ĐỒNG CA
1 Người cô yêu đã đi đâu mất rồi,
này hỡi trang giai nhân tuyệt thế?
Người cô yêu đã quay gót phương nao,
để chúng tôi cùng với cô tìm kiếm?
NÀNG
2 Người tôi yêu đã xuống vườn nhà, xuống nơi trồng phương thảo:
chàng để đàn vật ăn trong vườn, còn chàng đi hái huệ.
3 Tôi thuộc trọn về người tôi yêu,
người tôi yêu thuộc về tôi trọn vẹn.
Giữa những khóm huệ thơm, chàng cho chiên gặm cỏ.
BÀI CA THỨ NĂM
CHÀNG
4 Bạn tình của anh hỡi, nàng đẹp tựa Tia-xa,
duyên dáng tựa Giê-ru-sa-lem,
oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ.
5 Thôi đi, nàng đừng đưa mắt nhìn anh nữa,
đôi mắt làm anh choáng váng rồi.
Tóc nàng gợn sóng như đàn sơn dương
tự trên miền Ga-la-át tủa xuống.
6 Răng nàng trắng muốt tựa đàn cừu vừa mới tắm đi lên,
hai hàng sao đều đặn, không chiếc nào lẻ đôi!
7 Má đỏ hây hây màu thạch lựu thấp thoáng sau tấm mạng the.
8 Có đến sáu mươi hoàng hậu,
cả tám chục phi tần,
còn cung nữ thì nhiều vô kể.
9 Nhưng, bồ câu của tôi là duy nhất,
người đẹp của tôi chỉ có một,
thật mười phân vẹn mười.
Mẹ nàng có mình nàng là gái,
và nàng được thân mẫu rất mực cưng chiều.
Các thiếu nữ thấy nàng
ngợi khen nàng diễm phúc;
hoàng hậu phi tần đều tán tụng:
10 “ Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông,
diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương,
oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ?”
11 Tôi xuống vườn hạnh đào ngắm chồi non thung lũng;
xuống xem nho đã đâm chồi,
xuống xem hoa lựu nở rồi hay chưa.
12 Đâu ngờ tình đượm say sưa,
bước lên xa giá ngọc ngà chúa tôi.
x. Hai câu hỏi này chuẩn bị cho phần kết: cc. 2 và 3. Lúc này, các cô đã thông cảm với NÀNG.
y. Với một niềm tin tưởng vững vàng, NÀNG cho biết CHÀNG đã đến với mình: CHÀNG vẫn ở trong lòng NÀNG ngay trong thử thách.
Vườn: x. 1,7+; 4,13+; ăn và huệ: x. 2,16+.
a. Lấy lại công thức chỉ sự kết hợp (x. 2,16+), nhưng đảo hai vế đầu. Có thể hiểu là mạch ý đã chi phối thứ tự hai vế này: Tôi thuộc về (chàng) tiếp liền vế chàng đi hái huệ ở trên. Nhưng các tác giả sách thiêng liêng, theo phép phúng dụ, nhận ra ở đây một chỉ số của sự tiến bộ nội tâm.
Hai vế cuối c. 3 lấy lại ý tưởng của hai vế cuối c. 2.
b. Bài ca này gồm hai phần: phần đầu rất dài (6,4–7,10a) là những lời say đắm của CHÀNG, một lần nữa ca ngợi nhan sắc của NÀNG; và phần kế (7,10b – 8,4) là những lời tâm sự của NÀNG với người yêu.
c. Bài tình ca này lấy lại một phần bài ca thứ ba (4,1d-3), nhưng đưa vào thêm một vài khái niệm độc đáo về NÀNG: vẻ đẹp có dáng dấp của một chiến sĩ (cc. 4d và 10d), toàn hảo và được coi như trên đời chỉ có một.
d. Song song với Giê-ru-sa-lem, thủ đô miền nam, Tia-xa là thủ đô miền bắc Ít-ra-en cho tới đời vua Mơ-na-khêm lên trị vì (giữa thế kỷ VIII). Tác giả như cố ý lấy tên cổ xưa đó thay vì “Sa-ma-ri”, bởi tên sau này gợi nhớ những tội bất trung và chung cục bi thảm của thủ đô miền bắc nhiều hơn. Nhưng cũng có thể “Tia-xa” được chọn chỉ vì nó có nghĩa là “niềm vui thỏa”, song song với “Giê-ru-sa-lem” mang ý nghĩa “bình an” (“sa-lom”).
