III. PHẦN KHUYÊN NHỦ
Tự do của người tín hữu
1 Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa.2 Phải, tôi đây, Phao-lô, tôi nói cho anh em biết: anh em mà chịu phép cắt bì thì Đức Ki-tô sẽ không có ích gì cho anh em.3 Một lần nữa, tôi xin khẳng định với bất cứ ai chịu phép cắt bì là: người ấy buộc phải giữ trọn vẹn Lề Luật.4 Anh em mà tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Ki-tô và mất hết ân sủng.5 Còn chúng tôi thì nhờ Thần Khí và dựa vào đức tin mà vững lòng chờ đợi được nên công chính như chúng tôi hy vọng.6 Quả thật, trong Đức Ki-tô Giê-su, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái.7 Anh em đang chạy ngon trớn như thế mà ai đã ngăn cản anh em vâng phục chân lý?8 Lời dụ dỗ ấy không phát xuất từ Đấng kêu gọi anh em.9 Một chút men làm cả khối bột dậy men.10 Đối với anh em, trong Chúa, tôi tin tưởng rằng anh em sẽ không nghĩ khác. Còn kẻ phá rối anh em thì phải chuốc lấy án phạt, bất kể người ấy là ai.11 Về phần tôi, thưa anh em, giả như tôi còn rao giảng phép cắt bì, thì tại sao tôi lại vẫn bị ngược đãi? Như thế, thập giá đâu còn là chướng ngại nữa!12 Những kẻ làm cho anh em bị rối loạn, phải chi họ tự thiến cho xong!
Tự do và bác ái
13 Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau.14 Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.15 Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy!
16 Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa.17 Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn.18 Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.19 Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng,20 thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái,21 ganh tị, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.22 Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín,23 hiền hòa, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế.24 Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê.
25 Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước.26 Chúng ta đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tị nhau.
Lv 19,18b; Mt 22,39; Mc 12,33; Rm 13,9b; Gc 2,8b
i. Phần giáo thuyết ở các ch. 3 và 4 dẫn đến những kết luận thực hành trong các ch. 5 và 6. Tín hữu là người tự do được thừa hưởng gia tài trong thành Giê-ru-sa-lem thượng giới. Tín hữu phải sống theo ơn gọi tự do của mình, không sống theo tính xác thịt, mà sống theo Thần Khí. Bởi đó, người tín hữu sống bác ái với mọi người. Khi gặp thử thách, họ không nản chí, sờn lòng, vì thập giá Đức Ki-tô nâng đỡ họ. Đức Ki-tô đang sống trong họ.
k. Thánh Phao-lô khuyên các tín hữu Ga-lát đừng quay về với Lề Luật, giữ các nghi thức bên ngoài. Đức Ki-tô đã giải thoát họ khỏi mọi ách nô lệ của Lề Luật. Trở lại với Lề Luật là đoạn tuyệt với Đức Ki-tô. Người tín hữu không thể vừa làm tôi Lề Luật, vừa sống theo Thần Khí.
l. Sự tự do là đặc tính của con cái Thiên Chúa.
m. Ngoài Lề Luật, các ráp-bi còn thêm 248 điều truyền và 365 điều cấm. Đó là ách nặng cho kẻ sống theo Lề Luật.
n. Phải dứt khoát chọn lựa: Lề Luật hoặc Đức Ki-tô.
o. Cc. 5,5-6 nói đến ba nhân đức quy thần: đức tin chiêm ngắm thập giá (x. 3,1), là nguyên lý đời sống mới; đức cậy hướng chúng ta về ngày hoàn tất ơn cứu chuộc (x. Rm 8,18-25); đức ái là nguyên tắc hành động. Thánh Thần là bảo đảm cho tự do của tín hữu.
p. Kiểu so sánh rất quen thuộc của thánh Phao-lô (x. 1 Cr 9,24-26; Pl 2,16; 3,12-14; 2 Tm 4,7; Hr 12,1). Đời sống của tín hữu là một cuộc chạy đua.
q. Một ít người Do-thái gieo rắc tư tưởng quay lại với Lề Luật: Sự kiện này làm hại đức tin trong cả miền Ga-lát. Men theo nghĩa xấu (x. Mt 16,6.11.12).
r. Không rao giảng thập giá, tất nhiên không có ai chống đối, chẳng có người bội giáo, cũng không còn bách hại.
s. Theo Đnl 23,2, những ai bị thiến, thì bị loại ra khỏi cộng đoàn dân Thiên Chúa. Câu này hàm ý châm biếm: thay vì cắt bì, những người Do-thái phá rối Hội Thánh ở Ga-lát tự thiến như các tư tế theo nghi thức tôn giáo thờ Xy-ben (x. Pl 3,2).
t. Người tín hữu sống theo ơn Thánh Thần, thực hiện tự do của mình. Sống tự do không phải là sống phóng túng, sống theo bản năng hoặc theo cảm giác thúc đẩy. Sống tự do là để cho Thánh Thần thúc đẩy mình đến với anh em mà phục vụ. Đức tin không giảm bớt tự do, trái lại đức tin mở ra môi trường mới cho bác ái hoạt động. Bác ái là một đòi hỏi thiết yếu của tự do đích thực.
u. Sự phục vụ Thiên Chúa đòi hỏi phải phục vụ anh em, nhất là những anh em gần gũi trong đức tin (6,10; x. Mt 7,12). Sống bác ái là phục vụ.
v. ds: lời duy nhất (x. Lv 19,18).
x. Tín hữu luôn chiến đấu giữa thiện và ác. Dầu có Thánh Thần ngự trong tâm hồn, tính xác thịt luôn nghe theo tiếng gọi xấu, kích thích những đam mê của tín hữu (x. Rm 7).
y. Bảng liệt kê các nết xấu và tội ác có thể chia làm 4 hạng: tội xác thịt (3) tội xúc phạm đến Thiên Chúa (2), tội phạm đến anh em (8), tội phạm chính mình (2). Như vậy, thánh Phao-lô cho thấy: ta dễ phạm anh em nhiều hơn.
a. Lần duy nhất trong Ga-lát có ý niệm thừa hưởng liên quan Nước Thiên Chúa (x. 1 Cr 6,10; Mt 5,20; 7,21; 18,3; 19,23; 21,31; 22,12). Người ta được vào Nước Thiên Chúa như một ân huệ, nếu biết sống theo các đòi hỏi của Tin Mừng.
b. Thánh Augustinô đã gói ghém các đức tính vào một câu: Cứ yêu mến đi, rồi bạn hãy làm những gì bạn muốn. Bác ái là tình yêu lựa chọn, tình yêu được Thánh Thần linh hứng, chứ không phải là một khuynh hướng tự phát của con người.
c. Phải hiểu đó là luật hướng dẫn từ phía ngoài.
d. Nhờ chiêm ngắm thập giá và nỗ lực sống theo thập giá, người ta có thể khước từ tính xác thịt. Đây là một nguyên tắc linh đạo.