Diễn từ của Đức Khôn Ngoan
1 Đức Khôn Ngoan tự biểu dương
và hãnh diện ở giữa dân mình.
2 Khôn ngoan lên tiếng trong đại hội của Đấng Tối Cao
và hãnh diện trước quyền uy của Người.
3 “Ta phát xuất từ miệng Đấng Tối Cao
và như mây mù, Ta bao phủ cõi đất.
4 Ta cắm lều trên nơi cao thẳm
và đặt ngai Ta trên cột mây.
5 Duy có mình Ta đi vòng cả bầu trời
và rảo bước khắp vực sâu thăm thẳm.
6 Trên sóng biển, trên toàn cõi đất,
trên mọi nước mọi dân, Ta nắm trọn chủ quyền.
7 Giữa chúng hết thảy, Ta tìm chốn nghỉ ngơi,
xem có gia nghiệp của ai để Ta cư ngụ.
8 Bấy giờ, Đấng tác thành vạn vật truyền lệnh cho Ta,
Đấng tạo thành Ta dựng lều cho Ta ở.
Người phán: “Hãy cắm lều ở Gia-cóp,
hãy hưởng phần sản nghiệp ở Ít-ra-en.”
9 Người đã dựng nên Ta trước muôn đời, từ khởi thủy,
và Ta sẽ tồn tại mãi đến muôn đời.
10 Trong lều thánh, trước nhan Người, Ta thi hành thánh vụ
và như thế, Ta định cư tại Xi-on.
11 Ta cũng nghỉ ngơi trong thành đô yêu dấu,
tại Giê-ru-sa-lem, Ta nắm chủ quyền.
12 Ta đâm rễ sâu giữa một dân hiển hách,
trong phần riêng của Đức Chúa, cũng là sản nghiệp của Người.
13 Ta đã vươn lên tựa cây bá hương vùng Li-băng,
tựa cây trắc bá núi Khéc-môn.
14 Ta đã vươn lên như cây chà là ở Ên Ghe-đi,
như những khóm hồng ở Giê-ri-khô,
như cây ô-liu xanh tốt giữa cánh đồng.
Như cây tiêu huyền, Ta đã vươn lên.
15 Như cây quế, như tước sàng, Ta nức hương ngào ngạt,
Ta tỏa hương thơm ngát như mộc dược quý,
như phong tử hương, mã não, an tức hương,
như khói hương nghi ngút trong lều,
16 Ta vươn nhánh ra như cây nhựa điều,
nhánh của Ta là nhánh vinh quang tươi đẹp.
17 Tựa cây nho, Ta nẩy mầm xinh tốt,
hoa của Ta sẽ kết trái phú túc vinh quang.
19 Hỡi những kẻ khao khát Ta, nào hãy đến,
hãy ăn cho no thỏa hoa trái của Ta.
20 Vì nhớ đến Ta thì ngọt ngào hơn mật
và được Ta làm gia sản thì ngọt hơn tảng mật ong.
21 Ai ăn Ta sẽ còn đói, ai uống Ta sẽ còn khát.
22 Ai nghe lời Ta sẽ không phải thẹn thùng,
ai hoạt động trong Ta sẽ không hề phạm tội.
Đức Khôn Ngoan và Lề Luật
23 Tất cả những điều ấy
đều có trong sách Giao ước của Thiên Chúa Tối Cao,
trong Lề Luật ông Mô-sê đã truyền,
để các cộng đồng Gia-cóp nhận làm gia nghiệp.
25 Lề Luật làm cho khôn ngoan dâng trào như sông Pi-sôn,
như sông Tích-ra vào mùa hái quả,
26 cho hiểu biết đầy tràn như sông Êu-phơ-rát,
như sông Gio-đan vào mùa gặt;
27 cho lời dạy bảo chan hòa như sông Nin,
như suối Ghê-khôn vào mùa nho chín.
28 Người đầu tiên chẳng biết hết khôn ngoan,
kẻ cuối cùng cũng không hiểu thấu được.
29 Vì tư tưởng của khôn ngoan rộng hơn đại dương,
ý định của khôn ngoan sâu hơn vực thẳm.
30 Phần tôi, tôi như kênh đào chảy từ sông lớn,
như con lạch dẫn nước tới địa đàng.
31 Tôi tự nhủ: “Tôi sẽ tưới mảnh vườn của tôi”,
cho luống hoa đẫm nước.
