Phụng Vụ Lời Chúa Ngày 16/08/2025


Thứ Bảy Tuần 19 Thường Niên

Thánh Têphanô nước Hungary

Bài Đọc 1Gs 24,14-29:


14 Ngày ấy, ông Giô-suê nói với dân rằng: “Bây giờ anh em hãy kính sợ Đức Chúa, hãy chân thành và trung tín phụng thờ Người. Anh em hãy vất bỏ các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả và ở Ai-cập, và hãy phụng thờ Đức Chúa.15 Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Đức Chúa, thì hôm nay anh em cứ tùy ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia Sông Cả, hoặc là các thần của người E-mô-ri mà anh em đã chiếm đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa.”

16 Dân đáp lại: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác!17 Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-cập, từ nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao đó, đã gìn giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc chúng tôi đã đi ngang qua.18 Đức Chúa đã đuổi cho khuất mắt chúng tôi mọi dân tộc cũng như người E-mô-ri ở trong xứ. Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.”

19 Ông Giô-suê nói với dân: “Anh em sẽ không thể phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa thánh thiện, Thiên Chúa ghen tương; Người sẽ không dung thứ tội phản nghịch cũng như tội lỗi của anh em đâu.20 Nếu anh em lìa bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần ngoại, Người sẽ quay lại chống anh em, giáng họa xuống anh em và tiêu diệt anh em, dù trước đây Người đã giáng phúc cho anh em.”

21 Dân nói với ông Giô-suê: “Không đâu, chúng tôi quyết phụng thờ Đức Chúa!”22 Ông Giô-suê nói với dân: “Anh em hãy cam đoan với chính mình là anh em đã chọn Đức Chúa để phụng thờ.” Họ nói: “Xin cam đoan!”23 Ông Giô-suê nói: “Bây giờ, anh em hãy vứt bỏ các thần ngoại đang ở với anh em, và hướng lòng về Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en.”24 Dân nói với ông Giô-suê: “Chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, và chúng tôi sẽ nghe lời Người.”

25 Trong ngày ấy, ông Giô-suê thay mặt dân ký kết giao ước, ông đưa ra quy luật và điều luật ở Si-khem.26 Ông Giô-suê viết những lời đó trong Sách Luật của Thiên Chúa. Ông lấy một tảng đá lớn và dựng ở đó, dưới cây sồi trong nơi thánh của Đức Chúa.27 Ông Giô-suê nói với toàn dân: “Đây, tảng đá này sẽ làm chứng về những điều chúng ta đã cam đoan, vì nó đã nghe mọi lời Đức Chúa phán với chúng ta. Nó sẽ làm chứng về những điều anh em đã cam đoan, kẻo anh em chối bỏ Thiên Chúa của anh em.”28 Ông Giô-suê giải tán dân chúng, ai nấy trở về phần đất họ đã nhận làm gia nghiệp.

29 Sau những biến cố đó, tôi trung của Đức Chúa là ông Giô-suê, con ông Nun, từ trần, thọ một trăm mười tuổi.

Tin MừngMt 19,13-15:


13 Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng.14 Nhưng Đức Giê-su nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.”15 Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.

Suy Niệm:


Bàn tay con người thật là cao quý. Trong Cựu Ước, Đức Chúa muốn ông Môsê đặt tay trên ông Giôsuê để chia sẻ cho ông này quyền lãnh đạo dân (Ds 27,18.23). Cụ Giacóp đã chúc phúc cho hai đứa cháu là Épraim và Mơnase bằng cách đưa hai tay đặt trên đầu chúng (St 48,14). Cử chỉ đặt tay trên cũng thường thấy trong Giáo Hội thuở ban đầu. Chúa Thánh Thần được trao ban qua việc đặt tay (Cv 8,17-19; 19,6). Qua đặt tay, bảy phó tế đầu tiên lãnh nhận sứ vụ (Cv 6,6). Banaba và Saolô cũng được đặt tay sai để sai đi truyền giáo (Cv 13,3).

Bàn tay Thiên Chúa là khí cụ che chở, đỡ nâng. “Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt trên con” (Tv 138,5).

Bàn tay của Đức Giêsu đóng vai trò lớn trong sứ vụ. Ngài chữa anh mù bằng cách đặt tay trên mắt anh (Mc 8,25). Ngài cũng chữa bà còng lưng theo cách tương tự (Lc 13,13). Người ta xin Ngài đặt tay để chữa một anh điếc và ngọng (Mc 7,32), thậm chí đặt tay để hoàn sinh một em gái mới chết (Mt 9,18). Trong bài Tin Mừng hôm nay, cha mẹ của các em nhỏ đã đưa các em đến với Đức Giêsu, để được Ngài đặt tay trên chúng và cầu nguyện (c. 13). Họ tin phúc lành đến với con cái họ qua cử chỉ ấy. Cuối cùng, Đức Giêsu đã đặt tay trên các em nhỏ và cầu nguyện, trước khi tiến về Giêrusalem để chịu khổ nạn (c. 15).

Nhưng các môn đệ lại bực bội và la rầy cha mẹ của các em. Có lẽ đối với họ, Thầy Giêsu còn nhiều việc lớn lao để làm hơn là mất thì giờ để chúc lành cho mấy em bé. Đức Giêsu hoàn toàn không đồng ý với thái độ coi thường này. Ngài nói thẳng: “Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng.” Đến với Thầy Giêsu là quyền lợi của mọi trẻ em, người lớn không được phép xâm phạm. Ngài đưa ra lý do khiến các môn đệ phải tôn trọng trẻ em: “vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (c. 14). Như thế, trẻ em tuy không có chỗ cao trong xã hội, nhưng lại có chỗ vững chãi trong Nước Trời. Trẻ em có chỗ vì chúng hồn nhiên sống lệ thuộc vào cha mẹ và đón nhận mọi sự từ người khác với lòng biết ơn. Những người lớn muốn vào Nước Trời phải nên giống chúng. Đây là một tiến trình khó khăn và lâu dài, vì người lớn phải quay lại, phải hoán cải để trở nên đơn sơ như trẻ thơ, phải tự hạ mình xuống, bỏ đi những tự hào, tự mãn về mình (Mt 18,3-4). Mở lòng đón lấy Nước Trời như quà tặng nhưng không. Như thế, trẻ thơ lại là mẫu mực cho các môn đệ của Thầy Giêsu. Nước Trời dành cho trẻ thơ và những ai trở nên giống chúng.

Trẻ em có chỗ trong Nước Trời và trong Giáo Hội tại thế. Các em cũng là thành viên trong cộng đoàn đức tin. Lời dạy của Đức Giêsu vẫn mãi âm vang nơi chúng ta: “Hãy để trẻ em đến với tôi, đừng ngăn cấm chúng.” Chúng ta đã làm gì để đưa các em đến với Giêsu?

Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.