Thứ Hai. Ngày Thứ Hai Trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – 26/12/2022

THÁNH TÊ-PHA-NÔ, PHÓ TẾ, TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI, lễ kính

Lời Chúa – Cv 6,8-10;7,54-59:

Ông Tê-pha-nô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Ky-rê-nê và A-lê-xan-ri-a, cùng với một số người gốc Ki-li-ki-a và A-xi-a, đứng lên tranh luận với ông Tê-pha-nô. Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.

Khi nghe những lời ấy, lòng họ giận điên lên và họ nghiến răng căm thù ông Tê-pha-nô.

Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa và thấy Đức Giê-su đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Sao-lô. Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con.” Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi, ông an nghỉ.

Suy niệm:

Ngay sau lễ Giáng Sinh, Giáo Hội mừng kính lễ thánh Tê-pha-nô. Ngài đã chết như chứng nhân đầu tiên cho Chúa Giê-su. Người làm chứng đã trở thành người tử đạo. Tê-pha-nô là một phó tế đầy đức tin và Thánh Thần (Cv 6,5), đầy ân sủng và quyền năng, làm được những điềm thiêng dấu lạ (c. 8). Ông gặp sự chống đối từ một số người Do-thái gốc Hy-lạp (c. 9). Nhưng họ không địch nổi sự khôn ngoan và Thần Khí nơi ông. Ông đã bị bắt, bị đem ra xử trước Thượng Hội Đồng (c. 12). Tê-pha-nô đã giảng một bài dài về dòng lịch sử cứu độ (Cv 7). Chính bài giảng này đã khiến họ tức điên lên chống lại ông.

Khi đứng trước Thượng Hội Đồng Do-thái giáo, khuôn mặt của Tê-pha-nô giống như thiên thần (Lc 6,15). Ông nhìn lên trời, thấy trời mở ra và thấy vinh quang Thiên Chúa. Nhưng hình tượng quan trọng ông thấy là Đức Giê-su. Ngài đang đứng ở bên hữu Thiên Chúa, ở vị trí danh dự (c. 56). Ông đã tuyên xưng trước mặt mọi người điều mình vừa thấy. “Tôi thấy Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa.” Tê-pha-nô gọi Đức Giê-su là Con Người, một lối nói Đức Giê-su vẫn hay dùng để nói về bản thân. Lời tuyên xưng của ông bị coi là xúc phạm đến Thiên Chúa. Những người nghe đã xông vào, lôi ông đi và ném đá ông ở ngoài thành. Tê-pha-nô bị ném đá vì tội nói phạm thượng (cc. 57-58). Thật ra, ông đã chỉ làm chứng về Đấng Công Chính là Đức Giê-su (c. 52).

Cái chết tử đạo của Tê-pha-nô được thánh Lu-ca kể lại với những nét giống với cái chết trước đó của Đức Giê-su. Cái chết của ông là cái chết an hòa và bao dung. Như Đức Giê-su trên thập giá, ông chết khi ông đang cầu nguyện. Đức Giê-su đã kêu lên Thiên Chúa, Đấng mà Ngài âu yếm gọi là Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Khi cận kề với cái chết, Tê-pha-nô cũng cầu xin với Đấng ông vừa thấy: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con” (c. 59). Ông gọi Đức Giê-su phục sinh là Chúa và ông trao đời ông cho Ngài, như Ngài đã trao đời Ngài vào tay Cha. Như Đức Giê-su, Tê-pha-nô đã kêu một tiếng lớn trước khi chết, ông chết trong tư thế quỳ, đống đá đè trên người ông và vùi lấp ông. Ông chết trong tư thế cầu nguyện cho kẻ giết mình. “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (c. 60).

Bầu khí xử án Tê-pha-nô là bầu khí của Ba Ngôi. Có sự hiện diện của Thiên Chúa, của Chúa Giê-su và Thánh Thần. Thánh Thần giúp chúng ta làm chứng về Chúa Giê-su cho thế giới. Ơn gọi Ki-tô hữu bao giờ cũng đòi chúng ta lội ngược dòng. Ngược dòng với thế gian, với những cám dỗ đến từ chính lòng mình. Không chỉ trao linh hồn ta vào tay Chúa lúc ta gần chết, chúng ta phải trao đời ta vào mỗi buổi sáng và trong suốt hôm nay.

Cha An-tôn Nguyễn Cao Siêu S.J.

Scroll to Top