Và này, kênh đào của tôi đã biến thành sông cả,
và sông cả biến thành đại dương.
32 Tôi sẽ làm cho lời dạy bảo rực sáng tựa bình minh,
cho nó chiếu tỏa mãi tận chốn xa vời.
33 Tôi sẽ tung gieo giáo huấn như lời của ngôn sứ,
sẽ lưu truyền cho các thế hệ mai sau.
34 Hãy xem: tôi vất vả đâu phải cho riêng mình,
nhưng còn vì mọi người muốn tìm kiếm khôn ngoan.
G 28; Cn 1,20-33; 8,1-36; 9,1-6; Br 3,9–4,4
Is 11,9; Ed 47,1-12; Ga 7,38
x. Ch. 24 là đỉnh cao của sách Hc, trình bày đạo lý tổng hợp về đức khôn ngoan đảm nhận vai trò riêng của mình trong công cuộc tạo dựng vũ trụ và trong lịch sử cứu độ. Gợi lại rất nhiều điều trong các sách Cựu Ước có trước, tác giả muốn giải thích ý nghĩa của quá khứ. Chắc chắn Ga 1,1-18, đã lấy hứng từ bản văn nổi tiếng này để nói về Lời Thiên Chúa và thần học Ki-tô giáo đã mượn công thức từ đây để trình bày về Thiên Chúa Ba Ngôi. Cũng như các diễn từ khác của đức khôn ngoan (Cn 1,20-33; 8,1-36; 9,1-6) và các lời ca tụng đức ấy (G 28; Br 3,9–4,4) ở đây chỉ là một kiểu nói thơ phú nhân cách hóa một ưu phẩm của Thiên Chúa, ưu phẩm xuất hiện rõ nét nhất trong Luật Mô-sê. Do đó mà trong Do-thái giáo muộn thời người ta có đi tới ý niệm cho rằng Lề Luật đã có trước từ muôn thuở thì cũng chẳng lạ.
y. Đại hội của Đấng Tối Cao là dân Ít-ra-en (x. Hc 15,5; Đnl 23,2-4; 1 Sb 28,8). Sau cc. 1-2 như giới thiệu vắn tắt, chương này có sáu phần: 1- Khôn ngoan trong việc tạo dựng (cc. 3-6); 2- Khôn ngoan trong Ít-ra-en (cc. 7-11); 3- Ca ngợi khôn ngoan qua thế giới thảo mộc (cc. 12-17); 4- Lời kêu gọi khẩn thiết của khôn ngoan (cc. 19-22); 5- Khôn ngoan đồng hóa với Lề Luật (cc. 23-29); 6- Lời tâm sự của tác giả Ben Xi-ra, môn sinh và thầy dạy khôn ngoan (cc. 30-34).
a. Khôn ngoan được đồng hóa với Lời tạo dựng của Thiên Chúa, có lẽ tác giả còn muốn gợi lên hình ảnh về Thần Khí trong St 1,2 nữa. Tuy nhiên, ý nghĩa có hơi khác: ở đây cốt yếu là ý tưởng đức khôn ngoan xâm nhập tất cả vũ trụ.
b. Gợi lại từ “Sơ-ki-na” về sự hiện diện thân mật của Thiên Chúa giữa dân Người, cũng như cột mây dưới đây.
c. Cột mây là nơi Thiên Chúa tỏ mình ra trong sa mạc (Xh 13,21-22; 33,9-10). Triết gia Do-thái, ông Phi-lon thành A-lê-xan-ri-a còn đồng hóa mây với khôn ngoan.
d. Đức khôn ngoan được mô tả như đi tìm chỗ cư ngụ trên trái đất: Thiên Chúa ban Ít-ra-en làm sản nghiệp riêng.
