Nguyên văn theo Kinh Thánh Công Giáo, bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Phần audio do Giu-se Định và Ma-ri-a Kim Hồi, cùng các anh chị em thanhlinh.net thực hiện.
Chương 1
Lời tựa
1 Mặc khải của Đức Giê-su Ki-tô, mặc khải mà Thiên Chúa đã ban cho Người, để Người tỏ cho các tôi tớ Người biết những việc sắp phải xảy đến. Người đã sai thiên thần của Người đến báo cho ông Gio-an là tôi tớ của Người biết mặc khải đó.2 Ông Gio-an đã làm chứng về lời của Thiên Chúa và về lời chứng của Đức Giê-su Ki-tô, về những gì ông đã thấy.3 Phúc thay người đọc, phúc thay những ai nghe những sấm ngôn đó và tuân giữ các điều chép trong đó, vì thời giờ đã gần đến!
I. THƯ GỬI CÁC HỘI THÁNH A-XI-A
Lời mở đầu
4 Tôi là Gio-an kính gửi bảy Hội Thánh A-xi-a. Xin Đấng hiện có, đã có và đang đến, xin bảy thần khí hiện diện trước ngai của Người,5 xin Đức Giê-su Ki-tô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết trỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, ban cho anh em ân sủng và bình an. Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta,6 làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men!7 Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người. Đúng thế! A-men!
8 Đức Chúa là Thiên Chúa phán: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng.”
Thị kiến mở đầu
9 Tôi là Gio-an, một người anh em của anh em, tôi cùng chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vương quốc và cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Đức Giê-su. Lúc ấy, tôi đang ở đảo gọi là Pát-mô, vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giê-su.10 Tôi đã xuất thần vào ngày của Chúa và nghe đằng sau tôi có một tiếng lớn như thể tiếng kèn11 nói rằng: “Điều ngươi thấy, hãy ghi vào sách và gửi cho bảy Hội Thánh: Ê-phê-xô, Xi-miếc-na, Péc-ga-mô, Thy-a-ti-ra, Xác-đê, Phi-la-đen-phi-a và Lao-đi-ki-a.”12 Tôi quay lại để xem tiếng ai nói với tôi. Khi quay lại, tôi thấy bảy cây đèn vàng.13 Ở giữa các cây đèn, có ai giống như Con Người mình mặc áo chùng và ngang ngực có thắt đai bằng vàng.14 Đầu Người tóc trắng như len trắng, như tuyết; mắt Người như ngọn lửa hồng;15 chân Người giống như đồng đỏ được tôi luyện trong lò; và tiếng Người như tiếng nước lũ.16 Tay hữu Người cầm bảy ngôi sao và từ miệng Người phóng ra một thanh gươm hai lưỡi sắc bén. Mặt Người tỏa sáng như mặt trời chói lọi.
17 Lúc thấy Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người, như chết vậy. Người đặt tay hữu lên tôi và nói: “Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối.18 Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ.19 Vậy ngươi hãy viết những gì đã thấy, những gì đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra sau này.20 Đây là ý nghĩa mầu nhiệm của bảy ngôi sao ngươi đã thấy trên tay hữu Ta, và của bảy cây đèn vàng: bảy ngôi sao là các thiên thần của bảy Hội Thánh, và bảy cây đèn là bảy Hội Thánh.
a. Thời giờ đã gần đến, tác giả mượn lời rao giảng của các ngôn sứ, của thánh Gio-an Tẩy Giả, cũng như của chính Đức Giê-su để khuyến khích anh em tín hữu đang gặp thử thách cố gắng nhẫn nại, chịu đựng đau khổ, vì Đức Giê-su sắp quang lâm. Người đang đến ngay tức thời. Lịch sử đang tới hồi kết thúc. Tuy nhiên, không ai biết chắc chắn ngày nào, giờ nào. Chỉ một mình Thiên Chúa thấu suốt lịch sử, biết rõ tận cùng của lịch sử. Thiên Chúa vén tỏ cho loài người thấy kế hoạch mầu nhiệm của Người qua Đức Giê-su.
k. Tác giả tự giới thiệu như một người có uy tín đối với các tín hữu ở Tiểu Á, gửi thư cho các Hội Thánh. Đây không phải loại thư tín xã giao, nhưng là loại thư đặc biệt, thư luận đề về Thiên Chúa, Đấng nắm quyền sinh tử loài người, và về Đức Giê-su, Đấng cứu độ loài người.
