Thành lập Hội Thánh Cô-rin-tô
1 Sau đó, ông Phao-lô rời A-thê-na đi Cô-rin-tô.2 Tại đây, ông gặp một người Do-thái tên là A-qui-la, quê ở Pon-tô, vừa mới từ I-ta-li-a đến, cùng với vợ là Pơ-rít-ki-la, vì hoàng đế Cơ-lau-đi-ô đã ra lệnh cho mọi người Do-thái phải rời Rô-ma. Ông Phao-lô đến thăm hai ông bà,3 và vì cùng nghề, nên ông ở lại nhà họ và cùng làm việc: họ làm nghề dệt lều.4 Mỗi ngày sa-bát, ông thảo luận tại hội đường, cố thuyết phục cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp.
5 Khi ông Xi-la và ông Ti-mô-thê từ Ma-kê-đô-ni-a xuống, thì ông Phao-lô chỉ lo giảng, long trọng làm chứng cho người Do-thái biết rằng Đức Giê-su chính là Đấng Ki-tô.6 Bởi họ chống đối và nói lộng ngôn, nên ông giũ áo mà bảo họ: “Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người! Phần tôi, tôi vô can; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại.”7 Ông rời bỏ chỗ ấy, đến nhà một người tên là Ti-xi-ô Giút-tô. Ông này là một người ngoại tôn thờ Thiên Chúa, nhà ở sát bên hội đường.8 Ông Cơ-rít-pô, trưởng hội đường, tin Chúa, cùng với cả nhà. Nhiều người Cô-rin-tô đã nghe ông Phao-lô giảng cũng tin theo và chịu phép rửa.9 Một đêm, Chúa bảo ông Phao-lô trong một thị kiến: “Đừng sợ! Cứ nói đi, đừng làm thinh,10 vì Thầy ở với anh; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này.”11 Ông Phao-lô ở lại đó một năm rưỡi, dạy cho họ lời Thiên Chúa.
Người Do-thái đưa ông Phao-lô ra tòa
12 Thời ông Ga-li-on làm thống đốc tỉnh A-khai-a, người Do-thái nhất tề nổi dậy chống ông Phao-lô; họ đưa ông ra tòa13 và nói: “Tên này xúi giục người ta tôn thờ Thiên Chúa trái với Lề Luật.”14 Ông Phao-lô toan mở miệng, thì ông Ga-li-on đã nói với người Do-thái: “Hỡi người Do-thái, giả như có gì là trái Luật hay phạm pháp, thì lẽ đương nhiên là tôi sẽ chịu khó nghe các ông.15 Nhưng đây lại là những chuyện tranh luận về giáo thuyết, danh từ, luật lệ riêng của các ông, thì các ông hãy tự xét lấy. Phần tôi, tôi không muốn xét xử những điều ấy.”16 Rồi ông đuổi họ ra khỏi tòa án.17 Mọi người liền túm lấy ông Xốt-thê-nê, trưởng hội đường, mà đánh túi bụi ngay trước tòa án. Nhưng ông Ga-li-on chẳng bận tâm gì về việc này.
Ông Phao-lô trở về An-ti-ô-khi-a và bắt đầu cuộc hành trình thứ ba
18 Ông Phao-lô còn ở lại Cô-rin-tô khá lâu, rồi từ giã các anh em và vượt biển sang miền Xy-ri, cùng với bà Pơ-rít-ki-la và ông A-qui-la. Trước đó, tại Ken-khơ-rê, ông xuống tóc, vì có lời khấn.
19 Khi đến Ê-phê-xô, ông Phao-lô từ biệt hai người kia. Phần ông, ông vào hội đường và thảo luận với người Do-thái.20 Họ xin ông ở lại lâu hơn. Ông không chịu.21 Nhưng khi từ giã họ, ông nói: “Để lần khác tôi sẽ trở lại với các ông, nếu Thiên Chúa muốn.” Rồi ông xuống tàu rời Ê-phê-xô.
