VII. THƯƠNG KHÓ VÀ PHỤC SINH
Âm mưu hại Đức Giê-su
1 Khi Đức Giê-su giảng dạy tất cả những điều ấy xong, Người bảo các môn đệ của Người rằng:2 “Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá.”
3 Lúc ấy, các thượng tế và kỳ mục trong dân nhóm họp tại dinh của vị thượng tế tên là Cai-pha,4 và cùng nhau quyết định dùng mưu bắt Đức Giê-su và giết đi.5 Nhưng họ lại nói: “Không nên làm vào chính ngày lễ, kẻo gây náo động trong dân.”
Đức Giê-su được xức dầu thơm tại Bê-ta-ni-a
6 Đức Giê-su đang ở làng Bê-ta-ni-a tại nhà ông Si-môn, người từng mắc bệnh phong,7 thì có một người phụ nữ đến gần Người, mang theo một bình bạch ngọc, đựng một thứ dầu thơm đắt giá. Cô đổ dầu thơm trên đầu Người, lúc Người đang dùng bữa.8 Thấy vậy, các môn đệ lấy làm bực tức nói: “Sao lại phí của như thế?9 Dầu đó có thể bán được nhiều tiền mà cho người nghèo.”10 Biết thế, Đức Giê-su bảo các ông: “Sao lại muốn gây chuyện với người phụ nữ này? Quả thật, cô ấy vừa làm cho Thầy một việc nghĩa.11 Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em; còn Thầy, thì không phải lúc nào anh em cũng có đâu!12 Cô ấy đổ dầu thơm trên mình Thầy là hướng về ngày mai táng Thầy.13 Thầy bảo thật anh em: Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô.”
Giu-đa nộp Đức Giê-su
14 Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, đi gặp các thượng tế15 mà nói: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc.16 Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.
Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua
17 Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, các môn đệ đến thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”18 Người bảo: “Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: ‘Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.’”19 Các môn đệ làm y như Đức Giê-su đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua.
Đức Giê-su tiên báo Giu-đa sẽ nộp Thầy
20 Chiều đến, Đức Giê-su vào bàn tiệc với mười hai môn đệ.21 Đang bữa ăn, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.”22 Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?”23 Người đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy.24 Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!”25 Giu-đa, kẻ nộp Người cũng hỏi: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” Người trả lời: “Chính anh nói đó!”
Đức Giê-su lập bí tích Thánh Thể
26 Cũng trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.”27 Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này,28 vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.29 Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy.”
Đức Giê-su tiên báo ông Phê-rô sẽ chối Thầy
30 Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu.31 Bấy giờ Đức Giê-su nói với các ông: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác.32 Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em.”33 Ông Phê-rô liền thưa: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã.”34 Đức Giê-su bảo ông: “Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.”35 Ông Phê-rô lại nói: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.
Đức Giê-su cầu nguyện tại vườn Ghết-sê-ma-ni
36 Bấy giờ Đức Giê-su đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các môn đệ: “Anh em ngồi lại đây, Thầy đến đàng kia cầu nguyện.”37 Rồi Người đưa ông Phê-rô và hai người con ông Dê-bê-đê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến.38 Bấy giờ Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.”39 Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.”40 Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?41 Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.”42 Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha.”43 Rồi Người lại đến, thấy các môn đệ vẫn đang ngủ, vì mắt họ nặng trĩu.44 Người để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời đó.45 Bấy giờ Người đến chỗ các môn đệ và nói với các ông: “Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Này, đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi.46 Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!”
Đức Giê-su bị bắt
47 Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai, đã đến. Cùng đi với hắn, có cả một đám người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế và kỳ mục trong dân sai đến.48 Kẻ nộp Người đã cho họ một dấu hiệu, hắn dặn rằng: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy!”49 Ngay lúc đó, Giu-đa tiến lại gần Đức Giê-su và nói: “Ráp-bi, xin chào Thầy!”, rồi hôn Người.50 Đức Giê-su bảo hắn: “Này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi!” Bấy giờ họ tiến đến, tra tay bắt Đức Giê-su.51 Một trong những kẻ theo Đức Giê-su liền vung tay tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai.52 Đức Giê-su bảo người ấy: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm.53 Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần!54 Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy.”55 Vào giờ ấy Đức Giê-su nói với đám đông: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt? Ngày ngày tôi vẫn ngồi giảng dạy ở Đền Thờ thì các ông không bắt.56 Nhưng tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm những lời chép trong sách các Ngôn Sứ.” Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết.
