Phụng Vụ Lời Chúa Ngày 21/07/2025


Thứ Hai Tuần 16 Thường Niên

Thánh Lawrence Brindisi, Linh Mục, Tiến Sĩ Hội Thánh

Bài Đọc 1Xh 14,5-18:


5 Khi ấy, có tin báo cho vua Ai-cập là dân đã chạy trốn rồi. Pha-ra-ô và bề tôi liền thay lòng đổi dạ với dân. Chúng nói: “Ta đã làm gì vậy? Ta đã thả cho Ít-ra-en đi, thành ra bọn chúng hết làm nô lệ cho ta!”6 Nhà vua cho thắng chiến xa và đem quân đi theo.7 Vua lấy sáu trăm chiến xa tốt nhất, và tất cả các chiến xa của Ai-cập, chiếc nào cũng có chiến binh.8 Đức Chúa làm cho lòng Pha-ra-ô vua Ai-cập ra chai đá, và vua ấy đuổi theo con cái Ít-ra-en, trong khi con cái Ít-ra-en đi ra, giơ tay đắc thắng.9 Quân Ai-cập, gồm toàn thể chiến mã, chiến xa của Pha-ra-ô, kỵ binh và quân lực của vua ấy, đuổi theo và bắt kịp họ, khi họ đóng trại bên bờ biển, gần Pi Ha-khi-rốt, đối diện với Ba-an Xơ-phôn.10 Khi Pha-ra-ô tới gần, con cái Ít-ra-en ngước mắt lên thì thấy người Ai-cập tiến đến sau lưng họ. Con cái Ít-ra-en kinh hãi, liền lớn tiếng kêu cầu Đức Chúa.11 Họ nói với ông Mô-sê: “Bên Ai-cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc? Ông làm gì chúng tôi vậy, khi ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập?12 Đó chẳng phải là điều chúng tôi từng nói với ông bên Ai-cập sao? Chúng tôi đã bảo: Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai-cập! Thà làm nô lệ Ai-cập còn hơn chết trong sa mạc!”13 Ông Mô-sê nói với dân: “Đừng sợ! Cứ đứng vững, rồi anh em sẽ thấy việc Đức Chúa làm hôm nay để cứu thoát anh em: những người Ai-cập anh em thấy hôm nay, không bao giờ anh em thấy lại nữa.14 Đức Chúa sẽ chiến đấu cho anh em. Anh em chỉ có việc ngồi yên.”

15 Đức Chúa phán với ông Mô-sê: “Có gì mà phải kêu cứu Ta? Hãy bảo con cái Ít-ra-en cứ nhổ trại.16 Phần ngươi, cầm gậy lên, giơ tay trên mặt biển, rẽ nước ra cho có lối đi khô ráo ngay giữa lòng biển, để con cái Ít-ra-en đi vào.17 Còn Ta, Ta sẽ làm cho lòng người Ai-cập ra chai đá. Chúng sẽ tiến vào theo sau các ngươi. Bấy giờ Ta sẽ được vẻ vang hiển hách khi đánh bại Pha-ra-ô cùng toàn thể quân lực, chiến xa và kỵ binh của vua ấy.18 Người Ai-cập sẽ biết rằng chính Ta là Đức Chúa, khi Ta được vẻ vang hiển hách vì đã đánh bại Pha-ra-ô cùng chiến xa và kỵ binh của vua ấy.”

Tin MừngMt 12,38-42:


38 Khi ấy, có mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ.”39 Người đáp: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na.40 Quả thật, ông Giô-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy.41 Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.42 Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.”

Suy Niệm:


Sinh trong một gia đình người Pháp giàu có, quý phái và đạo đức, anh Charles de Foucauld mất đức tin từ năm 16 tuổi. Hai năm sau, anh học ở trường sĩ quan Saint-Cyr nổi tiếng của Pháp, đã đi thám hiểm nước Morocco ở châu Phi và được huy chương vàng. Sau thời gian đó, anh đã muốn suy nghĩ về đời mình. Đời sống đạo đức của người chị em họ đánh động anh nhiều. Anh đi nhà thờ dù chẳng tin gì, chỉ thích lặp đi lặp lại lời nguyện này: “Lạy Chúa, nếu Chúa hiện hữu, thì xin làm cho con nhận biết Chúa.”

Chúa đã làm cho anh nhận biết Ngài vào một ngày cuối tháng 10-1886. Khi được người chị họ giới thiệu với cha sở Huvelin ở Paris, anh đã xin học Đạo. Nhưng cha lại bảo anh vào tòa giải tội và xưng tội. Anh ngần ngại, nhưng đã chấp nhận quỳ xuống và bất ngờ nếm được niềm vui khôn tả của người con lưu lạc trở về. Đời anh đã bắt đầu sang trang từ giây phút ấy. Chúa đưa anh trở lại không bằng những dấu lạ lùng, nhưng qua bà chị họ đạo đức, qua cha sở Huvelin nhiều kinh nghiệm. Ơn hoán cải của anh không dựa trên những dấu lạ làm anh ngất ngây, nhưng đến từ sự khiêm nhường tìm kiếm và quỳ xuống đón nhận. Chỉ ai biết quỳ xuống mới nhận ra dấu bình thường là dấu lạ.

Đức Giêsu không vui khi người Pharisêu và những người đương thời muốn thấy dấu lạ và tìm kiếm dấu lạ (cc. 38-39). Họ chờ mong một dấu lạ làm họ lóa mắt, gây ấn tượng mạnh, khiến họ không thể chối cãi và buộc họ phải tin. Tiếc rằng Đức Giêsu không bao giờ có ý muốn làm thứ dấu lạ như vậy. Ngài không làm dấu lạ để biểu diễn quyền năng của mình trước con người. Ngài chỉ làm dấu lạ để phục vụ nhu cầu con người và loan báo Nước Chúa. Dấu lạ là dấu chỉ mời gọi chứ không cưỡng bức người xem phải tin. Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ, nhưng họ vẫn không tin, vẫn đòi dấu lạ mới, và còn bảo dấu lạ của Ngài là nhờ dựa thế quỷ vương (Mt 12,24). Việc khăng khăng đòi dấu lạ cho thấy lòng họ dứt khoát từ chối Đức Giêsu. Chẳng có dấu lạ nào làm họ thay đổi được cái nhìn về Ngài.

Đức Giêsu đã từng trách các thành vùng Galilê vì họ không sám hối (Mt 11,20). Nay Ngài cũng quở trách một số người Pharisêu như vậy. Vào ngày phán xét, chính dân Ninivê và Nữ hoàng Phương Nam sẽ kết án họ, vì họ đã cứng lòng không tin Đức Giêsu (cc. 41-42).

Làm thế nào chúng ta nhận ra những dấu lạ Chúa vẫn làm cho đời ta, để ta không đòi hỏi thêm dấu lạ nào nữa, nhưng mãn nguyện với những gì mình nhận được? Làm thế nào để chúng ta hạnh phúc vì vẫn được nghe giảng bởi chính Đấng còn hơn Giôna nữa, vẫn được tiếp xúc với Đấng còn khôn ngoan hơn vua Salômôn nữa?

Cha Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J.