Đây không phải chỉ là lời mở đầu cho các thư, nhưng còn là cho toàn sách Khải huyền. Bởi vậy, chúng ta có thể coi đó như chứng cứ thần học cho tác phẩm này.
l. Tin Mừng được loan báo sâu rộng ở Tiểu Á, một tỉnh cực đông của đế quốc Rô-ma. Thánh Phao-lô và các Tông Đồ đã hoạt động nhiều ở miền này. Số 7 có tính biểu tượng, mang ý nghĩa Do-thái, chỉ sự hoàn hảo, toàn diện, tất cả. Bảy Hội Thánh trong Khải huyền nằm trên trục lộ giao thông chính của tỉnh châu Á.
m. Tác giả nhắc tới Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây có phải là công thức chào chúc phụng vụ không? Đấng hiện có: kiểu nói theo Xh 3,14. Thiên Chúa mặc khải danh Người cho ông Mô-sê trên núi Xi-nai. Đang đến: ám chỉ Thiên Chúa sẽ đến xét xử trần gian, có tính cánh chung. Cũng có thể hiểu: Thiên Chúa đi vào lịch sử nhân loại và đồng hành với nhân loại như trong cuộc xuất hành.
n. Theo Is 11,2-3 là bảy ơn Chúa Thánh Thần. Số 7 mang tính biểu tượng, nói lên sự viên mãn, tràn đầy. Vậy bảy thần khí là chính Chúa Thánh Thần.
o. Đây là hoạt động cứu thế của Đức Giê-su. Trước hết với tư cách là chứng nhân, Người thực hiện những lời Thiên Chúa hứa ban cho vua Đa-vít (Tv 89,38; Is 55,4). Người là Đấng được xức dầu (Dcr 12,8). Ở đây, nói đến Đức Giê-su trung thành làm chứng cho đến chết. Người đã sống lại để trở thành Trưởng Tử và được Chúa Cha tôn phong làm Chúa Tể mọi thụ tạo. Theo Cl 1,18; Rm 1,4; 1 Cr 15,28 Người là hoa quả đầu mùa của những kẻ được phục sinh. Do đó, Người là Chúa Tể duy nhất phải tôn thờ. Không được thờ bất cứ ai như Chúa Tể.
p. Chúng tôi đảo ngược c. 4b và 5 cho xuôi tiếng Việt. Ân sủng và Bình an là những từ trừu tượng. Nếu chúng làm chủ ngữ thì đúng ngữ pháp Hy-lạp, nhưng lại không đúng tinh thần trong sáng của tiếng Việt.
q. Db: tháo cởi, xóa. X. 7,14 tẩy trắng.
r. X. Xh 19,6. Được thánh tẩy, người tín hữu gia nhập Nước Trời, tham dự vào sứ vụ của Đức Ki-tô: làm quân vương, tư tế và ngôn sứ. Sống trong vương quốc của Thiên Chúa, người tín hữu cũng được cai trị mọi loài với Đức Ki-tô (Đn 7,22; Is 45,11-17). Tư tưởng này còn được nhắc lại ở 2,26-27; 5,10; 20,6; 22,5.
s. X. 1 Pr 2,5.9. Tín hữu kết hợp với Đức Ki-tô dâng lên Thiên Chúa hiến tế tạ ơn, hy lễ tinh tuyền. Người tín hữu thánh hiến cuộc đời để chỉ tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất.
t. Vinh tụng ca về Đức Ki-tô, Khải huyền thường sử dụng vinh tụng ca; có lẽ các vinh tụng ca này phản ảnh phụng vụ thời ấy. Với chủ đích chống lại việc tôn thờ hoàng đế Rô-ma như chủ tể, sách Khải huyền viết vinh tụng ca để nhắc nhở anh em tín hữu: chỉ tuyên xưng một mình Đức Giê-su là Chúa Tể!
b. Do từ Hy-lạp apokalupsis, dùng từ mặc thay cho mạc. Nếu dùng mạc phải đổi lại là khải mạc mới đúng ngữ pháp Hán – Việt. Mặc khải là Thiên Chúa tỏ bày mầu nhiệm của Người cho nhân loại qua trung gian thiên nhiên như kỳ công sáng tạo, hoặc qua trung gian loài người như ông Mô-sê, ông Ê-li-a, nhất là qua Đức Giê-su. Đến lượt mình, Đức Giê-su lại tỏ cho các Tông Đồ biết mọi bí nhiệm, ý định của Thiên Chúa. Ông Gio-an sẽ trình bày các bí nhiệm ấy trong sách Khải huyền.
u. X. Mc 13,26; Mt 24,30; Đn 7,13. Mây biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa (Xh 19,16; Is 6,4). Đức Ki-tô giáng lâm như Con Người để xét xử thế gian.
v. X. Ga 19,37; Dcr 12,10-12. Từ ngữ này khiến người ta nghĩ rằng tác giả sách Khải huyền cũng là tác giả sách Tin Mừng thứ tư. Ở đây, phải hiểu rằng khi Đức Ki-tô giáng lâm, tất cả mọi người, không loại trừ ai, đều gặp Người trong tư cách một vị Thẩm Phán. Cũng hàm ý: những kẻ bách hại tín hữu cũng sẽ gặp Người.