Đức Giê-su ra trước Thượng Hội Đồng
57 Họ bắt Đức Giê-su, rồi điệu đến thượng tế Cai-pha. Các kinh sư và kỳ mục đã tề tựu sẵn đó.58 Ông Phê-rô theo Người xa xa, đến tận dinh thượng tế. Ông vào bên trong ngồi với bọn thuộc hạ, xem kết cuộc ra sao.
59 Còn các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng thì tìm chứng gian buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình.60 Nhưng họ tìm không ra, mặc dầu có nhiều kẻ đã đứng ra làm chứng gian. Sau cùng, có hai người bước ra,61 khai rằng: “Tên này đã nói: tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày, sẽ xây cất lại.”62 Bấy giờ vị thượng tế đứng lên hỏi Đức Giê-su: “Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?”63 Nhưng Đức Giê-su vẫn làm thinh. Vị thượng tế nói với Người: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?”64 Đức Giê-su trả lời: “Chính ngài vừa nói. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.”65 Bấy giờ vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: “Hắn nói phạm thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Đấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa,66 quý vị nghĩ sao?” Họ liền đáp: “Hắn đáng chết!”
67 Rồi họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người. Có kẻ lại tát Người68 và nói: “Ông Ki-tô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi: ai đánh ông đó?”
Ông Phê-rô chối Thầy
69 Lúc đó ông Phê-rô đang ngồi ngoài sân. Một người đầy tớ gái đến bên ông và nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì?”70 Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói: “Tôi không biết cô nói gì!”71 Ông đi ra đến cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó: “Bác này cũng đã ở với ông Giê-su người Na-da-rét đấy.”72 Nhưng ông Phê-rô lại thề mà chối: “Tôi không biết người ấy.”73 Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phê-rô mà nói: “Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay.”74 Bấy giờ ông Phê-rô liền thề độc mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy.” Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy.75 Ông Phê-rô sực nhớ lời Đức Giê-su đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.” Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
Mc 14,1-2; Lc 22,1-2; Ga 11,45-48.53
Mc 14,3-9; Lc 7,37-39; Ga 12,2-7
Mc 14,17-21; Lc 22,21-23; Ga 13,21-30
Mc 14,22-25; Lc 22,19-20; 1 Cr 11,23-25
Xh 24,8; Dcr 9,11; Hr 9,20
Mc 14,26-31; Lc 22,31-34; Ga 13,36-38
Mc 14,43-40; Lc 22,47-53; Ga 18,3-11
Lc 19,47; 21,37; Ga 18,20
Mt 26,31; Dcr 13,7b; Ga 16,32
Mc 14,66-72; Lc 22,54-62; Ga 18,17-18.25-26
p. Khác với trước đây (12,15; 14,13), bây giờ Chúa Giê-su không lánh đi nữa; Người đối đầu với số mệnh của mình. Ở đây Người nói trước rất rõ về số mệnh ấy. Nhất là Người liên kết số mệnh của mình với lễ Vượt Qua để mặc khải ý nghĩa của nó.
q. Trong bản Hy-lạp, động từ ở hiện tại, khác với những lần trước loan báo cuộc Thương Khó (17,22; 20,18). Như thế có nghĩa là cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su bắt đầu từ lời nói này. Bình thường thì bị nộp có nghĩa không đẹp (như Mt 4,12; 5,25; 10,17.19); nhưng công thức đã được dùng ngay từ ban đầu, nói về Chúa Giê-su, nó gợi ý tưởng Thiên Chúa trao ban Con mình cho người ta (Rm 4,25; 1 Cr 11,23); sau này nó lại nhấn mạnh ý tưởng chính Chúa Giê-su tự nộp mình để cứu nhân loại (Gl 2,20; Ep 5,2). Lễ Vượt Qua tưởng nhớ cuộc giải phóng dân Híp-ri khỏi làm nô lệ Ai-cập, mừng chiều ngày 14 tháng Ni-xan lúc mặt trời lặn và kết thúc chiều ngày 21 cùng tháng. Cũng gọi là lễ Bánh Không Men (x. c. 17 chú thích), vì trong những ngày ấy, người ta chỉ được ăn bánh làm bằng bột không lên men.
