Ngày sa-bát Đức Giê-su chữa người mắc bệnh phù thũng
1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.2 Và kìa trước mặt Đức Giê-su, có một người mắc bệnh phù thũng.3 Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu: “Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không?”4 Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về.5 Rồi Người nói với họ: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát?”6 Và họ không thể đáp lại những lời đó.
“Hãy ngồi chỗ cuối”
7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này:8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng vào chỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời,9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống chỗ cuối.10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.11 Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
“Khi đãi khách, hãy mời những người nghèo khó”
12 Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi.13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
Dụ ngôn khách được mời xin kiếu
15 Nghe vậy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!”16 Người đáp: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người.17 Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: ‘Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.’18 Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: ‘Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.’19 Người khác nói: ‘Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.’20 Người khác nói: ‘Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.’
21 “Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: ‘Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.’22 Đầy tớ nói: ‘Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ.’23 Ông chủ bảo người đầy tớ: ‘Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta.24 Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.’”
Vác thập giá mình mà đi theo Đức Giê-su
25 Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ:
26 “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.
Từ bỏ hết những gì mình có
28 “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không?29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo:30 ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.’31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng?32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hòa.33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.
Muối mà nhạt đi...
34 “Muối quả là một cái gì tốt. Nhưng chính muối mà nhạt đi, thì lấy gì ướp nó cho mặn lại?35 Dùng nó để bón ruộng hay trộn phân đều không thích hợp, nên người ta quăng nó ra ngoài. Ai có tai nghe thì nghe.”
Lc 9,23; Mt 10,38; 16,24; Mc 8,34
u. Lc trình bày nhiều yếu tố thuộc khuôn khổ một bữa ăn (14,1-24). Tất cả đều nhằm vào các người Pha-ri-sêu mà Lc xem như là tiêu biểu thuần túy của tư tưởng Do-thái. Yếu tố đầu tiên là một vụ chữa lành thực hiện vào ngày sa-bát, tương tự 6,6-11 và 13,10-17.
a. Có khá nhiều bản chép con lừa thay vì con trai, có lẽ vì ảnh hưởng của 13,15.
b. Có lẽ Lc trình bày ở đây cùng một dụ ngôn với Mt 12,11. Nhưng Lc tỏ ra không quen thuộc các thực tại địa phương: ông nói giếng thay vì hố, và nhất là nói con trai hoặc con bò sa xuống dưới, trong khi hai trường hợp này hoàn toàn khác biệt, người Do-thái phải biết xử lý khác nhau để giữ ngày sa-bát cho đúng luật.
c. Ở đây, dụ ngôn có nghĩa là châm ngôn các bậc hiền triết. Mở đầu, Đức Giê-su như chỉ cho một bài học về phép xã giao (cc. 8-10), như ở Cn 25,6-7; nhưng ở c. 11, Người sẽ kết thúc bằng một bài học về đức khiêm nhường, tương phản với những lo lắng về tôn ty trật tự của giới Do-thái giáo (x. văn kiện Cum-ran). C. 8: ngồi, ds: nằm (x. 7,36+).
d. Câu này rút từ Ed 21,31 và lên án thái độ tự tôn tự mãn của người Pha-ri-sêu (x. 16,15), và sẽ được nhắc lại ở 18,14.
đ. Nhân dịp bữa ăn, Đức Giê-su kêu gọi lòng hào hiệp đối với kẻ nghèo.
e. Lời khuyên của Đức Giê-su đi ngược hẳn với thói thường của người đời. Tất cả những hạng người được nêu ra đây đều là tiêu biểu cho người nghèo nói chung (x. 6,20+).
g. Đây là một lời hứa dành cho người hào hiệp (x. 6,32-35).
h. Căn cứ vào đoạn này và 20,35, nhiều người cho rằng tác giả Lu-ca không nghĩ người tội lỗi sẽ được sống lại (vài nhóm người trong giới Do-thái giáo cũng có quan niệm này). Nhưng ở Cv 24,15, tác giả lại nói người lành kẻ dữ đều sẽ sống lại. Lối nói của Lc ở đây cũng như ở 20,35 có thể hiểu được nếu cho rằng chỉ có người công chính mới đạt tới đời sống vĩnh hằng thực thụ.