22 Đến Xê-da-rê, ông lên Giê-ru-sa-lem chào thăm Hội Thánh, rồi xuống An-ti-ô-khi-a.23 Sau khi ở đó một thời gian, ông ra đi, lần lượt qua miền Ga-lát và Phy-ghi-a và làm cho tất cả các môn đệ được vững mạnh.
Ông A-pô-lô
24 Có một người Do-thái tên là A-pô-lô, quê ở A-lê-xan-ri-a, đã đến Ê-phê-xô; ông là người có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh.25 Ông đã được học Đạo Chúa; với tâm hồn nồng nhiệt, ông thường lên tiếng giảng dạy chính xác những điều liên quan đến Đức Giê-su, tuy rằng ông chỉ biết có phép rửa của ông Gio-an.26 Ông bắt đầu mạnh dạn rao giảng trong hội đường. Sau khi nghe ông nói, bà Pơ-rít-ki-la và ông A-qui-la mời ông về nhà trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn.
27 Ông A-pô-lô muốn sang miền A-khai-a thì các anh em khuyến khích ông và viết thư xin các môn đệ tiếp đón ông. Khi đến nơi, nhờ ơn Chúa, ông đã giúp ích nhiều cho các tín hữu,28 vì ông mạnh mẽ và công khai bẻ lại người Do-thái, dẫn Kinh Thánh mà minh chứng rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô.
a. Cô-rin-tô là thủ phủ của tỉnh A-khai-a, thuộc đế quốc Rô-ma, là thành phố lớn về thương nghiệp và công nghiệp. Là thành phố hải cảng quốc tế, Cô-rin-tô là nơi giao lưu giữa đông và tây, có nhiều phu khuân vác và gái điếm. Trước kia, thành phố này thờ nữ thần Áp-rô-đi-ta. Có rất nhiều người Do-thái sinh sống, làm ăn ở đây. Ông Phao-lô và đoàn truyền giáo hoạt động gặp nhiều khó khăn nơi người Do-thái. Ông cố gắng minh chứng cho họ vai trò của Đức Giê-su trong nhiệm cục cứu độ, Người hoàn thành tôn giáo của họ. Nhưng họ từ chối, nên ông quyết tâm cắt đứt với dân tộc để hoàn toàn cống hiến cho dân ngoại. Trình thuật này (18,1-17) cho ta thấy tính lịch sử chắc chắn và có thể xác định niên hạn hoạt động của ông thời tổng trấn Ga-li-on vào khoảng năm 51-52 hoặc 52-53.
Xem hai thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, người ta hiểu rõ hơn những khó khăn, tranh chấp giữa tín hữu với người Do-thái, giữa tín hữu với anh em dân ngoại.
b. Pơ-rít-ki-la cũng gọi là Pơ-rít-ca (Rm 16,3; 1 Cr 16,19; 2 Tm 4,19). Nhà của đôi vợ chồng này là nơi hội họp của tín hữu (1 Cr 16,19).
c. Theo Xuy-ê-tô-ni-ô, biến cố này xảy ra khoảng năm 49 hoặc năm 50.
d. Nghề dệt vải lều bằng lông dê rất thịnh hành và giàu có ở Tác-xô. Ông Phao-lô đã học nghề này lúc còn bé, vì cha mẹ ông có một xưởng dệt. Ông Phao-lô muốn tự túc kiếm sống bằng sức lao động của mình (1 Cr 4,12), để khỏi đặt gánh nặng cho người khác (1 Tx 2,9; 2 Tx 3,8; 2 Cr 12,13), mặc dầu ông có quyền đòi hỏi (1 Cr 9,6; Gl 6,6). Ông chỉ nhận trợ giúp của anh em tín hữu Phi-líp-phê (Pl 4,10-19; 2 Cr 11,8; x. Cv 16,15).