r. Theo Ga 11,47-53, Thượng Hội Đồng Do-thái đã họp bàn về vụ bắt Chúa Giê-su hơn một tuần trước lễ Vượt Qua có lẽ là chính xác hơn. Mát-thêu xếp sự việc vào đây là để gợi lên ý nghĩa tiên tri: chuyện xảy ra như Cựu Ước đã nói trước rồi (x. Tv 2,1-2; 30,14). Lúc ấy không nhất thiết có nghĩa thời gian, mà chỉ là từ chuyển tiếp.
Ông Cai-pha, con rể của ông Khan-na (Lc 3,2; Ga 18,13), làm chủ tịch Thượng Hội Đồng Do-thái giáo từ năm 18 đến năm 36 CN, nổi bật trong vụ án Chúa Giê-su (x. Ga 11,49; 18,14). Các người đã từng giữ chức vụ chủ tịch vừa nói và có khi cả những người đứng đầu 24 ban tư tế cũng vẫn được gọi là thượng tế (x. c. 59). Ngoài các thượng tế, Mát-thêu chỉ nhắc đến các kỳ mục, nhưng theo Mác-cô và Lu-ca thì có cả các kinh sư nữa. Một điều cũng nên biết là các người Pha-ri-sêu không thấy xuất hiện trong suốt trình thuật Thương Khó theo Mát-thêu, cho đến Mt 27,62 nói về việc xin niêm ấn mồ Chúa Giê-su.
s. Lần xức dầu này (x. Mc 14,3-9; Ga 12,1-8) khác với lần được một mình Lu-ca kể (7,36-50) về thời gian, nơi chốn, nhân vật và nhất là ý nghĩa. Gio-an nói rõ người phụ nữ trong truyện này là cô Ma-ri-a, chị em của cô Mác-ta và ông La-da-rô ở Bê-ta-ni-a. Cũng theo Gio-an, Chúa Giê-su đến làng này sáu ngày trước lễ Vượt Qua. Như vậy, câu chuyện có lẽ đã xảy ra cuối tuần trước rồi, Mát-thêu xếp vào đây để đối kháng chuyện này với chuyện Giu-đa phản bội kể liền sau đây. Thật ra, tuy Mát-thêu không nêu rõ tên Giu-đa trong chuyện xức dầu, nhưng theo Gio-an (12,4-5) thì chính ông này đã lên tiếng phê bình việc cô Ma-ri-a làm. Thời xưa, người Do-thái phân việc nghĩa làm hai: bố thí và thương người; loại thứ hai này cao trọng hơn loại trước. Mai táng người chết thuộc loại thứ hai. Như thế cô Ma-ri-a đã làm một việc trọng hơn là bố thí. Đó là nói chung. Riêng trường hợp này cô Ma-ri-a hẳn đã muốn nói lên lòng tin yêu của mình đối với Chúa Giê-su là Đấng-được-xức-dầu (Mê-si-a); hơn nữa, đối với Đấng sẽ chiến thắng tử thần (Con Thiên Chúa).
t. Giá hợp đồng là 30 quan tiền (hay đồng bạc) là giá một người nô lệ theo Luật cũ đã định (Xh 21,32). Hẳn Mát-thêu đã nhận ra, trong sự việc này, lời ngôn sứ Da-ca-ri-a (11,12) được ứng nghiệm: Thiên Chúa bị dân Người ruồng bỏ vì họ giễu cợt Người mà trả cho Người số tiền công đáng giá một tên nô lệ. Trong Chúa Giê-su, Thiên Chúa bị người ta bán rẻ...
u. Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men đúng ra bắt đầu từ sau bữa ăn Vượt Qua, chiều ngày 14 tháng Ni-xan (Xh 12,1; 23,14). Mát-thêu nói ngày thứ nhất trong tuần bánh không men là nói theo kiểu bình dân; cũng là vì người Do-thái tính ngày từ buổi chiều hôm trước, lúc mặt trời lặn. Bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê-su đó, chắc chắn đối với Người là ăn lễ Vượt Qua. Có lẽ Chúa Giê-su theo lịch của quần chúng, trong đó có nhóm Pha-ri-sêu, chứ không theo lịch chính thức của các tư tế Xa-đốc.
v. Diễn biến của sự việc này chứng tỏ Chúa Giê-su biết rõ mọi chuyện sẽ xảy đến cho Người.
x. Chấm chung một đĩa với Thầy. Câu nói gợi lại Tv 41,10, ở đây không chỉ rõ là ai, nhưng bộc lộ nỗi niềm chua xót của Chúa: một người đã từng chia sẻ cuộc sống thân thiết với Thầy hằng ngày, và ngay phút cùng ăn với Thầy đây; bề ngoài thì hiệp thông, trong lòng thì rắp tâm phản bội.
y. Khốn cho người nào nộp Con Người hình như nhấn mạnh sự đối kháng giữa hai chữ người: đằng sau Giu-đa là con người ta nói chung. Chữ khốn diễn tả thực trạng khốn cùng của Giu-đa, đồng thời cũng nói lên niềm đau đớn của Chúa Giê-su; Người không nguyền rủa, cũng chẳng lên án Giu-đa. Cho nên câu thà người đó đừng sinh ra thì hơn cũng không thể hiểu như một lời quả quyết về số phận cuối cùng của Giu-đa; đây chỉ là một cách lên án tội của ông ta.
a. Đến phần chính của bữa Vượt Qua là ăn thịt chiên. Ở đây Chúa Giê-su cử hành những nghi thức cũ, cụ thể và trang trọng (nâng bánh và chén rượu mà chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa), nhưng mặc cho các động tác đó một ý nghĩa mới về bí tích Mình và Máu Người. Như thế là Người lập nền phụng tự mới.
b. Dâng lời chúc tụng, như thế nào? Có người hiểu Người chúc tụng bằng cách (hoặc chính lúc) đọc lời truyền phép tiếp theo. Chắc chắn không phải thế. Lời chúc tụng đi trước và khác với lời truyền phép. Đại khái Chúa dùng một công thức người gia trưởng thường dùng trong bữa Vượt Qua, chẳng hạn như: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, là Vua hoàn cầu, chúng con chúc tụng Chúa vì Chúa đã cho trái đất sản sinh ra cơm bánh cho chúng con. Trong lời chúc tụng này có ngầm việc tạ ơn. Thật ra, trong từ Hy-lạp cũng như Híp-ri, chúc tụng cũng có nghĩa tạ ơn. Cho nên Thánh Lễ vẫn được gọi là Lễ Tạ Ơn (Eucharistia).
c. Chữ Bẻ bánh đã thành một kiểu nói quen thuộc, chỉ việc cử hành Thánh Lễ đối với các Ki-tô hữu thời đầu (Cv 2,42).
d. Đây là máu Thầy, máu Giao Ước: công thức này của Mát-thêu, tuy không rõ bằng trong Lu-ca (22,20) và 1 Cô-rin-tô (11,25) nhưng cũng là lời công bố Giao Ước mới. Lời hứa Giao Ước mới trong Gr 31,31-34 và Ed 36,26-28 đều nói đến ơn tha tội. Máu Chúa Giê-su đổ ra cho muôn người được tha tội chính là máu thiết lập Giao Ước mới thay cho Giao Ước cũ đã được thiết lập bằng máu chiên máu bò ở núi Xi-nai. Giao Ước mới mở rộng cho muôn người nghĩa là toàn thể nhân loại.
