Bản tính và giá trị của Lịch sử Triết học

1. Lịch sử Triết học xét như một Khoa học Lịch sử

Lịch sử triết học vừa là khoa học về lịch sử vừa là triết học; nó liên kết hai nỗ lực khác nhau. Xét như một khoa học về lịch sử, nó giúp chúng ta làm quen với kho tàng tư tưởng phong phú mà các triết gia tiền bối và đương thời để lại. Vì lý do này, nó cung cấp cho chúng ta mọi điều đã được biết đến về cuộc đời, các tác phẩm và hệ thống của họ. Khi làm như vậy, nó không chỉ họa lại những gì đã từng thực sự tồn tại, nhưng còn giúp chúng ta tiếp cận tri thức về di sản phong phú này, qua việc phát triển các khái niệm và tư tưởng đã hoặc đang thịnh hành. Điều này được thực hiện bằng cách xem xét gốc gác của cả các tác giả và tác phẩm của họ, bằng cách đặt họ và tác phẩm của mình vào mối quan hệ với các giới tư tưởng lớn hơn, bằng cách liên hệ họ với những đóng góp khác và với những dòng chảy văn hóa và tinh thần đang lan tỏa khắp các dân tộc trong nhiều thời đại khác nhau, và sau cùng, bằng cách mở ra cho chúng ta những mệnh đề cơ bản và những giả định tối hậu mà từ đó, các khái niệm, các vấn đề và giáo huấn triết học đã nảy sinh giống như từ dạ mẹ.

Nếu lịch sử triết học nỗ lực trình bày các sự việc đúng như những gì đã có trong thực tại, thì chính bởi điều đó, nó sẽ tự xác định cho mình một phương pháp chắc chắn: một mặt, sử dụng liên tục các nguồn tư liệu; và mặt khác, đòi hỏi tính khách quan, hay không thiên vị. Việc sử dụng nhiều nguồn tư liệu là một thành tựu đặc biệt của khoa học lịch sử hiện đại. Thời Cổ đại và thời Trung cổ chỉ hài lòng với những báo cáo gián tiếp đã qua một hoặc hai trung gian. Tuy nhiên, ngày nay, chúng ta không chỉ tham khảo các nguồn tư liệu, nhưng còn xác minh với sự cẩn trọng tỉ mỉ và mang tính phê bình xem liệu các tác phẩm xuất hiện dưới tên của một triết gia nào đó có thực sự phát xuất từ người ấy hay không, liệu các bản thảo của ông có được bảo tồn mà không bị giả mạo hay không, và ở thời kỳ nào trong khả năng sáng tạo của ông mà tác phẩm ấy đã được viết (phê bình bản văn và niên đại). Vì thế, lịch sử triết học là một lời dẫn nhập cho chính các tác phẩm của các triết gia. Chúng ta cố gắng khách quan trong cách trình bày lịch sử của mình bằng việc cẩn trọng tường thuật những gì đã thực sự được nói, cùng với ý nghĩa thực sự mà chúng được hiểu, và không nhìn vấn đề qua lăng kính của quan điểm chủ quan. Chẳng hạn, chúng ta có thể không đọc Plato qua một lăng kính của Học thuyết Tân Kant, hay đọc Aristotle dưới góc nhìn của một học thuyết kinh viện đang nở rộ. Không nghi ngờ gì nữa, một trạng thái tư tưởng hoàn toàn không có thiên kiến có lẽ chưa bao giờ tồn tại và hẳn sẽ không bao giờ tồn tại, bởi lẽ mọi nhà tư tưởng khoa học đều là sản phẩm của thời đại mình và cá nhân người ấy cũng không thể đùa cợt với những quy ước của thời đại. Đặc biệt, anh ta sẽ đánh giá mọi thứ được đưa vào nhãn quan của mình bằng triết lý sống, bằng những nhận định cá biệt và bằng những giả định của riêng anh ta, trong khi bản thân anh ta có lẽ không để tâm điều đó một cách có ý thức. Tuy nhiên, sự kiện này không dẫn chúng ta đến kết luận rằng mình phải từ bỏ mọi tính công bằng trong tư tưởng và mọi sự tự do khỏi thành kiến, giống như một điều không thể. Đúng hơn, chúng ta phải coi tính khách quan như một lý tưởng mà chúng ta có thể chắc chắn rằng nó không bao giờ có thể được thực hiện một cách trọn vẹn, giống như mọi lý tưởng khác. Nhưng chúng ta phải quyết tâm luôn giữ lý tưởng này trước mặt và bình tĩnh phấn đấu theo đuổi nó; trên thực tế, chúng ta nên coi việc đạt được nó như một nhiệm vụ không bao giờ kết thúc và chúng ta có thể tiếp cận gần hơn với việc hiện thực hóa nó bằng cách luôn sẵn sàng học hỏi và thảo luận về những phát hiện trong các cuộc điều tra của mình. Bất cứ ai tìm kiếm sự thật và không tiếc công theo đuổi nó chắc chắn có thể mong đợi khám phá ra nó.

