Phụng Vụ Lời Chúa Ngày 17/07/2025


Thứ Năm Tuần 15 Thường Niên

Bài Đọc 1Xh 3,13-20:


13 Ngày ấy, khi nghe tiếng Đức Chúa phán từ giữa bụi cây, ông Mô-sê thưa với Người: “Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: ‘Tên Đấng ấy là gì’, thì con sẽ nói với họ làm sao?”14 Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Người phán: “Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em.”15 Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê: “Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia.”

16 “Ngươi hãy đi triệu tập các kỳ mục Ít-ra-en và nói với họ: Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, của I-xa-ác, của Gia-cóp, đã hiện ra với tôi và phán: Ta đã thật sự quan tâm đến các ngươi và cách người ta đối xử với các ngươi bên Ai-cập.17 Ta đã phán: Ta sẽ cho các ngươi thoát cảnh khổ cực bên Ai-cập mà lên miền đất người Ca-na-an, Khết, E-mô-ri, Pơ-rít-di, Khi-vi và Giơ-vút, lên miền đất tràn trề sữa và mật.18 Họ sẽ nghe tiếng ngươi; rồi ngươi sẽ đi với các kỳ mục Ít-ra-en đến cùng vua Ai-cập, các ngươi sẽ nói với vua ấy rằng: Đức Chúa, Thiên Chúa của người Híp-ri, đã cho chúng tôi được gặp Người. Giờ đây, xin cho chúng tôi đi ba ngày đường vào sa mạc để tế lễ Đức Chúa, Thiên Chúa chúng tôi.19 Ta thừa biết rằng vua Ai-cập sẽ không cho các ngươi đi, trừ phi là có một bàn tay mạnh mẽ can thiệp.20 Ta sẽ ra tay, sẽ làm mọi thứ phép lạ giữa dân Ai-cập để đánh nó, và sau đó vua ấy sẽ cho các ngươi đi.”

Tin MừngMt 11,28-30:


28 Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

Suy Niệm:


Sống làm người ở đời ai tránh được gánh nặng. Chẳng phải chỉ những người bốc vác ở cảng mới mang gánh nặng. Gánh nặng gắn liền với phận người. Có gánh nặng gia đình, gánh nặng nghề nghiệp, gánh nặng tuổi tác. Có gánh nặng buồn đau của quá khứ, gánh nặng lo âu cho tương lai. Xem ra, mỗi người đều không vác nổi gánh nặng của mình. Ai cũng thấy có lúc cần đến người khác.

Đức Giêsu nhìn thấy những người đang phải mang gánh nặng vào thời của Ngài. Đặc biệt là những kẻ phải giữ chi li hơn 600 điều luật của phái Pharisêu. Luật Chúa lẽ ra phải đem đến niềm vui hạnh phúc, thì lại trở thành “những gánh nặng chất lên vai người ta” (Mt 23,4). Đức Giêsu mời tất cả những ai đang vất vả, tất cả những ai chưa phải là môn đệ của Ngài, đến với Ngài. Ngài hứa sẽ cho họ được nghỉ ngơi trong tâm hồn (cc. 28.29). Sự nghỉ ngơi ở đây chính là sự bình an sâu xa của người được cứu độ, được hưởng các mối phúc ngay từ bây giờ và bắt đầu được sống trong ngày sabát vĩnh cửu với Thiên Chúa.

“Hãy đến với tôi; hãy mang ách của tôi; hãy học với tôi.” Lời mời của Đức Giêsu lôi kéo những ai vất vả đến với Ngài. Ngài mời họ làm môn đệ và sống theo giáo huấn của Ngài. Trong Cựu Ước, ách tượng trưng cho Luật Thiên Chúa ban cho ông Môsê. Đi theo và làm học trò Đức Giêsu không phải là không có ách. Ách của Đức Giêsu chính là lời giáo huấn của Ngài. Lời giáo huấn ấy, chúng ta đã được nghe trong Bài Giảng trên núi.

“Ách của tôi êm ái và gánh của tôi nhẹ nhàng” (c. 30). Nhiều người không hiểu tại sao Đức Giêsu lại bảo ách mình êm ái, khi mà Ngài đưa ra những đòi hỏi còn triệt để hơn, tận căn hơn những đòi hỏi của Luật được giải thích bởi ông Môsê. Thật ra, sự êm ái nhẹ nhàng không bắt nguồn từ việc được đòi hỏi ít hơn, nhưng đến từ tình yêu của tôi đối với Đức Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay có 7 chữ tôi. Cái tôi hiền hậu và khiêm nhường của Đức Giêsu thu hút tôi mến Ngài. Chính tình yêu làm cho ách và gánh của Ngài trở nên êm nhẹ. Người ta thấy nặng nề khi bị áp lực phải giữ các luật lệ bên ngoài, nhưng lại dễ làm theo sự thúc đẩy của một tình yêu bên trong. Tự do hơn và vui tươi hơn, đó là điều ta cảm thấy khi sống cho Giêsu.

Làm sao để việc giữ đạo, theo đạo, sống đạo, không trở thành một gánh nặng đè trên người Kitô hữu? Làm sao để chúng ta tự do hơn, vui tươi hơn khi đến gặp Giêsu và tìm được sự nghỉ ngơi cho tâm hồn mình?

Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.