Nguyên văn theo Kinh Thánh Công Giáo, bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Phần audio do Giu-se Định và Ma-ri-a Kim Hồi, cùng các anh chị em thanhlinh.net thực hiện.
Chương 1
Lời mở đầu
1 Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được làm Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, kính gửi dân thánh tại Ê-phê-xô, là những người tin vào Đức Ki-tô Giê-su.2 Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an.
I. MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ: ĐỨC KI-TÔ VÀ HỘI THÁNH
Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa
3 Chúc tụng Thiên Chúa
là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô,
Chúa chúng ta.
Trong Đức Ki-tô,
từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc
cho ta hưởng muôn vàn
ơn phúc của Thánh Thần.
4 Trong Đức Ki-tô,
Người đã chọn ta
trước cả khi tạo thành vũ trụ,
để trước thánh nhan Người,
ta trở nên tinh tuyền thánh thiện,
nhờ tình thương của Người.
5 Theo ý muốn
và lòng nhân ái của Người,
Người đã tiền định cho ta
làm nghĩa tử
nhờ Đức Giê-su Ki-tô,
6 để ta hằng ngợi khen
ân sủng rạng ngời,
ân sủng Người ban tặng cho ta
trong Thánh Tử yêu dấu.
7 Trong Thánh Tử,
nhờ máu Thánh Tử đổ ra
chúng ta được cứu chuộc,
được thứ tha tội lỗi
theo lượng ân sủng
rất phong phú của Người.
8 Ân sủng này,
Thiên Chúa đã rộng ban cho ta
cùng với tất cả
sự khôn ngoan thông hiểu.
9 Người cho ta
được biết thiên ý nhiệm mầu:
thiên ý này là kế hoạch yêu thương
Người đã định từ trước
trong Đức Ki-tô.
10 Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn
là quy tụ muôn loài trong trời đất
dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.
Cũng trong Đức Ki-tô,
11 Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự
theo quyết định và ý muốn của Người,
đã tiền định cho chúng tôi đây
làm cơ nghiệp riêng
theo kế hoạch của Người,
12 để chúng tôi là những người đầu tiên
đặt hy vọng vào Đức Ki-tô,
chúng tôi ngợi khen
vinh quang Người.
13 Trong Đức Ki-tô, cả anh em nữa,
anh em đã được nghe lời chân lý
là Tin Mừng cứu độ anh em;
vẫn trong Đức Ki-tô,
một khi đã tin,
anh em được đóng ấn Thánh Thần,
Đấng Thiên Chúa đã hứa.
14 Thánh Thần là bảo chứng
phần gia nghiệp của chúng ta,
chờ ngày dân riêng
của Thiên Chúa được cứu chuộc,
để ngợi khen
vinh quang Thiên Chúa.
Đức Ki-tô được siêu tôn
15 Bởi vậy, cả tôi nữa, từ khi được nghe nói về lòng tin của anh em vào Chúa Giê-su, và về lòng mến của anh em đối với toàn thể dân thánh,16 tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì anh em, khi nhắc tới anh em trong những lời cầu nguyện của tôi.17 Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người.18 Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh,19 đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực,20 mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời.21 Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai.22 Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh;23 mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.
Rm 1,1; 1 Cr 1,1-2; Cl 1,1
Gl 2,7-13; Rm 3,24; Cl 1,14-20
Is 46,10; Rm 8,28; Cl 1,12; Kh 4,11
Ep 3,14.16; Cl 1,9-10; 1 Ga 5,20
Tv 110,1; Pl 2,9; Cl 1,6; Hr 1,3; 1 Pr 3,22
Ep 4,15; Tv 8,7; Mt 28,18; Cl 1,18
Rm 12,5; 1 Cr 12,27; Cl 1,19
Ga 15,16; 17,24; Rm 8,29; 2 Tx 2,13
Gl 2,7-13; Rm 3,24; Cl 1,14-20
a. Dân thánh. Không hiểu như ngày nay: những vị được Hội Thánh tuyên phong. Đây là từ ngữ Hội Thánh thời sơ khai dùng để chỉ những người đã lãnh nhận phép thánh tẩy, được thánh hiến cho Thiên Chúa và là phần tử của dân mới, đã được Thiên Chúa tuyển chọn (x. Pl 1,3; Cl 1,3; Rm 1,7).
k. ds: Trong Người, chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ máu Người, ơn tha thứ tội lỗi.
l. khôn ngoan thông hiểu, từ ngữ đặc biệt của các thư Ê-phê-xô và Cô-lô-xê.
m. ds: ... biết mầu nhiệm của thánh ý Người. Mầu nhiệm là đề tài căn bản của hai thư Ê-phê-xô và Cô-lô-xê: đó là chương trình cứu độ Thiên Chúa đã có từ đời đời, chỉ một mình Người biết; nhưng Thiên Chúa đã mặc khải cho loài người biết mầu nhiệm đó (x. Ep 3,3-10; Cl 1,26-27; Rm 16,25-26; 1 Cr 2,7-9). Đây là ơn phúc thứ tư.
