4. GIÊ-RU-SA-LEM TƯƠNG LAI
Trời mới đất mới
1 Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa.2 Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang.3 Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ.4 Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.”
5 Đấng ngự trên ngai phán: “Này đây Ta đổi mới mọi sự.” Rồi Người phán: “Ngươi hãy viết: Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật.”6 Người lại phán với tôi: “Xong cả rồi! Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng. Chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh, mà không phải trả tiền.7 Ai thắng sẽ được thừa hưởng hồng ân đó. Ta sẽ là Thiên Chúa của người ấy, và người ấy sẽ là con của Ta.8 Còn những kẻ hèn nhát, bất trung, đáng ghê tởm, sát nhân, gian dâm, làm phù phép, thờ ngẫu tượng, và mọi kẻ nói dối, thì phần dành cho chúng là hồ lửa và diêm sinh cháy ngùn ngụt: đó là cái chết thứ hai.”
Giê-ru-sa-lem mới
9 Bấy giờ, trong số bảy thiên thần mang bảy chén đầy bảy tai ương cuối cùng, một vị đến bảo tôi: “Lại đây, tôi sẽ chỉ cho ông thấy Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên.”10 Rồi đang khi tôi xuất thần, thì người đem tôi lên một ngọn núi cao hùng vĩ, và chỉ cho tôi thấy Thành Thánh, là Giê-ru-sa-lem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống,11 chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành rực sáng tựa đá quý tuyệt vời, như ngọc thạch trong suốt tựa pha lê.12 Thành có tường rộng và cao, với mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên các cửa có ghi tên mười hai chi tộc con cái Ít-ra-en.13 Phía đông có ba cửa, phía bắc ba cửa, phía nam ba cửa và phía tây ba cửa.14 Tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên.
15 Thiên thần đang nói với tôi cầm cái thước đo là một cây sậy bằng vàng, để đo thành, các cửa và tường thành.16 Thành hình vuông: chiều dài cũng bằng chiều rộng. Rồi người lấy cây sậy đo thành, được mười hai ngàn dặm: chiều dài, chiều rộng và chiều cao đều bằng nhau.17 Người đo tường thành được một trăm bốn mươi bốn thước, theo thước đo của loài người cũng là của vị thiên thần.18 Tường xây bằng ngọc thạch, thành thì bằng vàng y, giống như thủy tinh trong sáng.19 Nền móng tường thành được trang trí bằng mọi thứ đá quý. Nền móng thứ nhất bằng ngọc thạch, nền móng thứ hai bằng lam ngọc, nền móng thứ ba bằng lục ngọc, nền móng thứ tư bằng bích ngọc,20 nền móng thứ năm bằng mã não, nền móng thứ sáu bằng xích não, nền móng thứ bảy bằng kim châu, nền móng thứ tám bằng lục châu, nền móng thứ chín bằng hoàng ngọc, nền móng thứ mười bằng kim lục, nền móng thứ mười một bằng huỳnh ngọc, nền móng thứ mười hai bằng tử ngọc.21 Mười hai cửa là mười hai khối ngọc trai; mỗi cửa là một khối ngọc duy nhất. “Quảng trường của thành bằng vàng y như thủy tinh trong suốt.”22 Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành.23 Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa tỏa rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi.24 Các dân ngoại sẽ tiến bước theo ánh sáng của thành, và vua chúa trần gian đem kho tàng vinh quang tới đó.25 Ngày nọ qua ngày kia, cửa thành không bao giờ đóng, vì ở đấy sẽ chẳng có đêm.26 Thiên hạ sẽ đem tới đó kho tàng vinh quang và sự giàu sang của các dân ngoại.27 Tất cả những gì ô uế cũng như bất cứ ai làm điều ghê tởm và ăn gian nói dối, đều không được vào thành, mà chỉ có những người có tên ghi trong Sổ Trường Sinh của Con Chiên mới được vào.
Is 65,17; Rm 8,19-23; 2 Pr 3,13
Is 60,1-2.19-20; 2 Cr 3,18
Is 35,8; 52,1; Dcr 13,1-2
p. Thị kiến quan trọng nhất của Khải huyền: trời mới, đất mới và Giê-ru-sa-lem mới. Công trình sáng tạo cũ biến mất và sự ác bị tiêu diệt hoàn toàn. Đây là giai đoạn cuối cùng trong kế hoạch sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. Tột đỉnh là Giê-ru-sa-lem mới, Hội Thánh trên trời và là vương quốc đích thật của Thiên Chúa. Người ta nhận thấy trong thị kiến này có những mô tả chi tiết (21,24-27), thoạt nhìn xem ra liên quan với giai đoạn trần gian của sinh hoạt Hội Thánh. Tác giả vận dụng ngôn ngữ truyền thống của Cựu Ước để mô tả thành Giê-ru-sa-lem trên trời rất hoàn hảo, và là Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên. Thành không có Đền Thờ, và chính Thiên Chúa và Con Chiên ngự trị trong Thành. Nước từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên chảy ra. Có cây sự sống mọc giữa hai nhánh sông. Những người được chọn chiêm ngưỡng tôn nhan Thiên Chúa và Con Chiên. Họ được cai trị mãi mãi với Thiên Chúa và Con Chiên. Thị kiến cuối cùng này là nguồn hy vọng và cậy trông cho các tín hữu đang bị bách hại hay sống đời chứng nhân.
