Bài ca khóc các ông hoàng Ít-ra-en
1 Phần ngươi, hãy cất lên khúc ai ca khóc thương các ông hoàng Ít-ra-en.2 Ngươi sẽ nói:
Mẹ của ngươi là ai?
Nó như sư tử cái
cạnh bầy sư tử đực,
giữa đám sư tử con
nuôi nấng đàn con nhỏ.
3 Trong đàn con ấy,
nó huấn luyện một con
thành một sư tử con,
biết xé mồi và ăn thịt thiên hạ.
4 Các dân tộc
đã nghe nói về con sư tử đó;
nó sa vào bẫy của chúng
và bị bắt.
Người ta lấy móc xích nó lại
đem đi, đưa về đất Ai-cập.
5 Thấy hy vọng của mình tiêu tan,
niềm cậy trông của mình tan vỡ,
sư tử mẹ lại huấn luyện
một con nhỏ khác
thành một sư tử non.
6 Con này đi giữa bầy sư tử đực,
thành một sư tử non
biết xé mồi và ăn thịt thiên hạ.
7 Nó triệt hạ các lâu đài
của chư dân
và tàn phá
các thành trì của chúng;
xứ sở và dân cư kinh hoàng
vì tiếng gầm của nó.
8 Từ khắp các tỉnh ở chung quanh
các dân tộc nổi lên chống lại nó;
chúng bủa lưới bao vây,
nó sa vào bẫy của chúng và bị bắt.
9 Chúng bắt nó đeo gông,
lấy móc xiềng nó lại,
điệu đến vua Ba-by-lon
và tống giam vào ngục,
để tiếng nó,
người ta không còn nghe thấy nữa
trên núi đồi Ít-ra-en.
10 Mẹ ngươi giống cây nho
được trồng bên dòng nước
quả trĩu nặng, lá sum sê,
nhờ mạch nước dồi dào.
11 Nó trổ ra những cành vững chắc
thành những cây vương trượng;
thân của nó vươn cao lên
tới tầng mây thẳm.
Người ta nhìn thấy nó
vì thân nó cao, cành lá um tùm.
12 Nhưng trong cơn thịnh nộ,
nó đã bị nhổ lên,
và bị quăng xuống đất;
một cơn gió đông thổi
làm quả nó héo khô,
lìa cây rơi rụng xuống;
cành chắc đã héo khô
và bị lửa thiêu rụi.
13 Giờ đây nó bị trồng trong sa mạc cằn cỗi nơi đất khô thiếu nước.
14 Tự cành, lửa phát ra
thiêu rụi cành và quả.
Không còn cành vững chắc để dùng làm vương trượng.
Đó là lời than vãn
đã trở thành khúc ai ca.
t. Ngôn sứ được mời gọi soạn một bài ai ca khóc số phận bi thương của những người lãnh đạo Ít-ra-en: a. khóc thương số phận của Giô-a-khát và Giô-gia-khin (cc. 2-9); b. khóc thương số phận của Giu-đa dưới triều vua Xít-ki-gia (cc. 10-12); c. khóc thương dân phải đi lưu đày. Đây là thể ai ca giống như thể thơ trong Ac. Hình thức ngụ ngôn. Nhưng không dễ giải thích mọi chi tiết.
u. Sư tử cái tượng trưng cho dân tộc Ít-ra-en. Sư tử đực: thủ lãnh Ai-cập và Át-sua. Các vua dân này được ví như những con sư tử con.
v. Ám chỉ vua Giô-a-khát. Vua này kế vị vua Giô-si-gia, tính tình dữ tợn và độc ác (x. 2 V 23,32). Sau mười ba tháng ở trên ngôi vua, ông bị vua Ai-cập là Nê-cao II hạ bệ và bắt đưa sang Ai-cập.
x. Có thể sau khi vua Giô-a-khát bị bắt đưa đi, người ta hy vọng sớm muộn vua sẽ được trở về. Hoặc trong thời gian vua bị đưa đi, xứ Giu-đa phải ở dưới quyền của Ai-cập hoặc Ba-by-lon, không còn hy vọng có một đất nước độc lập và tự do như trước nữa.
Sư tử non... khác: đó là Giô-gia-khin (năm 597) do vua Nê-cao II đặt lên. Vua này kiêu căng (c. 6), dữ tợn và vô đạo (x. 2 V 24,9).
y. Nó triệt hạ các lâu đài, các bản dịch; HR tối nghĩa. Như vậy, có thể ám chỉ những lần vua đem quân tấn công, nhưng vô hiệu, lúc bị quân đội của Na-bu-cô-đô-nô-xo bao vây. Một vua kiêu căng, tưởng mình hùng mạnh trong lúc chỉ là vua nhược tiểu, đang bị đế quốc Ba-by-lon đe dọa.
a. Các dân tộc chung quanh. Cùng bao vây Giê-ru-sa-lem với quân Ba-by-lon còn có quân Xy-ri, Am-môn và Mô-áp, những kẻ thù truyền kiếp của Ít-ra-en (x. 2 V 24,2).
b. Kết cuộc, ông vua trẻ Giô-gia-khin phải đi đày (năm 597). Vua bị đưa đi giam ở Ba-by-lon cho tới khi vua Na-bu-cô-đô-nô-xo băng hà năm 562 (x. 2 V 14,15.27-30) mới được vua kế vị là Ê-vin Mác-đúc trả tự do (x. Gr 52,31-34).
c. Ngôn sứ trình bày việc Giu-đa bị sụp đổ (cc. 10-14). Giu-đa từng là một cây nho tươi tốt: quả nhiều, lá tốt tươi. Đó là thời huy hoàng khi còn sống dưới sự che chở của Đức Chúa, vương quốc thái bình, các dân tộc chung quanh kính nể. Nhưng vào thời thử thách, cây nho tươi tốt đã bị trận gió đông, tức là quân đội của Na-bu-cô-đô-nô-xo, tàn phá: Giê-ru-sa-lem bị phá hủy và dân cư bị đưa đi đày, cả đợt năm 598 lẫn năm 586, khi thành bị hoàn toàn phá hủy.
Tất cả những điều đó là hậu quả của hành động vua Xít-ki-gia đã làm. Vua này muốn chống lại lửa phát ra, Na-bu-cô-đô-nô-xo. Vương triều Xít-ki-gia kết thúc năm 586.