x. X. Mt 24,30; Lc 23,27. Hành vi diễn tả lòng sám hối của người Do-thái. Khi Đức Ki-tô ngự đến, mọi người sẽ phải sám hối về cuộc sống trên trần thế của họ.
y. Chữ đầu tiên và cuối cùng của mẫu tự Hy-lạp (x. 21,6; 22,13). Thiên Chúa là nguyên lý và cứu cánh của mọi thụ tạo. Người tín hữu phải lựa chọn giữa Thiên Chúa và thế gian. Tin Thiên Chúa là Đấng toàn năng: nghĩa là tin Người đã tạo dựng, yêu thương loài người, đồng thời nhờ Con Một của Người cứu thoát loài người khỏi tội. Tín hữu phải thờ phượng Thiên Chúa trong sự liên kết với Đức Ki-tô và hiệp nhất với Chúa Thánh Thần.
a. Tác giả tự giới thiệu danh tính và hoàn cảnh của mình với độc giả. Nhờ đồng cảnh ngộ với các tín hữu đang gặp thử thách, ông mới có khả năng thuyết phục anh em tín hữu. Điều ông viết không phải tự ý mình, nhưng theo lệnh truyền của Đức Giê-su phục sinh hiện ra trong thị kiến. Ông đã nhìn thấy Con Người, y như Đn 7 và 10 mô tả. Với kỹ thuật sử dụng từ ngữ khải huyền, ông cho độc giả thấy Đức Ki-tô vừa là ngôn sứ, vừa là tư tế, vừa là quân vương: Chính Người sẽ là Thẩm Phán. Ông xác tín Đức Ki-tô đã toàn thắng tội lỗi và sự chết, nên kêu gọi anh em tín hữu đặt niềm hy vọng nơi Người. Hãy kiên nhẫn chịu đựng gian khổ. Đức Ki-tô đã trải qua đau khổ mới đạt vinh quang. Có thập giá mới có ơn cứu độ. Cơn bách hại hiện tại là con đường dẫn tới hạnh phúc vĩnh cửu.
b. Một đảo nhỏ thuộc quần đảo Xơ-pô-rát, trong biển Ê-giê Mi-lê. Pát-mô cách Ê-phê-xô chừng 100 km về phía Tây Nam. Đảo này là nơi giam giữ tù nhân chính trị bị nhà cầm quyền Rô-ma xét xử, cũng như giam cầm những người nổi tiếng trong xã hội vì bất đồng quan điểm với chính quyền. Ông Gio-an nói rõ mình bị giam giữ vì đức tin, vì loan báo Lời Chúa.
c. ds: trong Thần Khí. Ngày xưa gọi là ngất trí. Tình trạng của một người, dẫu thân xác vẫn tại thế, nhưng tâm trí ở một thế giới khác hẳn, cảnh trí rất khác lạ với phàm trần. Được Thần Khí linh hứng, tác giả hiểu biết những mầu nhiệm và sấm ngôn về những thực tại trên trời, cũng như hiểu được thực chất của Hội Thánh.
d. Trong Cựu Ước, ngày của Chúa là ngày thịnh nộ, ngày xét xử của Thiên Chúa, nhưng cũng là ngày cánh chung. Ở đây là ngày của Đức Ki-tô. Người đã trỗi dậy từ cõi chết (Mc 16,2), chiến thắng tội lỗi và sự chết. Lần đầu tiên trong Tân Ước, Khải huyền dùng từ này. Cv 20,7; 1 Cr 16,2 nói ngày thứ nhất trong tuần. Các Tông Đồ hội họp anh em tín hữu vào ngày này để nghe đọc Sách Thánh và làm lễ nghi bẻ bánh. Chi tiết về thời gian này rất quan trọng. Đức Giê-su mặc khải thông điệp cho tác giả vào ngày của Chúa. Điều này giúp anh em tín hữu đang bị bách hại vững tin hơn và nhẫn nại phấn đấu trong cơn gian truân, vì Đức Ki-tô đã chiến thắng ma quỷ, tội lỗi và sự chết.
