Ông Ít-ma-ên chào đời
1 Bà Xa-rai, vợ ông Áp-ram, đã không sinh được cho ông một người con nào. Bà có một người nữ tỳ Ai-cập, tên là Ha-ga.2 Bà Xa-rai nói với ông Áp-ram: “Ông coi: ĐỨC CHÚA đã không cho phép tôi sinh con. Vậy xin ông đi lại với nữ tỳ của tôi; may ra nhờ nó mà tôi sẽ có con.” Ông Áp-ram nghe lời bà Xa-rai.
3 Mười năm sau khi ông Áp-ram lập nghiệp tại đất Ca-na-an, bà Xa-rai, vợ ông, đem nữ tỳ của bà là Ha-ga, người Ai-cập, hiến cho ông Áp-ram, chồng bà, để nàng làm vợ ông.4 Ông đi lại với Ha-ga và nàng có thai. Khi thấy mình có thai, thì nàng coi khinh bà chủ.5 Bà Xa-rai nói với ông Áp-ram: “Tôi bị sỉ nhục là tại ông đấy! Chính tôi đã đặt nữ tỳ của tôi vào lòng ông. Thế mà từ khi nó thấy mình có thai, nó coi khinh tôi. Xin ĐỨC CHÚA phân xử giữa ông và tôi.”6 Ông Áp-ram nói với bà Xa-rai: “Nữ tỳ của bà ở trong tay bà đấy; đối với nó, cái gì tốt cho bà thì bà cứ làm!” Bà Xa-rai hành hạ Ha-ga khiến nàng phải trốn bà.
7 Sứ thần của ĐỨC CHÚA gặp thấy nàng gần một suối nước trong sa mạc, suối ở trên đường đi Sua.8 Người hỏi: “Ha-ga, nữ tỳ của Xa-rai, ngươi từ đâu đến và đi đâu?” Nàng đáp: “Con đang trốn bà Xa-rai, chủ con.”9 Sứ thần của ĐỨC CHÚA bảo nàng: “Cứ về với bà chủ ngươi, và chịu lụy bà ấy.”10 Sứ thần của ĐỨC CHÚA nói với nàng: “Ta sẽ làm cho dòng dõi ngươi ra thật nhiều đến mức không thể đếm được vì quá đông.”11 Sứ thần của ĐỨC CHÚA nói với nàng:
“Này đây ngươi đang có thai, sắp sinh hạ con trai
và sẽ đặt tên là Ít-ma-ên,
vì ĐỨC CHÚA đã nghe thấu nỗi khổ của ngươi.
12 Con người đó đúng là một con lừa hoang,
nó giơ tay chống mọi người, mọi người giơ tay chống nó,
nó sẽ luôn đối đầu với tất cả anh em nó.”
13 Nàng gọi tên ĐỨC CHÚA, Đấng phán với nàng, là: “Ngài là Thiên Chúa, Đấng thấy tôi”, vì nàng nói: “Phải chăng nơi đây tôi đã nhìn thấy, sau khi Người nhìn thấy tôi?”14 Vì vậy người ta gọi giếng đó là giếng La-khai Rô-i. Giếng ấy ở giữa Ca-đê và Be-rét.
15 Ha-ga sinh cho ông Áp-ram một con trai; ông đặt tên cho đứa con mà Ha-ga đã sinh cho ông là Ít-ma-ên.16 Ông Áp-ram được tám mươi sáu tuổi khi Ha-ga sinh Ít-ma-ên cho ông.
o. Chương này ghi lại truyền thống của Ít-ra-en, theo nguồn J, về nguồn gốc và vận mệnh của Ít-ma-ên, tổ phụ của dân Ả-rập. Hơn mười năm đã trôi qua từ khi có lời hứa (so sánh 12,4 với 16,16), ông bà vẫn chưa có con cái. Theo tục lệ thời đó, bà Xa-rai đề nghị ông Áp-ram cho bà đứa con qua cô Ha-ga, người hầu gái của bà.
p. Luật cổ xưa ở Lưỡng Hà Địa quy định rằng khi người vợ chính không sinh con thì phải liệu hiến cho chồng một nữ tỳ nào đó để nàng sinh con cho bà; bà vợ chính có toàn quyền trên đứa con đó, và người nữ tỳ ấy không được lấn quyền chủ. Ở St 30,3-8.9-13, cũng còn có những trường hợp tương tự nữa.
q. Người dân Ca-na-an xưa tin rằng “sứ thần”, được một vị thần cấp trên sai đi, thi hành chỉ thị của vị thần đó đối với người ta. Theo Sách Thánh, tất cả mọi sức mạnh trong vũ trụ đều phải tuân phục Thiên Chúa, được Người sai đến với tín hữu của Người. Thật ra, trong các bản văn cựu trào, thời các tổ phụ, “Thần sứ Đức Chúa” (St 22,11; Xh 3,2; Tl 2,1; v.v.) hay là “Thần sứ Thiên Chúa” (21,17; 31,11; Xh 14,19) là chính Thiên Chúa, khi hiện ra dưới hình thức khả giác như một con người (x. c. 13).
r. šûr tiếng Híp-ri có nghĩa là “bức tường”. Có lẽ đây là bức tường người Ai-cập xây để ngăn chặn những cuộc xâm nhập của các nhóm dân Sê-mít. Từ đó, šûr thành địa danh ở vùng ranh giới Ai-cập.
s. Ít-ma-ên: “Thiên Chúa nghe”. Như vậy, tên Ít-ma-ên được giải thích theo động từ Híp-ri šäma` là “nghe, nhận lời”.
t. Những người Ả-rập trong sa mạc sống lang thang tách khỏi các dân định cư; họ rất độc lập và hiếu chiến.
u. ds: “Ngài (là) Thiên Chúa (của) thị kiến”, có thể hiểu “Ngài là Thiên Chúa thấy”, hoặc “Ngài là Thiên Chúa được tôi nhìn thấy”. Xem ra câu nói đủ nghĩa đã bị thất truyền một phần. Cũng nên để ý: từ ´ël (Thiên Chúa) là tên vị thần chính của dân Ca-na-an chẳng xa lạ gì đối với các tổ phụ của Ít-ra-en. Từ đó xuất hiện thường thường trong các tên riêng, như yiš•mä`ë´l (Ismael), yiS•rä´ël (Israel) v.v.
v. Nửa trước của câu nói này không có túc từ: “Phải chăng nơi đây tôi đã thấy...”, rất có thể chữ thiếu đây là “Thiên Chúa” đã bị bỏ đi sau này, vì theo Xh 33,20 không phàm nhân nào thấy Thiên Chúa mà sống được. Thế nhưng câu đó cũng có thể dịch: “Phải chăng nơi đây tôi đã nhìn thấy đàng sau Đấng nhìn thấy tôi”, như sau này ông Mô-sê đã thấy (Xh 33,23)?