Ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa
1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.”3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:
Dụ ngôn con chiên bị mất
4 “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.’7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.
Dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất
8 “Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.’10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”
Dụ ngôn người cha nhân hậu
11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp: “Một người kia có hai con trai.12 Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con.13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu,15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo.16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.21 Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa....’22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu,23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng.
25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa,26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.27 Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khỏe.’28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ.29 Cậu trả lời cha: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!’
31 “Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con.32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.’”
đ. Chương này thống nhất về mặt văn chương, nhờ câu mở đầu và câu kết của ba dụ ngôn đều giống nhau. Tư tưởng tiến triển rõ rệt: một trên một trăm, một trên mười, một trên hai. Trước những lời chỉ trích của nhóm Pha-ri-sêu về thái độ của Đức Giê-su đối với người tội lỗi, Đức Giê-su nhấn mạnh đến niềm hân hoan của Thiên Chúa khi tìm lại được người tội lỗi; Người cũng mời người Pha-ri-sêu chia sẻ niềm vui đó (đặc biệt trong màn chót, cc. 25-32). Hai dụ ngôn đầu nhấn mạnh đến thái độ Thiên Chúa tìm kiếm người tội lỗi, dụ ngôn thứ ba nhấn mạnh đến thái độ Thiên Chúa đón nhận người tội lỗi trở về.
e. Như ở 5,30 và 7,34, hai hạng người này thường bị nhóm Pha-ri-sêu lên án.
g. Các bản mới hơn thêm đều thường đến...
i. Hình ảnh người mục tử với đàn chiên là một đề tài cổ điển của Cựu Ước để nói lên quan hệ giữa Thiên Chúa và dân riêng Người (x. 12,32+); con chiên tìm lại được là biểu tượng của ơn cứu độ (x. Mk 4,6-7; Gr 23,1-4; Ed 34,11-16). Mt cũng thuật lại dụ ngôn này, nhưng trong khi Mt nhắm đến trách nhiệm các vị lãnh đạo cộng đoàn đối với kẻ nhỏ hèn trong cộng đoàn, thì Lc lại cho thấy chính Thiên Chúa đi tìm người tội lỗi. Có thể nói Lc gần với ý nghĩa nguyên thủy của dụ ngôn hơn.
k. Đây là nơi người Pa-lét-tin thường thả chiên ăn cỏ; Mt 18,12 nói trên núi.
l. Đối với Lc, lời mời gọi này là chính yếu, chuẩn bị cho các câu trả lời và kết luận ở cc. 7.10 và 32.
m. Trời ám chỉ Thiên Chúa, như ở 11,16+.
n. Nếu nghĩ rằng người Pha-ri-sêu là người công chính, thì câu khẳng định này là một nghịch lý làm nổi bật niềm vui của Thiên Chúa khi người tội lỗi ăn năn hối cải. Nhưng văn mạch ở đây và các câu phê bình người Pha-ri-sêu (x. 5,32; 16,15; 18,9; x. 20,20) cho thấy họ không phải là người công chính thật sự, và lẽ ra chính họ phải nhìn nhận họ cũng cần đến ơn hoán cải (x. 5,32+).
o. Đơn vị tiền tệ Hy-lạp này tương đương với quan tiền Rô-ma (x. 7,41), tiền công nhật người ta trả cho một người làm việc canh nông. Đối với người chỉ vỏn vẹn có mười, bị mất một là mất mát lớn.
p. Cách nói chỉ niềm vui của chính Thiên Chúa (x. 12,8+), mà Người chia sẻ với các thiên sứ.
q. Dụ ngôn nổi tiếng này là của riêng Lc. Dụ ngôn gồm hai phần được nối kết với nhau bởi nhân vật chính là người cha và thái độ bao dung của ông, cũng như bởi cùng một lời kêu mời kết thúc (x. cc. 24.32). Vì thế tựa đề quen dùng là đứa con hoang đàng không thích hợp lắm. Phần thứ hai của dụ ngôn kết thúc cả bài tường thuật và cũng là câu trả lời cho vấn đề đặt ra ở đầu chương (x. cc. 1-2): đó là bài học nòng cốt của dụ ngôn, kêu mời nhóm người Pha-ri-sêu chia sẻ niềm vui với Thiên Chúa, biết mở rộng tâm hồn và niềm nở đón tiếp những người tội lỗi sám hối ăn năn.
r. Lời thỉnh cầu không phải là kỳ dị (x. Hc 33,20-24), nhưng các sử gia còn tranh luận về tính thỏa đáng của nó. Ở cc. 18 và 21, người thanh niên sẽ nhìn nhận mình đã đắc tội với cha. Dù vậy, tác giả không nói rõ hơn bản chất của tội này nằm ở điểm nào.
s. Từ ngữ của Lc ở đây không chính xác lắm. Người ta hay nghiêng về nghĩa trác táng, bởi ảnh hưởng của c. 30. Nhưng cũng nên nghĩ rằng c. 30 có thể là một câu quá đáng vì người anh đang tức giận.
t. Đối với một người Do-thái, đây là đường cùng của sa đọa, vì heo là con vật ô uế (x. Đnl 14,8).
u. Khá nhiều bản chép ăn cho no, có lẽ để làm dịu câu nói.
x. Đức Giê-su cho thấy người thanh niên này trở về không phải vì những lý do cao thượng. Dụ ngôn không tập trung ở việc hối cải của đứa con, mà ở tình thương của người cha.
y. Tức là Thiên Chúa (x. 11,16+).
a. Thái độ vồn vã này là ngoại lệ nơi một người phương Đông. Như trong cả câu và phần tiếp theo, thái độ ấy cho thấy rõ tình thương của người cha. Hôn ám chỉ sự tha thứ (x. 2 Sm 14,33).
b. Nhiều bản thêm: xin coi con như một người làm công cho cha vậy, như ở c. 19. Nhưng các bản không thêm câu này có giá trị hơn vì cho thấy rõ sự vội vã của người cha, và thái độ niềm nở của người cha khiến người con không thể tiếp tục nói lời tự hạ.
d. Nhẫn là biểu tượng của quyền bính (x. St 41,42; Et 3,10; 8,2); dép chỉ dành cho người tự do, nô lệ không được mang.
đ. Câu này lặp lại đề tài ở cc. 6 và 9, kết thúc phần thứ nhất của dụ ngôn.
e. Suốt cuộc đối thoại với người cha trong phần thứ hai của dụ ngôn, nhân vật này có thái độ y hệt như các người Pha-ri-sêu ở c. 2.
g. Câu quả quyết này đúng với sự thật, làm nổi bật hình ảnh người Pha-ri-sêu tự hào vì đã giữ trọn Luật (x. 18,9).
h. Người con cả không kể gì đến tương quan anh em nữa, và nói về em một cách khinh bỉ (x. 18,9.11).
i. Đáng lẽ ở với cha phải là nguồn vui, là tất cả niềm hạnh phúc cho anh.
k. Nhiều bản chép con phải... Ở đây dịch là chúng ta cho hợp với tinh thần của dụ ngôn và bài học Đức Giê-su muốn đưa ra qua dụ ngôn.
l. Người cha chỉnh lại lối xưng hô khinh miệt ở c. 30: kẻ trở về vẫn là em.
m. Câu kết này lặp lại cc. 6.9 và 24, trả lời những tiếng xầm xì của người Pha-ri-sêu, mời gọi họ đi vào tâm tình của Thiên Chúa đối với người tội lỗi.