V. CUỘC THƯƠNG KHÓ VÀ PHỤC SINH CỦA ĐỨC GIÊ-SU
Người Do-thái âm mưu hại Đức Giê-su
1 Hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men, các thượng tế và kinh sư bàn mưu tính kế bắt Đức Giê-su để giết Người;2 vì họ nói: “Đừng làm vào chính ngày lễ, kẻo dân chúng náo động.”
Xức dầu tại Bê-ta-ni-a
3 Lúc đó, Đức Giê-su đang ở làng Bê-ta-ni-a, tại nhà ông Si-môn, người từng mắc bệnh phong. Giữa lúc Người dùng bữa, có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền. Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người.4 Có vài người lấy làm bực tức, nói với nhau: “Phí dầu thơm như thế để làm gì?5 Dầu đó có thể đem bán lấy trên ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo.” Rồi họ gắt gỏng với cô.6 Nhưng Đức Giê-su bảo họ: “Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa.7 Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được! Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu!8 Điều gì làm được thì cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng.9 Tôi bảo thật các ông: Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô.”
Giu-đa phản bội
10 Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai, đi gặp các thượng tế để nộp Người cho họ.11 Nghe hắn nói, họ rất mừng và hứa cho tiền. Giu-đa liền tìm cách nộp Người sao cho tiện.
Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua
12 Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”13 Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó.14 Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: ‘Thầy sẽ ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ ở phòng nào?’15 Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta.”16 Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.
Đức Giê-su báo Giu-đa sẽ phản bội
17 Chiều đến, Đức Giê-su và Nhóm Mười Hai cùng tới.18 Đang khi dùng bữa, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, có người trong anh em sẽ nộp Thầy, mà lại là người đang cùng ăn với Thầy.”19 Các môn đệ đâm ra buồn rầu, và lần lượt hỏi Người: “Chẳng lẽ con sao?”20 Người đáp: “Chính là một trong Nhóm Mười Hai đây, mà là người chấm chung một đĩa với Thầy.21 Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!”
Đức Giê-su lập bí tích Thánh Thể
22 Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.”23 Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này.24 Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.25 Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.”
Đức Giê-su tiên báo ông Phê-rô sẽ chối Người
26 Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.27 Đức Giê-su nói với các ông: “Tất cả anh em sẽ vấp ngã, vì Kinh Thánh đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và chiên sẽ tan tác.28 Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em.”29 Ông Phê-rô liền thưa: “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không.”30 Đức Giê-su nói với ông: “Thầy bảo thật anh: hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần.”31 Nhưng ông Phê-rô lại nói quả quyết hơn: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.
Tại vườn Ghết-sê-ma-ni
32 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các ông: “Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện.”33 Rồi Người đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến.34 Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức.”35 Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được.36 Người nói: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.”37 Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô: “Si-môn, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao?38 Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối.”39 Người lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước.40 Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Các ông chẳng biết trả lời làm sao với Người.41 Lần thứ ba, Người trở lại và bảo các ông: “Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi.42 Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!”
Đức Giê-su bị bắt
43 Ngay lúc đó, khi Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai, xuất hiện. Cùng đi với hắn, có một đám đông mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế, kinh sư và kỳ mục sai đến.44 Kẻ nộp Đức Giê-su đã cho họ một ám hiệu, hắn dặn rằng: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận.”45 Vừa tới, Giu-đa tiến lại gần Người và nói: “Thưa Thầy!”, rồi hôn Người.46 Họ liền tra tay bắt Người.47 Nhưng một trong những kẻ đang có mặt tại đó tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai.
48 Đức Giê-su nói với họ: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt?49 Ngày ngày, tôi vẫn ở giữa các ông, vẫn giảng dạy ở Đền Thờ, mà các ông không bắt. Nhưng thế này là để lời Sách Thánh được ứng nghiệm.”50 Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết.51 Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh.52 Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng.
Đức Giê-su ra trước Thượng Hội Đồng
53 Họ điệu Đức Giê-su đến vị thượng tế. Các thượng tế, kỳ mục và kinh sư tề tựu đông đủ.54 Ông Phê-rô theo Người xa xa, vào tận bên trong dinh thượng tế, và ngồi sưởi bên đống lửa với đám thuộc hạ.
55 Bấy giờ các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm lời chứng buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra,56 vì tuy có nhiều kẻ đưa chứng gian tố cáo Người, nhưng các chứng ấy lại không ăn khớp với nhau.57 Có vài kẻ đứng lên cáo gian Người rằng:58 “Chúng tôi có nghe ông ấy nói: Tôi sẽ phá Đền Thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền Thờ khác, không phải do tay người phàm!”59 Nhưng ngay về điểm này, chứng của họ cũng không ăn khớp với nhau.