2. Lịch sử Triết học xét như Triết học

Phải chăng lịch sử triết học chỉ là một lịch sử của sai lầm? Lịch sử triết học cũng là một triết học chân chính và đích thực. Nó không phải là một lịch sử của những sai lầm như một số người lầm tưởng. Hegel đã bác bỏ cách chính đáng và táo bạo đối với quan niệm về lịch sử triết học rằng nó chỉ là “một tập hợp vô tổ chức các quan điểm.” Những nhà tư tưởng sâu sắc hoàn toàn nhận thức được rằng lịch sử triết học là một cuộc tìm kiếm chân lý gian nan và đáng trân trọng. Và không chỉ là một cuộc tìm kiếm đáng trân trọng, nó còn là một cuộc tìm kiếm bền bỉ và có tính liên tục nội tại.

Hay là sự thật trong tính toàn vẹn của nó? Nhưng lịch sử như vậy cũng không phải, như Hegel, người rơi vào một sai lầm thuộc về thái cực khác, đã tuyên bố cách táo bạo: là “một hệ thống tiến hóa.” Nó không phải một bản trình bày về sự tự vén mở dần từng bước của tâm trí và sự thật mà trong đó, mọi thứ diễn ra theo cách hợp lôgic đến mức chúng ta có thể đoán trước được hình dạng của sự vật dựa vào những gì đã có từ trước, giống như trong sách giáo khoa hình học, nơi mệnh đề sau được phát triển từ mệnh đề trước, và vì thế, chân lý hình học được mở ra từng trang khiến chúng ta thích thú. Lịch sử triết học quả thực vừa là sự trưởng thành của tinh thần vừa là sự xuyên qua những bí mật của chính nó,* nhưng con đường để đạt được mục tiêu này không trực tiếp và không phải lúc nào cũng hợp lý hay được xác định một cách khách quan. Bên cạnh những cột mốc quan trọng của sự thật, còn có những khúc quanh của hiểu lầm, những con đường sai lầm và những ngã rẽ khó chịu của may rủi. Giống như lịch sử chính trị không phải lúc nào cũng là một quá trình lịch sử của những hành động tất yếu cách khách quan, nhưng là một câu chuyện mà trong đó, ý chí quyền lực của một nhà độc tài hay sự thất thường của một cô nhân tình đã vạch ra tiến trình của nó, thì may rủi cũng đóng một vai trò như thế trong lịch sử triết học, khi nó tạo ra mọi thứ phi lý bắt nguồn từ tính chủ quan và sự tự do của những cá nhân suy tư triết học. Như Fichte đã nói, mọi loại triết học do một người đề xuất đều phụ thuộc rất lớn vào việc anh ta là loại người như thế nào. Không ít vấn đề triết học có thể được chứng minh là có nguồn gốc từ những mâu thuẫn cá nhân biểu lộ trong đời sống của các triết gia hoặc từ sự tranh đua giữa các trường phái đang tồn tại khi đó. Giống như không thể tuyên bố cách táo bạo rằng lịch sử triết học là lịch sử của những sai lầm, chúng ta cũng không thể chủ trương rằng nó chính là sự thật. Một tuyên bố như vậy sẽ không đúng ngay cả khi, trong một biến thể hiện đại của quan niệm Hegel, chúng ta giải thích tính tổng thể của sự thật xét như hiện hữu triết học. Cho đến nay, triết học không tự coi mình đơn thuần là một hiện hữu chủ động, nhưng luôn có mục tiêu là khám phá những sự-thật-lý-thuyết, chứ không đơn giản là “sự thật”; và phải tiếp tục làm như vậy trong tương lai.


* Bản văn gốc tiếng Đức của nó là “Zu-sich-selbst-Finden des Geistes,” một thuật ngữ chuyên môn trong triết học Hegel và phải được giải thích một cách nghiêm ngặt. Qua việc sử dụng nó, Hegel muốn nói đến tâm trí đang thức tỉnh và hướng tới sự trưởng thành—tâm trí mà lúc đầu không biết hoặc hiểu về chính nó, nhưng sau cùng, trong quá trình trưởng thành, đã trở nên có ý thức về chính nó (Chú thích của người dịch).