q. Thị kiến về Giê-ru-sa-lem trên trời cảm hứng từ Is 51. Đối với Ít-ra-en, thành Giê-ru-sa-lem, được gọi là Thành Đa-vít, là thủ đô chính trị và tôn giáo, nhưng cũng được gọi là Thành của Thiên Chúa, Thành Thánh (x. Is 52,1). Nhưng Hội Thánh được gọi là Giê-ru-sa-lem mới. Hội Thánh thay thế Giê-ru-sa-lem và nhận mọi danh hiệu của Giê-ru-sa-lem. Thiên Chúa thiết lập Giao Ước Mới với Hội Thánh. Hội Thánh được Thiên Chúa yêu thương; và mọi con cái của Hội Thánh đều là con cái của Thiên Chúa.
r. X. Is 65,17; 66,22. Thời cánh chung, sẽ không còn vết tích công trình sáng tạo cũ. Thực ra, Đức Giê-su phục sinh đã khởi sự biến đổi vũ trụ. Ngày tận thế chỉ là hoàn tất cuộc biến đổi ấy.
s. Quan niệm xưa cho rằng biển biểu tượng cho sự ác. Theo 13,1 Con Thú từ biển đi lên. Nay biển phải biến mất, thì sự ác cũng bị tiêu diệt.
t. Không phải Giê-ru-sa-lem do tay con người làm ra, nhưng là do Thiên Chúa. Thành này là nơi Thiên Chúa ngự trị và là nơi cho những người được tuyển chọn ở.
u. Đây là hôn lễ mới giữa Hội Thánh và Con Chiên.
v. ds: lều của Thiên Chúa; cắm lều (x. Ga 1,14).
x. Công thức quen thuộc nơi các giao ước xưa (St 17,8; Lv 26,11-12; Gr 31,33; Ed 37,27). Sự hiện diện và tình thân mật là đặc tính của giao ước Thiên Chúa thiết lập với dân Người. Theo các ngôn sứ, giao ước chỉ thực hiện trọn vẹn vào thời cánh chung (x. Ge 4,17-21; Dcr 2,15; Xp 3,15).
y. Trong Cựu Ước, nước biểu tượng cho sự sống (x. Tv 36,40; Gr 2,13) là một đặc tính thời Đấng Mê-si-a. Trong Tân Ước, nước trở thành biểu tượng của Chúa Thánh Thần (x. Ga 7,37; 4,10).
a. Danh hiệu này: Ít-ra-en đã được vinh dự gọi như thế. Các tín hữu nhờ tin vào Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa, nên cũng được hân hạnh mang danh hiệu này (Ga 1,12; Lc 20,36; Rm 8,14-17; Gl 4,4-7; 1 Ga 3,1-3).
b. Chết đời đời. Không bao giờ được thấy Thiên Chúa.
c. Thị kiến này giải nghĩa thành Giê-ru-sa-lem mới. Về cấu trúc và vật liệu xây dựng, kích thước, hình dạng Thành Thánh dựa vào Ed 40-48. Những đá quý (x. Xh 28,17-20; 39,10-13). Thành Giê-ru-sa-lem mới là nơi quy tụ mọi dân tộc. Điều này chứng tỏ ơn cứu độ có tính phổ quát. Hội Thánh vì thế được gọi là Công Giáo. Bố cục đoạn này như sau: cc. 9-10 giới thiệu thị kiến; cc. 11-14: cảnh trí bên ngoài Thành; cc. 15-17: đo Thành; cc. 18-21: vật liệu xây dựng tường và nền móng; cc. 22-23: vẻ xán lạn rực rỡ của Thành; cc. 24-27: dân ở trong Thành.
d. Tất cả những nét mô tả được vay mượn trong I-sai-a và Ê-dê-ki-en, để nói lên tính cách vĩ đại, xinh đẹp, dịu hiền của Giê-ru-sa-lem mới.
đ. Bốn phương là đặc tính phổ quát của Giê-ru-sa-lem mới; ba chỉ sự hoàn hảo.
e. Mười Hai Tông Đồ thay cho mười hai chi tộc Ít-ra-en. Hội Thánh hoàn hảo. Ở đây có thể hiểu Hội Thánh được xây trên nền tảng đức tin của Nhóm Mười Hai. Các Tông Đồ là những người đi theo Đức Ki-tô, nghe giáo huấn của Người, nhất là đã chứng kiến Người chết và sống lại (x. Cv 1,21-22).
h. Bình phương của mười hai. Một thước chừng 0,45 m hay 0,49 m.
i. Đền thờ Giê-ru-sa-lem dưới đất là biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người. Thời cánh chung, không cần Đền Thờ nữa. Loài người được nhìn trực tiếp và hiệp thông với Thiên Chúa; Thiên Chúa và Con Chiên hiện diện hữu hình giữa những người được tuyển chọn. Theo Ga 2,21 chính thân xác của Đức Ki-tô chịu sát tế và phục sinh đã trở nên nơi thờ phượng thiêng liêng mới.
k. X. Is 60,3.5.11; Tv 72,10-11; 138,4. Tính cách phổ quát của ơn cứu độ. Hội Thánh tại thế là dấu hiệu sự hiện diện của Thiên Chúa. Các dân tộc tuôn về Hội Thánh để thờ phượng Thiên Chúa.
l. Thiên đàng hay Giê-ru-sa-lem trên trời dành cho những người dấn thân vào lịch sử, đấu tranh chống lại tội ác.