đ. C. 29 nói về bữa ăn Vượt Qua cũ mà đây là lần cuối cùng Chúa Giê-su cử hành với môn đệ. Ta có thể thấy rõ điều ấy hơn khi đối chiếu với Lc 22,18; câu này được kể trước việc lập Thánh Thể. Đồng thời Chúa Giê-su cũng loan báo ý nghĩa cánh chung của Tiệc Thánh Thể.
e. Bữa ăn Vượt Qua được kết thúc bằng việc đọc các thánh vịnh, gọi là Ha-len (Ha-lê-lui-a), tức là Tv 113-118.
g. Lời hẹn gặp lại ở Ga-li-lê (x. 28,7) tương ứng với lời loan báo Chúa sẽ sống lại trong ba lần loan báo trước cuộc Thương Khó.
h. Ghết-sê-ma-ni có nghĩa là Bồn Ép Dầu. Có thể đó là một thửa vườn rào giậu kín, nằm ở chân núi Ô-liu, bên bờ phía đông suối Kít-ron.
i. Về việc cầu nguyện của Chúa Giê-su ở đây, Mát-thêu đặc biệt để ý tới tư thế và nội dung: Chúa Giê-su sấp mặt xuống đất, cầu nguyện ba lần với nội dung tương tự. Tất cả đều biểu lộ sự tuân phục tuyệt đối thánh ý của Cha. Nhờ Chúa Giê-su cầu nguyện như thế mà chúng ta có thể và biết cầu nguyện.
Với ba người môn đệ thân tín nhất, đã chứng kiến cuộc hiển dung của Người, Chúa Giê-su thổ lộ tâm trạng buồn sầu của Người: chết được vì buồn. Đó là số phận của người công chính đau khổ (x. Tv 31,23; 61,3; 116,3).
k. Người Do-thái có thói quen hôn chào nhau khi gặp cũng như lúc từ biệt; cái hôn của Giu-đa đối với Chúa Giê-su, xét theo phong tục, thì là một dấu tôn kính của trò đối với Thầy. Nhưng sự thật đó là một chỉ điểm.
l. ds: Về điều làm cho anh có mặt ở đây. Câu này thường được hiểu như câu hỏi Bạn đến đây làm gì?, hoặc như một lời trách Bạn làm gì thế?. Thiết tưởng phải coi đây như một câu nói tắt; một là Chúa Giê-su lật tẩy sự giả hình bôi bác của Giu-đa: bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi, đừng giả bộ chào hỏi dài dòng, hai là Chúa biết giờ lâm nạn đã đến, Người chấp nhận ý định của Cha: Thầy mong cho xong điều bạn đến để làm...
m. Theo tổ chức của Rô-ma bấy giờ, thì một đạo binh có từ bốn đến sáu ngàn lính. Mười hai đạo binh thiên thần là một kiểu nói trong văn chương của các Ráp-bi Do-thái, Chúa Giê-su dùng để chứng tỏ Người có đủ quyền lực do Cha ban cho.
n. C. 56a: có bản dịch hiểu như là lời của tác giả (x. Mc 14,49); lời Chúa nói chấm dứt ở c. 55. Trong suốt trình thuật cuộc Thương Khó, Mát-thêu luôn dùng những chi tiết thuộc về hình ảnh Người Tôi Tớ của Đức Chúa (Is 52,13–53,12) và Người Công Chính đau khổ trong Tv 22; 69. Ở đây Mát-thêu đã nói đến sự ứng nghiệm những lời chép trong sách các ngôn sứ trong toàn bộ việc này, để cho thấy ý nghĩa cứu độ trong cái chết của Chúa Giê-su: Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất chính hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa (1 Pr 3,18).
o. Theo luật, một bản án kết tội ban đêm là vô giá trị. Trường hợp Chúa Giê-su, qua Lu-ca và Gio-an, chúng ta biết được có hai lần Người phải ra trước Thượng Hội Đồng: lần thứ nhất, ban đêm, trước nguyên thượng tế Khan-na; lần thứ hai, chính thức và long trọng, xảy ra ban sáng, trước Cai-pha, thượng tế đương nhiệm. Thực tế, mọi chuyện đã được quyết định ban đêm; phiên tòa ban sáng chỉ là theo pháp lý để hợp thức hóa bản án. Vì thế, Mát-thêu chú trọng tới cuộc xuất hiện trước của Chúa Giê-su, và chỉ nhắc qua tới lần sau (27,1).
p. Gọi là xử cho có hình thức pháp luật, vì Thượng Hội Đồng đã cố tìm sẵn một chứng gian nào đó để buộc tội. Đối với Mát-thêu, đây là khởi đầu một màn kịch.