i. Dụ ngôn này cũng được Mt ghi lại, nhưng đặt ở giai đoạn sau khi Đức Giê-su đi vào Giê-ru-sa-lem và dưới một dạng khác. Lc cho nó mang ý nghĩa nói lên rằng Thiên Chúa triệu tập một dân mới gồm người nghèo, người Do-thái và người ngoại giáo.
l. Như ở Kh 19,9, mối phúc này nói lên niềm hy vọng được tham dự vào bữa tiệc Đấng Mê-si-a sẽ thết đãi (về bữa tiệc này, x. 13,28+).
m. Theo phong tục phương Đông, khách được mời từ trước. Đến giờ, chủ tiệc sai đầy tớ đến tìm (x. Et 5,8 và 6,14) và rước khách tới nhà.
n. ds: đã sẵn sàng rồi. Nhiều bản thêm: mọi sự đã sẵn (x. Mt 22,4).
o. Khách được mời thì đông (x. c. 16), nhưng dụ ngôn chỉ nêu lên ba, theo thông lệ (x. 10,33+); người thứ ba chẳng buồn xin lỗi.
p. Có lẽ Lc ám chỉ điều này ở 14,26.
q. Danh mục như ở 14,13. Họ được gom lại từ khắp nơi trong thành: đối với Lc, họ tượng trưng cho người nghèo trong Ít-ra-en (x. 6,20-21, các chú thích).
r. Khác với Mt, Lc đưa ra một loại người thứ hai thay thế khách vắng mặt. Họ được đưa đến từ ngoại thành: đối với Lc, họ tượng trưng cho người ngoại giáo.
s. Ép đây không có nghĩa là cưỡng bức, nhưng là khẩn khoản mời (x. 24,29 và Cv 16,15). Cách nói này muốn cho thấy ân sủng có sức mạnh lướt thắng tình trạng bất xứng, thiếu chuẩn bị của người được mời.
u. Phần này nhằm vào đám đông, nghĩa là tất cả các môn đệ hiện tại và tương lai của Đức Giê-su. Lc gom góp nhiều huấn từ của Đức Giê-su liên quan đến điều kiện làm môn đệ, tập trung vào đề tài từ bỏ chính mình (x. cc. 26-27 và 33).
v. ds: ghét. Ngôn ngữ Cựu Ước không có kiểu nói so sánh, động từ ở đây có nghĩa yêu ít hơn (x. St 29,31.33; Đnl 21,15-16... và Lc 16,13). Mt 10,37 đã hiểu như vậy. Đàng khác, Lc 18,20 sẽ nhắc lại điều răn thảo kính cha mẹ (x. Xh 20,12; Đnl 5,16).
x. Khác với Mt 10,37, Lc có nhắc đến tình yêu đối với người vợ, nhưng tình yêu này cũng phải đặt sau tình yêu đối với Đức Giê-su (x. c. 20; 18,29).
y. Hai dụ ngôn ở cc. 28-30 và 31-32 (x. 11,5+) là riêng của Lc. Có lẽ ban đầu nó là một ví dụ cho thấy cần phải suy nghĩ kỹ trước khi khởi sự một công trình quan trọng, ở đây thì áp dụng cho việc đi theo Đức Giê-su. Nối liền và kết thúc với c. 33, đoạn này là một lời gọi từ bỏ tất cả, để đi theo Đức Giê-su.
a. C. 33 là một hệ luận thực tiễn của cả đoạn này: từ bỏ của cải, đề tài mà Lc rất ưa thích (12,13-34; 16,1-13; 18,24-30; x. 5,11+).
b. Muối có nhiều ưu điểm, đặc biệt là cho thức ăn được đậm đà và được bảo tồn lâu dài. Do đó, muối tượng trưng cho giá trị lâu bền của khế ước (xem giao ước muối Ds 18,19). Bài học này nhắc nhở các môn đệ phải giữ cho thế giới loài người được đậm đà, và phải trung tín với giao ước của Thiên Chúa.
c. C. 35 này tối nghĩa, chỉ có phần cuối câu được hiểu là lời cảnh giác giúp các môn đệ giữ trọn phẩm chất của mình.
d. Tác giả nhắc lại c. 8,8 để nhấn mạnh tầm quan trọng của lời mời gọi.