đ. Như c. 10d, vế này tô điểm cho NÀNG một nét không mấy “nữ”, với ý nghĩa không được rõ lắm, vì từ ngữ theo sau từ oai hùng chỉ dùng trong văn cảnh này. Thật ra, các nữ tướng thời xưa trong lịch sử nước nhà, cũng như trong các thiên kiếm hiệp Trung Hoa, hẳn phải có một nét đẹp riêng đáng nể lắm.
g. Sau khi nói trực tiếp với NÀNG, CHÀNG nói về NÀNG, ở ngôi thứ ba. Các con số ở c. 8 này được đưa ra như chỉ để làm nổi bật tính cách độc nhất vô nhị của người yêu thôi (c. 9). Dù sao, so với hậu cung của vua Sa-lô-môn thì còn kém xa (x. 1 V 11,3). Tuy nhiên, theo ngôn ngữ Híp-ri, có thể hiểu rằng cách liệt kê này –với các con số tăng lên– ngụ ý nêu một con số bất tận, nhiều thật nhiều, vô kể.
h. C. 9 này được bố trí thật khéo giữa c. 8 và c. 10. Nội dung c. 9 nhấn mạnh ba đặc điểm: tính duy nhất (duy nhất, chỉ có một), tính toàn bích (mười phân vẹn mười) và tính ưu việt (rất mực cưng chiều). Do đó, cc. 8-9 cho thấy bao nhiêu nhan sắc kia là trùng lặp, duy có NÀNG là vô song, là tuyệt đối. Và phần cuối c. 9 khẳng định: tất cả các người đẹp ấy đều ngợi khen NÀNG diễm phúc, và tán tụng khi thấy NÀNG xuất hiện (so sánh với 2,3 và nhất là 5,10c: NÀNG cũng khen CHÀNG nổi bật giữa muôn ngàn trai tráng – thật là ngôn ngữ của những kẻ si tình). NÀNG được ngợi khen là diễm phúc: x. St 30,13 và câu Lc 1,48 đặt trên môi Đức Ma-ri-a. Nên xét xem ở ba nơi đó, diễm phúc chỉ về những loại phúc lộc nào.
i. So sánh với 1,6 và 2,15+.
k. Ở đây, sắc đẹp của NÀNG được tác giả cho mang một chiều kích vũ trụ: như rạng đông, như vầng nguyệt, tựa thái dương! Thật ra, trong Hc, cũng có những so sánh ở cấp đó: x. Hc 26,16-18; 50,6-7. Sách Kh ch. 12 sẽ triển khai và nâng cấp gương mặt phụ nữ này lên hàng thần thiêng, còn huyền nhiệm tôn nghiêm hơn nữa. Vì thế, phụng vụ Công Giáo đã chọn Dc 6,10 cũng như Kh 12,1 làm hình ảnh minh họa phần nào mầu nhiệm Đức Ma-ri-a hồn xác lên trời.
l. C. 11 trở về với những ẩn dụ thông thường nói lên vẻ đẹp của NÀNG và tuổi yêu đương của đôi lứa.
m. Câu này nổi tiếng là vô phương chú thích. Nó như một câu đố, và còn là một câu thách thức cho những ai tìm cách giải nghĩa. ds: Tôi không biết hồn tôi đã đặt tôi xa giá dân hào hiệp của tôi (hay: xa giá Am-mi-na-đíp) (!) Mỗi dịch giả diễn một nghĩa, theo hướng suy diễn đã được chọn (ẩn dụ, phúng dụ, v.v...), nhưng đàng nào cũng rất tối nghĩa. Mọi cố gắng kết nối với phần trên đều là ép gượng; chỉ có thể soạn lại cho ra một câu tương đối chỉnh, và đành chỉ có một ý nghĩa độc lập thôi. Có bản dịch đã bỏ, để trống.