Đừng xét đoán
1 “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán,2 vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.3 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?4 Sao anh lại nói với người anh em: ‘Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn’, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh?5 Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.
Đừng quăng của thánh cho chó
6 “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.
Cứ xin thì sẽ được
7 “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho.8 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho.9 Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá?10 Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn?11 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?
Khuôn vàng thước ngọc
12 “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.
Hai con đường
13 “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó.14 Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.
Cây nào trái ấy
15 “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi.16 Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ?17 Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu.18 Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt.19 Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa.20 Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.
Môn đệ chân chính
21 “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.22 Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?’23 Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!
24 “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá.25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá.26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát.27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành.”
Cách giảng dạy của Đức Giê-su
28 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người,29 vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ.
Xh 29,33; Lv 2,10; Tb 4,7; Cn 22,9; Hc 22,5-10
Ga 16,24b; 1 Ga 3,22; 5,14-15
n. Nền đạo đức mới có thể làm cho người môn đệ tự mãn và có thái độ dạy đời đối với kẻ khác. Chúa Giê-su đề cao cảnh giác về chuyện này. Chúa không cấm nhận xét phải trái về người khác, nhưng quy tội và lên án lương tâm người ta là vi phạm lãnh vực dành riêng cho Thiên Chúa. Đàng khác, xét đoán kẻ khác như vậy, người ta dễ tự coi mình là tiêu chuẩn: ở đây ít ai không mắc chứng bệnh chủ quan. Vì thế, Chúa Giê-su dạy người môn đệ phải dè dặt.
o. Của thánh hiểu là những thịt đã được dâng cúng trong Đền thờ ngày xưa theo Luật cũ (x. Xh 22,30; Lv 22,14). Chúa muốn nói rằng không được trình bày những điều cao siêu thánh thiện cho những kẻ không đủ khả năng tiếp thu, mục đích là tôn trọng sự linh thánh và tránh không để cho người ta xúc phạm.
p. Cầu xin là một hình thức cầu nguyện. Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Thiên Chúa, là nói lên với Người như với người Cha, tâm tình người con yêu mến và tin tưởng. Cầu xin với chủ đích như thế nguyên nó đã được nhận rồi. Điều gì khác – xin cụ thể – trở thành phụ thuộc, người con sẽ để tùy ý muốn và sự quan phòng yêu thương và khôn ngoan của Cha. Như thế, biết cầu nguyện, cầu xin là hồng ân Cha ban trước cả chính điều con muốn xin.
q. Chúa Giê-su tóm tắt tất cả đạo lý đã trình bày (Luật Tân Ước) trong một nguyên tắc tổng hợp. Gọi là khuôn vàng thước ngọc bởi vì nó bao hàm tất cả những gì Thiên Chúa truyền dạy về bổn phận con người đối với tha nhân. Tưởng cũng nên biết rằng, trong Cựu Ước, sách Tô-bi-a đã đưa ra một đạo lý tương tự (Tb 4,16). Theo Tan-mút Do-thái giáo thì Ráp-bi Hin-len cũng nói Đừng làm cho người khác điều chính mình không thích. Và Đức Khổng Tử cũng có câu Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. Tuy nhiên, nét độc đáo của Chúa Giê-su ở đây, chính là đưa ra một nguyên tắc tích cực: Hãy làm cho người ta... với một nội dung phong phú hơn nhiều. Sau này, trong Bữa ăn cuối cùng, chính Chúa Giê-su đã biến nguyên tắc này thành luật điều mới, luật điều của Người (Ga 13,34-35; 15,12 tt), một đặc điểm của đạo Chúa.
r. Hình ảnh hai con đường, hai cửa cho thấy cần phải khước từ những quyến rũ bất chính của một cuộc sống dễ dãi, thụ hưởng để thực hiện khổ chế như Chúa Ki-tô đã đề ra trong Bài giảng trên núi.