60 Bấy giờ vị thượng tế đứng lên giữa hội đồng hỏi Đức Giê-su: “Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?”61 Nhưng Đức Giê-su vẫn làm thinh, không đáp một tiếng. Vị thượng tế lại hỏi Người: “Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng đáng chúc tụng không?”62 Đức Giê-su trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.”63 Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: “Chúng ta cần gì nhân chứng nữa?64 Quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao?” Tất cả đều kết án Người đáng chết.
65 Thế là một số bắt đầu khạc nhổ vào Người, bịt mặt Người lại, vừa đánh đấm Người vừa nói: “Hãy nói tiên tri đi!” Và đám thuộc hạ tát Người túi bụi.
Ông Phê-rô chối Thầy
66 Ông Phê-rô đang ở dưới sân, có một người tớ gái của thượng tế đi tới;67 thấy ông ngồi sưởi, cô ta nhìn ông chòng chọc mà nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông người Na-da-rét, ông Giê-su đó chứ gì!”68 Ông liền chối: “Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì!” Rồi ông bỏ đi ra phía tiền sảnh. Bấy giờ có tiếng gà gáy.69 Người tớ gái thấy ông, lại bắt đầu nói với những người đứng đó: “Bác này cũng thuộc bọn chúng đấy.”70 Nhưng ông Phê-rô lại chối. Một lát sau, những người đứng đó lại nói với ông: “Đúng là bác thuộc bọn chúng, vì bác cũng là người Ga-li-lê!”71 Nhưng ông Phê-rô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: “Tôi thề là không có biết người các ông nói đó!”72 Ngay lúc đó, gà gáy lần thứ hai. Ông Phê-rô sực nhớ điều Đức Giê-su đã nói với mình: “Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần.” Thế là ông òa lên khóc.
Mt 26,1-5; Lc 22,1-2; Ga 11,53
Mt 26,20-25; Lc 22,21-23; Ga 13,21-30
Mt 26,26-29; Lc 22,19-20; 1 Cr 11,23-25
Mt 26,47-56; Lc 22,47-53; Ga 18,1-18
Mt 26,57-68; Lc 22,66-71; Ga 18,13-14.19-24
Mt 26,69-75; Lc 22,55-62; Ga 18,15-18.25-27
h. Trình thuật về cuộc Thương Khó của Đức Giê-su theo Mc chia làm ba phần: 1. Từ cuộc âm mưu hại Đức Giê-su cho đến lúc Người bị bắt (14,1-52); 2. Đức Giê-su ra trước Thượng Hội Đồng và trước tòa tổng trấn Phi-la-tô (14,53–15,15); 3. Cuộc Thương Khó và thập giá (15,16-47). Trình thuật này bao trùm ch. 14 và ch. 15, trong khi trình thuật về sự Phục Sinh của Đức Giê-su chỉ gồm có 6 câu đầu của ch. 16 và phần phụ trương (16,9-20). Thân thế Đức Ki-tô nằm ở trung tâm trình thuật về cuộc Thương Khó trong Tin Mừng II. Theo Mc, Đức Ki-tô chịu đau khổ trước hết đó là Đấng hoàn toàn đảm nhiệm định mệnh đã trao cho Người (14,21.41); đó là Con Người sẽ đến cùng với mây trời (14,62); đó là người Con vâng phục Chúa Cha (14,36); đó là Con Thiên Chúa (15,39), theo lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng sau khi Đức Giê-su tắt thở.
i. Hai lễ này được liên kết chặt chẽ với nhau, mặc dầu nguồn gốc khác nhau. Lễ Vượt Qua được cử hành như sau: Theo tập tục ở Giê-ru-sa-lem, người Do-thái sát tế chiên tại Đền Thờ vào sau trưa ngày 14 tháng Ni-xan là tháng thứ nhất theo lịch Ba-by-lon dùng sau thời lưu đày, tương đương với tháng ba, tháng tư dương lịch: ngày 14 Ni-xan là ngày cuối cùng trước ngày rằm sau ngày xuân phân. Người ta ăn thịt chiên vào ban chiều ở trong thành, trong gia đình hoặc theo từng nhóm (Xh 12,1-4). Theo cách tính của người Do-thái, chiều ngày 14 Ni-xan sau mặt trời lặn đã là khởi điểm của ngày 15 rồi. Cũng trong dịp đó, người Do-thái mừng lễ Bánh Không Men. Ngay từ ngày 14 đã phải đưa men ra khỏi nhà và không được dùng bánh có men trong bảy ngày (Xh 12,15-20; 23,15; 34,18...). Bánh Không Men này làm với những hạt lúa mới không có men, nghĩa là không có gì thuộc về mùa cũ: đó là một khởi điểm mới.