Sự tự vén mở của tâm trí con người. Vấn đề hơi khác một chút khi chúng ta điều tra bản tính chính xác của những gì mà lịch sử triết học bổ sung vào triết học thực sự. Một khi vượt qua những rào cản của giới hạn cá nhân, giới hạn về thời gian và không gian, qua phương thế là tri thức có được về quan điểm của những người khác, chúng ta sẽ được giải phóng khỏi sự trói buộc của nhiều suy đoán chủ quan và ngày càng tiếp cận gần hơn với việc xem xét các chân lý sub specie aeterni (dưới diện mạo vĩnh cửu). Như Rickert đã nói, “chỉ bằng cách nghiên cứu lịch sử, chúng ta mới có thể thoát khỏi lịch sử.” Thông qua lịch sử triết học, chúng ta đi đến một phân tích phê bình có cơ sở lịch sử về lý trí con người. Các khí cụ của tinh thần con người,—các phương pháp đánh giá, các khái niệm, xu hướng của các ý niệm, các vấn đề, giả thuyết và lý thuyết—chỉ vén mở bản chất và khả năng của nó sau nhiều thế kỷ trôi qua. Lắm khi, con người vất vả vật lộn với các vấn đề trong nhiều thập kỷ, thực tế là trong nhiều thế kỷ, chỉ để cuối cùng phát hiện ra rằng, ngay từ đầu, những khái niệm cơ bản của chúng đã được đưa ra một cách sai lầm. Dựa trên nhiều kinh nghiệm thực tế như vậy, chúng ta phải luôn tính đến khả năng tồn tại của những tiền đề sai lầm đã xâm chiếm suy nghĩ của chúng ta. Các khái niệm như trạng thái nghỉ và chuyển động, tính liên tục và sự tự do tùy ý, chất thể và mô thức, nhục dục và linh đạo, thể xác và linh hồn,... ngày nay đã phát triển thành những chủ đề cho các cuộc thảo luận tinh vi nhất. Chúng ta có luôn ý thức được thực tế rằng vào buổi bình minh màu xám của thời cổ đại, những vấn đề này đã được thảo luận và phát triển lần đầu dựa trên cơ sở những tài liệu mà ngày nay không còn có thể chứng minh được những gì nó đã chứng minh vào thời đó? Tuy nhiên, những khái niệm này vẫn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu của chúng. H. Poincare từng viết:

Nói chung, chúng ta biết rằng sự xếp đặt khéo léo của các sợi cứng sẽ tạo thành bộ xương của một số loài bọt biển. Khi chất hữu cơ biến mất, tất cả những gì còn lại là một miếng gai mỏng giòn và yếu ớt. Trên thực tế, những thứ này không gì khác hơn là một loại vật liệu silic; nhưng điều thú vị nhất chính là hình thái mà vật liệu này mang lấy. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được nó nếu không biết đến khóm bọt biển sống đã in lên nó hình thái này một cách chính xác. Cũng vậy, những khái niệm trực giác cổ xưa của tổ tiên chúng ta, những thứ mà mặc dù giờ đây chúng ta đã từ bỏ, đã in dấu hình thái của chúng lên bộ khung lôgic các ý tưởng mà chúng ta đã thế vào vị trí của chúng.

Cống hiến hết mình cho lịch sử triết học, chúng ta có khả năng đi sâu tận gốc rễ của những điều liên quan đến mục đích và giá trị của những khả năng suy tư nơi chúng ta: các khái niệm đang được thanh lọc, các vấn đề được trình bày cách chính xác, con đường đi vào trọng tâm của vấn đề đang được làm sáng tỏ. Với sự tiến bộ này, lịch sử triết học tự nó trở thành một sự phê bình tri thức và do đó, cấu thành nên triết học trong ý nghĩa trọn vẹn của thuật ngữ này.

Chủ nghĩa lịch sử. Vì lý do này mà lịch sử triết học không cần phải e dè sự chỉ trích của chủ nghĩa lịch sử. Trong những thập kỷ qua, nó có thể đã mắc phải những gì mà giới học giả gọi là Trường phái Alexandria: việc tập hợp lại trong bảo tàng các mảnh tư tưởng mà ban đầu đại diện cho tri thức chứ không phải khôn ngoan, bởi lẽ một bộ sưu tập như thế đơn thuần chỉ có nghĩa là việc lấp đầy tâm trí bằng đống gạch vụn lịch sử; kết quả cho tri thức triết học có hệ thống về các vấn đề đã không được lượng giá. Tuy nhiên, nếu coi lịch sử triết học là sự tự phản tỉnh của tâm trí con người, thì mối nguy hiểm này không còn nữa và chúng ta thực sự được đưa tới diện đối diện với triết học đích thực; bởi lẽ khi đó, chúng ta có thể tiến tới giải pháp khách quan có hệ thống cho chính các vấn đề triết học. Nhưng việc bắt tay vào giải pháp như vậy mà không có nền tảng triết học mang tính lịch sử vững chắc không hiếm khi xuống cấp trở thành việc chiến đấu với cối xay gió của Don Quixote.

Triết học Công Giáo là gì?