Từ câu nói của Chúa Giê-su, không thể kết luận rằng số người được cứu độ chung cục là ít. Thật ra, khi nói có nhiều người đi qua đường rộng, ít kẻ bước vào lối hẹp, Chúa Giê-su chỉ nhận xét chung theo thường tình nhân loại để nói rằng, tự nhiên con người ai cũng ưa dễ dãi chứ không thích khó khăn. Muốn sống theo Chúa Ki-tô, con người phải phấn đấu với khuynh hướng tự nhiên ấy (x. Mt 11,12).
s. Trong Hội Thánh, không thiếu những con sói đội lốt chiên, những kẻ nhân danh cái tốt để dạy điều xấu. Trước những con người như thế, người môn đệ chân chính phải biết biện phân thật giả: không để mình bị khắc phục dễ dàng bởi lối ngụy biện của họ, nhưng phải nhìn vào cuộc sống của họ để xem họ có thật sự phục vụ cho chính nghĩa của Chúa Ki-tô hay không.
Dùng hình ảnh cây / trái, Chúa chỉ muốn áp dụng luật nhân / quả thôi: tương quan con người / cuộc sống cũng như tương quan cây / trái. Tất nhiên, cây lành / độc là do bản chất tự nhiên, không đổi được. Còn người ta tốt / xấu không phải do bản tính, mà do trách nhiệm của mình, và có thể đổi thay.
t. Đây là tiêu chuẩn cho người môn đệ tự xét mình. Muốn đạt hạnh phúc vĩnh viễn trong Nước Trời, không phải chỉ có một lòng tin lý thuyết mà đủ; không phải nghĩ hay, nói giỏi, ngay cả cầu nguyện bằng những công thức đầy ý nghĩa. Nhưng nhất thiết phải thi hành ý muốn của Thiên Chúa, là sống theo những điều Chúa Giê-su dạy.
Thậm chí những đặc sủng khác thường mà người môn đệ có thể được Chúa ban cho để mưu ích cho kẻ khác ở đời này cũng không bảo đảm được hạnh phúc cho người ấy trong ngày phán xét, nếu họ không đích thân thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Cung cách Chúa Giê-su trình bày tư tưởng ở đây hàm ý khá rõ Người là Thiên Chúa. Không những Người gọi Thiên Chúa là Cha Thầy, mà còn nói người ta sẽ cầu nguyện với Người, như với Thiên Chúa: Lạy Chúa! Lạy Chúa!. Tước hiệu này Thánh Kinh thường dùng để chỉ Thiên Chúa. Hơn nữa, Chúa Giê-su còn cho thấy Người sẽ xuất hiện như vị Thẩm Phán chung cục, xét xử toàn thể nhân loại (c. 23), một vai trò mà Cựu Ước, nhất là các thánh vịnh và các ngôn sứ, chỉ dành cho một mình Thiên Chúa. Sau cùng, qua phần kết của Bài Giảng Trên Núi (c. 24-27), Chúa Giê-su cho ta thấy đạo lý của Người là suối nguồn duy nhất mang lại sự sống vĩnh cửu cho con người. Điều này có nghĩa là ngoài Đức Giê-su, không ai tìm đâu ra hạnh phúc thật. Không phải là Thiên Chúa, làm sao đòi hỏi quyết liệt như vậy được?
u. Ba lý do khiến dân chúng thán phục Chúa Giê-su: 1) nội dung giáo lý tuyệt vời, sâu sắc và mới mẻ; 2) thế giá tuyệt đối của Người. Người không dựa theo bất cứ thầy tiền bối nào, mà ngay cả đối với Sách Thánh Cựu Ước, Người cũng tỏ ra có quyền giải thích chính thức: Luật xưa dạy rằng... Còn Thầy, Thầy bảo anh em...; 3) cách thức bình dân, gần gũi với người nghe. Người không ngồi tòa để giảng, nhưng giảng bất cứ ở đâu: trên núi, dưới thuyền, bên đường đi, khi ăn tiệc, v.v... và Người dùng những hình ảnh quen thuộc thường ngày, rất dễ hiểu đối với quần chúng.