Giê-ru-sa-lem được giải thoát và được đổi mới
1 Lời sấm.
Lời ĐỨC CHÚA phán về Ít-ra-en2b cũng như về Giu-đa. Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA, Đấng căng các tầng trời và đặt nền cho cõi đất, Đấng ban sinh khí cho người phàm.
2a Đây chính Ta sẽ biến Giê-ru-sa-lem thành chén nồng choáng váng cho mọi nước chung quanh. Điều đó sẽ xảy ra khi Giê-ru-sa-lem bị vây hãm.
3 Ngày ấy, Ta sẽ biến Giê-ru-sa-lem thành quả tạ cho muôn dân nước. Bất cứ ai nhấc nó lên sẽ rách da rách thịt. Muôn dân trên cõi đất sẽ họp nhau chống lại nó.4 Ngày ấy, sấm ngôn của ĐỨC CHÚA, Ta sẽ đánh phạt, khiến ngựa hóa cuồng và người cỡi hóa điên; nhưng nhà Giu-đa, Ta sẽ đưa mắt nhìn; còn ngựa của mọi dân nước, Ta sẽ đánh phạt, khiến chúng mù lòa.5 Bấy giờ, các thủ lãnh Giu-đa sẽ nhủ thầm: “Dân cư Giê-ru-sa-lem được mạnh sức là nhờ ĐỨC CHÚA các đạo binh, Thiên Chúa của chúng.”6 Ngày ấy, Ta sẽ làm cho các thủ lãnh Giu-đa nên như cái lò bốc cháy giữa đống củi, như đuốc cháy giữa đống rơm; chúng sẽ thiêu rụi mọi dân nước chung quanh, cả hai bên tả hữu. Còn Giê-ru-sa-lem vẫn ở nguyên tại chỗ.7 Trước hết, ĐỨC CHÚA sẽ cứu các lều trại của Giu-đa để vinh quang của nhà Đa-vít cũng như vinh quang của dân cư Giê-ru-sa-lem không trổi vượt hơn vinh quang của Giu-đa.8 Ngày ấy, ĐỨC CHÚA sẽ che chở dân cư Giê-ru-sa-lem; và ngày ấy kẻ yếu sức nhất trong đám dân ấy cũng sẽ nên như Đa-vít, và nhà Đa-vít sẽ nên như Thiên Chúa, như vị thần sứ của ĐỨC CHÚA trước mặt đám dân ấy.
9 Ngày ấy, Ta sẽ tìm cách tiêu diệt mọi dân tộc tiến đánh Giê-ru-sa-lem.10 Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng.11 Ngày ấy, tiếng khóc than sẽ vang dội khắp Giê-ru-sa-lem, như người ta than khóc thần Ha-đát Rim-môn ở cánh đồng Mơ-ghít-đô.12 Xứ sở sẽ khóc than, riêng từng thị tộc.
Thị tộc nhà Đa-vít riêng,
vợ con của họ cũng riêng.
Thị tộc nhà Na-than riêng,
vợ con của họ cũng riêng.
13 Thị tộc nhà Lê-vi riêng,
vợ con của họ cũng riêng.
Thị tộc nhà Sim-y riêng,
vợ con của họ cũng riêng.
14 Và mọi thị tộc còn lại,
riêng từng thị tộc,
vợ con của họ cũng riêng.
q. Có người cho Dcr 12–14 tương tự như Is 56–66. Ba chương cuối cùng này mang mầu sắc cánh chung thời Đấng Mê-si-a nhiều hơn là những lời sấm cụ thể. Trung tâm điểm là Giê-ru-sa-lem. Đức Chúa giải thoát Giê-ru-sa-lem khỏi mọi áp bức, biến đổi Giê-ru-sa-lem nên thành đô lý tưởng, mọi người sống an vui, khỏe mạnh. Đức Chúa sẽ lập một dân mới từ số sót còn lại. Giê-ru-sa-lem là nơi hội tụ mọi anh hùng hào kiệt và trở nên nơi họp mừng Đức Chúa cho toàn thể nhân loại.
r. Trong HR c. 1 hết sau người phàm; c. 2 bắt đầu từ Đây chính Ta. Chúng tôi chia lại câu theo bản dịch BJ và đảo lộn hai phần của c. 2.
s. Trong nguyên bản, cụm từ này đứng gần cuối c. 2. Chúng tôi theo bản dịch BJ.
t. Cc. 2a-9: lời sấm báo Giê-ru-sa-lem sẽ chiến thắng tất cả quân thù. Nhưng cũng sẽ có sự cạnh tranh giữa dân cư Giê-ru-sa-lem với các thị tộc Giu-đa. Đặc biệt c. 7 lưu ý rằng mối thù nghịch giữa nhà Đa-vít và Giê-ru-sa-lem là không cần thiết và phải loại bỏ.
u. Đó là cơn thịnh nộ Đức Chúa giáng xuống, nếu nước nào cả gan đánh Giê-ru-sa-lem.
v. Đức Chúa không phạt nhà Giu-đa.
x. Trong nguyên bản thêm Giê-ru-sa-lem, nhiều dị bản bỏ. LXX thay vào đó: trong bình an.
y. Các thị tộc của Giu-đa.
a. Ám chỉ câu chuyện Đa-vít hạ gục Gô-li-át.
b. Vào thời Đấng Mê-si-a, nhà Đa-vít sẽ được rực rỡ vinh quang giữa các dân tộc.
c. Khúc ai ca (cc. 10-14) khóc thương Đấng chịu đâm thâu. Cái chết của Đấng chịu đâm thâu là nguyên cớ cho dân thành Giê-ru-sa-lem phải đau đớn, trở thành quốc tang. Cái chết này mở ra nguồn ơn cứu độ. Lời loan báo này sẽ được lặp lại trong Ga 19,37 nói về cuộc thương khó và cái chết của Đức Giê-su trên thập giá. Chính cái chết này hoàn tất ơn cứu độ.
d. Đức Chúa có sáng kiến đổi mới tâm hồn dân Chúa. Người ban cho họ thần khí làm đẹp lòng Người nghĩa là dân biết sám hối từ bỏ con đường tội lỗi. Họ biết cách cầu nguyện với Người.
đ. Có thể đồng hóa Đức Chúa (Ta) với Đấng chịu đâm thâu không? Đấng chịu đâm thâu với Người Tôi Tớ ở Is 53,5; hoặc trong Tv 69,27. Tin Mừng Ga 19,37 đã coi Đấng chịu đâm thâu Dcr 12,10 là lời sấm về cuộc thương khó của Đức Ki-tô.
e. Ha-đát là thần sấm, thần mưa nổi tiếng của người Phê-ni-xi. Ha-đát Rim-môn còn là thần của rau quả phải chết vào cuối vụ mùa thu hoạch, vì thần này gắn liền với sự sinh ra, sống, chết, sống lại và mỗi giai đoạn số phận của rau quả xảy ra vào mỗi dịp lễ. Hằng năm người ta cử hành tang lễ tại đồng bằng phì nhiêu Gít-ra-en.
g. Mỗi giai cấp xã hội ở Giê-ru-sa-lem khóc thương riêng: nhà Đa-vít tức các chức sự dân chính, nhà Na-than tức các ngôn sứ, nhà Lê-vi tức các Lê-vi, nhà Sim-y tức các tư tế. Như vậy có sự hòa hợp giữa các thủ lãnh chính trị và tôn giáo.