2. BÀI GIẢNG VỀ GIÁO HỘI
Ai là người lớn nhất trong Nước Trời?
1 Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông3 và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
4 “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.
Đừng làm cớ cho người ta sa ngã
5 “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.6 Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn.7 Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã.
8 “Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời.9 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hỏa ngục.
10 “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. [11 Vì Con Người đến để cứu cái gì đã hư mất].
Con chiên lạc
12 “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?13 Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc.14 Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.
Sửa lỗi anh em
15 “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.
18 “Thầy bảo thật anh em: Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.
Hợp lời cầu nguyện
19 “Thầy còn bảo thật anh em: Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”
Anh em tha thứ cho nhau
21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”22 Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”
Dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót
23 “Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách.24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng.25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ.26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: ‘Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.’27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao!’29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.’30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện.32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta,33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?’34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”
Đnl 19,15; Ga 8,17; 1 Tm 5,19
o. Có lẽ ch. 18 của Mát-thêu gom một số lời Chúa Giê-su dạy về đời sống trong cộng đoàn Hội Thánh, mở đầu bằng một câu hỏi do các môn đệ nêu lên vấn đề ai là người lớn nhất, sau đó một câu hỏi nữa của ông Phê-rô nêu lên vấn đề tha thứ. Lối trình bày của Mát-thêu làm cho câu hỏi của các môn đệ nhẹ nhàng và phổ quát hơn, trong khi Mc 9,34-35 thì kể một lần các môn đệ tranh cãi nhau xem trong các ông ai lớn hơn cả.
p. Nên giống con trẻ không phải vì chúng ngây thơ vô tội, hay một đức tính luân lý nào khác, nhưng ở chỗ chúng sống lệ thuộc vào người lớn. Trong Nước Trời, chính lòng tin làm cho người môn đệ gắn bó, lệ thuộc vào Chúa Giê-su. Để được như vậy, cần phải hoán cải tức là từ bỏ bản thân để đi theo Chúa Giê-su. Hơn nữa, phải “sinh lại” để trở nên trẻ nhỏ (x. Ga 3,3.5). Giá trị, sự cao trọng thật của người môn đệ là ở chỗ đó. Lý tưởng, luật sống căn bản trong cộng đoàn là nên nhỏ bé như thế.
q. Sau khi đưa trẻ em ra làm lý tưởng sống, Chúa Giê-su khuyên phải tôn trọng trẻ em vì danh Người. Qua kiểu nói trong bản Hy-lạp, dường như Chúa muốn nhấn mạnh, dù một trẻ nhỏ cũng phải được tiếp đón, không được làm cớ cho nó sa ngã. Thiết tưởng trong cc. 5.6.10, tiếng em nhỏ, kẻ bé mọn trước tiên phải hiểu nghĩa thông thường; nhưng cũng hiểu nghĩa bóng về bất cứ ai, trong một lãnh vực nào, được người ta đánh giá thấp, cách riêng trong lãnh vực đức tin, nghĩa là những tín hữu còn yếu kém về đạo lý. Tất cả đều phải được tôn trọng: đó là vì danh Thầy. Chúa Giê-su đồng hóa với những người nhỏ bé như thế để được tôn trọng. Cũng chính vì thế, mà Cha trên trời quan tâm săn sóc họ (c. 10).
r. Mát-thêu nói tới chiên lạc, trong khi Lc 15,4.6 dùng chữ mất. Có lẽ Mát-thêu theo kiểu nói Do-thái thời đại, muốn ám chỉ những trường hợp lầm lạc về giáo lý do cớ vấp phạm trong cộng đoàn (x. Mt 24,4.11.24; 2 Tm 3,13; 1 Ga 1,8; 2,26; 3,7; Kh 12,9; 19,20) hơn là sa ngã về luân lý.
s. Trong văn mạch, việc sửa lỗi này đặt nền trên đức ái, nhằm cứu vãn và xây dựng hơn là áp dụng kỷ luật. Vì thế, Chúa muốn mọi phương thức phải được sử dụng để đưa người lầm lạc trở về, trước khi đưa vấn đề ra cộng đoàn. Ngay cả khi phải dùng nhân chứng (có ba mặt một lời) thì cũng không phải để tố cáo theo pháp lý, nhưng để những người này góp phần khuyên nhủ theo tình huynh đệ, hầu giúp người mắc tội được cảm thông và can đảm trở về.
Cuối cùng, khi phải đưa sự việc ra trước Hội Thánh (cộng đoàn), thì phải hiểu là trước những người có trách nhiệm chính thức. Lẽ dĩ nhiên các vị này cũng phải dùng mọi biện pháp theo tiêu chuẩn đức ái để chinh phục đương sự. Nếu phải dùng quyền để loại trừ một phần tử bất khẳng, thì điều này cũng chỉ vì bác ái mà thôi, bác ái đối với đương sự trước tiên, để đương sự biết hồi tâm hối cải, sau đó bác ái đối với các phần tử khác trong cộng đoàn, kẻo có ai theo gương xấu mà phạm tội.
t. Chúa Giê-su trao cho nhóm Mười Hai cũng một quyền đã trao cho ông Phê-rô như là người đứng đầu nhóm, và đứng đầu toàn thể Hội Thánh.
u. Cầu nguyện chung là một phương thức cổ võ và duy trì bác ái và hiệp nhất trong cộng đoàn. Ở đây hai điểm phải được thể hiện cùng một lúc: a) tâm đầu ý hợp với nhau trong cộng đoàn; b) nhân danh Chúa Giê-su. Cầu nguyện là nơi thực hiện hai điều đó tốt nhất. Chúa Giê-su khẳng định sự hiện diện của Người để bảo đảm cho hiệu năng của lời cầu nguyện trước mặt Cha, và thành công cho công cuộc chung.
v. Khác với trường hợp nói đến ở cc. 15-17 trên đây, ông Phê-rô muốn biết phải xử trí ra sao khi chính mình bị xúc phạm? Các Ráp-bi thời xưa bảo là có thể tha đến ba lần. Phê-rô đưa ra con số 7 vốn được coi là tượng trưng cho sự hoàn hảo. Nhưng Chúa Giê-su lại vượt hẳn mọi mức độ trong chuyện này. Các bản dịch có đọc khác nhau đôi chút: Bảy mươi lần bảy, Bảy mươi bảy lần, Bảy mươi lần bảy lần. Đọc cách nào đi nữa thì ý Chúa muốn nói vẫn là: tha không giới hạn, không điều kiện nào. Bởi vì lý do để tha thứ không nằm ở nơi người có lỗi (biết hối hận), cũng chẳng ở nơi kẻ bị xúc phạm (quảng đại, nhân đức...), nhưng ở nơi tình thương của Chúa, như thấy trong dụ ngôn sau đây.
x. Mỗi nén vàng thời xưa là sáu ngàn quan tương đương với sáu ngàn ngày công. Mười ngàn nén là quá nhiều so với 100 quan là 100 ngày công.
Chúa Giê-su có ý làm nổi bật sự khác biệt giữa hai món nợ và hai thái độ để cho thấy lòng nhân từ quảng đại của Thiên Chúa và sự vô lý của lòng dạ con người khi không sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác. Điều cần lưu ý là: trong dụ ngôn này, lý do thúc đẩy ta tha thứ cho anh em chính là tình thương hải hà của Thiên Chúa đối với chúng ta, chứ không phải vì anh em biết điều mà xin lỗi, cũng chẳng phải vì chúng ta cao thượng hay nhân đức không chấp lỗi lầm của họ.