mặc khải một cách thật cụ thể: thấy tận mắt (c. 4).
g. Biển Tây: tên thường dùng để chỉ Địa Trung Hải, vì biển này nằm ở phía tây đất Pa-lét-tin.
h. Vùng sông Gio-đan, ds: vùng châu thổ. Nối tiếp vùng này là Biển Chết với thung lũng Giê-ri-khô ở phía bắc và Xô-a ở phía nam.
i. Điểm này vẫn là một điều kỳ bí trong Do-thái giáo, sản sinh nhiều huyền thoại, còn để lại dấu vết trong thơ Giu-đa, c. 9. Đầu c. 6 ở đây, HR ghi động từ mai táng ở dạng chủ động, với chủ từ ở ngôi thứ ba, có thể ds: Thiên Chúa mai táng ông. Yếu tố này càng gia tăng tính cách huyền bí cho cái chết của ông Mô-sê.
k. Câu này ngược với 18,15-18 (x. 18,15+). Thật ra, truyền thống Do-thái giáo luôn do dự giữa quan niệm cho rằng ông Mô-sê là vị ngôn sứ độc nhất vô nhị, với quan niệm cho rằng các người tôi tớ của Thiên Chúa làm thành một “dòng dõi” luôn có mặt để phục vụ Người giữa Ít-ra-en và muôn nước. Đàng khác, Đnl nhấn mạnh vai trò trung gian của ông Mô-sê nhiều hơn là vai trò ngôn sứ (1,18; 5,5.23-27.31; 29,13). Nhưng dù sao, đây là đoạn kết thúc Đnl, trang sử đặc biệt nói về ông Mô-sê, nên cần cường điệu nét bi hùng của nhân vật. Mà nét bi hùng này được Đnl trình bày một cách rất “chính thống”: ông Mô-sê vĩ đại vì được (Thiên Chúa) biết rõ, mặt giáp mặt và được Người sai thực hiện mọi điềm thiêng dấu lạ..., trong khi tất cả các chỗ khác đều ghi là chính Thiên Chúa đã dùng bàn tay và cánh tay của Người (x. 4,34ss). Đnl khẳng định ông được xem là vĩ nhân chính vì ông là người của Thiên Chúa đến một trình độ cao cả như vậy.