Ở đây, mầu nhiệm đã được hoàn tất nơi Đức Giê-su Ki-tô, Người có toàn quyền trên vũ trụ; Người kết hợp dân Do-thái với dân ngoại thành một trong Hội Thánh, làm thành thân thể của Người, và Người là Đầu của thân thể đó.
n. Ở đây khác chút ít với Gl 4,4. Gl 4,4 nói về việc Đức Ki-tô nhập thể, khi thời gian mong đợi trong Cựu Ước đã viên mãn. Còn ở đây nói về tất cả các biến cố từ khi Đức Ki-tô đến cho tới khi Người trở lại, thời của Hội Thánh. Như vậy quyền tối thượng của Đức Ki-tô trên vũ trụ đã thực hiện rồi, chỉ còn chờ đến ngày hoàn tất, tức là ngày Người trở lại.
o. Quy tụ vạn vật trên trời dưới đất dưới quyền của Đức Ki-tô là Đầu: vạn vật trên trời dưới đất đã bị tội lỗi làm rạn nứt và đảo lộn (x. St 3,1 tt), nay được quy tụ lại thành một thể thống nhất, tùng phục Đức Ki-tô; cả thế giới con người cũng được quy tụ lại trong một Hội Thánh, dân Do-thái và dân ngoại; cả thế giới các thiên thần cũng tùng phục Đức Ki-tô (x. Ep 1,21 tt).
p. Trong cc. 11-13, có thể phân biệt chúng tôi để chỉ dân Ít-ra-en, anh em để chỉ dân ngoại.
q. Ơn phúc thứ năm: trong thế giới bị tội lỗi làm băng hoại, Thiên Chúa đã chọn một dân để duy trì niềm mong chờ Đấng Cứu Thế và ơn cứu độ. Thánh Phao-lô là thành phần của dân này.
r. Ơn phúc thứ sáu: dân ngoại được mời tham dự ơn cứu độ Thiên Chúa đã hứa cho dân Ít-ra-en. Bằng chứng bảo đảm điều đó là họ được nhận lãnh ơn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa, qua lời giảng của các ngôn sứ (x. Ed 36,27 tt; Ge 3,1-2; Cv 2,32), vào thời Đấng Cứu Thế.
s. Ơn Thánh Thần kết thúc chương trình của Thiên Chúa, mở đầu giai đoạn cuối cùng của lịch sử cứu độ, giai đoạn của Hội Thánh, chờ ngày Đức Ki-tô đến kết thúc.
t. Dân riêng của Thiên Chúa, ds là phần sở hữu, tức là dân mới đã được Thiên Chúa chuộc về nhờ cái chết của Đức Giê-su trên thập giá. Trong cc. 3-14, thánh Phao-lô sử dụng một loạt các từ: phúc lành, các thánh, chọn, nghĩa tử, cứu chuộc, cơ nghiệp, lời hứa, phần sở hữu là những từ ngữ của Cựu Ước nói về dân của Thiên Chúa để áp dụng vào Ít-ra-en mới, tức là Hội Thánh.
b. Nhiều bản chép tay không có tại Ê-phê-xô. Có lẽ đây là thư luân lưu, gửi cho nhiều cộng đoàn: đọc ở cộng đoàn nào thì điền tên cộng đoàn ấy vào chỗ trống.
u. Qua việc phục sinh và thăng thiên, Đức Ki-tô đã thống trị toàn vũ trụ. Từ nay không một tạo vật nào, không một quyền lực nào trên trời, dưới đất hoặc dưới lòng đất lại ở ngoài tầm ảnh hưởng của Đức Ki-tô (x. Pl 2,9-10; 1 Cr 15,24). Đức Ki-tô còn là Đầu của cộng đoàn những người được Thiên Chúa kêu gọi, tức là Hội Thánh; Hội Thánh lớn lên nhờ sức sống từ Đầu tràn khắp thân thể và trở thành sự viên mãn của Đức Ki-tô, bởi vì Hội Thánh ấp ủ, lan tràn vào tất cả mọi khung cảnh sống đã được Đức Ki-tô cứu chuộc.
v. Nhiều bản chép tay không có và về lòng mến của anh em đối với toàn thể các thánh.