đ. Đức khôn ngoan đảm nhận các tác vụ thánh, trước là trong lều thánh thời sa mạc (Xh 25-28), sau đó trong đền thờ Giê-ru-sa-lem. Ông Ben Xi-ra rất gắn bó với hàng tư tế (Hc 45,6-25; 50,121) và với phụng vụ mà ông xem như là công trình của đức khôn ngoan, chỉ vì phụng vụ, cũng như trật tự thế giới, biểu hiện sự trọn lành của Thiên Chúa, hoặc cụ thể hơn nữa, phụng vụ được quy định trong Lề Luật (Hc 24,23 tt đồng hóa khôn ngoan với Lề Luật).
e. Địa điểm bên bờ Biển Chết (Gs 15,62) nối tiếng về chà là (2 Sb 20,2). Vùng Giê-ri-khô cũng thời danh vì những khóm hồng. Cánh đồng được nói đến ở đây là miền đất chạy từ vùng núi Giu-đa xuống biển. Ở 50,8-10 cũng ví von như thế về thượng tế Si-môn.
g. Tác giả ví đức khôn ngoan với trầm hương phụng tự. Những hương liệu khác nhau được nói đến ở đây đều được sử dụng để làm hương thơm trong phụng vụ (x. Xh 30,23.34).
h. Một số tb Hy-lạp và La-tinh thêm: “18 Ta là mẹ của tình yêu thanh khiết, của lòng kính sợ, của sự hiểu biết và của niềm hy vọng thánh thiện. Từ muôn đời ta được ban cho tất cả con cái ta, những kẻ được Người tuyển chọn.” Thay vì câu cuối cùng vừa rồi, bản LT viết: “Nơi ta có tất cả ân huệ là đường đi, là chân lý, nơi ta có tất cả niềm hy vọng được sống và được sức mạnh”, tư tưởng cảm hứng từ Ga 14,6 và đồng hóa đức khôn ngoan với Chúa Ki-tô.
i. Đức khôn ngoan kích thích lòng khao khát của những ai ăn uống đức ấy, vì không có gì đáng khát khao hơn đức khôn ngoan. Chúa Giê-su khi nói đến nước uống (Ga 4,13-14) và của ăn (Ga 6,35) Người cung cấp, thì xem ra Người nói ngược với Huấn ca ở đây. Thế nhưng, điều Chúa muốn đưa ra là khả năng của lương thực Người ban làm thỏa mãn hoàn toàn các tín hữu. Như thế hình ảnh được dùng theo hai hướng nghịch nhau nhưng diễn tả một tư tưởng như nhau: điều đức khôn ngoan và Chúa Giê-su mang lại là tuyệt vời.
k. Diễn từ của đức khôn ngoan đã chấm dứt, bây giờ tác giả Ben Xi-ra khai triển đề tài đức khôn ngoan đồng hóa với Lề Luật. Ông ví sự phong phú của Luật Mô-sê với những dòng sông nổi tiếng nhất và với biển cả mênh mông.
l. Các cộng đồng Gia-cóp số nhiều có lẽ ám chỉ các hội đường. Sau lưu đày, hội đường đã trở nên tổ chức cơ bản của Do-thái giáo, nhất là giữa các kiều cư. Một vài tb Hy-lạp thêm: “Hãy không ngừng can đảm lên trong Chúa, hãy gắn bó với Người để Người làm cho anh em nên mạnh. Đấng Toàn Năng là Thiên Chúa duy nhất, ngoài Người ra, không có đấng cứu độ nào khác.”
m. Về các con sông này, x. St 2,11-14. Có lẽ tác giả muốn gợi ý rằng Lề Luật có khả năng làm cho Địa đường thời vàng son trổ bông trên trái đất. Sách Tác-gum sẽ đồng hóa Luật với cây sự sống.
n. Chan hòa như sông Nin, bản Hy-lạp: như ánh sáng. Tên sông Nin trong tiếng Híp-ri cũng ang áng như “ánh sáng”.
o. Tác giả nói về mình. Đức khôn ngoan ví như dòng sông lớn dâng trào và chan hòa khắp Ít-ra-en, còn tác giả thì như kênh đào chuyển từ sông ấy những dòng nước tưới đẫm cánh vườn.
p. Những dòng nước ngày càng dồi dào. Vị kinh sư trở thành ngôn sứ ngỏ lời với mọi thế hệ (c. 33). Hẳn ông Ben Xi-ra đã lấy cảm hứng từ những hình ảnh tương tự như trong Ed 47,1-12; Is 11,9; v.v... Bản La-tinh muốn áp dụng vào đức khôn ngoan nhân cách hóa là Chúa Ki-tô, nên thêm: “Ta sẽ xâm nhập khắp mọi vùng sâu thẳm của trái đất, sẽ thăm viếng mọi kẻ đang mê ngủ, sẽ chiếu soi tất cả những ai đặt niềm cậy trông vào Chúa.”