k. Lời của Đức Giê-su ngày càng rõ nét: một phụ nữ đã làm một việc nghĩa cao trọng hơn việc bố thí cho người nghèo (c. 5): người đó làm một việc mà trong thời gian sắp tới sẽ không thể làm được (c. 7); việc nghĩa đó liên quan đến việc mai táng người chết (c. 8). Việc xức dầu diễn tả lòng tôn kính mà người phụ nữ tỏ bày với Đức Giê-su, nhưng tác giả Mác-cô đã đặt ở vị trí này đầu trình thuật cuộc Thương Khó để nhấn mạnh vào ý nghĩa hướng về cuộc Thương Khó mà Đức Giê-su đã dành cho cử chỉ này.
l. Công việc chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua nói trong Mc 14,12-16 cho thấy: bữa Tiệc Ly đã xảy ra trong khung cảnh bữa tiệc Vượt Qua. Theo Mc 14,12.17-18 và theo hai sách Tin Mừng Nhất Lãm khác (Mt 26,17.20-21; Lc 22,7.14), Đức Giê-su đã mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ vào thứ năm, chiều ngày 14 Ni-xan. Người chết ngày thứ sáu, 15 Ni-xan. Niên biểu của Ga lại khác. Theo Ga 19,14, vụ kiện trước tổng trấn Phi-la-tô xảy ra ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng 12 giờ trưa. Như thế, Đức Giê-su tắt thở sau 12 giờ trưa, vào ngày thứ sáu trước ngày sa-bát (Ga 19,31), tức là ngày 14 Ni-xan, lúc chiên Vượt Qua bị sát tế trong khuôn viên Đền Thờ (năm đó, ngày sa-bát lại là ngày lễ Vượt Qua). Có nhiều cách giải thích sự khác biệt này: hoặc có những thứ lịch khác nhau trong phụng tự Do-thái tùy miền hay nhóm; hoặc Đức Giê-su và các môn đệ đã ăn tiệc Vượt Qua theo kiểu khách hành hương. Riêng Ga muốn nhấn mạnh rằng Đức Giê-su là Con Chiên Vượt Qua mới, nên đã chọn cách diễn tả để cho thấy sự trùng hợp ngày giờ nói trên.
m. Đức Giê-su báo trước một môn đệ sẽ phản bội Người, sự phản bội này sẽ đưa Đức Giê-su tới cái chết: đó là định mệnh Thiên Chúa đã ấn định cho Người (Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người: 14,21). Câu khốn cho kẻ nào nộp Con Người diễn tả mức độ nghiêm trọng của hành động phản bội. Nhưng Đức Giê-su không muốn nói đến tình trạng trầm luân đời đời của Giu-đa, khi dùng câu thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn! Câu này nói lên tâm tình ghê tởm do hành động phản bội của Giu-đa gây nên: nộp Con Người là một hành động hèn mạt đến nỗi kẻ phản bội không sinh ra thì hơn!
n. Mặc dầu đặt bữa Tiệc Ly trong khung cảnh tiệc Vượt Qua, hình như tác giả Mác-cô không muốn nhấn mạnh đến diễn tiến trong nghi lễ Do-thái. Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng: đó là cử chỉ của người gia trưởng, sau khi các thành phần tham dự hát Ha-len phần I (các Tv 112 và 113) và uống chén rượu thứ hai. Bẻ bánh và phân chia bánh là hai tác động có ý nghĩa: những người đồng bàn cùng chia một chiếc bánh. Hai tác động này diễn tả tính cộng đoàn của bữa Tiệc Ly.
Chén rượu với lời tạ ơn là chén rượu thứ ba của bữa tiệc Vượt Qua. Đức Giê-su dùng chén rượu này để tuyên bố thiết lập Giao Ước Mới. Máu Giao Ước ám chỉ đến Xh 24,8. Theo trình thuật này (Xh 24,1-8), Giao Ước Xi-nai được thiết lập giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en. Trong nghi lễ Giao Ước Xi-nai, người ta sát tế bò làm hy lễ kỳ an. Máu bò được rảy lên bàn thờ và lên dân chúng; máu đó là dấu chỉ tương quan mới, sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en. Trong thời mới này, máu Đức Giê-su là yếu tố nhờ đó Giao Ước Mới được thiết lập. Máu của Người cũng là dấu chỉ sự hiệp thông mới giữa Thiên Chúa và dân mới là toàn thể cộng đoàn tín hữu. Máu đổ ra chỉ cái chết trên thập giá. Cái chết của Đức Giê-su mang tính cách đền tội thay cho muôn người, nghĩa là mọi người, theo đặc ngữ Híp-ri. Cái chết này nhắm mục tiêu gây lợi ích cứu độ cho mọi người (vì muôn người).