đ. Có lẽ hai ông giúp ông Phao-lô về mặt tài chính (2 Cr 11,9). Chính trong thời gian này, ông Phao-lô viết thư thứ nhất gửi anh em tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.
e. X. 13,51. Dấu hiệu sự đoạn tuyệt với Do-thái giáo. Người Do-thái từ chối tin Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. Họ phải chịu trách nhiệm về thái độ không tin và hậu quả nặng nề đè xuống họ.
g. Đức Giê-su hiện ra trong thị kiến trao sứ mạng trực tiếp cho ông Phao-lô giảng Tin Mừng ở Cô-rin-tô.
h. Ông là anh của văn sĩ Sê-nê-ca. Ông làm thống đốc A-khai-a từ mùa xuân 51 đến năm 52, theo bia ghi ở Đen-phi-a. Biến cố ông Phao-lô ra tòa xảy ra vào cuối thời gian một năm rưỡi, khoảng mùa xuân 52.
i. Người Do-thái tố cáo ông Phao-lô vi phạm Lề Luật. Kiều nói nước đôi. Nhưng ông Ga-li-on hiểu là luật Mô-sê, luật riêng Do-thái, ông không quan tâm.
k. Nguyên nhân nào người Do-thái đánh ông Xốt-thê-nê? Có phải vì ông đã tin theo Đức Giê-su (x. 1 Cr 1,1)?
l. Ông Phao-lô có lời khấn Na-dia (x. Ds 6,1).
m. Thủ phủ của tỉnh A-xi-a thuộc đế quốc Rô-ma. Đây là thành phố lớn nổi tiếng về thương nghiệp, nằm trên trục giao thông giữa Rô-ma và Êu-phơ-rát. Thành phố Ê-phê-xô còn nổi tiếng vì đền thờ thần Ác-tê-mi (19,35). Ông Phao-lô chỉ dừng chân trong thời gian vắn. Ông sẽ trở lại vào chuyến truyền giáo sau.
n. Ông Phao-lô lên Giê-ru-sa-lem thăm Hội Thánh mẹ. Là một nhà truyền giáo cho dân ngoại, ông Phao-lô không tự cho phép mình tách khỏi Giê-ru-sa-lem, tức là các Tông Đồ. Ông ý thức Hội Thánh phải hợp nhất. An-ti-ô-khi-a điểm xuất phát cũng là điểm cuối cùng của hành trình truyền giáo, và lại là điểm xuất phát cho hành trình thứ ba.
o. 18,23–21,16. Trình thuật về hành trình thứ ba hầu như điểm chính là Ê-phê-xô (19,1–20,1); những lời từ giã các kỳ mục của cộng đoàn này (20,17-35). Dầu vậy, trình thuật cũng nêu lên những nỗi vất vả khó khăn của ông Phao-lô ở các nơi. Ông xác tín rằng Thánh Thần bắt buộc ông trở lại Giê-ru-sa-lem và chuẩn bị đi Rô-ma (19,21). Ông linh cảm rằng tù đày, đau khổ đang chờ đợi ông ở Giê-ru-sa-lem (20,22) và hy vọng thăm anh em Ê-phê-xô lần cuối cùng (20,25). Vừa đến Tia, trên bờ biển Phê-ni-xi, ông đã được các ngôn sứ cảnh cáo đừng lên Giê-ru-sa-lem (21,4). Khi ông tới Xê-da-rê trên đường đi Giê-ru-sa-lem, một ngôn sứ khác cũng nói lời tương tự (21,10).
p. Ông đã biết sử dụng kiến thức và tài năng để giảng dạy về Đức Giê-su. Tuy nhiên ông chỉ biết phép rửa của ông Gio-an, và đối với ông, Đức Giê-su là một Đấng Ki-tô không trải qua sự chết và sống lại. Nhờ sự giúp đỡ của vợ chồng A-qui-la và Pơ-rít-ki-la, ông am hiểu hơn về Đức Giê-su. Ông giữ vai trò giáo lý viên ở Ê-phê-xô, rồi sau này ông sang Cô-rin-tô hoạt động (x. 1 Cr 1,12; 3,4-11; 4,6; 16,12; Tt 3,13).