đ. Danh xưng này mượn trong Đn 7,9.13; 10,5.6; Ed 1,24-26; 43,2. Đức Ki-tô oai nghiêm xuất hiện, theo lối phục sức của bậc vương giả (thắt đai bằng vàng x. 1 Mcb 10,89; 11,58) và thượng tế (mặc áo chùng x. Xh 28,4; 29,5; Dcr 3,4). Như vậy, Đức Ki-tô thật là một vị vua, một thượng tế.
e. Ám chỉ sự vĩnh cửu. Đức Giê-su là Khởi Nguyên và là Tận Cùng (22,13), sống đến muôn thuở muôn đời.
c. Danh xưng này ám chỉ các tín hữu (2,20; 7,3); hoặc các ngôn sứ (10,7).
g. Ở đây mắt là biểu tượng tri thức thần linh của Đức Giê-su. Người thấu suốt mọi tâm can (x. Tv 7,10; Gr 17,10).
h. Vững chắc (x. Đn 2,31-45; Ed 1,27; Đn 10,6).
i. Nói như Đấng có quyền (x. Mc 1,22; Ed 1,24).
k. Ám chỉ bảy Hội Thánh ở Tiểu Á. Số phận của các Hội Thánh này tùy thuộc Đức Ki-tô.
l. Tượng trưng sức mạnh của lời nói và quyền bính xét xử, quyết định trừng phạt kẻ gian ác (x. Hr 4,12; Ep 6,17; Is 49,2; Kn 5,20).
m. Trong Cựu Ước, ai thấy Thiên Chúa thì phải chết (Xh 19,21; 33,20; Is 6,5). Ở đây theo Đn 8,17-18; 10,9; Ed 1,28-32.
n. Danh xưng này thuộc Thiên Chúa (Is 44,6; 48,12). Ở đây áp dụng cho Đức Giê-su (x. 2,8; 22,13). Đức Giê-su mặc khải Người là Thiên Chúa.
o. Nơi người chết ở (x. Ds 16,33). Đức Giê-su có quyền trên cả kẻ chết. Người có thể tha cho họ hay giam giữ họ.
p. Thiên thần cũng là thụ tạo, nhưng được Thiên Chúa trao trách nhiệm trông coi thế giới vật lý (7,1; 16,5), hoặc trông coi các nước (Đn 10,13; 12,1), cộng đồng (như ở đây), và cá nhân (Mt 18,10; Cv 12,15).
d. BJ chú thích là Thiên Chúa. Thiết tưởng theo văn mạch, phải hiểu về Đức Giê-su.
đ. Trong Ê-dê-ki-en, Da-ca-ri-a, Đa-ni-en và các sách khải huyền Do-thái, Thiên Chúa sai thiên thần đến tỏ bày ý định của Người cho các ngôn sứ hoặc cho một người nào đó.
e. Người làm chứng phải thấy tận mắt, nghe thấu tai về một người, một biến cố, để có thể nói lại cho người khác đúng sự thật. Đôi khi, người làm chứng phải trả bằng giá máu, như trường hợp Đức Giê-su. Ở đây, tác giả được Thiên Chúa và Đức Giê-su mặc khải, qua các thị kiến, những biến cố liên quan đến vận mệnh của anh em tín hữu đương thời.
g. Khải huyền có bảy mối phúc (1,3; 14,13; 16,15; 19,9; 20,6; 22,7.14). Phúc thứ nhất dành cho những ai công bố các sấm ngôn Thiên Chúa, mặc khải Đức Giê-su truyền đạt. Công bố bằng giảng dạy hoặc viết sách: Phúc này cũng dành cho những người nghe thông điệp và giữ các điều ấy, người lắng nghe và chấp nhận sống theo thông điệp. Ai nghe và thực hành lời Thiên Chúa, giáo huấn của Đức Giê-su, trở nên mẹ và anh em của Đức Giê-su (Lc 11,27). Ở đây có thể hiểu: rao giảng thông điệp trong cộng đoàn phụng vụ.
h. Ám chỉ Đức Ki-tô giáng lâm, hay cuộc phán xét. Đây là công thức văn chương khải huyền: nói lên tính cách bức thiết của mặc khải, đòi hỏi tín hữu phải chấp nhận ý định của Thiên Chúa.
i. Trong phần này (1,4–3,22), tác giả gửi thư cho bảy Hội Thánh ở Tiểu Á, nơi đây, Tin Mừng đã được đón nhận rộng rãi, để nhắc nhở anh em tín hữu: chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa. Chỉ một mình Đức Ki-tô được Thiên Chúa tôn phong làm chủ tể muôn loài, sau khi Người đã cam lòng chịu chết trên thập giá và sống lại từ cõi chết. Chính Đức Ki-tô sẽ xét xử các tín hữu. Muốn được Đức Ki-tô ban thưởng, người tín hữu vừa phải sống trung thành với Tin Mừng, vừa phải biết đồng hóa với sứ mệnh của Đức Ki-tô. Sau khi nhắn nhủ tín hữu, tác giả trình bày những thị kiến mà ông được phúc xem thấy. Tác giả động viên, khích lệ tín hữu cố gắng nhẫn nại, chịu đựng, vượt qua mọi thử thách gian khổ họ đang trải qua.