x. ds: ... thần khí khôn ngoan và (thần khí) mặc khải; nghĩa đơn giản là xin Thiên Chúa ban ơn giúp cho anh em nhận biết Thiên Chúa.
y. ds: Xin Người soi sáng con mắt của tâm hồn anh em. Trong Kinh Thánh, trái tim tượng trưng cho nội tâm của con người (x. Tv 13,4; 19,9).
a. ds: Niềm hy vọng của ơn Người kêu gọi là gì.
b. ds: ... sự phong phú của vinh quang (của) gia nghiệp Người trong các thánh. Các thánh ở đây có thể là: 1. các Ki-tô hữu, những người đã chịu phép thánh tẩy; 2. các thiên thần (x. Cl 1,12; CR); 3. các Ki-tô hữu gốc Do-thái; anh em Ki-tô hữu gốc ngoại giáo được liên kết với họ để nên một dân, để cùng với họ hưởng gia nghiệp Thiên Chúa đã hứa ban.
c. Câu khó! ds: ... sự vĩ đại phi thường của quyền năng Người đối với chúng ta là những tín hữu, theo hiệu lực mạnh mẽ của sức mạnh Người là gì.
đ. Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô... không có trong nguyên bản; bản dịch thêm vào để ngắt câu cho gọn gàng, dễ hiểu.
e. Thánh Phao-lô nhiều lần nhắc tới những quyền năng, tước vị... này, nhưng mỗi chỗ mỗi khác. Có lẽ người theo cách nghĩ của người đương thời và chỉ liệt kê mà không nhằm xác định rõ tước vị, phẩm trật đó là gì. Có một điều người nhằm, đó là: dù có phẩm trật hay tước vị cao sang nào thuộc về thời nào đi nữa, thì cũng phải phục quyền của Đức Ki-tô (x. Cl 1,16; 2,15; Pl 2,9).
c. Cc. 3-14 là một bài thánh thi trang trọng, thay thế cho lời tạ ơn thường có ở đầu các thư khác (Rô-ma, 1-2 Cô-rin-tô, Phi-líp-phê, Cô-lô-xê, 1-2 Thê-xa-lô-ni-ca, 2 Ti-mô-thê). Trong HL, tất cả cc 3-14 chỉ là một câu duy nhất: Chủ từ là Chúa Cha, Đấng thực hiện chương trình cứu độ đã có từ đời đời, Người đã thực hiện trong và nhờ Chúa Ki-tô (cc. 3.4.5.7.9.10.11.12.13): đó là ơn được tuyển chọn (c. 4), ơn được tiền định làm nghĩa tử (c. 5), ơn được cứu chuộc (c. 8), ơn được biết mầu nhiệm của Thiên Chúa (c. 9), được thừa hưởng gia tài của Thiên Chúa và ơn Chúa Thánh Thần (cc. 11.14).
g. Dẫn Tv 8,7, nguyên thủy nói về con người được Thiên Chúa cho làm chủ mọi loài thụ tạo hữu hình; áp dụng vào Đức Ki-tô để nói Đức Ki-tô là con người đệ nhất...
h. ds: ... và Người đã đặt Đức Ki-tô, trên tất cả, làm Đầu Hội Thánh, tức là thân thể Người...
d. ds:..., Người là Đấng đã chúc lành cho chúng ta bằng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần, từ cõi trời, trong Đức Ki-tô.
đ. Ơn phúc thứ nhất trong chương trình cứu độ là ơn tuyển chọn: tất cả mọi người đã được Thiên Chúa đặt vào trong chương trình cứu độ khi Người tuyển chọn họ trong Đức Ki-tô. Người làm như thế vì Người yêu thương con người. Mục đích của việc tuyển chọn là để con người nên thánh thiện tinh tuyền.
e. Một số dị bản cho nhờ tình thương của Người xuống đầu c. 5: Nhờ tình thương của Người, Người đã tiền định...
g. Ơn phúc thứ hai: ơn được làm nghĩa tử của Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô; Đức Ki-tô là nguồn mạch và là gương mẫu cho ơn làm nghĩa tử (x. Rm 8,29; 1 Cr 2,7).
h. Điệp khúc này còn thấy ở cc. 12.14, xen lẫn với phần trình bày các ơn phúc Thiên Chúa ban cho con người nhờ Đức Ki-tô: ân sủng, ân huệ đó là do lòng thương của Thiên Chúa, Người tự do trong việc ban các ơn phúc cho loài người.
i. Ơn phúc thứ ba: Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử ý định Người đã có từ muôn đời trước qua việc Đức Giê-su Ki-tô chết trên thánh giá, đổ máu ra để ban ơn tha thứ cho loài người, để chuộc lại con người đã bị làm nô lệ tội lỗi.