q. C. 60: là vì luật đòi phải có ít là hai chứng nhân trùng ý với nhau (Đnl 17,6; Ds 35,30) mới lên án tử hình được.
r. Chúa Giê-su không hề nói Người sẽ phá Đền Thờ. Nhưng Người báo trước Đền Thờ sẽ bị tàn phá (Mt 24) cũng như Người báo trước bản thân Người, sau khi bị tử hình thập giá, sẽ sống lại (16,21; 17,23; 20,19). Như thế nghĩa là nền phụng tự Do-thái chấm dứt với Đền Thờ, nhường chỗ cho nền phụng tự mới nơi thân xác phục sinh của Chúa Giê-su (Ga 2,19-22) và trong Hội Thánh của Người (Mt 16,18). Dầu sao, đối với Mát-thêu, lời tố cáo cũng hàm ý rằng: Chúa Giê-su có một chức vị duy nhất, như là chủ của Đền Thờ, y như Đức Chúa trong Cựu Ước vậy.
s. Chúa Giê-su im lặng gợi lên hình ảnh Người Tôi Tớ của Đức Chúa: Bị hành hạ, Người khiêm nhường không hề mở miệng... (Is 53,7).
Thượng tế lấy tư cách chính thức và lời thề long trọng buộc Chúa Giê-su phải lên tiếng. Trước câu hỏi quyết định của Thượng tế, Chúa Giê-su không giữ thinh lặng nữa. Người xác nhận một cách rất rõ ràng Người là Đấng Mê-si-a, y như đã xác nhận lời tuyên xưng của các môn đệ trước đây (16,16); nhưng Người còn khẳng định thêm: Người không phải chỉ là Đấng Mê-si-a, Con vua Đa-vít, theo nghĩa người ta vẫn hiểu, Người còn là nhân vật kỳ lạ tự trời xuống, như Đa-ni-en đã thấy trước (Đn 7,13), Người ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng như là Chúa Tể mà Tv 110 đã nói tới (x. Mt 22,41 tt). Rồi đây các ông sẽ thấy – Chúa Giê-su nhấn mạnh, để ám chỉ vinh quang Phục Sinh, và việc Hội Thánh của Người thay thế cho Ít-ra-en cũ (x. Mt 23,39; 24,30).
t. Để tỏ sự phẫn nộ và lên án một lời phạm thượng, xưa người Do-thái có thói quen xé toạc áo mình ra vài phân ngay chỗ ngực. Thượng tế kết tội phạm thượng, không phải vì Chúa Giê-su tự xưng là Mê-si-a, nhưng vì Người cho mình có địa vị Thiên Chúa.
u. Theo Lc 22,63-65 (x. Ga 18,22) thì các bộ hạ sỉ nhục Chúa Giê-su; Mát-thêu quy trách nhiệm cho hội đồng nên nói trống rồi họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người.... Ngoài ra, Mát-thêu cũng vắn gọn hơn Mác-cô ở chỗ này, vì không nói Chúa Giê-su bị bịt mắt (Mc 14,65). Dầu sao thì Mát-thêu hẳn đã nghĩ đến Is 50,6; 52,14 khi kể lại sự việc này và ngụ ý rằng Chúa Giê-su thực hiện sát chữ lời sấm về Người Tôi Tớ của Đức Chúa.
v. Mát-thêu đã nhắc tới ông Phê-rô khi Chúa Giê-su mới bị điệu vào dinh thượng tế (c. 58). Sau cuộc tra vấn đưa Chúa Giê-su đến lời chứng cao cả, Mát-thêu trở lại với ông Phê-rô để kể về chuyện ông chối Chúa; phải chăng với lối bao hàm này, Mát-thêu muốn đặt mỗi người chúng ta đối diện với Chúa Giê-su.
x. Giọng nói của người Ga-li-lê khác với người Giu-đê, nhất là trong cách họ phát âm những tiếng phải nói từ cổ họng.
y. Theo một truyền thống xa xưa, thánh Phê-rô lánh vào một cái hang gần đấy mà khóc; ngày nay mới có nhà thờ gọi là Gà Gáy (Gallicantu).