Chúa Nhật. Lễ Thánh Gia Thất – 31/12/2023

THÁNH GIA CHÚA GIÊ-SU, ĐỨC MA-RI-A VÀ THÁNH GIU-SE, lễ kính

Lời Chúa – Lc 2,22-40 (hoặc Lc 2,22.39-40):

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”

Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở góa, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

Suy niệm:

Trong phòng của Đức Thánh Cha Phanxicô có tượng thánh Giu-se đang nằm ngủ. Lần đầu tiên nhìn thấy tượng này, ai cũng ngạc nhiên, vì quen thấy thánh Giu-se ở bên Chúa Giê-su hay Đức Mẹ, hay đang thức để làm một công việc gì đó. Thánh Giu-se nằm nghiêng, ngủ một mình, có vẻ ngủ say, còn mặc nguyên bộ quần áo khi đi đường. Chúng ta không thể đoán ngài ngủ ở đâu, vào dịp nào, nhưng hầu chắc ngài đang cần nghỉ ngơi để lấy lại sức. Làm cha nuôi của Đức Giê-su hẳn không dễ. Làm người bạn đường của Đức Mẹ cũng thật cam go.

Ta thường hình dung Thánh Gia như một gia đình đặc biệt, luôn đầy ắp tiếng cười, đầy ắp niềm vui, chẳng có chuyện gì trục trặc, chẳng bao giờ gợn chút sóng gió. Ta thường nghĩ vì Thánh Gia là gia đình của ba vị thánh, gần gũi với Thiên Chúa, nên dĩ nhiên là phải luôn bình an. Thật ra, nếu đọc kỹ Tin Mừng, ta sẽ có một cái nhìn khác. Đời sống của Thánh Gia khá giống với đời sống của chúng ta. Không phải vì Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, nên Thánh Gia được hưởng những đặc quyền, đặc ân. Thật ra, Thánh Gia đã sống cuộc đời vất vả, long đong, đã trải qua bao nỗi buồn vui như những gia đình khác. Vì thế, Thánh Gia mới thật là mẫu mực để chúng ta noi theo.

Xem ra, Thánh Gia không có gì phi thường ở làng Na-da-rét. Khi Đức Giê-su về giảng tại hội đường ở quê nhà, nhiều người dân làng đưa ra lời bình phẩm: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mc 6,3). Chúng ta đều biết chuyện ông Giu-se suýt chia tay Ma-ri-a, khi biết vị hôn thê của mình mang thai (Mt 1,19). Chúng ta cũng rõ chuyện Thánh Gia lúng túng ở Bê-lem. Người nghèo thường không có chỗ trọ (Lc 2,7). Khi sinh con đầu lòng, Ma-ri-a phải đặt con nằm trong máng cỏ. Hoảng hốt đem Hài nhi trốn sang Ai-cập trong đêm khuya, rồi bươn chải kiếm sống để có thể ở lại Ai-cập như một di dân: đó là những trải nghiệm kinh khủng đối với đôi vợ chồng trẻ. Người ta thường cho rằng thánh Giu-se qua đời sớm. Nếu đúng thế, thì bà quả phụ Ma-ri-a phải đảm đương thay chồng. Ngày Đức Giê-su chia tay Mẹ để lên đường làm việc của Chúa Cha, Mẹ Ma-ri-a phải sống dựa vào ai? Mẹ sống dựa vào ai sau khi Con của Mẹ về trời?

Chúng ta mong một gia đình hạnh phúc, không có nước mắt. Nhưng Thánh Gia không tránh khỏi nước mắt. Ma-ri-a có thể đã khóc khi lạc con ba ngày ở Đền thờ (Lc 2,46). Ma-ri-a có thể đã khóc khi nghe người ta nói con mình mất trí, và Mẹ đã đôn đáo cùng với thân nhân đi tìm Con (Mc 3,21). Chắc chắn Mẹ đã khóc khi đứng gần thập giá treo xác Con (Ga 19,25). Mẹ đã nói tiếng Xin Vâng trước cái chết quá trẻ của Con mình.

Mẹ Ma-ri-a có thể đặt nhiều câu hỏi “tại sao” với Thiên Chúa về những biến cố đau buồn hay mất mát trong đời mình. Trong Đền thờ, Mẹ đã dâng Con cho Thiên Chúa và rồi Mẹ chẳng còn quyền gì trên người Con này nữa. Đúng là có một lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn Mẹ (Lc 2,35).

Mẹ Ma-ri-a vui khi thấy con mình lớn lên về mọi mặt. Nước mắt Mẹ được lau khô khi Chúa phục sinh hiện ra với Mẹ. Ngày nay, Thánh Gia là gia đình nhiều người muốn noi theo, không phải vì có tam đại đồng đường hay phúc lộc thọ. Nhưng vì đó là gia đình đã trung tín theo Chúa đến cùng, bất chấp những trắc trở và khó khăn của cuộc sống.

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Lên đầu trang