Mc 14,25 hướng độc giả về thời cánh chung sau khi lịch sử nhân loại chấm dứt. Lúc đó, Đức Giê-su và các tín hữu được cứu độ sẽ uống rượu mới tại bữa tiệc cánh chung trong Nước Thiên Chúa. Đó là một hình ảnh dùng để diễn tả sự hợp nhất nên một, sự hiệp thông trọn vẹn và chung cuộc của các môn đệ với Đức Giê-su và Thiên Chúa.
o. Sau khi hát Ha-len phần II (Tv 114–117) và sau khi uống chén rượu kết thúc bữa tiệc Vượt Qua, Đức Giê-su và các môn đệ đi lên núi Ô-liu. Trên lộ trình đó, tác giả đưa ra hai lời tiên báo đau thương về sự vấp ngã và tình trạng tan tác của các môn đệ (tác giả Mác-cô trích dẫn Dcr 13,7 theo HR, chứ không theo LXX) cũng như về việc ông Phê-rô sẽ chối Thầy.
p. Theo truyền thống, Ghết-sê-ma-ni là một vườn ô-liu nằm dưới chân núi Ô-liu. Tại đó, Đức Giê-su cảm thấy hãi hùng, xao xuyến và buồn đến chết được (14,33-34); tại đó, Đức Giê-su sống trước cái định mệnh đang chờ đón Người, nhưng Người vượt qua được trong khi cầu nguyện với Chúa Cha. Đứng trước cuộc Thương Khó và cái chết, Người có một phản ứng tự nhiên, đột xuất: từ khước chén (14,36), không muốn giờ đau khổ ấy đến (14,35). Nhưng trước ý định nhiệm mầu của Chúa Cha, Người vẫn thưa lại: Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn (14,36b).
Đức Giê-su để các môn đệ ở lại một nơi, rồi đi cầu nguyện, chỉ đem theo ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Nhưng ba môn đệ này lại ngủ mê mệt. Ba lần đến với các môn đệ, Đức Giê-su không tìm an ủi nơi các ông; Người chỉ xin các ông phải canh thức (14,34.38) và cầu nguyện (14,38). Theo Mc, Đức Giê-su canh thức, cầu nguyện, đau khổ và chiến đấu một mình. Cuối cùng, Người đã thắng được nỗi lo âu kinh hoàng trước viễn tượng cuộc Thương Khó, ý thức là giờ của Người đã điểm, bình tĩnh đương đầu với định mệnh của mình.
q. C. 43b cho thấy lời tiên báo lần thứ nhất về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giê-su trong Mc 8,31 được thực hiện. Đức Giê-su ở trong tình trạng lẻ loi, cô độc: các thành viên Thượng Hội Đồng Do-thái chống đối, âm mưu làm hại; môn đệ Giu-đa phản bội; các môn đệ khác thì chạy trốn; cậu thanh niên (chi tiết này, chỉ có mình Mc thuật lại, nên nhiều nhà chú giải cho là chính tác giả Mác-cô) cũng bỏ chạy. Đức Giê-su còn bị liệt vào hàng trộm cướp khi bị bắt, mặc dầu Người là Tôn Sư vô tội thường giảng dạy công khai trong Đền Thờ (11,17; 12,35...).
r. Thượng Hội Đồng nhóm họp không phải để xét xử mà để tìm lời chứng buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình (c. 55). Sau khi các kẻ làm chứng gian thất bại, vị thượng tế đương nhiệm dùng mưu mô thâm độc nhất, là hỏi về căn tính của Đức Giê-su, và dựa vào đó để kết án. Chẳng những Đức Giê-su quả quyết về tư cách Mê-si-a của Người; Người còn trích dẫn Tv 110,1 và Đn 7,13 để cho thấy: Người tham dự vào quyền cai trị của Thiên Chúa và sẽ thi hành chức năng thẩm phán. Đấng bây giờ bị đưa ra tòa án tôn giáo Do-thái sẽ xuất hiện sau này như vị Thẩm phán thay thế Thiên Chúa để xét xử. Độc giả dễ hiểu tại sao vị thượng tế coi lời tuyên bố đó là một lời phạm thượng, và do đó ông đã xé áo mình ra để tỏ bày thái độ phẫn nộ trước một lời mà ông coi là nói phạm đến Thiên Chúa. Tất cả đều lên án Người, cho là Người đáng phải chết.
s. Trình thuật cho thấy tình trạng cô đơn, lẻ loi của Đức Giê-su ở giai đoạn cuối. Người ta dần dần bỏ rơi Người: đám đông dân chúng; rồi các môn đệ, ba môn đệ thân tín, sau cùng ông Phê-rô, con người đã thề sống thề chết là sẽ không chối Thầy mình (x. 14,31). Lối kể này làm cho cộng đoàn tín hữu nhận thức rằng cậy vào sức mình là điều rất nguy hiểm: người ta có thể vấp ngã, chỉ vì một sự kiện bên ngoài không đáng kể. Trình thuật này cũng cho thấy những lời tiên báo của Đức Giê-su (x. 14,30) đã ứng nghiệm (14,72).